Kết quả thực trạng công tác thu DVMTR

Một phần của tài liệu Đánh giá kết quả và đề xuất các giải pháp trong chi trả dịch vụ môi trường rừng tại tỉnh lào cai giai đoạn 2013 2017 (Trang 42 - 48)

Chương III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Thực trạng công tác chi trả môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2013-2017

3.1.3. Kết quả thực trạng công tác thu DVMTR

Để đảm bảo thực hiện công tác thu, nộp tiền DVMTR theo đúng quy định, tỉnh Lào Cai đã tổ chức rà soát xác định, các đối tượng phải chi trả tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh, từ đó thống kê xây dựng hệ thống chỉ tiêu kế hoạch thu, chi tiền DVMTR hàng năm và tiến hành triển khai ký kết hợp đồng ủy thác chi trả tiền DVMTR được thực hiện theo đúng quy trình.

Giai đoạn 2013-2017, tỉnh đã tiến hành triển khai và hoàn thành ký kết hợp đồng với 100 đơn vị thuộc đối tượng phải chi trả tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh, gồm:

- Các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch: 01 đơn vị (gồm 12 nhà máy);

- Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch: 36 đơn vị (Phụ biểu 01);

- Các đơn vị sản xuất thủy điện: 31 đơn vị (Phụ biểu 02).

- Các cơ sơ nuôi cá nước lạnh: 23 đơn vị (Phụ biểu 03);

- Các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước: 09 đơn vị (thu qua 13 công ty nước) (Phụ biểu 04).

Bắt đầu từ năm 2016, tỉnh Lào Cai là tỉnh đầu tiên trong cả nước đã tiến hành tổ chức thực hiện thu thí điểm tiền DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, các cơ sở nuôi cá nước lạnh. Tuy nhiên, mới vận động ký kết hợp đồng ủy thác với 23 cơ sở trên tổng số 68 cơ sở (Phụ biểu 03). Do đây là chính sách mới, trong quá trình triển khai còn nhiều bất cập và một số bộ phận người dân chưa thực sự hiểu ý nghĩa của việc thực hiện chính sách nên chưa thực hiện đúng nghĩa vụ của đơn vị.

3.1.3.2. Kết quả huy động các nguồn thu tiền dịch vụ môi trường rừng

Tính từ tháng 02/2012 đến ngày 31/12/2017 tổng số tiền DVMTR chuyển về Quỹ là: 215.977,2 triệu đồng (Bảng 3.4), trong đó:

- Thu từ các đơn vị sản xuất thủy điện: 194.952,5 triệu đồng (chiếm 90,27%);

- Thu từ các đơn vị sản xuất và cung ứng nước sạch: 2.874,7 triệu đồng, (chiếm 1,33%);

- Thu từ các đơn vị kinh doanh du lịch: 3.277 triệu đồng (chiếm 1,52%).

- Thu từ tiền thu hồi CĐMĐ sử dụng rừng: 13.881 triệu đồng (chiếm 6,43%);

- Thu từ tiền giá trị cung ứng DVMTR: 472 triệu đồng (chiếm 0,22%) - Thu từ các cơ sở nuôi cá nước lạnh: 68 triệu đồng (chiếm 0,03%).

- Thu từ các cơ sở sản xuất công nghiệp: 457 triệu đồng (chiếm 0,21%).

90%

1% 2% 7%

Biểu đồ 3.1: Cơ cấu các nguồn thu của Quỹ giai đoạn 2013-2017

Sản xuất thủy điện

Sản xuất, cung ứng nước sạch

Kinh doanh dịch vụ du lịch Thu hồi, CĐMĐ sử dụng rừng Giá trị cung ứng DVMTR Cơ sở cá nước lạnh Sản xuất công nghiệp

Bảng 3.2: Kết quả công tác thu tiền DVMTR giai đoạn 2013-2017 trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Đơn vị tính: triệu đồng

