Tác động của hoạt động làng nghề đến sự phát triển kinh tế, sức khoẻ người dân và môi trường sinh thái

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chất lượng môi trường không khí và nước tại làng nghề tái chế sắt thép châu khê – thành phố từ sơn tỉnh bắc ninh (Trang 34 - 39)

Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ VÀ NƯỚC TẠI LÀNG NGHỀ TÁI CHẾ SẮT THÉP CHÂU KHÊ - THÀNH PHỐ TỪ SƠN - TỈNH BẮC NINH

1.1. Cơ sở lí luận

1.1.4. Tác động của hoạt động làng nghề đến sự phát triển kinh tế, sức khoẻ người dân và môi trường sinh thái

Cùng với quá trình phục hồi và phát triển các làng nghề, số lượng làng nghề trên phạm vi cả nước tăng lên nhanh chóng. Hiện nay cả nước có khoảng 1400 làng nghề được công nhận và hơn 3000 làng có nghề. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt thiếu quy hoạch của nhiều làng nghề và sự mất cân bằng giữa nhu cầu phát triển với khả năng đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, kĩ thuật, thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý môi trường tại khu vực của các làng nghề nông thôn đã làm cho môi trường ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Bùi Cách Tuyến cho rằng nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường hiện nay là do các cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, nằm lẫn trong khu dân cư, khó khăn trong việc xây dựng hệ thống xử lí chất thải. Mặt khác đầu tư cho công tác giảm thiểu ô nhiễm môi trường còn chưa thích đáng, ý thức của một bộ phận dân cư chưa cao, trở thành mối đe dọa thường trực với môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng tại khu vực làng nghề cũng như khu vực xung quanh.

1.1.4.1. Tác động đến kinh tế - xã hội và sức khỏe người dân a. Đối với kinh tế - xã hội

- Hoạt động của các làng nghề là một trong những hướng hiệu quả trong giải quyết tình trạng thiếu việc làm hiện nay ở nước ta. Với đặc trưng cơ bản là nước nông

nghiệp, hiện Việt Nam có 65,8% lao động ở khu vực nông thôn, quỹ thời gian lao động mới đạt khoảng 65%, tỉ lệ thiếu việc làm ở nông thôn khá cao (9,0% - 2020). Việc hình thành và hoạt động của các làng nghề đã góp phần giải quyết việc làm và giảm thiểu tình trạng thiếu việc làm cho một lực lượng lớn nguồn lao động tại làng nghề và các khu vực lân cận. Theo thống kế hàng năm tại các làng nghề đã thu hút khoảng 30%

tổng số lao động của địa phương. Ngoài ra đặc thù của làng nghề là chủ yếu theo hình thức hộ gia đình, công việc giản đơn nên có thể tận dụng được nhiều đối tượng lao động khác nhau vào sản xuất như lao động nông nhàn, thời vụ hay kể cả dưới độ tuổi lao động, người già.

- Sản xuất làng nghề góp phần đa dạng hóa kinh tế nông thôn, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn mới trong thời đại công nghiệp. Các hoạt động phi nông nghiệp của làng nghề còn góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động của địa phương và cao hơn so với các hộ thuần nông. Ngoài ra làng nghề còn góp phần thúc đẩy các hoạt động dịch vụ ở nông thôn phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi nguyên vật liệu và sản phẩm của làng nghề. Đặc biệt hoạt động tham quan du lịch tại nhiều làng nghề truyền thống đã thu hút lượng khách khá lớn cho địa phương.

- Làng nghề có đóng góp quan trọng trong việc nâng cao tổng giá trị sản phẩm hàng hóa cả nước. Mặc dù đa số quy mô sản xuất của làng nghề đều nhỏ nhưng số lượng nhiều phân bố rộng khắp, loại hình sản phẩm đa dạng đang góp phần tạo ra khối lượng hàng hóa khá lớn góp phần đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao tổng giá trị sản phẩm hàng hóa chung của các địa phương và cả nước. Đồng thời là nhân tố thúc đẩy kinh tế hàng hóa nông thôn phát triển. Thực tế cho thấy địa phương có hoạt động làng nghề phát triển thì kinh tế hàng hóa cũng phát triển hơn.

