Chương 3. ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP BẢO VỆ VÀ CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG NƯỚC VÀ KHÔNG KHÍ Ở LÀNG NGHỀ TÁI CHẾ SẮT THÉP CHÂU KHÊ, THÀNH PHỐ TỪ SƠN, TỈNH BẮC NINH
3.3. Các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề tái chế sắt thép Châu Khê
3.3.4. Giải pháp về giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng, truyền thông
“ Cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội như: Mặt trận Tổ quốc, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên… trong đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động, BVMT và chăm sóc sức khỏe cho chủ cơ sở sản xuất, người lao động và cộng đồng dân cư tại các làng nghề. Đặc biệt là phát huy vai trò, trách nhiệm của Tổ tự quan về BVMT làng nghề trong việc tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện phương án BVMT làng nghề; hương ước, quy ước có nội dung BVMT; tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các thói quen mất vệ sinh, có hại cho môi trường…”. [28].
Ban hành các văn bản, chính sách hướng dẫn và khuyến khích các làng nghề xây dựng hương ước gắn với BVMT. Hương ước là những “ bộ luật riêng” của các làng ở nông thôn Việt Nam, nó là văn bản quan trọng điều chỉnh hành vi của người dân trong làng theo những quy định riêng đặc trưng cho phong tục, tập quán và nét văn hoá truyền thống của làng đó. Tận dụng sức mạnh của Hương ước, cần có những chính sách nhằm khuyến khích các làng nghề xây dựng Hương ước làng xã được cộng đồng lập ra dựa trên các quy ước truyền thống và có hướng dẫn của cơ quan quản lý môi trường.
Đưa BVMT thành một nội dung quan trọng trong các Hương ước. Các quy định Hương ước cần cụ thể, dễ hiểu và dễ thực hiện trước hết là những quy định vứt bỏ, thu gom và phân loại chất thải, về vệ sinh môi trường làng xóm…
Việc BVMT chỉ có thể thực hiện được khi mọi thành viên trong xã hội hiểu được vai trò của môi trường đối với con người và những tác hại của môi trường bị phá huỷ đối với sản xuất và đời sống con người. Vì vậy cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục môi trường cho người dân Châu Khê, nâng cao ý thức cộng đồng, ý thức BVMT làm việc và giữ gìn vệ sinh chung. Làm cho người dân nhận thức được rằng môi trường làm việc và môi trường xung quanh cần được bảo vệ trước hết vì sức khoẻ của chính những người lao động trực tiếp tại cơ sở sản xuất tái chế sắt thép.
Đài truyền hình, đài phát thanh của Thành phố tổ chức một chương trình riêng về BVMT, phát sóng vào những khung giờ thích hợp nhất trong tuần. Nội dung của chương trình tập trung vào việc tuyên truyền Luật và các văn bản dưới luật về BVMT và các quy định riêng của tỉnh, tuyên truyền về các hình phạt khi vi phạm các quy định về môi trường, phổ biến các mô hình sản xuất, các dây truyển thân thiện với môi trường, tuyên dương những điển hình tiên tiến, những cá nhân, tổ chức, những làng nghề thực hiện tốt công tác BVMT để mọi người dân học tập và noi theo, đồng thời cũng chỉ ra và cảnh báo các cơ sở đang gây ô nhiễm môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời.
Thay đổi tập quán manh mún, nhỏ lẻ, lối sản xuất thủ công sang hình thành các tổ chức sản xuất theo hướng quy mô công nghiệp nhằm tăng hiệu quả hoạt động; nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm làng nghề.
Theo ông Nguyễn Đại Đồng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thì “ Công tác tuyên truyền phải đặt lên hàng đầu, thường xuyên tổ chức truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về môi trường cho người dân, doanh nghiệp trong làng nghề.”
Giáo dục môi trường có thể được tiến hành bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó hình thức hữu hiệu nhất là dựa trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Kết hợp với việc tổ chức các lớp tập huấn về môi trường để tạo điều kiện cho các cán bộ địa phương và người dân hiểu được nội dung cơ bản của luật môi trường. Vận động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường. Từ đó họ sẽ tự giác thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về môi trường và an toàn trong lao động sản xuất. Hàng tháng lựa chọn một ngày ra quân làm sạch môi trường: biểu dương, khen thưởng kịp thời gương người tốt, việc tốt. Ngoài ra còn có thể đưa các chương trình giáo dục môi trường vào nhà trường tại địa phương thông qua hoạt động giảng dạy cho các môn học trên lớp hay tổ chức các buổi ngoại khoá, ví dụ cho các em đi tham quan thực tế, tìm hiểu một nội dung môi trường nào đó trong địa phương… Giáo dục môi trường là biện pháp lâu dài cần thường xuyên thực hiện và kết hợp đồng bộ với các giải pháp khác.
Tiểu kết chương 3
Qua nghiên cứu và đánh giá chất lượng môi trường nước và không khí tại làng nghề tái chế sắt thép Châu Khê, Thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; đồng thời phân tích các nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường, tác giả đã đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần cải thiện chất lương môi trường, giảm mức độ ô nhiễm nguồn nước và không khí tại địa phương. Các giải pháp tác giả đưa ra bao gồm cả các giải pháp chung và các giải pháp riêng. Trong đó, các giải pháp chung bao gồm giải pháp về quản lý nhà nước, giải pháp về công nghệ, giải pháp về giám sát và quan trắc, về giáo dục truyền thông. Đối với giải pháp riêng, tác giả chỉ tập trung vào nhóm giải pháp công nghệ nhằm giảm thiểu mức độ ô nhiễm nước và không khí thông qua hạn chê và xử lý nguồn nướC thải trước khi đưa ra môi trường. Các giải pháp tác giả đưa ra được dựa trên cơ sở thực tế tại làng nghề nghiên cứu và những xu hướng phổ biến hiện nay ở trong nước và một số quốc gia trên thế giới đang thực hiện. Qua đó góp phần làm tăng tư liệu tham khảo cho các cấp chính quyền và ban ngành chuyên môn để đưa ra các giải pháp cụ thể và thiết thực hơn cho vấn đề bảo vệ và cải thiện môi trường làng nghề tái chế sắt thép Châu Khê, Thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh trong thời gian tới.