Chương 2: THỰC TRẠNG XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ BUÔN BÁN HÀNG GIẢ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI, TỈNH QUẢNG NGÃI
2.3. Đánh giá hoạt động xử phạt vi phạm hành chính về buôn bán hàng giả trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi
2.3.1. Ưu điểm và nguyên nhân 2.3.1.1. Ưu điểm
Tình trạng buôn bán hàng giả trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi đã từng bước được kiểm soát nhờ có chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các cấp chính quyền địa phương và các ngành có liên quan; lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ngãi đã luôn chủ động, tích cực đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng. Việc XPVPHC trong lĩnh vực buôn bán hàng giả trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi luôn đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh, xử phạt đúng người đúng tội; đảm bảo tính răn đe, giáo dục các đối tượng vi phạm tránh tình trạng tái phạm cũng như nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; quán triệt nghiêm túc và nêu cao tinh thần đấu tranh, tố giác của người dân trong công tác chống buôn bán hàng giả nên các đối tượng manh nha VPHC chấm dứt ngay ý định; ngăn ngừa hiệu quả tình hình VPHC trong lĩnh vực buôn bán hàng giả góp phần làm giảm số vụ vi phạm.
2.3.1.2. Nguyên nhân của ưu điểm
Để đạt được kết quả trên, trước hết, công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện của các thành viên trong Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh Quảng Ngãi luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ và bộ, ngành liên quan; triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp để tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết 41/NQ-CP [28] và chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và UBND tỉnh. Cụ thể:
thường xuyên tổ chức phối hợp kiểm tra, xử lý những vấn đề có tính nhạy
cảm, nóng mà xã hội và nhân dân quan tâm liên quan đến các mặt hàng như: thuốc lá, xăng dầu, đường, sữa, rượu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, điện tử gia dụng, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng; Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ngãi triển khai hàng loạt văn bản liên quan đến: công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh gas; công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán; công tác đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm;
công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Lực lượng Công an tập trung đấu tranh trên địa bàn và một số lĩnh vực trọng điểm mà các đối tượng buôn lậu, kinh doanh hàng ngoại nhập lậu; vận chuyển, buôn bán hàng cấm; sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại có quy mô lớn, tạo thành đường dây, ổ nhóm. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng như: Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường, Hải quan, Kiểm lâm… trong công tác phát hiện các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả. Tiếp nhận và điều tra khởi tố nhanh những vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự do các cơ quan chức năng chuyển giao và do chính đơn vị bắt giữ. Thanh tra Sở Y tế thành lập các Đoàn thanh tra tiến hành thanh tra trong lĩnh vực khám chữa bệnh và hành nghề dược; đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, Chi cục An toàn thực phẩm tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các nhà hàng ăn uống,.. Báo Quảng Ngãi, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Quảng Ngãi đã tuyên truyền, đưa tin, bài, ảnh tuyên truyền và các phóng sự về hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh.
- Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ngãi luôn xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của đơn vị; phải tập trung đấu tranh
trên cả ba lĩnh vực: buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kiên quyết không có “vùng cấm” trong công tác này.
- Phân công lực lượng làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, lĩnh vực và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức tiếp tay, dung túng hoặc có biểu hiện tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Tăng cường công tác điều tra, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Chú ý tập trung vào các mặt hàng trọng điểm như: Thuốc lá, xăng dầu, đường, sữa, rượu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, điện tử gia dụng, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng... thường được đưa vào thị trường tỉnh Quảng Ngãi tại tuyến đường bộ quốc lộ 1A; cảng biển; chợ đầu mối; bến xe; ga đường sắt...
- Kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, lĩnh vực quản lý. Đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy trình nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát; không trùng lặp nhưng cũng không bỏ sót đối tượng, nội dung thanh tra, kiểm tra; không gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân kinh doanh và cản trở lưu thông hàng hóa trên địa bàn. Kịp thời kiến nghị các khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
- Chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, nâng cao chất lượng dự báo tình hình, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, nổi cộm trên thị trường đặc biệt tăng cường công tác tổ chức cơ sở, nắm bắt thông tin.