TT Các nguồn thu

Số tiến thu trong giai đoạn 2013-2017 trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Tổng thu Năm 2013 Năm 2014 Năm 2015 Năm 2016 Năm 2017

Tổng cộng 215.977,2 17.852,2 31.851 65.449 48.680 52.145

1 Sản xuất thủy điện 194.952,5 16.813,5 28.502 52.491 46.818 50.328

- Thu mới 157.323,5 16.813,5 21.373 21.991 46.818 50.328

- Thu nợ tiền DVMTR năm

2011-2014 (thủy điện) 37.629 7.129 30.500

2 Sản xuất, cung ứng nước sạch 2.874,7 584,7 472 613 641 564

3 Kinh doanh dịch vụ du lịch 3.277 454 154 715 1.147 807

4 Thu hồi, CĐMĐ sử dụng rừng 13.881 2.712 11.169

5 Giá trị cung ứng DVMTR 472 11 461

6 Cơ sở cá nước lạnh 68 36 32

7 Sản xuất công nghiệp 457 38 419

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ báo cáo tổng kết hàng năm của Quỹ BVPTR tỉnh

Qua bảng số liệu trên có thể thấy: trên địa bàn tỉnh Lào Cai Nguồn thu truyền thống bao gồm 3 đối tượng chính: (i) thu từ các cơ sở thủy điện 20đ/kWh điện thương phẩm từ năm 2011-2016, từ năm 2017 là 36đ/kWh điện thương phẩm ; (ii) từ các cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch 40đ/m3 nước thương phẩm; (iii) từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch 1 % doanh thu.

Trong đó, tiền DVMTR thu từ sản xuất thủy điện là nguồn thu chính, chiếm tỷ trọng lớn và ngày càng tăng do mức độ sử dụng điện hiện tại tăng cao.

Đối với nguồn thu truyền thống, mức phí DVMTR thu từ thủy điện và nước sạch được xem là hiệu quả khi mức thu trên một đơn vị dịch vụ thấp và thu trên cơ sở thu rộng. Thứ nhất, các hộ gia đình đều sử dụng điện với tỷ lệ trên cả nước đạt 98,2% với tổng sản lượng điện năm 2014 là 141,2 tỷ kWh.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, xu hướng khai thác và phát triển thủy điện trong tương lai sẽ tăng gấp khoảng 1,8 lần, nâng tổng công suất các nguồn điện từ thủy điện năm 2011 là 9.200 MW lên 17.400 MW năm 2020.

Thứ hai, tỷ lệ hộ gia đình có nguồn nước hợp vệ sinh năm 2014 là 93%.

Trong đó, tỷ lệ tiếp cận nước sạch ở các đô thị đặc biệt và loại I là 70%. Thêm vào đó, do định hướng phát triển cấp nước đô thị của Việt Nam là hướng tới mục tiêu bao phủ dịch vụ cấp nước sạch tại các đô thị đạt 100% vào năm 2025 nên tiềm năng thu phí DVMTR từ các cơ sở sản xuất nước sạch là rất lớn. Như vậy, cơ sở thu phí DVMTR đối với thủy điện và nước sạch là rộng và có xu hướng gia tăng.

Ngoài ra, theo Vương Văn Quỳnh (2017), giá trị giữ đất, giữ nước của rừng là căn cứ để xác định mức thu phí DVMTR đối với các lưu vực thủy điện.

Theo đó, mức phí này được tính toán trong khoảng từ 63đ/kWh đến 368đ/kWh điện, trung bình là 214đ/kWh. Tuy nhiên, phí DVMTR đối với thủy điện đang ở mức 20đ/kWh, chưa đến 10% giá trị trung bình của dịch vụ hệ sinh thái mà rừng mang lại và chỉ chiếm 1,23% giá bán điện bình quân. Trong khi, giá bán

lẻ điện bình quân năm 2016 tăng 50% so với năm 2010 thì phí DVMTR không tăng trong suốt 5 năm vừa qua.

