1.2. Cơ sở thực tiễn
1.2.2. Tình hình nuôi trồng thủy sản của Việt Nam
Thuỷ sản là ngành hàng có vị trí quan trọng trong nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đối với nước ta, thuỷ sản hiện đang cung cấp một nguồn thực phẩm quan trọng cho tiêu dùng trong nước và góp phần không nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nước nhà. Thủy sản Việt Nam phát triển với 2 đồng bằng châu thổ rộng lớn là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng nằm ở 2 miền Nam Bắc, có 12 đầm phá và nhiều vũng vịnh chạy dọc ven biển miền trung, nhiều cửa sông lớn phân bố từ bắc vào nam và có hệ thống hồ chứa phong phú. Hội tụ của nhiều hệ sinh thái đặc trưng phù hợp cho phát triển nuôi trồng thủy sản như hệ sinh thái cửa sông, rừng ngập mặn, đất ngập nước và hệ sinh thái ven biển, đảo, vũng vịnh.
Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km với 112 cửa sông, có nhiều eo biển, hồ, đầm phá ven biển có thể phát triển nuôi trồng thuỷ sản với nhiều loài thuỷ sản khác nhau (Nguyễn Thị Thảo, 2001)[14]. Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về nuôi trồng thuỷ sản với diện tích mặt nước nội địa khoảng 1 triệu ha, vùng triều khoảng 0,7 triệu ha và hệ thống đầm phá ven biển có thể phát triển nuôi trồng thuỷ sản.
Trong khi diện tích có khả năng nuôi trồng thủy sản của cả nước ước tính khoảng gần 2 triệu ha thì mới chỉ sử dụng 902.900 ha (năm 2004). Từ giữa thập kỷ 90 trở lại đây, nuôi trồng thủy sản của Việt Nam phát triển rất nhanh. Theo số liệu thống kê, sản lượng thuỷ sản nuôi đã tăng từ 172.900 tấn (1992) lên 1.150.000 tấn (2004), đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 19%/năm, cao gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng 6,3%/năm của sản lượng khai thác. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản tăng nhanh, bình quân 6,3%/năm giai đoạn 1998 - 2004, nhờ đó sản lượng thuỷ sản nuôi trồng trong
những năm qua tăng bình quân 13,6%/năm, năm 2004 tăng hơn 2,15 lần so với năm 1998. Đây là nguồn nguyên liệu chủ yếu cho chế biến và xuất khẩu.
Những năm gần đây, ngành thuỷ sản phát triển nhanh trên tất cả các mặt mở rộng diện tích, phát triển các hình thức nuôi trồng tiến bộ, thâm canh tăng năng suất, đa dạng chủng loại thuỷ sản nuôi trồng và phát triển nuôi trồng nhiều các loại thuỷ sản có giá trị kinh tế cao phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.
Trong những năm qua, nuôi trồng thủy sản ở nước ta đã có sự thay đổi về phương thức và hoạt động tổ chức sản xuất. Chuyển mạnh từ sản xuất mang tính tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa đáp ứng thị trường, từ quy mô hộ gia đình đơn lẻ sang quy mô trang trại, công ty và tổ hợp tác và chuyển từ nuôi các đối tượng truyền thống sang nuôi các đối tượng có giá trị thương mại cao. Bên cạnh đó, hậu cần dịch vụ cho NTTS ngày càng được chú trọng, đặc biệt con giống, thuốc thú y đã được nghiên cứu và áp dụng vào sản xuất có hiệu quả. Nhà máy chế biến các mặt hàng thủy sản được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều, với công nghệ áp dụng tiên tiến đã đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi và cung cấp sản phẩm thủy sản cho các thị trường trên thế giới để thu ngoại tệ cho đất nước; các mặt hàng thủy sản ngày càng được đa dạng hóa, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong và ngoài nước. Chính vì thế, trong những năm qua NTTS nước ta đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ và đóng góp ngày càng to lớn trong ngành thủy sản nói riêng và kinh tế của đất nước nói chung.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (2013) và Tổng cục Thủy sản (2014), sản lượng thủy sản của Việt Nam mặc dù trước năm 1985 có sự sa sút, yếu kém nhưng từ năm 1985 trở lại đây liên tục phát triển qua các năm. Năm 1986, tổng sản lượng thủy sản chỉ đạt 830.500 tấn; năm 1990 là 1.019.000 tấn; đến năm 2000 đa đạt 2.003.000 tấn; năm 2004 đạt 3.073.600 tấn. Trong đó khai thác hải sản đạt tương ứng là 587.000 tấn; 709.000 tấn; 1.280.000 tấn; 1.230.500 tấn và nuôi trồng thủy sản là 243.500 tấn; 310.000 tấn; 723.000 tấn; 1.150.100 tấn. Kết thúc năm 2010, sản lượng khai thác thủy sản tăng lên 2.450,8 ngàn tấn. Phát triển nuôi trồng thuỷ sản tạo nguồn hàng xuất khẩu quan trọng. Trong nhiều năm liền, ngành thuỷ sản luôn
