Chương 4. GIẢI PHÁP GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
4.2. Giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020
4.2.1. Hoàn thiện công tác xây dựng chiến lược, chương trình và kế hoạch giảm nghèo bền vững
Để đảm bảo cho công cuộc giảm nghèo bền vững, Chính quyền tỉnh cần xây dựng chiến lược về giảm nghèo bền vững để định hướng trong dài hạn việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Chiến lược phải đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu tổng thể về giảm nghèo bền vững với lộ trình thực hiện từng mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; xác định các giải pháp toàn diện, lâu dài, có phân công cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện rõ ràng; cân đối, bố trí và huy động nguồn lực vật chất thực hiện; đồng thời cần dự báo, nghiên cứu, nhận định cụ thể tình hình, đưa vào chiến lược mốc thời gian, thời điểm áp dụng chuẩn nghèo mới với mức tương đối, làm cơ sở cho việc ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách về giảm nghèo bền vững đảm bảo chính xác và hợp lý. Khi có chiến lược về giảm nghèo bền vững, các chương trình, kế hoạch, dự án, đề án giảm nghèo bền vững sẽ có căn cứ để xác định các mục tiêu, chỉ tiêu, lộ trình, giải pháp cụ thể trong ngắn hạn, giúp cho việc thực hiện giảm nghèo hiệu quả và bền vững hơn.
Khi xây dựng chiến lược, chương trình và kế hoạch giảm nghèo bền vững, cần chú ý đến những vấn đề sau:
- Phân loại nhóm đối tượng để có các chính sách hỗ trợ cụ thể theo lộ trình, giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp “cho không” đối với một số nhóm đối tượng cụ thể, tăng dần các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm,
khuyến khích người nghèo tự chủ vươn lên thoát nghèo bền vững. Ưu tiên chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững, thúc đẩy các yếu tố phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm của người nghèo một cách bền vững.
- Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững để cải thiện điều kiện sống của người nghèo, trước hết là y tế, giáo dục, văn hóa, nước sinh hoạt, nhà ở; người nghèo tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản. Tập trung đầu tư đồng bộ KCHT kinh tế - xã hội ở nông thôn, đặc biệt là các xã còn khó khăn, xã có đông đồng bào dân tộc sinh sống, trước hết là hạ tầng thiết yếu như: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường, trạm,…
- Tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn để huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực từ DN, cộng đồng và nguồn lực của bản thân người nghèo để thực hiện mục tiêu chương trình giảm nghèo bền vững. Phân cấp cho Chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp huyện trong việc tổ chức và thực hiện các dự án cho vay đối với các đối tượng trên địa bàn quản lý.
- Phối hợp tốt giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức đoàn thể trong việc cho vay giải quyết việc làm; ưu tiên cho vay đối với các cơ sở sản xuất - kinh doanh tạo nhiều việc làm, nhất là lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm, chuẩn bị điều kiện cho lao động đăng ký dự tuyển đi xuất khẩu lao động ở các trung tâm; các trung tâm giới thiệu việc làm mở rộng thị trường lao động, hợp tác với các đối tác, DN xuất khẩu lao động.
- Củng cố, kiện toàn, bổ sung thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững ở các cấp.
Trên cơ sở các chính sách và chương trình giảm nghèo bền vững, Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch giảm nghèo bền vững hàng năm, giai đoạn, đề ra giải pháp cụ thể để làm cơ sở triển khai thực hiện;
phân cấp giao trách niệm cho các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thực hiện những công việc cụ thể như:
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Tích cực tham mưu hoàn thiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020 để UBND tỉnh báo cáo, trình HĐND tỉnh cho ý
kiến và thông qua.Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Ban Dân tộc tỉnh thực hiện phân bổ quản lý kinh phí, giám sát, phân bổ nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2017; Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo theo quy định; tổng hợp, báo cáo kết quả định kỳ, đột xuất với UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;Củng cố, nâng cấp phần mềm và quản lý dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:
Căn cứ vào định mức, tiêu chí được duyệt, chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phân bổ nguồn lực giảm nghèo năm 2017; hướng dẫn các địa phương lồng ghép các chương trình, dự án phục vụ mục tiêu của chương trình giảm nghèo. Kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả việc thực hiện cơ chế quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia của Ngành, địa phương gắn với việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
- Các Sở: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông; Ban Dân tộc, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh:
Cụ thể hóa các chỉ tiêu về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận một cách tốt nhất đến các dịch vụ xã hội cơ bản. Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành liên quan triển khai thực hiện các chính sách, dự án thuộc lĩnh vực của Sở, Ngành quản lý, nhằm đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu giảm nghèo bền vững. Thực hiện lồng ghép việc theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu giảm nghèo bền vững thuộc lĩnh vực của Sở, Ngành quản lý; tổng hợp báo cáo theo quy định.
- UBND các huyện, thành phố, thị xã:
Căn cứ Quyết định số 3435/QĐ-UBND ngày 15/12/2016 của UBND tỉnh về giao kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017 tỉnh Thái Nguyên, căn cứ kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2016 và tình hình thực tế của địa phương, xây dựng kế hoạch giảm nghèo phù hợp để thực hiện hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo trên địa bàn; bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực để thực hiện kế hoạch giảm
nghèo tại địa phương, tập trung hỗ trợ các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, ưu tiên các hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công, đồng bào dân tộc thiểu số.
Phối hợp với các Sở, Ngành chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc và UBND cấp xã triển khai thực hiện các chỉ tiêu, chính sách, giải pháp giảm nghèo; tăng cường công tác kiểm tra giám sát, đánh giá công tác giảm nghèo.
Xây dựng và thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại ở phía sau”; vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tiếp nhận con em hộ nghèo vào làm việc.
Thực hiện đúng quy trình rà soát hộ nghèo, cận nghèo, theo dõi, quản lý chặt chẽ số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn; xây dựng kế hoạch phân công giúp đỡ
hộ nghèo có địa chỉ và thoát nghèo bền vững. Xây dựng các mô hình, tổ nhóm làm kinh tế giỏi, thu hút lao động vào làm việc.
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể:
Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại ở phía sau”; nâng cao chất lượng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Tăng cường các biện pháp vận động xây dựng và phát huy hiệu quả nguồn “Quỹ vì người nghèo” các cấp để hỗ trợ hộ nghèo xây dựng sửa chữa nhà ở, trợ cấp khó khăn… cho hộ nghèo, người nghèo.
Vận động các tổ chức, cơ quan, đơn vị, các hộ khá, hộ giàu nhận giúp đỡ các hộ nghèo; tích cực giúp đỡ những hội viên nghèo, yếu thế của tổ chức mình trong việc tiếp cận các chính sách ưu đãi, nhất là chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo của tỉnh.
Tổ chức giám sát việc triển khai Chương trình nhằm đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững.
- Các Sở, Ngành liên quan và cơ quan thông tin, tuyên truyền:
Thực hiện lồng ghép việc theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu giảm nghèo bền vững thuộc lĩnh vực của Sở, Ngành quản lý; tổng hợp báo cáo theo quy định.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng mục tiêu của chương trình giảm nghèo; tuyên truyền các mô hình, cách làm hay, sáng tạo có hiệu quả về giảm nghèo cũng như kết quả hoạt động của chương trình ở các địa phương; phổ biến
các chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh có liên quan đến Chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh.