CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CÔNG TÁC KẾ TOÁN TẠI CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP CÓ THU
1.2. CÔNG TÁC KẾ TOÁN TẠI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÓ THU
1.2.1. Khái niệm, vai trò của công tác kế toán
a. Khái niệm
Kế toán chỉ xuất hiện khi con người tham gia vào kinh doanh và trao đổi. Có nghĩa là khi chúng ta kinh doanh và trao đổi với nhau trong bất kỳ lĩnh vực hay tổ chức nào, chúng ta cũng cần một hệ thống để theo dõi tất cả các giao dịch phát sinh và chuyển đổi của nó. Đó là kế toán. Thông qua kế toán người chủ doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức có thể đo lường, phân tích dữ liệu tài chính của đơn vị và đưa ra những định hướng phát triển, gia tăng lợi nhuận trong lĩnh vực mà đơn vị đang hoạt động.
Theo Luật Kế toán số 88/2015/QH13 định nghĩa “Kế toán là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động.”
Để thực hiện công tác kế toán thường phụ thuộc vào cơ cấu, quy mô của từng đơn vị doanh nghiệp mà có những lựa chọn không giống nhau.
Doanh nghiệp có thể tự thân làm công tác kế toán hoặc có thể thuê dịch vụ kế toán từ bên ngoài, xong các doanh nhân cũng cần có sự tìm hiểu chi tiết và lựa chọn cho mình những giải pháp tốt nhất, an toàn nhất cho bộ máy công ty của mình đảm bảo được tính liên tục bền vững, hợp phát và phát triển.
Khi công tác kế toán được thực hiện nghiêm túc và chính xác thể hiện chân thật những thông số sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu những rủi ro gian lận, đảm bảo được tính pháp lý, minh bạch cho doanh nghiệp và thể hiện được sự tín nhiệm trong kinh doanh.
Kế toán có những đặc điểm sau:
- Cơ sở ghi sổ là những chứng từ gốc hợp lệ, bảo đảm thông tin chính xác và có cơ sở pháp lý.
- Sử dụng cả 3 loại thước đo là: giá trị, hiện vật và thời gian, nhưng chủ yếu và bắt buộc là giá trị.
- Thông tin số liệu: Chủ yếu trình bày bằng hệ thống biểu mẫu báo cáo theo quy định của nhà nước (đối với thông tin cho bên ngoài) hay theo những báo cáo do giám đốc xí nghiệp quy định (đối với nội bộ).
- Phạm vi sử dụng thông tin: Trong nội bộ đơn vị kinh tế cơ sở và các cơ quan chức năng của nhà nước và những đối tượng trên quan như các nhà đầu tư, ngân hàng, người cung cấp.
b. Vai trò của công tác kế toán trong bối cảnh đổi mới cơ chế tài chính
Tổ chức kế toán trong đơn vị HCSN trong bối cảnh đổi mới cơ chế tài chính là sự thiết lập mối quan hệ qua lại giữa các yếu tố cấu thành bản chất của hạch toán kế toán để phát huy tối đa vai trò của kế toán trong công tác quản lý nói chung và quản lý tài chính nói riêng. Chính vì vậy, tổ chức kế toán khoa học sẽ góp phần quan trọng vào việc thu thập, xử lý thông tin, giúp lãnh đạo đơn vị đưa ra những quyết định đúng đắn và kịp thời, có ảnh hưởng đến kết quả sử dụng các nguồn lực nhằm hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao của các đơn vị sự nghiệp.
+ Công tác kế toán trong bối cảnh đổi mới cơ chế tài chính cung cấp thông tin cho người quản lý để điều hành hoạt động của đơn vị và đánh giá hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Thông qua giám sát tình hình chấp hành định mức thu, chi tài chính cũng như việc chấp hành quy chế chi tiêu nội bộ, kế toán hoạt động thu chi tài chính cung cấp các thông tin quan trọng cho các nhà quản lý. Khi đó nhà quản lý biết được trong điều kiện thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, việc thu chi tài chính ở đơn vị mình còn điểm nào cần phải điều chỉnh để đơn vị hoạt động hiệu quả, tiết kiệm hơn và nhà quản lý có được tầm nhìn xa để hoạch định các chiến lược phát triển hoạt động sự nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh góp phần tăng nguồn thu, giảm dần bao cấp của nhà nước, tăng
thêm thu nhập cho người lao động, giúp đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
+ Kiểm tra tình hình chấp hành định mức thu, chi NSNN, kinh phí thu sự nghiệp và thu hoạt động sản xuất kinh doanh:
Đối với nguồn kinh phí chi thường xuyên do NSNN cấp, kế toán hoạt động thu, chi giúp các nhà quản lý biết được các định mức chi thanh toán cho cá nhân, như tiền lương và các khoản có tính chất lương; tiền thưởng; chi nghiệp vụ chuyên môn, chi phí có đúng theo định mức nhà nước quy định hay không. Đối với nguồn kinh phí không thường xuyên, nguồn kinh phí chương trình mục tiêu, kinh phí thu sự nghiệp và các nguồn thu hoạt động sản xuất kinh doanh. Kế toán hoạt động thu, chi tài chính cũng giúp nhà quản lý nhận biết việc thanh toán từ các nguồn vốn này có đúng theo đơn giá, định mức nhà nước quy định hay không và việc chấp hành mức thu, chi ở đơn vị có vượt quá dự toán thu chi, có tiết kiệm và hiệu quả hay không.
+ Kiểm tra giám sát tình hình thực hiện thu, chi tài chính của đơn vị sự nghiệp có thu, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kết quả tài chính và là công cụ quản lý để góp phần làm lành mạnh nền tài chính công:
Đối với các nguồn kinh phí do NSNN cấp, việc thu, chi của đơn vị phải chịu sự kiểm soát của KBNN. Các khoản thu phí, lệ phí phải nộp Ngân sách nhưng đơn vị được để lại sử dụng theo quy định cũng xem là nguồn kinh phí NSNN cấp, nên đơn vị sự nghiệp có thu phải làm thủ tục ghi thu, ghi chi NSNN tại Kho bạc đơn vị giao dịch. Kế toán thu chi tài chính giúp các nhà quản lý kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng kết quả hoạt động tài chính của đơn vị hành chính sự nghiệp có thu có đúng như quy định trong Nghị định 16/2015/NĐ-CP hay không.
+ Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Quy chế chi tiêu nội bộ tại đơn vị:
Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị được lập nên dựa trên các văn bản pháp luật của Nhà nước, trong đó quy định các định mức chi tiêu nhằm mục đích chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí. Việc chấp hành Quy chế chi tiêu nội bộ ngày càng trở nên cần thiết khi các đơn vị sự nghiệp có thu thực hiện tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Kế toán tài chính giúp các nhà quản lý kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Quy chế chi tiêu nội bộ trong đơn vị và qua đó giúp các nhà lãnh đạo thấy được việc chi tiêu trong đơn vị mình có tuân thủ theo định mức của Quy chế không.