- Thực hiện chặt chẽ, hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành chức năng là thành viên của Ban Chỉ đạo 389 với UBND các huyện, thành phố, các Hội đoàn thể và người dân trong việc thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nhân dân nhận thức rõ hơn về những
tác hại của tệ nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với kinh tế, xã hội, an toàn, sức khoẻ của người dân; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức và nhân dân về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp, có sức lan tỏa sâu rộng để mỗi người thấy được quyền lợi, nghĩa vụ, tích cực tham gia công tác này; công khai kết quả điều tra, xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm răn đe, phòng ngừa chung.
- Xác định tầm quan trọng của lực lượng quản lý thị trường trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 960/KH-UBND ngày 10/3/2015 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2015 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi xác định lĩnh vực trọng tâm là theo dõi, kiểm tra và báo cáo tình hình thực hiện pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chỉ đạo Sở Tư pháp kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ngãi trực thuộc Sở Công thương, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định số 82/QĐ-STP ngày 16/9/2015 về việc thành lập Đoàn kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương;
thông qua công tác kiểm tra nhằm đánh giá đúng thực trạng và hiệu quả việc tổ chức thực hiện, áp dụng các quy định pháp luật trong công tác quản lý, điều hành tại Chi cục Quản lý thị trường. Qua đó, giúp cho Chi cục kịp thời phát hiện và giải quyết những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật vào thực tiễn cuộc sống, tính khả thi của văn bản khi ban hành, đồng thời kiến nghị xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các biện pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật cũng như đảm bảo các quy định của pháp luật được thi hành một cách nghiêm minh và hiệu quả, tăng cường và nâng cao ý thức trách nhiệm của Chi cục trong
việc thực thi, áp dụng pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác thi hành pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014) và Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP đã đem nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Một trong những quan điểm quan trọng xuyên suốt của Nghị định 185/2013/NĐ-CP là các quy định trong Nghị định đều nhằm bảo vệ có hiệu quả các quyền và lợi ích hợp pháp của người kinh doanh và người tiêu dùng; góp phần đảm bảo ổn định thị trường, phát triển kinh tế xã hội và thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nâng cao ý thức pháp luật của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Nghị định số 185/2013/NĐ-CP cơ bản giải quyết được những bất cập mẫu thuẫn, chồng chéo với các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực liên quan; các hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt quy định rõ ràng, cụ thể, phù hợp với các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành tạo thuận lợi cho việc áp dụng xử phạt trong thực tiễn; thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm xử phạt quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng tạo cơ sở pháp lý cho các lực lượng chức năng thực thi công vụ; Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định cụ thể nguyên tắc áp dụng các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả trên cơ sở phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; căn cứ định giá để xác định thẩm quyền, mức phạt rõ ràng, cụ thể đã
tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong quá trình áp dụng xử phạt.
Nghị định số 124/2015/NĐ-CP đã đáp ứng yêu cầu xử lý những vướng mắc từ thực tiễn áp dụng các quy định trong việc xác định hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng, bảo đảm tính thống nhất và tính khả thi của hệ thống pháp luật.
2.3.2. Những hạn chế và nguyên nhân 2.3.2.1. Những hạn chế
Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin chưa thường xuyên, có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, chưa có sự phối hợp tổng thể của các địa phương để triệt phá các điểm tập kết, các đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả.
- Nhiều doanh nghiệp (chủ sở hữu thương hiệu) vẫn chưa quan tâm đến bảo vệ thương hiệu của mình và chưa tích cực chống hàng giả, hàng nhái vì lo ngại điều này làm ảnh hưởng đến doanh thu và tác động đến tâm lý người tiêu dùng, ít chủ động hợp tác để thu hồi và xử lý các sản phẩm bị làm giả, làm nhái vì sợ ảnh hưởng đến thương hiệu, giảm doanh thu. Bên cạnh đó, đối với vụ việc vi phạm mức độ nhỏ khi các cơ quan chức năng đề nghị doanh nghiệp (chủ sở hữu thương hiệu) phối hợp xác minh, làm rõ hàng hóa tạm giữ thì một số doanh nghiệp còn thiếu hợp tác, dẫn đến việc xử lý bị quá hạn, khó xử lý.