Tương tự đối với các cơ sở sản xuất nước sạch, theo kết quả nghiên cứu của Winrock International (Nguyễn Chí Thành và cộng sự, 2016) tại đầu nguồn sông Đồng Nai và Lâm Đồng năm 2008, với giá trị thực tế phải thu mức thu phí DVMTR từ nước sạch phải là 65 đ/m3. Trong khi mức thu phí DVMTR hiện nay là 40 đ/m3 nước thương phẩm, chỉ chiếm từ 0,25 đến 0,67% tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là 0,33 đến 0,70%, Lào Cai là 0,34 đến 0,65%

giá bán nước sinh hoạt.

Như vậy, xét cả về giá trị tuyệt đối và tương đối, mức phí DVMTR đối với thủy điện và nước sạch là rất thấp không phản ánh được giá trị DVMTR mang lại.

Thứ ba, phí DVMTR thu từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành và lưu trú tại những nơi có sử dụng DVMTR với mức 1% doanh thu. Theo đại diện của Hiệp hội du lịch Lào Cai, mức phí này là cao và cách tính phí cũng chưa phản ánh đúng thực tế mức thu của các đơn vị. Số lượng các công ty, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có sử dụng DVMTR còn ít. Như vậy, phí DVMTR với du lịch không đảm bảo hiệu quả khi mức phí cao và cơ sở thu phí hẹp, nguồn thu không đáng kể so với tổng số tiền DVMTR thu được.

Đối với loại hình thu DVMTR từ các cơ sở nuôi cá nước lạnh: hiện có 93/93 cơ sở, trong đó: có 68 cơ sở đang hoạt động, 23 cơ sở đang trong quá trình xây dựng, 02 cơ sở đã ngừng hoạt động. Trong tổng số 68 cơ sở đang hoạt động, thì có 23 cơ sở đã ký kết HĐUT theo quy định, 45 cơ sở chưa thực hiện ký kết hợp đồng. Tổng số cơ sở đã thực hiện chính sách 07 cơ sở với tổng số tiền chuyển về Quỹ BV&PTR là 68,4 triệu đồng. Đây là chính sách đang thí điểm nên còn tồn tại nhiều bất cập: Công tác thí điểm triển khai vào thời điểm việc NCNL đang gặp nhiều khó khăn về thị trường và điều kiện nuôi, phát sinh

nhiều cơ sở tự phát, không theo quy hoạch chung. Đặc biệt, chưa có sự điều tra, đánh giá kỹ về thực trạng của các cơ sở NCNL để phân loại cho phù hợp với thực tế đối với các cơ sở có quy mô cơ sở hạ tầng kém và thể tích nuôi nhỏ

<500 m3. Đây là nhóm đơn vị quy mô đầu tư nhỏ, lợi ích kinh tế thu thấp. Các đơn vị có thể tích trên 500 m3, nhóm này là những cơ sở nuôi có nhiều năm kinh nghiệm trong NCNL, vốn đầu tư lớn, sản xuất kinh doanh khá ổn định.

Đánh giá chung:

Trong giai đoạn 2013-2017, việc thực hiện thu tiền dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đạt được những thành tựu nhất định. Lượng thu tiền hàng năm tăng cao, vượt chỉ tiêu kế hoạch thu hàng năm được tỉnh và trung ương giao. Tuy nhiên, mức thu vẫn chưa thực sự xứng đáng với giá trị DVMTR do diện tích rừng của tỉnh tạo ra. Giá trị thu mới chỉ tập trung trong lĩnh vực sản xuất thủy điện, trong khi đó Lào Cai lại có tiềm năng lớn về dịch vụ du lịch chưa được khai thác đúng mức. Trong thời gian tới cần có giải pháp nâng cao giá trị DVMTR trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu tái tạo tài nguyên rừng, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh.

Một phần của tài liệu Đánh giá kết quả và đề xuất các giải pháp trong chi trả dịch vụ môi trường rừng tại tỉnh lào cai giai đoạn 2013 2017 (Trang 42 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(75 trang)