Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. Điều kiện tự nhiên, tài nguyên, cảnh quan môi trường
3.1.1. Điều kiện tự nhiên
*.Vị trí địa lý.
Huyện Hóc Môn và Quận 12 ngày nay là đơn vị hành chính cấp huyện được tách từ huyện Hóc Môn trước đây. Hóc Môn hiện nay có vị trí nằm về phía Tây Bắc Thành phố Hồ Chí Minh, gồm 12 đơn vị hành chính, trong đó có 11 xã và 1 thị trấn, có 83 ấp - khu phố tổng diện tích tự nhiên là 109,43 Km2 chiếm 5,21% so với diện tích toàn Thành phố; dân số 357.579 người. Có ranh giới tiếp giáp như sau:
+ Phía Bắc giáp huyện Củ Chi + Phía Nam giáp quận 12.
+ Phía Tây giáp huyện Bình Chánh.
+ Phía Đông giáp tỉnh Bình Dương.
Với vị trí là cửa ngõ vào nội thành Thành phố Hồ Chí Minh, nối liền với các trục đường giao thông quan trọng, như đường quốc gia 1A, từ Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đến các tỉnh thuộc vùng kinh tế trong điểm phía Nam và miền Đông Nam Bộ; đường Xuyên Á - QL22 liên quốc gia từ Campuchia qua Tây Ninh vào TP.HCM và nối liền đường quốc gia 1A đi các tỉnh. Với các tuyến đường liên tỉnh lộ 09 nối TP.HCM với Đức Hòa - Đức Huệ (Long An) qua biên giới Campuchia, liên tỉnh lộ 15 nối TPHCM - Tây Ninh - Bình Phước - Lộc Ninh. Nhờ có các trục giao thông quan trọng xuyên qua Hóc Môn đã tạo nên cầu nối giao lưu kinh tế giữa Hóc Môn, TP.HCM với vùng ĐBSCL và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các khu công nghiệp Đông Nam Bộ và giao thương đường bộ với các nước Đông Nam Á, mở ra triển vọng thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn huyện.
Ngoài các tuyến đường bộ huyết mạch cho phát triển kinh tế, huyện Hóc Môn còn có tuyến đuờng thủy góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế.
Tuyến đường sông Sài Gòn thuận lợi cho vận tải thủy liên tỉnh TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh trong đó có đoạn qua Hóc Môn. Đồng thời cũng là tuyến du lịch sinh thái nhà vườn các xã của huyện dọc sông Sài Gòn, tuyến sông Rạch Tra - kênh An Hạ - kênh Tam Tân là tuyến giao lưu vận tải thủy với các tỉnh ĐBSCL.
Nhìn chung, vị trí địa lí kinh tế của huyện Hóc Môn thuận lợi, là huyện vành đai tiếp giáp nội thành với những trục đường thủy bộ huyết mạch giao lưu kinh tế, văn hóa dịch vụ theo hướng huyện đô thị hóa ngoại thành.
*. Địa hình, địa chất;
*Trên địa bàn có 3 loại địa hình chính:
Vùng gò cao có cao trình từ 8 – 10 m: có diện tích 277 ha, chiếm 1,53 % diện tích tự nhiên, có đặc điểm là nền móng vững chắc, thoát nước tốt, thuận lợi bố trí các cơ sở công nghiệp, các trung tâm hạ tầng kỹ thuật, khu cây xanh tập trung.
Vùng triền có cao trình từ 2 – 8 m: có diện tích 5.719 ha, chiếm 53,38 % diện tích tự nhiên, có nền móng tương đối vững chắc, khả năng thoát nước trung bình, hiện đang là vùng chuyên trồng cây hàng năm, thuận lợi cho việc bố trí các cơ sở công nghiệp sạch vừa và nhỏ xen cài các khu dân cư
Vùng bưng trũng có cao trình dưới 2m: có diện tích là 4.923 ha, chiếm 45,09% diện tích tự nhiên. Đây là khu vực thoát nước kém và hiện nay phần lớn là đất trồng lúa, màu, trồng cây hàng năm. Vùng ven sông rạch đã và đang hình thành vùng cây ăn trái nhà vườn cần kết hợp loại hình sinh thái du lịch.
*Đặc điểm địa chất công trình:
Khu vực Tp.Hồ Chí Minh có các trầm tích tuổi Holocene và Pleistocene phân bố khá rộng rãi và hầu như phủ kín cả thành phố, được sử dụng làm nền cho các công trình xây dựng và môi trường xây dựng. Trong khuôn khổ dự án biên hội bản đồ địa chất công trình Tp.HCM, tỷ lệ 1/50.000, sở Khoa học và
Công nghệ TP.HCM chủ trì cùng với nhóm tác giả Nguyễn Đình Tứ đã xây dựng bản đồ phân vùng địa kỹ thuật của Tp.HCM, trên địa bàn huyện Hóc Môn nhận thấy các các khu vực sau:
-Khu vực có cấu tạo nền đất phù sa cổ, chủ yếu phân bố ở khu vực có nền đất cao trên 2m; thành phần chủ yếu là cát, cát pha trộn lẩn 1 ít tạp chất hữu cơ, thường có màu vàng, nâu đỏ. Sức chịu tải của nền đất khá tốt, lớn hơn 1,5kg/cm2 , mực nước ngầm không áp nông, cách mặt đất từ 1,0m đến trên 5,0 m;
-Khu vực có cấu tạo nền đất phù sa mới chủ yếu nằm ở khu vực có nền đất thấp dưới 2,0m; thành phần chủ yếu là sét, bùn pha lẩn nhiều tạp chất hữu cơ thường có màu đen hoặc xám đen. Sức chịu tải của nền đất thấp, nhỏ hơn 0,7kg/cm2. Mực nước ngầm không áp nông cách mặt đất khoảng 0,5m.
*. Khí hậu;
Huyện Hóc Môn mang tính chất khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, trong năm chia 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa và mùa khô; nhiệt độ cao và ổn định.
Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa phân bố không đều. Mưa tập trung nhất vào tháng 8 và tháng 9, và thường bị ngập úng cục bộ do hệ thống tiêu thoát nước không tốt.
Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Mùa khô mực nước ngầm xuống thấp nên dễ gây hiện tượng thiếu nước, nhất là sản xuất nông nghiệp phải khai thác nước tưới bằng giếng.
Về gió: có 2 hướng gió chính:
- Gió hướng Tây hoặc Tây Nam: có vận tốc trung bình 1,5-3m/s thịnh hành từ tháng 6 đến tháng 9.
- Gió hướng Đông hoặc Đông Nam: có vận tốc trung bình 1,5-2,5m/s thịnh hành từ tháng 2 đến tháng 5.
Ngoài ra có gió Bắc và Đông Bắc thổi về từ tháng 10 đến tháng 2. Cuối mùa mưa đầu mùa khô gió thổi từ hướng Tây - Tây Bắc có thể có gió lốc.
Nhiệt độ bình quân là 27oC, độ ẩm không khí 75% - 95% vào mùa mưa và 65%-85% vào mùa khô, lượng bốc hơi trung bình năm 1.100 mm - 1.300 mm.
Nhìn chung khí hậu trên địa bàn huyện tương đối ôn hòa, ít bị ảnh hưởng của gió bão, không có gió Tây khô nóng, mùa Đông không lạnh và không có sương muối, ánh sáng dồi dào trong năm, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
*. Thủy văn;
Huyện Hóc Môn có 6 sông rạch chính, tập trung nằm ở phía Bắc và phía Đông huyện. Trong đó tuyến đường thủy quan trọng nhất là sông Sài Gòn chạy qua các xã phía Bắc của huyện. Nối kết với sông Sài Gòn là hệ thống kênh rạch Rạch Hóc Môn, Rạch Tra, Rạch Bà Hồng, Kênh Thầy Cai, Kênh An Hạ.Trên hệ thống sông rạch này cung cấp nguồn nước cho nhà máy nước Tân Hiệp từ đó cung cấp cho Thành phố.Đây là một trong nét đặc trưng quan trọng trong quá trình phát triển của huyện
Ngoài các sông rạch chính huyện Hóc Môn còn có hệ thống kênh rạch nhỏ và thủy lợi phục vụ công tác tưới tiêu trong nông nghiệp. Các sông rạch chịu ảnh hưởng của nước sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông. Nhờ có sự hỗ trợ của hồ Dầu Tiếng xả nước vào sông Sài Gòn và hệ thống cống ngăn mặn cuối kinh An Hạ nên nước sông giảm độ mặn và phèn. Vào mùa khô từ tháng 3 đến tháng 6 nước sông rạch ngọt dùng cho sinh hoạt được, ngược lại vào mùa mưa chịu ảnh hưởng rửa trôi phèn tại chỗ và phèn ngoại lai nên nước sông rạch có mức độ phèn cao không dùng cho sinh hoạt được nhất là vùng Nhị Xuân - An Hạ.
*. Tài nguyên đất;
Theo kết quả phân hạng đất, huyện Hóc Môn có các nhóm đất chính như sau:
Nhóm đất xám: là một trong hai nhóm đất chủ yếu của huyện, có tổng diện tích là 5062,01 ha, chiếm 46,26 % diện tích tự nhiên. Đất xám ở chủ yếu hình thành trên mẫu chất phù sa cổ. Tầng đất thường dày, thành phần cơ giới nhẹ. Đất có phản ứng chua; hàm lượng mùn, đạm tầng đất mặt khá nhưng rất nghèo kali do vậy khi sản xuất phải đầu tư cao về phân bón.
Loại đất này dễ thoát nước, thuận lợi cho cơ giới hoá và thích hợp với các loại cây công nghiệp hàng năm, cây công nghiệp ngắn ngày, rau đậu... Loại đất này phân bố chủ yếu hầu hết ở các xã trên vùng đất cao, đồi gò, phần lớn nhóm đất này có cao trình từ 2 – 10 m, nền móng tốt, có thể sử dụng vào nhiều mục đích như: bố trí sản xuất công nghiệp, khu dân cư, trồng rau màu.
- Nhóm đất phù sa: 5067,59 ha, chiếm 46,31 % diện tích tự nhiên, bao gồm đất phù sa và đất phèn.Trong đó lọai đất phèn chiếm tỷ lệ khá cao. Lọai đất này phân bố chủ yếu là vùng ven sông rạch, một số nơi lập vườn trồng cây ăn trái, số còn lại trồng lúa.
Đất phèn: Chủ yếu là đất phèn trung bình phân bố ở các vùng thấp, trũng, tiêu thoát nước kém ven sông Sài Gòn. Các loại đất phèn có tầng sinh phèn sâu và nhẹ, không còn chịu ảnh hưởng của nước biển và thường có nguồn nước tưới.
Hiện nay, đất phèn đã được khai thác trồng lúa 2 - 3 vụ, rau màu và các loại cây ăn quả.
Đất phù sa: Phân bố chủ yếu ở độ cao khoảng 1,5 m. Các chất dinh dưỡng về mùn, đạm, lân và kali rất giàu. Đây là loại đất quý hiếm, cần thiết phải được cung cấp nước tưới, ưu tiên sản xuất trồng cây ăn trái, rau màu.
- Nhóm đất vàng nâu có diện tích 615,72 ha, phân bố ở các vùng gò, chủ yếu trồng cây lâu năm.
Đất hình thành trên các sản phẩm phong hóa của các loại đá mẹ và mẫu chất khác nhau. Đặc điểm chung của nhóm đất này là chua, độ no bazơ thấp, khả năng hấp phụ không cao, khoáng sét phổ biến là Kaolinit, axit mùn chủ yếu là fuvic, chất hòa tan dễ bị rửa trôi
- Nhóm đất sông suối: diện tích còn lại là phần diện tích của sông Sài Gòn,và các kênh rạch.
*. Tài nguyên nước + Nguồn nước mặt:
Huyện Hóc Môn với hệ thống sông ngòi dày đặc, nguồn nước dồi dào nhưng thường xuyên bị nhiễm phèn, do đó việc sử dụng cho sinh hoạt và trồng trọt rất hạn chế. Một số khu vực thuộc xã Nhị Bình, Đông Thạnh có địa hình trũng thấp, thường xuyên bị ngập khi triều cường cần có các biện pháp cải tạo.
Tuy nhiên huyện Hóc Môn có những ưu thế nhất định như sử dụng nguồn nước để nuôi trồng thủy sản, hay phát triển các loại hình sinh thái du lịch dọc theo các nhánh sông.
+ Nguồn nước ngầm:
Nguồn nước ngầm phân bố khá rộng, nước ngầm ngọt phân bố chủ yếu ở các tầng chứa nước Pleitoxen ở độ sâu 100 - 300 m, trong đó có nơi 20 - 50 m, trữ lượng khai thác ước tính 300 - 400 m3/ngày.Qua tài liệu khảo sát địa chất thủy văn của huyện cho thấy huyện có 5 tầng nước ngầm:
*. Tài nguyên nhân văn
Huyện Hóc Môn là một huyện anh hùng, có bề dày truyền thống cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tài nguyên nhân văn khá phong phú và đa dạng. Những địa danh gắn liền với lịch sử văn hóa đặc trưng của huyện như: Ngã ba Giồng, Bà Điểm 18 thôn vườn trầu, đình làng…Nhân dân trong địa bàn huyện cần cù trong lao động, chịu khó học hỏi trong sản xuất.
Đời sống văn hóa của người dân Hóc Môn phong phú do địa bàn huyện tập trung nhiều thành phần dân cư.