- Với đặc thù là kinh doanh hộ gia đình, vốn đầu tư không lớn, hoạt động sản xuất làng nghề còn rất thuận lợi trong việc thu hút được nguồn vốn nhàn dỗi trong dân cho phát triển kinh tế, góp phần không nhỏ vào việc giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn vốn cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Thực tế cho thấy, nhờ hoạt động sản xuất làng nghề mà đời sống người dân tại địa phương được cải thiện rõ rệt, các vùng nông thôn mới được hình thành ngày càng nhiều. Theo thống kê của trung tâm thống kê tỉnh Bắc Ninh trong tổng số 62 làng nghề

trên phạm vi cả tỉnh thì có tới trên 40% số làng nghề thuộc xã nông thôn mới. Tại hầu hết các làng nghề 100% đường làng đã được bê tông hóa, tỉ lệ các trường tiểu học đạt trường chuẩn quốc gia đều cao hơn các xã không có làng nghề, xuất hiện các làng “tỷ phú” nhờ hoạt động sản xuất, kinh doanh làng nghề… [29].

- Tuy nhiên, hoạt động làng nghề cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề kinh tế- xã hội đáng quan tâm. Sự phát triển các làng nghề kéo theo sự tập trung lượng lao động lớn từ các địa phương khác tới gây khó khăn cho các vấn đề về xã hội: trật tự an ninh và các tệ nạn ngày càng gia tăng. Nhu cầu mở rộng không gian sản xuất làng nghề kéo theo việc làm giảm diện tích đất nông nghiệp, nhà ở và không gian sống khác. Hơn nữa việc phát triển làng nghề còn tạo nên sức ép lớn đến hệ thống cơ sở hạ tầng tại các địa phương đều ở mức quá tải và bị xuống cấp nghiêm trọng. Đây là những thách thức lớn cần được giải quyết để các làng nghề có thể phát triển một cách bền vững.

b. Đối với sức khỏe người dân

Với không gian sản xuất chật hẹp, cơ sở sản xuất xen lẫn khu vực nhà ở của người dân nên gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân. Do tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng diễn ra tại các làng nghề hiện nay đã làm gia tăng số người mắc bệnh đang lao động và sinh sống tại các làng nghề. Tỷ lệ này có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Qua khảo sát một số làng nghề có mức độ ô nhiễm cao, tuổi thọ trung bình của người dân giảm, thấp hơn 10 năm so với các làng không làm nghề (Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Hùng, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường- Văn phòng Quốc hội).

Khảo sát của Tổng cục Môi trường – Bộ TNMT đã cho thấy “ nguồn nước tại khu vực làng nghề (cả nước mặt và nước ngầm ) đang được sử dụng vào sinh hoạt và sản xuất đã bị nhiễm độc, nhiều chỉ số vượt QCCP gấp nhiều lần. Hàng ngày, hàng trăm nghìn tấn chất thải và hàng nghìn mét khối nước thải chưa được qua xử lý đã thải ra môi trường”. Khói từ việc đốt cháy nhiên liệu nung nóng nguyên vật liệu kèm theo các chất khí độc hại, kết hợp với bụi khí do việc vận chuyển nguyên vật liệu, tập kết sản phẩm làm cho môi trường tại các làng nghề thêm ngột ngạt. Tình trạng này làm gia tăng các bệnh về đường hô hấp, đường ruột, da liễu, phổi, ung thư. Ví dụ tại làng nghề nấu rượu Vân Hà, huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang tỉ lệ người mắc bênh ngoài ra là

68,5%, bệnh đường ruột 58,8%, bênh hô hấp là 44,4%. Hay tại các làng nghề tái chế kim loại thì tỉ lệ các bệnh về hô hấp như tức ngực, khó thở chiếm tới 65,6%, suy nhược thần kinh 71,8% [4].

Bên cạnh những vấn đề bệnh tật do ô nhiễm môi trường làng nghề, các nguy cơ tai nạn thương tích đối với người lao động tại các làng nghề cũng rất cần được quan tâm. Thực tế cho thấy, hầu hết lao động tại các làng nghề không được trang bị các dụng cụ bảo hộ lao động và phòng chống cháy nổ trong các khâu sản xuất. Những tai nạn lao động như nổ lò, điện giật, bỏng, ngã, gãy tay, vật nặng đè thường xuyên xảy ra tại các cơ sở sản xuất tại làng nghề. Thực tế đáng lo ngại này đang đặt ra vấn đề cấp bách cần có biện pháp thiết thực để hạn chế tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường làng nghề đến sức khỏe người dân.

1.1.4.2. Tác động đến môi trường sinh thái

Không thể phủ nhận rằng làng nghề đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế khá rõ rệt. Tuy nhiên, tác hại của hoạt động làng nghề đối với môi trường sinh thái thì ngày càng báo động, trở thành vấn đề nóng bóng và mối quan tâm lớn đối với các cấp, các ngành và ngay cả đối với từng hộ dân.

* Tác động đến sinh vật

Hoạt động sản xuất của các làng nghề bao gồm nhiều công đoạn từ thu gom, chuyên chở nguyên vật liệu, sản xuất rồi tập kết sản phẩm. Tất cả các khâu sản xuất này tạo ra một lượng khói bụi tương đối lớn trong không khí, tổn hại đến lớp phủ thực vật và sức khỏe người dân tại làng nghề và các khu vực lân cận. Kết quả đo đạc của Tổng cục môi trường - Bộ TNMT cho thấy, nồng độ phun sơn tại các làng nghề sơn mài gấp 5 lần mức độ cho phép, hàm lượng hạt bụi mịn, khí NO2, SO2, CO2 cũng tương tự diễn ra ở các làng nghề thu gom phế liệu, tái chế kim loại. Đáng chú ý là tại một số làng nghề, lượng khói bụi có chứa nhiều chất độc hại khiến cho các loài thực vật không thể phát triển, thậm chí bị héo úa và chết.

Việc xây dựng các cơ sở sản xuất để làm nơi chứa nguyên vật liệu, sản phẩm, nơi sản xuất cũng cần diện tích không nhỏ. Việc mở rộng và phát triển các làng nghề đã lấy mất đi một diện tích không nhỏ diện tích ao, hồ, kênh mương, diện tích đất nông nghiệp. Tại nhiều làng nghề trước kia vốn là vùng sản xuất nông nghiệp trù phú (Khu

vực Đồng bằng sông Hồng) thì hiện nay hoạt động nông nghiệp rất hạn chế hoặc hầu như không còn.

Trầm tích tác động lên các loài thủy sinh. Hàm lượng trầm tích cao có thể làm chết cá, mất nơi sinh sản, giảm khả năng truyền của ánh sáng vào nước, tác động đến chuỗi thức ăn trong tự nhiên.

* Tác động đến nguồn nước

Đây là thực tế đáng lo ngại ở các làng nghề hiện nay. Các làng nghề không những cần dùng một lượng nước lớn cho sản xuất mà còn làm giảm đi một phần không nhỏ diện tích nước mặt do việc chôn lấp hay tự do lấn chiếm để phát triển về không gian sản xuất. Đi kèm với nó là chất lượng nguồn nước (nước mặt và nước ngầm) tại đây cũng bị suy giảm nghiêm trọng do thực trạng ô nhiễm ngày càng báo động. Tại các làng nghề tái chế kim loại, hàm lượng NH4, phenol trong nước ngầm hay các kim loại nặng As, Hg và các chỉ tiêu sinh học như coliform, ecoli trong nước mặt ở ao, hồ, kênh mương, sông ngòi đều ở mức cao. Tại các làng nghề chế biến lương thực thực phẩm, lâm sản hầu hết các chất thải có hàm lượng hữu cơ rất cao, được đổ trực tiếp ra môi trường, lâu ngày phân hủy gây bốc mùi hôi thối, khó chịu. Tại các làng nghề thủ công và thủ công mỹ nghệ như dệt nhuộm, mây tre đan, sản xuất giấy, chất cặn bã, dung môi, hóa chất tồn dư trong nước thải gây ô nhiễm và độc hại nghiêm trọng. Các chất thải, khí, bụi, nước thải của làng nghề đều gần như chưa qua khâu xử lý đã xả thẳng ra môi trường làm cho nguồn nước mặt và nước ngầm bị ô nhiễm, hầu như không thể nuôi thuỷ sản, cho sinh hoạt hay sử dụng cho các hoạt động sản xuất khác.

* Tác động đến thổ nhưỡng

Việc mở rộng và phát triển sản xuất làng nghề không những làm thu hẹp diện tích đất ở khu vực I mà còn làm thay đổi cả thành phần, tính chất của đất đai, đẩy nhanh quá trình hoang hóa đất. Với khí hậu nhiệt đới nền nhiệt cao kết hợp khói bụi, nguyên vật liệu rơi vãi trên đường vận chuyển, chất thải sản xuất, sinh hoạt, nước thải theo thời gian ngấm vào đất, làm gia tăng tình trạng ô nhiễm đất, làm giảm độ phì của đất. Chưa kể tại nhiều làng nghề lâu đời, đất đai gần như không còn được dùng vào mục đích nông nghiệp, khi hoạt động sản xuất của làng nghề bị thu hẹp hoặc không còn, trong khi các hoạt động công nghiệp dịch vụ chưa phát triển thì hiện tượng đất bị bỏ hoang diễn ra là điều rất dễ hiểu.

Những thay đổi của các thành phần tự nhiên dẫn đến sự biến đổi sâu sắc cảnh quan tại các làng nghề. Điều dễ dàng nhận ra tại hầu hết các làng nghề hiện nay là cảnh quan tự nhiên gần như đã được thay thế bởi cảnh quan nhân tạo.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chất lượng môi trường không khí và nước tại làng nghề tái chế sắt thép châu khê – thành phố từ sơn tỉnh bắc ninh (Trang 34 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)