Một số giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện vị xuyên tỉnh hà giang (Trang 91 - 99)

CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.4. Giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đến năm 2025

3.4.2. Một số giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang

3.4.2.1. Quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản

Điều tra cho thấy, diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện tăng nhanh chóng, trong đó xu hướng tăng diện tích NTTS theo hướng bán thâm canh, năm 2015 tổng diện tích NTTS toàn huyện là 580,7 ha, đến năm 2017 tăng lên 964,2 ha, điều này cho thấy tiềm năng phát triển thủy sản của huyện là rất lớn và tốc độ mở rộng quy mô sản xuất rất nhanh. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang và huyện Vị Xuyên có chính sách rộng mở thúc đẩy phát triển thủy sản như cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đối với đất chiêm chũng, hiệu quả canh tác xấu thành ao nuôi thủy sản, tăng thời gian đấu thầu các ao nuôi để hộ nuôi thủy sản yên tâm đầu tư sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi tập trung, hỗ trợ vốn, kỹ thuật nuôi,… như vậy, với hàng loạt chính sách khuyến khích phát triển NTTS đã thúc đẩy sản xuất phát triển, tuy nhiên, bên cạnh tác động tích cực, nó cũng có tác động tiêu cực dẫn đến tình trạng sản xuất ồ ạt, thiếu tổ chức gây ô nhiễm môi trường, khó kiểm soát, đồng thời việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp kém hiệu quả sang NTTS ồ ạt, không kiểm soát làm giảm nhanh diện tích trồng trọt, ảnh hưởng đến an ninh lương thực huyện, tỉnh.

Thực tế cho thấy các quy hoạch phát triển mô hình kinh tế nói chung và quy hoạch phát triển thủy sản nói riêng đều nhằm bảo vệ môi trường nâng cao hiệu quả kinh tế lâu dài mà không làm ảnh hưởng tới cuộc sống của cộng đồng dân cư và các lĩnh vực kinh tế khác. Điều này có nghĩa là khi đưa ra một chiến lược phát triển kinh tế nghành thủy sản thì nó kèm theo hệ quả về môi trường. Do đó, đi đôi với việc phát triển kinh tế ngành thủy sản thì việc hoạch định các chính sách về môi trường và đánh giá chất lượng về các mặt như: chất lượng môi trường nước do hoạt động nuôi trồng gây ra, chất lượng môi trường các khu chế biến bảo quản sản phẩm thủy sản và thương mại dịch vụ thủy sản. Song song với việc đánh giá chất lượng môi trường do các hoạt động sản xuất thủy sản, thì việc đánh giá tác động môi trường của mô hình sản xuất là điều cần thiết phải thực hiện và được đặt ra nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu khi muốn đưa ngành thủy sản phát triển lâu dài.

Đối với huyện Vị Xuyên việc cần phải làm ngay trong giai đoạn này là rà soát và điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy sản ở huyện đặc biệt là các xã có diện tích đất chiêm trũng lớn. Kết hợp với lập các dự án đầu tư cụ thể, gắn với quy hoạch

phát triển thủy lợi trên địa bàn, nâng cao hiệu quả đầu tư và sử dụng có hiệu quả đất mặt nước vào NTTS. Quy hoạch vùng nuôi trồng với từng khu, cụ thể: Đầm, ao nuôi, diện tích dành cho cơ sở hạ tầng như cấp thoát nước, đường điện và diện tích dành cho nuôi trồng.

Với diện tích dành cho NTTS nên quy hoạch rõ ràng và chia nhỏ các đầm nuôi truyền thống với diện tích nhỏ dưới 2ha để tạo điều kiện phát triển bán thâm canh.

Với hệ thống cấp thoát nước lên quy hoạch từng từng khu vực đảm bảo tất cả các đầm, ao nuôi trồng đều có thể chủ động lấy nước và thoát nước.

Ngoài ra, quá trình chuyển đổi thực hiện các dự án phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản cần chọn thời điểm thích hợp nhằm tránh gây thiệt hại cho nhân dân và giảm chi phí đền bù. Bên cạnh đó cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài (ít nhất 30 năm ) cho từng chủ đầm để tránh tranh chấp dễ quản lí, hỗ trợ cho dân dùng giấy tờ đó để thế chấp vay ngân hàng nếu cần thiết.

3.4.2.2. Giải pháp về thị trường tiêu thụ và liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm Hiện nay các sản phẩm thủy sản của huyện chủ yếu được các tư thương mua (55% bán cho thương lái và 35% bán cho người thu gom) và chỉ 10% trực tiếp bán cho người tiêu dùng. Sản phẩm sau khi bán cho thương lái sẽ được phân phối đến các chợ đầu mối và chợ địa phương; thương phẩm sau khi bán cho người thu gom được phân phối đến các cửa hàng(75%) và 25% bán cho các tiêu thương và cuối cùng tất cả đều đến tay người tiêu dùng. Như vậy, qua nhiều mối trung gian, giá thương phẩm đến tay người tiêu dùng đã được nâng lên nhiều bậc giá, và rất khó có thể kiểm soát được việc này. Thực tế cho thấy, chưa có đơn vị doanh nghiệp phân phối nào đứng ra nhận thu mua sản phẩm lâu dài của các hộ nuôi, mà đều do tư thương phân phối thương phẩm nên dẫn đến việc hộ nuôi bị ép giá vào vụ thu hoạch.

Khó khăn về đầu ra cho sản phẩm NTTS của nông, ngư dân không hoàn toàn do nhu cầu thị trường. Do trên thực tế, các nhà tiêu thụ nội địa thu mua với số lượng ít, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lại yêu cầu số lượng cao và phải đảm bảo về thời gian, kế hoạch cung ứng,... Trong khi đó, hiện nay phần lớn bà con đều sản xuất manh mun, phân tán, không đồng bộ về thời gian, chất lượng. Vì thế trong điều kiện hiện nay, diện tích ao nuôi nhỏ, bố trí chưa tập trung, người nuôi cần có sự liên kết để đảm bảo đáp ứng đủ sản lượng theo yêu cầu của khách hàng.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản của huyện chủ yếu trong huyện, tỉnh và một số địa phương lân cận nên phương thức tiêu thụ xác định như sau:

- Đối với những trang trại, cơ sở NTTS lớn tại các hồ chứa phải thực hiện liên kết với các đầu chợ (người bao thầu và phân phối thủy sản cho các siêu thị hoặc bán lẻ ở chợ) để tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng mùa vụ. Phương thức này thực hiện với những bạn hàng truyền thống trên cơ sở tin cậy lẫn nhau.

- Là 1 trong bốn địa phương có sản lượng thủy sản lớn của tỉnh, huyện cần có phương án quy hoạch giành quỹ đất để xây dựng một khu giao dịch và phân phối sản phẩm ngay tại vùng sản xuất để người dân không phải vận chuyển đi xa.

Phương thức tiêu thụ này mang lại lợi ích lớn cho cả người sản xuất và nhà buôn.

Người sản xuất không phải lo việc mua sắm thiết bị chuyên dụng vận chuyển, giảm thiểu rủi ro và chi phí đầu tư. Nhà buôn có lượng hàng ổn định, giảm được nhiều chi phí phát sinh nên giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng giảm đáng kể, chất lượng sản phẩm được bảo đảm.

- Đối với những vùng nuôi quy mô nhỏ, sản phẩm phục vụ chủ yếu cho người dân trên địa bàn nên sẽ gắn với các chợ quê, chợ trung tâm của vùng. Lực lượng phân phối chính là các nhà buôn chuyên nghiệp ở chợ, do đó cần có giao dịch hoặc hợp đồng trước để thống nhất giá cả, thời gian thu hoạch, sản lượng phù hợp với nhu cầu.

- Những khu vực khai thác tự nhiên, sản phẩm ngoài các loài cá được thả giống bổ sung xuống sông, hồ còn có các loài thủy sản bản địa tự nhiên rất được ưa chuộng. Số lượng người khai thác sẽ tăng lên do đó phương thức tiêu thụ sản phẩm cũng cần có bến bãi và chợ cá ven sông để các nhà phân phối thu gom sản phẩm đưa đi các vùng tiêu thụ. Ngoài ra có thể xây dựng mô hình lưu giữ cá tươi sống, mô hình chế biến thủy sản nhỏ đặc sản như cá xông khói, cá muối, tôm khô, cá ướp đá để phục vụ cho khách du lịch và các nhà hàng ở đô thị.

3.4.2.3. Giải pháp về quản lí sử dụng vốn, tư liệu sản xuất,quản lí đất NTTS

Điều tra cho thấy, mặc dù các hộ nuôi thủy sản có vốn tự có tương đối lớn (Xã Việt Lâm khoảng 68%, Trung Thành khoảng 38%, Quảng Ngần khoảng 46%) nhưng vẫn có nhu cầu vay vốn sản xuất, trong đó chủ yếu là vay ngoài (vay hàng xóm, láng giềng, chơi hội, vay tín dụng HTX…) , số hộ vay ngân hàng chiếm tỷ lệ

thấp (xã Việt Lâm 9,86%, xã Trung Thành 24,16%, xã Quảng Ngần 25,64%) do phần lớn diện tích đất NTTS của hộ là đất thuê, không có sổ đỏ nên không vay được ngân hàng. Do đó, phần lớn các hộ vay của đơn vị khác với lãi suất cao hơn gây áp lực không nhỏ trong quá trình sản xuất. Vì vậy, chính quyền địa phương cần có giải pháp tháo gỡ tình trạng này như thế chấp tài sản khác để vay, thành lập quỹ tín dụng thủy sản hỗ trợ các hộ vay tín chấp lãi suất thấp,…

Ủy ban nhân dân huyện quản lí khai thác nguồn đất công trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Có chính sách hạ điền và thời hạn đấu thầu hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời giải quyết vấn đề thiếu việc làm ở nông thôn.

Đối với các ao trong làng, diện tích đấu thầu cho mỗi hộ nên dừng lại dưới 2ha, thời hạn đấu thầu nên duy trì mức 10 năm và dài hơn nữa. Riêng đối với các đầm lớn ngoài đồng do chịu rủi ro cao và chi phí đầu tư ban đầu lớn nên thời hạn đấu thầu nên kéo dài ở mức 20 – 30 năm để các hộ yên tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư cải tạo ao nuôi cho sản xuất; đồng thời tạo điều kiện cho những hộ đã và đang thuê đất được thuê lại diện tích đất đã thuê, khuyến khích các hộ đầu tư thâm canh.

Cần tổ chức quản lý và sử dụng đất đai - mặt nước, sử dụng đầy đủ và có hiệu quả nhất quỹ diện tích đất đai. Diện tích nào cũng phải được sinh lời, cho sản phẩm và có mục đích kinh tế. Xác định và tìm hiểu nhu cầu trang thiết bị, mua sắm các tư liệu sản xuất kịp thời, từ đó sử dụng tư liệu xây dựng cho hợp lý.

Với diện tích NTTS, ban quản lý đất công cần phối hợp với cán bộ thủy sản quy hoạch hệ thống đất NTTS sao cho đảm bảo sự thông suốt giữa đất NTTSvới đất sản xuất nông nghiệp, các kênh dẫn nước phải đủ lớn để đưa nước sông vào ao sâu bên trong, cần xóa bỏ các ao nằm chắn dòng chảy lưu thông nước vì lợi ích chung của các ao khác.

Các chủ mô hình NTTS cần sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, tập trung vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao và theo nhu cầu của thị trường. Đẩy nhanh tốc độ thu chuyển của vốn lưu động, sử dụng các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chu kỳ sản xuất ngắn và có khả năng chống chịu bệnh. Từ đó có kế hoạch mua sắm kịp thời, đầy đủ nhất để tiến hành sản xuất kinh doanh tiến hành thuận lợi.

3.4.2.4. Giải pháp về khoa học – công nghệ

Khoa học công nghệ quyết định rất lớn tới hiệu quả kinh tế do đó, các ngành chức năng cần nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật mới trong xử lý môi trường, phòng trừ dịch bệnh cho con giống, chuyển giao công nghệ lưu giữ, bảo quản sau thu hoạch các loại sản phẩm nuôi trồng đó, nâng cao chất lượng sản phẩm, chế tạo các công cụ dần thay thế cho con người, đưa vào áp dụng cho sản xuất như máy sục khí, máy hút bùn. Tuy nhiên, áp dụng khoa học công nghệ cần hợp lý, phù hợp cho từng loại hình mặt nước. Cụ thể như sau:

Đối với loại hình mặt nước ao, hồ nhỏ: Nuôi bán thâm canh 1/3 diện tích, nuôi thâm canh 1/3 diện tích và 1/3 diện tích còn lại nuôi công nghiệp. Vẫn dùng phân bón là chủ yếu nhưng bón phân và cho ăn thức ăn tinh nhiều hơn để đạt năng suất 2,5 tấn/ha.

Đối với loại hình xen canh lúa, cá: Khi đầu tư cho nuôi cá thì giảm được đầu tư phân bón, công làm đất, công làm cỏ, thuốc trừ sâu cho lúa và ngược lại sau khi thu hoạch lúa sẽ để lại một lượng mùn bã hữu cơ, rơm rạ đáng kể làm thức ăn cho cá nhờ vậy năng suất cả lúa và cá đều tăng.

Đối với loại hình mặt sông: Nuôi thủy sản trên các lồng có thể nuôi đơn loài hoặc ghép loài và quy mô lồng bè được áp dụng tùy thuộc điều kiện tự nhiên vùng nuôi cho phép. Sông Lô chảy qua địa bàn huyện có lòng sông rộng và sâu, có thể chọn mô hình nuôi lồng quy mô lớn, căn cứ điều kiện tự nhiên từng đoạn sông để bố trí lồng thích hợp. Tuy nhiên khi mới phát triển sẽ gặp nhiều khó khăn về giống cỡ lớn, chưa có dịch vụ thức ăn công nghiệp, kinh nghiệm tránh lũ,...

Đối với loại hình nuôi trong các hồ chứa thủy lợi mặt nước lớn: việc phát triển NTTS là khai thác triệt để tiềm năng gắn với phát triển du lịch. Phát triển nguồn lợi tự nhiên, thả giống ra hồ mật độ thưa và quản lý bảo vệ để khai thác hoặc có thể cho cư dân ven hồ đăng ký kinh doanh khai thác nộp phí và thuế theo quy định, thả giống tái tạo trở lại nguồn lợi giúp cho dân sống ven hồ có thể sống được bằng nghề cá và có ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên, không đánh cá hủy diệt. Phát triển nuôi cá lồng trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch, tạo thêm cơ sở hạ tầng và sinh cảnh phục vụ thăm quan, cung cấp thực phẩm, sản phẩm làm quà lưu niệm.

Bên cạnh đó, qua kết quả điều tra cho thấy hiệu quả NTTS từ mô hình VAC mang lại nguồn thu lớn cho người nông dân. Thời gian tới huyện cần có chủ trương phát triển mô hình này, muốn vậy cần thực hiện các biện pháp về công nghệ nuôi trồng như sau:

- Trước khi nuôi thả, các hộ dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật cơ bản về nuôi cá ao như kỹ thuật cải tạo ao, lắp đặt hệ thống ống cấp và thoát nước, đặc điểm sinh học của từng loại cá nuôi, thức ăn và cách cho ăn, cách chăm sóc và quản lý, tỷ lệ thả ghép, cách phòng và trị một số bệnh thông thường hay xảy ra ở cá, phương pháp thu hoạch đảm bảo chất lượng cá thương phẩm…

- Chuyển giao cho người dân trên địa bàn tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc nuôi thả xen ghép ở các tầng nước khác nhau các loại cá trắm, trôi, mè, nhằm tăng năng suất, nâng hiệu suất sử dụng diện tích mặt nước ao, hồ trên địa bàn.

- Trong quá trình triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật Trạm khuyến nông cần bám sát cơ sở, trực tiếp hướng dẫn các hộ tham gia triển khai các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho cá. Đặc biệt, thường xuyên tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả, tháo gỡ khó khăn cho người dân trong quá trình nuôi cá.

3.4.2.5. Giải pháp phát triển chất lượng nguồn nhân lực

Đối với bộ máy quản lý thủy sản: cần hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý sản xuất thủy sản. Ở cấp huyện thành lập bộ máy quản lý thủy sản thuộc phòng Kinh tế hạ tầng hoặc phòng NN&PTNT. Tăng cường cán bộ kỹ thuật cho hoạt động khuyến ngư. Ở cấp xã cần bồi dưỡng cho cán bộ kỹ thuật khuyến nông xã, thôn bản có thêm nghiệp vụ chuyên môn thủy sản để họ trực tiếp hướng dẫn, phổ biến cho nông dân. Có thể kết hợp các chương trình, mô hình khuyến ngư để tập huấn kỹ thuật cho cán bộ đoàn thể, lực lượng này sẽ giúp cho việc áp dụng tiến bộ KHKT vào thực tiễn sản xuất nhanh, hiệu quả.

Đối với hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực: Để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn tới cần phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật tại địa phương, cụ thể: tuyển dụng cán bộ được đào tạo đúng chuyên ngành, có chính sách thu hút lực lượng trẻ đã được đào tạo để giảm chi phí đào tạo từ ngân sách địa phương; Tổ

chức đào tạo cán bộ kỹ thuật có trình độ trung cấp, cao đẳng cho các trại sản xuất giống, cán bộ địa phương và con em các hộ NTTS quy mô lớn;...

Đối với các hộ nuôi: Thực tế nhìn chung, trình độ kỹ thuật các hộ nuôi thủy sản còn kém (chủ yếu học cấp 2 trở xuống, khả năng áp dụng kỹ thuật vào thực tiễn kém đa số chỉ áp dụng được dưới 25% kiến thức được học), chủ yếu dựa vào kinh nghiệm chính, kỹ thuật nuôi trồng thấp, rủi ro ở một số hộ thực tế gây nhiều bất lợi, con lớn ăn con bé, khó chăm sóc và ăn lẫn nhau. Do đó, cán bộ khuyến ngư cần không ngừng nâng cao vai trò của mình trong công tác khuyến ngư, mở các lớp tập huấn phổ biến kỹ thuật nuôi trồng, nâng cao trình độ các chủ hộ. Nghiên cứu chương trình tập huấn phù hợp với nhu cầu hộ nuôi, tránh trường hợp tập huấn các kiến thức không phù hợp hoặc hộ nuôi không có nhu cầu tìm hiểu hoặc không ứng dụng được nhiều vào thực tiễn. Cách thức tổ chức tập huấn cũng cần xem xét, do khả năng nhận thức của hộ nuôi hạn chế cần tăng cường tập huấn tại chỗ, tập huấn lý thuyết gắn liền thực tế để hộ nuôi nắm bắt chính xác và áp dụng dễ dàng cho ao nuôi gia đình.

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện vị xuyên tỉnh hà giang (Trang 91 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)