Chương 3. PHÂN TÍCH NGUYÊN NHÂN BIẾN ĐỘNG DIỆN TÍCH RỪNG VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP RỪNG BỀN VỮNG
3.3. Định hướng phát triển, quản lý rừng bền vững giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến 2050
3.3.3. Mục tiêu, nhiệm vụ và kết quả dự kiến
Theo mục tiêu đề ra cho ngành nông nghiêp trong quy hoạch phát triển tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 “Phát triển nhanh về quy mô sản lượng, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc sản, làng nghề, sản phẩm OCOP gắn với phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, phục vụ nhu cầu của thị trường, bảo đảm an ninh lương thực. Phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu; khai thác hiệu quả diện tích rừng trồng sẵn có, nâng cao chất lượng, giá trị rừng tự nhiên theo hướng cây gỗ lớn gắn với du lịch, dịch vụ, công nghệ chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, khai thác hợp lý tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo sinh kế bền vững trên cơ sở khai thác lợi thế, tiềm năng so sánh, thế mạnh của các vùng trong tỉnh. Phát triển nông, lâm nghiệp, thuỷ sản gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp, xuất khẩu tại chỗ thông qua quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch” [25].
Quy hoạch vùng phát triển kinh tế lâm nghiệp chủ đạo: Vùng rừng trồng gỗ nguyên liệu, rừng trồng gỗ lớn tại các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình; Vùng trồng tre măng Bát Độ tại các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình;Vùng trồng quế tại các huyện Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Lục Yên; Vùng trồng cây sơn tra tại các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu; Vùng trồng cây mắc-ca tại các huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải và các huyện khác có điều kiện phù hợp…
Trong quy hoạch cũng chỉ rõ “Quy hoạch các khu vực bảo tồn thiên nhiên, khu vực nông, lâm trường có chức năng phối hợp tạo vành đai sinh thái: Ngăn chặn phát triển đô thị, các ngành sản xuất có khả năng tác động môi trường cao. Quản lý chặt chẽ tài nguyên rừng và đa dạng sinh học, nâng cao chất lượng rừng và duy trì bền vững độ che phủ”[25]. Quản lý phát triển các khu bảo tồn: khu BTTN Nà Hẩu (huyện Văn Yên) và KBT loài và sinh cảnh Mù Cang Chải; tạo sinh kế nhằm nâng cao thu nhập người dân sinh sống trong khu vực; thành lập, kiện toàn Ban Quản lý KBT
nhằm quản lý và phát triển rừng bền vững; bảo tồn đa dạng sinh học khu đất ngập nước, khu vực cảnh quan sinh thái và cảnh quan thiên nhiên khu di tích lịch sử danh thắng quốc gia hồ Thác Bà và các khu vực đa dạng sinh học cao khác, như: Khu rừng Tân Phượng (huyện Lục Yên), khu đa dạng sinh học Trạm Tấu, khu đa dạng sinh học Khau Phạ (huyện Mù Cang Chải), gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển sinh kế bền vững trên cơ sở khai thác tiềm năng, tài nguyên thiên nhiên, thế mạnh của các địa phương trong tỉnh. Phát triển nông, lâm, thuỷ sản gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp, xuất nhập khẩu tại chỗ thông qua quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch.
3.3.3.2. Nhiệm vụ
Trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XII đã chỉ ra “Phát triển lâm nghiệp bền vững theo hướng đa mục tiêu; đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý sản xuất lâm nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, sức cạnh tranh và năng lực đáp ứng thị trường. Hình thành và phát triển các mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với lợi thế của mỗi tỉnh; hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết để phát triển thành chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp” [9].
- Quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng trồng hiện có.
- Thực hiện nghiêm quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, kế hoạch sử dụng đất;
khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng.
- Bảo tồn nguồn gen và các giá trị khác của rừng.
- Giữ ổn định tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2030 ở mức 63%.
- Trồng trên 15.000 ha/năm rừng các loại (trong đó diện tích trồng phục hồi rừng sau khai thác đạt khoảng 90-95%).
- Về khai thác: Dự kiến khai thác gỗ tiêu thụ trên 950.000 m3 gỗ/năm; khai thác gỗ tiêu thụ (nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ), bình quân 90.000 tấn tre, luồng, nứa/năm; khai thác vỏ quế bình quân 20.000 tấn/năm; khai thác măng các loại, bình quân 85.000 tấn/năm và nhiều lâm sản ngoài gỗ khác. Mỗi năm khai khác trên 10.000 ha gỗ rừng trồng và trên 5.000 tấn quả sơn tra.
- Phấn đấu đến năm 2030 có trên 40.000 ha rừng cây gỗ lớn, khoảng 90.000 ha rừng trồng trở lên được cấp chứng chỉ rừng, tỷ trọng kinh tế lâm nghiệp đạt 40% trong cơ cấu nông, lâm nghiệp và thuỷ sản.
- Công tác quản lý bảo vệ rừng: Dự kiến thực hiện giao khoán quản lý bảo vệ rừng 221,4 nghìn ha/năm. Trong đó: rừng phòng hộ 120,3 nghìn ha/năm; rừng đặc dụng 29,0 nghìn ha/năm; rừng tự nhiên sản xuất 72,1 nghìn ha/năm.
- Công tác Bảo tồn đa dạng sinh học: ban hành những văn bản hướng dẫn chỉ đạo Ban quản lý khu bảo tồn và các đơn vị liên quan và thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học theo đúng luật định.
- Chú trọng đầu tư, triển khai thực hiện có hiệu quả những chính sách khuyến khích phát triển sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị trên cơ sở. góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm lâm nghiệp, xuất khẩu bền vững thông qua quảng bá, xúc tiến sản phẩm lâm nghiệp đến với thị trường
3.3.3.3. Kết quả dự kiến
Duy trì độ che phủ rừng ở mức 63%.
Diện tích quy hoạch đất rừng phân theo mục đích sử dụng đến năm 2030:
- Rừng phòng hộ: 136.000 ha - Rừng đặc dụng: 31.226 ha - Rừng sản xuất: 316.458 ha
Duy trì, bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên hiện có: Khu BTTN Nà Hẩu, KBT loài và sinh cảnh Mù Cang Chải. Xây dựng các KBT mới: khu đa dạng sinh học Khau Phạ, Khu rừng Tân Phượng, khu đa dạng sinh học Trạm Tấu. Nâng cao hiệu quả của sản xuất lâm nghiệp