Nhóm nhân tố tự nhiên

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hiện trạng tài nguyên rừng ở tỉnh yên bái giai đoạn 2010 2020 và đề xuất giải pháp rừng bền vững (Trang 30 - 35)

Chương 2. HIỆN TRẠNG TÀI NGUYÊN RỪNG TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2010-2020

2.1. Các nhân tố có tác động đến tài nguyên rừng

2.1.1. Nhóm nhân tố tự nhiên

2.1.1.1. Nhóm nhân tố vị trí địa lí, địa chất địa hình a) Vị trí địa lí

Là tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, giữa 2 vùng Đông Bắc và Tây Bắc. Phía Bắc giáp tỉnh Lào Cai - là một tỉnh vùng biên giới có nền kinh tế phát triển tương đối năng động và Hà Giang, phía Đông giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía Tây giáp tỉnh Lai Châu và Sơn La.

Hệ toạ độ: Điểm cực bắc 22º16’B xã Tân Phượng, huyện Lục Yên; điểm cực nam 21º24’B xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn; điểm cực đông: 105 º03’Đ xã Đại Minh, huyện Yên Bình; điểm cực tây: 103 º56’Đ xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải.

Nằm trên trung điểm của một trong những tuyến hành lang kinh tế chủ lực Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi để Yên Bái tăng cường giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội… Diện tích tự nhiên của tỉnh là 6.887,5 km² với 9 huyện, thành, thị: Thành phố Yên Bái; Thị xã Nghĩa Lộ; 07 huyện:

Lục Yên; Mù Cang Chải; Trạm Tấu; Trấn Yên; Văn Chấn; Văn Yên; Yên Bình.

Vị trí địa lý có ảnh hưởng quyết định đến các đặc điểm của điều kiện thiên nhiên, tài nguyên tự nhiên của tỉnh, đặc biệt là tài nguyên. Là tỉnh có diện tích rừng lớn thứ 4 trong, tỉ lệ độ che phủ rừng của tỉnh năm 2020 đạt 63% (xếp thứ 4 toàn quốc). Tài nguyên rừng của Yên Bái có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển KT - XH của tỉnh. Nhiệm vụ duy trì diện tích rừng hiện có, bảo vệ và phát triển rừng là việc làm cần thiết, nhằm bảo tồn nguồn gen động thực vật quý.

Hình 2.1. Bản đồ hành chính tỉnh Yên Bái

b) Địa chất - địa hình. Cấu trúc địa chất của tỉnh Yên Bái được hình thành từ rất lâu đời, vào thời kỳ tiền Cambri, các đá cổ nhất đã nhô lên dọc lưu vực sông Hồng (đá phiến kết tinh hoặc biến chất phức hệ sông Hồng, đá phiến biến chất tuổi Thái Cổ và Nguyên Sinh, tồn tại trên 1.200 triệu năm) phân thành hai dải nằm giữa sông Hồng và sông Lô từ Lào Cai về Yên Bái và dọc 2 bờ sông Chảy. Thời kỳ trung sinh hình thành lớp cuội sỏi kết ở nhiều nơi trên dãy Hoàng Liên Sơn, đất đá tân sinh - bao gồm hai kỷ đệ tam và đệ tứ, có tuổi khoảng 50 triệu năm, phân bố dọc sông Hồng, sông Lô.

Hình 2.2. Bản đồ phân tầng độ cao tỉnh Yên Bái

Địa hình tỉnh Yên Bái tương đối phức tạp, là một phần tiếp giáp giữa vùng núi Đông Bắc và Tây Bắc, đồng thời là vùng chuyển tiếp từ địa hình vùng trung du Phú Thọ lên vùng cao Lào Cai. Bên cạnh đó, địa hình Yên Bái còn nằm trên hai vùng có lịch sử phát triển địa chất khác biệt hình thành nên các đa dạng địa hình khác nhau.

Địa hình của tỉnh Yên Bái có đặc điểm thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, địa hình tương đối phức tạp và chia cắt mạnh, phía đông có dãy núi đá vôi nằm giữa sông Chảy và sông Lô, ở giữa là dãy núi cổ Con Voi nằm kẹp giữa sông Hồng và sông Chảy, phía tây là dãy Hoàng Liên Sơn, Pú Luông nằm giữa sông Hồng và sông Đà. Địa hình chia thành 2 khu vực: Vùng thấp và vùng cao.

Vùng thấp độ cao dưới 600m, địa hình chủ yếu là đồi núi thấp, thung lũng bồn địa (chiếm 32,44 % diện tích tự nhiên toàn tỉnh).

Vùng cao có độ cao trung bình 600 m trở lên (chiếm 67,56% tổng diện tích).

Vùng này dân cư thưa thớt, có tiềm năng về đất đai, lâm sản, khoáng sản, có khả năng huy động vào phát triển kinh tế - xã hội.

Với đặc điểm địa hình chủ yếu là đồi núi nên tài nguyên rừng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt, sản xuất và giữ cân bằng môi trường sinh thái.

2.1.1.2. Nhóm nhân tố khí hậu - thủy văn a) Khí hậu

Khí hậu Yên Bái có tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa, trong năm có hai mùa rõ rệt: mùa hè nóng, mưa nhiều từ tháng 4 -10, mùa đông lạnh, mưa ít từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.

Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình : 21,4º-23,7º C.

Số giờ nắng trung bình: 1.221 giờ

Lượng mưa trung bình 1.500 - 2.200 mm/năm. Mưa không đều theo thời gian và giữa các khu vực địa hình

Độ ẩm: Độ ẩm trung bình >80%, thay đổi theo thời gian và không gian

Ngoài ra ở Yên Bái cũng xuất hiện kiểu thời tiết bất thường: Mưa đá, sương muối, sương mù đặc biệt ở các huyện vùng núi.

b) Thủy văn

- Hệ thống sông ngòi dày đặc gồm 101 con sông, suối chủ yếu thuộc lưu vực sông Hồng và lưu vực Sông Chảy. Chế độ thuỷ văn theo mùa rõ rệt.

+ Sông Hồng: Chảy qua địa bàn tỉnh Yên Bái có chiều dài 110km từ Lang Thíp (Văn Yên) đến Văn Phú (TP Yên Bái) theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Sông Hồng trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 48 ngòi suối là phụ lưu, một số phụ lưu chính:

Ngòi Thia, Ngòi Lâu, Ngòi Lao...

+ Sông Chảy: Chảy qua địa bàn tỉnh Yên Bái có chiều dài 95km từ xã Minh Chuẩn (Lục Yên) đến Hán Đà (Yên Bình) theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Sông Chảy trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 32 phụ lưu, vùng hạ lưu là hồ Thác Bà.

+ Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có suối Nậm Kim là chi lưu của sông Đà, diện tích lưu vực khá lớn 554km², có tiềm năng lớn về thuỷ điện.

Bên cạnh các hệ thống sông Yên Bái còn có nhiều ao hồ với diện tích lớn: Hồ Thác Bà, Đầm Vân Hội, hồ Đầm Hậu,… có tiềm năng lớn về phát triển ngành thuỷ sản và du lịch.

- Nguồn nước ngầm phong phú ở độ sâu 90-120m phục vụ chủ yếu cho hoạt động sinh hoạt. Nước khoáng nóng có hàm lượng khoáng hoá học từ 1-5g/l, phân bố từ độ sâu 20 - 200 m dưới lòng đất thuộc địa phận của huyện Văn Chấn. Nước khoáng nóng phân bố nhiều tại khu vực phía Tây của địa bàn huyện Văn Chấn Tài nguyên nước của tỉnh nói chung khá phong phú, chất lượng nước tương đối tốt, ít gây độc hại. Vì thế, có ý nghĩa vô cùng lớn đối với nền kinh tế xã hội và cuộc sống của người dân, nếu được khai thác một cách hợp lí sẽ đảm bảo đẩy đủ nguồn nước phục vụ phát triển trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, sinh hoạt cùng nhiều lĩnh vực khác.

2.1.1.3. Thổ nhưỡng

Yên Bái có tài nguyên đất khá đa dạng.

- Nhóm đất xám: có diện tích khoảng 599.370 ha chiếm 87,02% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, ở độ cao dưới 1.800m tập trung nhiều nhất ở các huyện Văn Yên, Văn Chấn, Mù Cang Chải. Nhóm đất này được hình thành chủ yếu ở địa hình đồi núi, thường có độ dốc lớn, thích hợp trồng cây lương thực ở vùng đất thấp và trồng cây công nghiệp, bảo vệ rừng ở địa hình đồi núi.

Hình 2.3. Bản đồ thổ nhưỡng tỉnh Yên Bái

- Nhóm đất phù sa có chất lượng tương đối tốt, chiếm 1,4% diện tích tự nhiên của tỉnh, phân bố ở hầu khắp các huyện, tuy nhiên tập trung chủ yếu ở các cánh đồng lớn: Nghĩa Lộ, Văn Yên, Trấn Yên… phù hợp trồng các loại cây lương thực.

- Ngoài ra còn có các nhóm đất glây, đất đen, đất đỏ, đất mùn Alit núi cao.

2.1.1.4. Hệ sinh thái

Do nằm giữa hai vùng sinh thái Đông Bắc và Tây Bắc, với nhiệt độ trung bình khoảng 22ºC - 23ºC, lớp vỏ đá vôi dày đã tạo ra lớp phủ thực vật đa dạng, phong phú.

Với diện tích có rừng tương đối rộng, rừng Yên Bái được tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI), Quỹ bảo tồn Việt Nam (VCF) ghi nhận “có tính đa dạng sinh học cao, với nhiều loại hình gồm rừng nhiệt đới, rừng thường xanh, rừng rụng lá mùa thu, rừng hỗn giao”.

Hệ thực vật phong phú: theo nghiên cứu của Quỹ bảo tồn thiên nhiên Việt Nam trên địa bàn tỉnh có “khoảng 1.479 loài thực vật bậc cao thuộc 170 họ, 715 chi trong đó có 91 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc nhóm cần thiết được bảo tồn

theo tiêu chuẩn phân loại của Sách Đỏ Việt Nam (2007), IUCN (2016) gồm: Lan Kim Tuyến, Củ rắn cắn, Pơmu, Lim, Sến, Xoan, Gù Hương... Trong khu vực rừng nguyên sinh của tỉnh có nhiều chủng loại cây lá kim (như: pơmu, thông Nga, thông tre lá rộng, sa mộc) và cây lá kim thuộc họ sồi dẻ, đỗ quyên. Ở độ cao trên 2.000 m, rừng nguyên sinh giảm dần, pơmu phát triển thành rừng nguyên sinh cao khoảng 40- 50m, đường kính thân có cây trên 1,5m. Cao hơn là các khu rừng thông xen lẫn những lớp cây thấp dần như nứa lùn, cậy họ cói, cây họ ráy, cây họ thạch nam, cây họ ráy, cây họ quế đan xen. Lùi dần về phía Tây Bắc, độ cao hạ xuống, khí hậu ấm dần tạo nên lớp vỏ thực vật rừng có điều kiện tăng trưởng. Bên cạnh những chủng loại cây gỗ quý hiếm (nghiến, lim, lát hoa, sến, pơmu), cây thuốc quý (đẳng sâm, sơn tra, đương quy, tam thất, chè), còn nhiều khu rừng trồng lâm nghiệp, dược liệu (cây cọ, măng, sam, ráy, nấm, mộc nhĩ, hồi, quế, chè). Về động vật rừng có khoảng 82 loài thú thuộc 22 họ, 7 bộ trong đó có 22 loài nguy cấp quý hiếm có giá trị bảo tồn được ghi tại Sách Đỏ Việt Nam (2007) và Danh mục Đỏ IUCN 2017; 237 loài chim thuộc 50 họ, 15 bộ, trong đó có 10 loài có giá trị bảo tồn cấp quốc gia và quốc tế; 64 loài bò sát và lưỡng cư thuộc 21 họ, 3 bộ trong đó có 20 loài có giá trị bảo tồn cấp quốc gia và quốc tế…” [25].

Các loài trên tập trung chủ yếu ở những khu rừng nguyên sinh tại các huyện có nhiều tài nguyên rừng tự nhiên: Văn Yên, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Lục Yên, Trấn Yên.

Có nhiệm vụ bảo đa dạng sinh học, điều hoà nguồn nước ngầm, khí hậu. Nên việc bảo vệ diện tích rừng hiện có, phục hồi diện tích rừng đã mất, trồng mới diện tích rừng là vấn đề phải được ưu tiên hàng đầu trong những nhiệm vụ bảo vệ môi trường của tỉnh.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hiện trạng tài nguyên rừng ở tỉnh yên bái giai đoạn 2010 2020 và đề xuất giải pháp rừng bền vững (Trang 30 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)