giữ vị trí thứ 3 hoặc thứ 4 trong bảng danh sách các ngành có vị trí xuất khẩu lớn nhất đất nước. Ngành thuỷ sản là 1 trong 10 ngành có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2015 là một năm khó khăn cho ngành nông nghiệp nói chung trong đó có thủy sản, bất lợi chính từ thời tiết và thị trường. Nhưng ngành thủy sản vẫn đạt được những kết quả khả quan trên nhiều phương diện. Với tổng sản lượng thủy sản hơn 6,56 triệu tấn, trong đó, khai thác 3,03 triệu tấn, nuôi trồng 3,53 triệu tấn, diện tích nuôi trồng là 1,28 triệu ha; kim ngạch xuất khẩu khoảng 6,72 tỷ USD.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu to lớn, song nghề NTTS nước ta vẫn còn nhiều tồn tại và đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức mới như: việc phát triển tự phát không theo quy hoạch, trong khi đó cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa được đầu tư đầy đủ, đồng bộ; việc áp dụng kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất còn nhiều hạn chế do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật; phát triển theo phong trào diễn ra nhiều nơi dẫn đến tình trạng ứ đọng sản phẩm, đặc biệt vẫn còn tình trạng bị ép giá vào thời điểm thu hoạch; thị trường xuất khẩu đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, rào cản thương mại ngày càng xiết chặt, cạnh tranh rất lớn đối với các nước xuất khẩu cùng mặt hàng,…. Bên cạnh đó, trong sản xuất vẫn tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; công tác quản lý còn nhiều bất cập, chính sách thiếu về số lượng và hiệu lực thi hành chưa cao, chưa kịp thời, lực lượng cán bộ mỏng, năng lực hạn chế, trang thiết bị thiếu.
Để khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng nuôi trồng thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2013 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030, theo đó định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản theo các vùng sinh thái:
- Vùng Đồng bằng sông Hồng: Duy trì ổn định nuôi thủy sản nước ngọt ở các tỉnh nội đồng, đối tượng nuôi cá truyền thống, cá rô phi với phương thức nuôi thâm canh và bán thâm canh. Phát triển nuôi ven biển các loài thủy sản nước lợ có giá trị kinh tế cao (tôm sú, tôm chân trắng, ngao, cua xanh,...) theo phương thức thâm canh và bán thâm canh ở các vùng có điều kiện thích hợp. Trồng rong biển, nuôi các đối tượng hải sản khác theo phương thức hữu cơ (nuôi sinh thái). Phát triển nuôi các
loài cá biển, trai ngọc, tu hài, hàu tại các khu vực ven các đảo như Cô Tô, Bái Tử Long, Cát Bà, Bạch Long Vĩ.
- Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung: Khai thác tiềm năng mặt nước hồ chứa thủy lợi, thủy điện để nuôi các đối tượng cá nước ngọt truyền thống theo hình thức thâm canh, bán thâm canh. Phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ khu vực cửa sông, ven biển, đầm phá (các loài tôm sú, tôm chân trắng, tôm hùm, nhuyễn thể, cá cảnh biển, các loài hải đặc sản, rong biển...) theo phương thức thâm canh và bán thâm canh. Phát triển nuôi trồng các loài cá biển, rong biển... tại các vùng khu vực quanh các đảo, quần đảo.
- Vùng Đông Nam bộ: Khai thác tiềm năng mặt nước hồ chứa thủy lợi, thủy điện nuôi các đối tượng cá nước ngọt truyền thống (rô phi, lóc bông,...) theo hình thức thâm canh, bán thâm canh và lồng bè. Phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ khu vực cửa sông, ven biển (các loài tôm sú, tôm chân trắng, nhuyễn thể, rong biển,...) theo phương thức thâm canh, bán thâm canh. Duy trì các mô hình nuôi hữu cơ (nuôi sinh thái) vùng ven biển, rừng ngập mặn thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Phát triển nuôi cá cảnh theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch và xuất khẩu.
- Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Khai thác lợi thế hệ thống sông ngòi, bãi bồi ven sông phát triển nuôi thủy sản nước ngọt các đối tượng chủ yếu: Cá tra, tôm càng xanh, cá bản địa,... theo hình thức thâm canh, bán thâm canh. Phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ khu vực cửa sông, ven biển các loài tôm sú, tôm chân trắng, nhuyễn thể (như nghêu, sò huyết, cá chẽm, cá mú,...) theo phương thức thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến. Duy trì các mô hình nuôi hữu cơ (nuôi sinh thái) vùng ven biển, rừng ngập mặn. Phát triển các mô hình nuôi trồng hải sản trên biển và ven các đảo.
- Vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên: Phát triển nuôi các loài thủy sản truyền thống, thủy đặc sản nước ngọt, cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm...) trên các hồ chứa, ao hồ nhỏ, các vùng nước sông, suối, gắn với bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản.