Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nuôi trồng thuỷ sản

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện vị xuyên tỉnh hà giang (Trang 25 - 29)

1.1. Cơ sở lý luận của đề tài

1.1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nuôi trồng thuỷ sản

a. Nguồn lực phục vụ sản xuất của hộ

Nguồn lao động ảnh hưởng tới hoạt động nuôi trồng thủy sản ở hai mặt vừa là lực lượng sản xuất vừa là người tiêu thụ các nông sản. Bất kể một ngành sản xuất vật chất nào cũng nhằm mục đích tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng.

Ngành nuôi trồng thuỷ sản cũng thế, muốn tạo ra các sản phẩm thuỷ sản thì phải có lực lượng sản xuất. Lực lượng sản xuất trong nuôi trồng thuỷ sản ở đây là các cá nhân, hộ gia đình làm việc trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản. Họ vừa là lực lượng sản xuất vừa là người tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản.

Đất đai để nuôi trồng thuỷ sản quyết định đến sự tồn tại và phát triển của các loài động vật thuỷ sản vì nếu tách chúng ra khỏi môi trường nước thì chúng sẽ chỉ tồn tại đựơc trong một thời gian rất ngắn. Hơn thế nữa diện tích mặt nước còn quyết định tới quy mô phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Điều đó được thể hiện ở chỗ nếu diện tích có khả năng nuôi trồng lớn thì quy mô để phát triển nuôi trồng thuỷ sản cũng lớn. Diện tích nuôi trồng thủy sản của hộ lớn hay nhỏ phụ thuộc vào diện tích mặt nước tự nhiên hoặc nhân tạo được sử dụng để nuôi trồng thuỷ sản trong thời kỳ, bao gồm diện tích ao, hồ, ruộng lúa,... kể cả hồ, đập thuỷ lợi được khoanh nuôi, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản để thu hoạch, diện tích được quây lại ở sông, hồ lớn, để nuôi trồng thuỷ sản, diện tích của các công trình phụ trợ như bờ bao, kênh dẫn nước vào, ra; các ao lắng, lọc,...

Vốn là biểu hiện bằng giá trị của tài sản bao gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, nhà kho và cơ sở hạ tầng kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản, có tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất để tạo ra tổng số đầu ra của quá trình sản xuất. Đối với phát triển nuôi trồng thủy sản, vốn là nhân tố ảnh hưởng đến việc mở rộng quy mô và nâng cao trình độ thâm canh. Nuôi trồng thủy sản là ngành sản xuất yêu cầu có vốn đầu tư ban đầu lớn. Năng suất, chất lượng sản phẩm phụ thuộc rất nhiều vào việc tổ chức quản lý sản xuất theo đúng yêu cầu của quy trình kỹ thuật. Vì vậy, đòi hỏi người nuôi phải có đủ vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư công nghệ, mua sắm trang thiết bị. Nguốn vốn được hình thành chủ yếu là vốn tự có, vốn vay các nguồn vốn chính thức và phi chính thức.

b. Trình độ kỹ thuật của người nuôi

Trình độ kỹ thuật của người nuôi có ảnh hưởng nhiều đến việc tiếp thu các thông tin kinh tế, thị trường, chính sách,... và việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến,... trong quá trình phát triển nuôi trồng thủy sản. Vai trò quan trọng của trình độ kỹ thuật của hộ còn thể hiện trên phương diện nhận thức tổ chức, quản lý sản xuất và tính quyết đoán đưa ra quyết định sản xuất của hộ nuôi trồng thủy sản trong nến kinh tế thị trường.

c. Điều kiện kinh tế của hộ

Yếu tố về mức sống và tích luỹ của hộ có ảnh hưởng đến nhu cầu về sản phẩm nuôi thủy sản và mức độ đầu tư cho sản xuất nuôi trồng thủy sản. Đây là yếu tố cần được nghiên cứu khi xây dựng các kế hoạch phát triển.

1.1.5.2. Yếu tố tiến bộ khoa học - kỹ thuật

Khoa học - kỹ thuật là chìa khóa để tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, nhờ áp dụng những tiến bộ tiến bộ khoa học - kỹ thuật mà người ta đã có thể sản xuất ra những giống thuỷ sản mới, chất lượng cao, sinh trưởng nhanh, có khả năng chống chịu với những điều kiện ngoại cảnh tốt,… Ngoài ra, còn có thể kiểm soát và phòng trừ dịch bệnh trong nuôi trồng;

bảo quản sản phẩm thủy sản sau thu hoạch, từ đó nâng cao được giá trị kinh tế của thuỷ sản.

1.1.5.3. Yếu tố thị trường

Tiêu thụ sản phẩm có một vai trò vô cùng quan trọng. Nếu thực hiện tốt công tác tiêu thụ sản phẩm không những thực hiện giá trị sản phẩm mà còn tạo uy tín cho người sản xuất, doanh nghiệp, tạo cơ sở vững chắc để củng cố vững chắc và phát triển thị trường.

Trong nuôi trồng thủy sản, thị trường tiêu thụ có vai trò quyết định cho hoạt động nuôi trồng thuỷ sản chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá ngày càng cao, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường. Thông qua thị trường mà người nuôi quyết định được quy mô nuôi; đối tượng nuôi, số lượng mà thị trường đang cần để có được lợi nhuận cao.

1.1.5.4. Năng lực của cán bộ

Cùng với điều kiện sản xuất, khả năng tiếp thu của người dân thì năng lực cán bộ là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình nuôi trồng thủy sản.

Năng lực cán bộ lãnh đạo, quản lý: là người đứng đầu ở địa phương nên phải có tầm nhìn trong chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, trong kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Khả năng, tầm nhìn của cán bộ lãnh đạo giúp cho việc quy hoạch bố trí các khu, vùng nuôi một cách logic hợp lý, xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút vốn đầu tư, quản lý,.... ảnh hưởng rất lớn đến phát triển nuôi trồng thủy sản.

Năng lực cán bộ chuyên môn - kỹ thuật: Có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nuôi trồng thủy sản. Để giúp hộ nuôi mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và năng suất thì nhất thiết phải chú trọng đến việc áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Người cán bộ kỹ thuật phải bám sát địa bàn, vùng nuôi để hỗ trợ và giúp đỡ hộ nuôi về kỹ thuật nuôi thả, giám sát dịch bệnh và quản lý môi trường nuôi. Họn còn đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động cũng như giải đáp các thắc mắc của người nuôi trong nuôi trồng thủy sản.

1.1.5.5. Cơ chế, chính sách

Cơ chế chính sách là yếu tố cực kỳ quan trọng, mặc dù nó chỉ có ảnh hưởng gián tiếp đến kết quả, hiệu quả sản xuất, nhưng cơ chế chính sách đúng sẽ tạo ra môi trường kinh tế, kinh tế - xã hội thuận lợi, là điểm tựa quan trọng trong quá trình phát triển sản xuất kinh doanh nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng.

Sự hỗ trợ của nhà nước thông qua các chính sách là điều mà tất cả các hình thức, chủ thể sản xuất kinh doanh mong muốn. Đặc biệt đối với ngành sản xuất và nuôi trồng thủy sản, người nông dân cần sự giúp đỡ rất nhiều về quy hoạch, vốn, kỹ thuật nuôi, tiêu thụ sản phẩm,... Những chính sách hỗ trợ giúp người dân yên tâm hơn, chuyên tâm đầu tư sản xuất.

1.1.5.6. Nhân tố tự nhiên

Các nhân tố tự nhiên là tiền đề cơ bản để phát triển và phân bố thuỷ sản. Mỗi loại thuỷ sản chỉ có thể sinh trưởng và phát triển trong những điều kiện tự nhiên nhất định. Các điều kiện tự nhiên quan trọng hàng đầu là đất, nước, khí hậu. Các nhân tố tự nhiên sẽ quyết định khả năng nuôi trồng các loài thuỷ sản trên từng vùng, khả năng áp dung các quy trình sản xuất, đồng thời có ảnh hưởng lớn đến năng suất và sản lượng nuôi trồng thuỷ sản.

a. Điều kiện khí hậu

Điều kiện thời tiết, khí hậu có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, nó có thể thúc đẩy hay kìm hãm sự sinh trưởng và phát triển của các loại thuỷ sản. Nếu điều kiện khí hậu bất lợi sẽ làm phát sinh dịch bệnh cho vật nuôi.

Việt Nam là một nước nằm trong vùng nhiệt đới pha trộn tính ôn đới, vì vậy mà điều kiện thời tiết, khí hậu có ảnh hưởng sâu sắc đến ngành nuôi trồng thuỷ sản.

Những tác động có lợi của điều kiện thời tiết tác động đến nuôi trồng thuỷ sản như:

Khả năng nuôi trồng thuỷ sản có thể được tiến hành quanh năm; các giống loài động thực vật thuỷ sinh rất phong phú, đa dạng và có nhiều loài có giá trị kinh tế cao.

Những diễn biến thiên nhiên như lũ lụt, hạn hán, … gây thiệt hại nghiêm trọng cho nuôi trồng thuỷ sản. Chính vì vậy ngành nuôi trồng thuỷ sản có tính bấp bênh, không ổn định.

Nhiệt độ đóng một vai trò quan trọng cho quá trình sinh trưởng của sinh vật nói chung và các loài nuôi trồng thuỷ sản nói riêng. Mỗi loài có khoảng nhiệt độ thích ứng riêng. Khả năng chống chịu của chúng nằm trong khoảng giới hạn nhất định. Sự tăng nhiệt độ có thể làm suy giảm sản lượng thuỷ sản trong các ao hồ.

Thay đổi nhiệt độ còn là điều kiện phát sinh của nhiều loài dịch bệnh xảy ra cho các loài nuôi. Nhiệt độ tăng cao làm cho sức khoẻ của các loài nuôi, môi trường nước bị xấu đi, là điều kiện thuận lợi cho các loài vi sinh vật gây hại.

Tác động của thời tiết cũng ảnh hưởng mạnh tới môi trường ao nuôi. Nếu thời tiết nắng nóng tạo điều kiện cho quá trình phân huỷ yếm khí các chất hữu cơ trong ao nuôi, đặc biệt ở đáy ao, tạo ra nhiều khí độc tích tụ ở đáy, gây ô nhiễm cho môi trường ao nuôi, ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của thuỷ sản.

b. Nguồn nước

Có thể nói, nguồn nước là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công cho phát triển nuôi trồng thuỷ sản.

Nước còn quyết định tới yếu tố giống loài thuỷ sản được nuôi trồng. Bởi vì mỗi một giống loài thuỷ sản đều có những đặc điểm sinh lý, sinh thái riêng, có một môi trường sống riêng mà không phải môi trường nước nào nó cũng tồn tại được.

Nguồn nước phục vụ nuôi trồng thuỷ sản yêu cầu về chất lượng khá nghiêm ngặt, nước không bị ô nhiễm, độ đục thấp, hàm lượng ôxi tan trong nước cao, hàm lượng chất hữu cơ trong nước thấp, hàm lượng các chất độc trong nước thấp hoặc không có (thuốc bảo vệ thực vật, H2S,…). Để sử dụng nguồn nước mặt cho nuôi trồng thuỷ sản đạt hiệu quả cao và phát triển bền vững phải chú ý giải pháp quản lý, giải pháp kỹ thuật,… làm cơ sở để hạn chế sự ô nhiễm nguồn nước mặt trên diện rộng, bảo vệ chất lượng môi trường nước.

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện vị xuyên tỉnh hà giang (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)