Chương III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Thực trạng công tác chi trả môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2013-2017
3.1.1. Công tác triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR
Tỉnh Lào Cai đã ban hành 03 văn bản QPPL, 45 quyết định và một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của UBND tỉnh nhằm cụ thể hóa chính sách chi trả DVMTR của trung ương để áp dụng sát với thực tế tại địa phương, tạo nền tảng pháp lý cho việc thực thi chính sách.
Trong đó có các quyết định quy định về thí điểm thực hiện 05 loại hình dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh: Quyết định quy định mức thu quản lý và sử dụng tiền DVMTR đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ DVMTR trên địa bàn tỉnh Lào Cai; quy định thí điểm về mức thu, quản lý và sử dụng tiền DVMTR đối với các cơ sở nuôi cá nước lạnh, các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước trên địa bàn tỉnh; thủy điện; nước sạch;
sản xuất công nghiệp; và Quyết định quy định hồ sơ thanh toán tiền DVMTR.
Việc xây dựng các quy định được thông qua sự phối hợp giữa các bên liên quan và các chuyên gia tư vấn quốc tế trong công tác tổ chức các hội nghị tham vấn ý kiến của người dân, các đơn vị sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực được quy định. Từ đó làm cơ sở xây dựng một hệ thống các chính sách thí điểm hợp lý, mang tính khả thi cao và đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Hàng năm tỉnh đều phê duyệt rà soát hiện trạng, xác định ranh giới, chủ rừng, phân loại, thống kê đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng tỉnh Lào Cai làm căn cứ để quyết định phê duyệt diện tích lưu vực, diện tích rừng trong lưu vực, đơn giá, đối tượng được chi trả tiền DVMTR.
Ngoài ra việc chỉ đạo, thực thi chính sách chi trả DVMTR đối với các đơn vị thuộc đối tượng phải chi trả tiền DVMTR theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ được cụ thể hóa bằng các văn bản chỉ đạo hướng dẫn theo từng nội dung và đối tượng phù hợp.
Có thể nói, trong công tác tham mưu, xây dựng hệ thống văn bản, triển khai thực thi chính sách chi trả DVMTR, tỉnh Lào Cai được Tổng cục Lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, đánh giá là một trong những đơn vị tốp đầu cả nước trong công tác thực thi chính sách chi trả DVMTR.
3.1.1.2. Công tác triển khai chính sách đến người dân
Việc triển khai chính sách chi trả DVMTR đến người dân được thực hiện thông qua nhiều phương thức tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như:
Tổ chức các hội nghị thông qua các chính sách liên quan đến từng loại hình chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh phù hợp với từng đối tượng liên quan.
Thông qua việc viết tin, bài xây dựng các phóng sự truyền hình về tuyên truyền chủ trương chính sách chi trả DVMTR của Chính phủ, với trên 45 bài viết và phóng sự (Nguồn: Quỹ BVPTR tỉnh). Đồng thời thường xuyên cập nhật tình hình thực thi chính sách thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, giúp các tổ chức và người dân hiểu rõ ý nghĩa và mục tiêu của chính sách đem lại, từ đó nâng cao ý thức trong thực hiện nộp tiền DVMTR để phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Đưa vào hoạt động trang thông tin điện tử Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh (laocaifpdf.vn) và cập nhật thường xuyên hệ thống các văn bản liên quan đến chính sách chi trả tiền DVMTR trên trang thông tin, đảm bảo việc hỗ trợ các đơn vị, các chủ rừng, người dân nắm bắt các quy định của Chính phủ, các hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh trong thực thi chính sách chi trả tiền DVMTR.
Tổ chức chi trả thí điểm tiền DVMTR cho các chủ rừng và cắm biển báo chi trả DVMTR tại các khu rừng được hưởng tiền DVMTR.
Tổ chức gần 1.000 các cuộc họp thôn, bản phổ biến, tuyên truyền các nội dung liên quan đến thực thi chính sách chi trả DVMTR; xây dựng biển tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR, được lắp đặt trên các trục đường quốc lộ và tỉnh lộ; phát hành tờ rơi, đốc lịch đến các chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân được hưởng lợi từ chính sách trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức các buổi Hội nghị triển khai kế hoạch giải ngân, thanh toán tiền DVMTR từ năm 2012-2017 tại các cụm xã trên địa bàn tỉnh.
Với nhiều hình thức tuyên truyền mang tính hiệu quả cao, tỉnh Lào Cai đã đạt được tuyên truyền sâu rộng chính sách chi trả DVMTR đến từng đơn vị cơ sở sản xuất kinh doanh, đến từng người dân kể cả những thôn bản sâu xa, hẻo lánh. Có thể nói, nhân dân tỉnh Lào Cai đã nắm bắt và thực hiện cơ bản tốt chính sách chi trả DVMTR theo đúng quy định của nhà nước. Điều đó đã góp phần vào thành công của việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR của tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung.
3.1.1.3. Các loại hình dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai Tỉnh Lào Cai là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai áp dụng 05 loại DVMTR:
(1) Chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các đơn vị sản xuất thủy điện.
(2) Chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng.
(3) Chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở nước sạch.
(4) Chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở cá nước lạnh.
(5) Chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước.
Trong đó loại hình DVMTR: thủy điện, du lịch, cơ sở nước sạch được triển khai thực hiện từ năm 2012; cá nước lạnh được triển khai thí điểm từ tháng 11/2015 và cơ sở sản xuất công nghiệp đang được triển khai thí điểm từ tháng 5/20116.