1.2. Đặc điểm, phương pháp, đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp
1.2.2. Hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp
Sử dụng các nguồn tài nguyên có hiệu quả cao trong sản xuất để đảm bảo phát triển một nền nông nghiệp bền vững là xu thế tất yếu đối với các nước trên thế giới.
Sử dụng đất nông nghiệp có hiệu quả cao thông qua việc bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi là một trong những vấn đề được chú ý hiện nay của hầu hết các nước trên thế giới. Nó không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các nhà kinh doanh nông nghiệp mà
còn là sự mong muốn của nông dân, những người trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất nông nghiệp (Lục Thị Minh Huệ, 2014)
Sử dụng đất đai có hiệu quả là hệ thống các biện pháp nhằm điều hòa mối quan hệ người – đất trong tổ hợp các nguồn tài nguyên khác và môi trường. Căn cứ vào nhu cầu của thị trường, thực hiện đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trên cơ sở lựa chọn các sản phẩm có ưu thế ở từng địa phương, từ đó nghiên cứu áp dụng công nghệ mới nhằm làm cho sản phẩm có tính cạnh tranh cao, đảm bảo sự thống nhất giữa các ngành, đó là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển nền nông nghiệp hướng về xuất khẩu có tính ổn định và bền vững, đồng thời phát huy tối đa công dụng của đất nhằm đạt tới hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường cao nhất.
Các nội dung sử dụng đất có hiệu quả được thể hiện ở các mặt sau:
- Sử dụng hợp lý về không gian để hình thành hiệu quả kinh tế không gian sử dụng đất.
- Phân phối hợp lý cơ cấu đất đai trên diện tích đất được sử dụng, hình thành cơ cấu kinh tế sử dụng đất.
- Quy mô sử dụng đất cần có sự tập trung thích hợp hình thành quy mô kinh tế sử dụng đất.
- Giữ mật độ sử dụng đất thích hợp hình thành việc sử dụng đất một cách kinh tế, tập trung thâm canh. Việc sử dụng đất phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố liên quan. Vì vậy, việc xác định bản chất khái niệm hiệu quả sử dụng đất phải xuất phát từ luận điểm triết học của Mác và những nhận thức lý luận của lý thuyết hệ thống nghĩa là hiệu quả phải được xem xét trên 3 mặt: hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, hiệu quả môi trường (Nguyễn Thị Vòng và cs, 2001).
- Phải xem xét đến lợi ích trước mắt và lâu dài.
- Phải xem xét cả lợi ích riêng của người sử dụng đất và lợi ích của cả cộng đồng.
- Phải xem xét giữa hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả sử dụng các nguồn lực khác.
- Đảm bảo sự phát triển thống nhất giữa các ngành.
1.2.2.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến hiểu quả sử dụng đất nông nghiệp - Nhóm yếu tố về điều kiện tự nhiên:
Các yếu tố tự nhiên là tiền đề cơ bản nhất, là nền móng để phát triển và phân bố nông nghiệp. Mỗi một loại cây trồng, vật nuôi chỉ có thể sinh trưởng và phát triển trong những điều kiện tự nhiên nhất định nào đó, ngoài điều kiện đó cây trồng và vật nuôi sẽ không thể tồn tại hoặc kém phát triển. Các điều kiện tự nhiên quan trọng nhất là đất, nước và khí hậu. Chúng quyết định khả năng nuôi trồng các loại cây, con cụ thể trên từng điều kiện đất, nước và khí hậu khác nhau, cũng như việc áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp trong các điều kiện tự nhiên khác nhau, đồng thời có ảnh hưởng lớn đền năng suất cây trồng, vật nuôi.
Điều kiện tự nhiên (đất, nước, khí hậu, thời tiết....) là các yếu tố đầu vào có ý nghĩa quyết định, tác động trực tiếp đến quá trình sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, khả năng đầu tư trong quá trình sản xuất nông nghiệp cũng phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên.
Một trong những yếu tố hạn chế năng suất cây trồng chính là điều kiện về độ phì của đất, điều kiện nước tưới, điều kiện khí hậu.
- Nhóm các yếu tố kỹ thuật canh tác:
Biện pháp kỹ thuật canh tác là tác động của con người vào đất đai, cây trồng, vật nuôi, nhằm tạo nên sự hài hoà giữa các yếu tố của quá trình sản xuất để hình thành, phân bố và tích luỹ năng suất kinh tế. Đây là những vấn đề thể hiện sự hiểu biết về đối tượng sản xuất, về thời tiết, về điều kiện môi trường và thể hiện những dự báo thông minh của người sản xuất. Lựa chọn các tác động kỹ thuật, lựa chọn chủng loại và cách sử dụng các đầu vào phù
hợp với các quy luật tự nhiên của sinh vật nhằm đạt được các mục tiêu đề ra là cơ sở để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Theo Frank Ellis và Douglass C.North, ở các nước phát triển, khi có tác động tích cực của kỹ thuật, giống mới, thuỷ lợi, phân bón tới hiệu quả thì cũng đặt ra yêu cầu mới đối với tổ chức sử dụng đất. Có nghĩa là ứng dụng công nghệ sản xuất tiến bộ là một đảm bảo vật chất cho kinh tế nông nghiệp tăng trưởng nhanh dựa trên việc chuyển đổi sử dụng đất. Cho đến giữa thế kỷ 21, trong nông nghiệp nước ta, quy trình kỹ thuật có thể góp phần đến 30% của năng suất kinh tế. Như vậy, nhóm các biện pháp kỹ thuật đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong quá trình khai thác đất theo chiều sâu và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.
- Nhóm các yếu tố kinh tế tổ chức:
+ Công tác quy hoạch và bố trí sản xuất: Phát triển sản xuất hàng hoá phải gắn với công tác quy hoạch và phân vùng sinh thái nông nghiệp. Cơ sở để tiến hành quy hoạch dựa vào điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đặc trưng cho từng vùng. Việc phát triển sản xuất nông nghiệp phải đánh giá, phân tích thị trường tiêu thụ và gắn với quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến, kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và các thể chế pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Đó sẽ là cơ sở để phát triển sản xuất, khai thác các tiềm năng của đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp và phát triển sản xuất hàng hoá.
+ Hình thức tổ chức sản xuất: Các hình thức tổ chức sản xuất ảnh hưởng trực tiếp đến việc khai thác, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Vì vậy, cần phải thực hiện đa dạng hoá các hình thức hợp tác trong nông nghiệp, xác lập một hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp và giải quyết tốt mối quan hệ giữa sản xuất, dịch vụ và tiêu thụ nông sản hàng hoá. Tổ chức có tác động lớn đến hàng hoá của hộ nông dân là: Tổ chức dịch vụ đầu vào và đầu ra.
+ Dịch vụ kỹ thuật: Sản xuất hàng hoá của hộ nông dân không thể tách rời những tiến bộ kỹ thuật và việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ
vào sản xuất. Vì sản xuất nông nghiệp hàng hoá phát triển đòi hỏi phải không ngừng nâng cao chất lượng nông sản và hạ giá thành nông sản phẩm.
- Nhóm các yếu tố kinh tế - xã hội:
Các yếu tố kinh tế - xã hội có ảnh hưởng quan trọng tới phát triển và phân bố nông nghiệp:
+ Thị trường tiêu thụ có tác động mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp và giá cả nông sản. Cung, cầu trên thị trường có tác dụng điều tiết đối với sự hình thành và phát triển đối với các hàng hoá nông nghiệp. Ba yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp là năng suất cây trồng, hệ số quay vòng đất và thị trường cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra. Trong cơ chế thị trường, các nông hộ hoàn toàn tự do lựa chọn hàng hoá họ có khả năng sản xuất, đồng thời họ có xu hướng hợp tác, liên doanh, liên kết để sản xuất ra những nông sản hàng hoá mà nhu cầu thị trường cần với chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng. Muốn mở rộng thị trường phải phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống thông tin, dự báo, mở rộng các dịch vụ tư vấn.... Đồng thời, quy hoạch các vùng trọng điểm sản xuất hàng hoá để người sản xuất biết nên sản xuất cái gì? bán ở đâu? mua tư liệu sản xuất và áp dụng khoa học công nghệ gì? Sản phẩm hàng hoá của Việt Nam đa dạng, phong phú về chủng loại, chất lượng, giá rẻ và đang được lưu thông trên thị trường là điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá có hiệu quả.
+ Hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển nông nghiệp, đất đai, ... có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp. Hệ thống chính sách pháp luật tác động rất lớn tới sự phát triển của nông nghiệp và cách thức tổ chức, sắp xếp, cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Mỗi một sự thay đổi của chính sách, pháp luật thường tạo ra sự thay đổi lớn, sự thay đổi đó có thể thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển hoặc giới hạn, hạn chế một khuynh hướng phát triển nhằm mục đích can thiệp và phát triển theo định hướng của nhà nước.
Phát triển nông nghiệp nước ta thực sự khởi sắc sau sự kiện đổi mới của pháp luật và một loạt chính sách về đất đai bắt đầu là Nghị quyết 10 của Bộ chính trị vào tháng 4 năm 1988, người nông dân được giao đất nông nghiệp sử dụng ổn định, lâu dài, được thừa nhận như một đơn vị kinh tế và được tự chủ trong sản xuất nông nghiệp. Sự ra đời của Luật đất đai 1993, sau đó là luật sửa đổi bổ sung luật đất đai năm 1998 và năm 2001; Luật đất đai năm 2003; Nghị định 64/CP năm 1993 về giao đất nông nghiệp và Nghị định 02/CP năm 1994 về giao đất rừng và một loạt các văn bản liên quan khác đã đem lại luồng gió mới cho sản xuất nông nghiệp. Nước ta từ chỗ phải nhập khẩu lương thực nay đã có thể tự túc lương thực và trở thành một nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới.
+ Sự ổn định chính trị - xã hội và các chính sách của Nhà nước: ổn định chính trị là yếu tố then chốt để tạo nên sự khác biệt giữa Việt Nam và các nước khác trong khu vực. Đầu tư vào một nước có nền chính trị ổn định tạo tâm lý yên tâm về khả năng tìm kiếm lợi nhuận và thu hồi vốn, giúp các nhà đầu tư có thể tính toán chiến lược đầu tư lớn và dài hạn. Vai trò của ổn định chính sách cũng tương tự như vậy, môi trường cởi mở và rõ ràng thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại quốc.
1.2.2.3. Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp
a. Nguyên tắc lựa chọn chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp Việc lựa chọn các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp cần phải dựa trên những nguyên tắc cụ thể:
+ Hệ thống các chỉ tiêu phải có tính thống nhất, toàn diện và tính hệ thống. Các chỉ tiêu phải có mối quan hệ hữu cơ với nhau, phải đảm bảo tính so sánh có thang bậc.
+ Để đánh giá chính xác, toàn diện cần phải xác định các chỉ tiêu cơ bản biểu hiện hiệu quả một cách khách quan, chân thật và đúng đắn theo quan điểm và tiêu chuẩn đã chọn, các chỉ tiêu bổ sung để hiệu chỉnh chỉ tiêu cơ bản
làm cho nội dung kinh tế biểu hiện đầy đủ hơn, cụ thể hơn.
+ Các chỉ tiêu phải phù hợp với đặc điểm và trình độ phát triển nông nghiệp ở nước ta, đồng thời có khả năng so sánh quốc tế trong quan hệ đối ngoại, nhất là những sản phẩm có khả năng hướng tới xuất khẩu.
+ Hệ thống các chỉ tiêu phải đảm bảo tính thực tiễn, tính khoa học và phải có tác dụng kích thích sản xuất phát triển.
b. Hệ thống các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp
* Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế
+ Hiệu quả kinh tế tính trên 1 ha đất nông nghiệp
- Giá trị sản xuất (GTSX): Là toàn bộ giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ được tạo ra trong 1 kỳ nhất định (thường là một năm).
- Chi phí trung gian (CPTG): Là toàn bộ các khoản chi phí vật chất thường xuyên bằng tiền mà chủ thể bỏ ra để thuê và mua các yếu tố đầu vào và dịch vụ sử dụng trong quá trình sản xuất.
- Thu nhập hỗn hợp (TNHH): là hiệu số giữa giá trị sản xuất và chi phí trung gian, là giá trị sản phẩm xã hội tạo ra thêm trong thời kỳ sản xuất đó.
TNHH = GTSX - CPTG
+ Hiệu quả kinh tế tính trên 1 đồng chi phí trung gian (GTSX/CPTG, GTGT/CPTG): Đây là chỉ tiêu tương đối của hiệu quả, nó chỉ ra hiệu quả sử dụng các chi phí biến đổi và thu dịch vụ.
+ Hiệu quả kinh tế trên ngày công lao động quy đổi, gồm có (GTSX/LĐ, GTGT/LĐ). Thực chất là đánh giá kết quả đầu tư lao động sống cho từng kiểu sử dụng đất và từng cây trồng làm cơ sở để so sánh với chi phí cơ hội của người lao động.
* Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả xã hội
Hiệu quả xã hội được phân tích bởi các chỉ tiêu sau:
+ Đảm bảo an toàn lương thực, gia tăng lợi ích của người nông dân;
+ Đáp ứng mục tiêu chiến lược phát triển của vùng;
+ Thu hút nhiều lao động, giải quyết công ăn việc làm cho nông dân;
+ Góp phần định canh định cư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.
* Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả môi trường
Theo Đỗ Nguyên Hải (Đỗ Nguyên Hải, 1999), chỉ tiêu đánh giá chất lượng môi trường trong quản lý sử dụng đất bền vững ở vùng nông nghiệp được tưới là:
+ Quản lý đối với đất đai rừng đầu nguồn;
+ Đánh giá các tài nguyên nước bền vững;
+ Đánh giá quản lý đất đai;
+ Đánh giá hệ thống cây trồng;
+ Đánh giá về tính bền vững đối với việc duy trì độ phì nhiêu của đất và bảo vệ cây trồng;
+ Đánh giá về quản lý và bảo vệ tự nhiên;
+ Sự thích hợp của môi trường đất khi thay đổi kiểu sử dụng đất.
Việc xác định hiệu quả về mặt môi trường của quá trình sử dụng đất nông nghiệp là rất phức tạp, rất khó định lượng, nó đòi hỏi phải được nghiên cứu, phân tích trong thời gian dài. Vì vậy, đề tài nghiên cứu của chúng tôi chỉ dừng lại ở việc đánh giá hiệu quả môi trường thông qua kết quả điều tra về việc đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhận xét của nông dân đối với các loại hình sử dụng đất hiện tại.