- Việc phát hiện hàng giả ngày càng khó khăn do công nghệ làm hàng giả ngày càng tinh vi, có những loại hàng hóa giả xuất hiện trên thị trường mà chỉ có nhà sản xuất mới có thể nhận biết được thông qua mã số, ký hiệu trên sản phẩm của mình, vì vậy không dễ dàng gì người tiêu dùng và cơ quan quản lý phát hiện được.
- Sự thiếu quan tâm của người tiêu dùng cũng là một trong những nguyên nhân tạo điều kiện cho hàng giả lộng hành, số đông người tiêu dùng khi phát hiện ra hàng giả lại bỏ qua vì ngại khiếu nại, kiện tụng.
- Sự tham gia của xã hội trong hoạt động đấu tranh phòng chống có ý nghĩa rất quan trọng và mang lại những hiệu quả hết sức thiết thực. Dư luận xã hội và các thông tin phản ánh từ các tổ chức, cá nhân về tình hình buôn bán hàng giả có những đóng góp quan trọng, tích cực trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước, cũng như bảo đảm cho pháp luật được thực hiện một cách nghiêm minh, thống nhất. Tuy nhiên, thực tiễn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, thông tin phản ánh chủ yếu được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước; còn các tổ chức, cá nhân ít tham gia đối với công tác này, trong khi đây là công việc phức tạp, có phạm vi rộng với khối lượng lớn.
- Theo quy định tại điểm e, g, khoản 1, Điều 11 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng: “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng; Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”; việc quy định cách tính trị giá hàng giả trên cơ sở giá trị của hàng thật để đưa ra mức phạt là chưa phù hợp; bởi vì trên thực tế có nhiều loại hàng hóa không có sản phẩm hàng thật cùng loại để so sánh, đánh giá giá trị tương ứng, hơn nữa có nhiều sản phẩm thật có giá trị rất cao, ví dụ một túi xách có giá đến cả tỷ đồng trong khi đó giá bán của một túi xách giả có giá chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng dẫn đến quy định không thể thực hiện được khi áp giá để tính tiền phạt đối với đối tượng vi phạm đã gây không ít khó khăn trong công tác xử phạt.
- Nội dung các văn bản còn bất cập, khái niệm hàng giả còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng, chặt chẽ, tạo kẽ hở cho các cá nhân tổ chức sản xuất, kinh doanh lợi dụng để sản xuất, buôn bán kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ- CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ thì khái niệm hàng giả bao gồm cả hàng hóa giả mạo về quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ. Đối với hàng hoá giả mạo về quyền sở hữu trí tuệ như sản phẩm, bộ phận sản phẩm, đề can, nhãn, mác, bao bì hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ thì tổ chức, cá nhân phải có “Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm” kèm theo các tài liệu, chứng cứ nhằm chứng minh yêu cầu đó và áp dụng Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 28/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên các vấn đề về hàng giả khác quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP (trừ điểm g khoản 8 Điều 3) thì lại áp dụng Nghị định số 185/2013/NĐ-CP. Như vậy, cùng một nhóm hành vi về hàng giả được quy định trong cùng một nghị định nhưng lại áp dụng hình thức xử phạt tại các văn bản khác nhau, dẫn đến gây khó khăn trong công tác xử lý vi phạm hành chính.
- Khái niệm hàng giả trong pháp luật Việt Nam hiện được hiểu rất rộng, có những khác biệt với thông lệ quốc tế. Đặc biệt, trong nhiều trường hợp có những khó khăn trong việc phân biệt hành vi sản xuất buôn bán hàng giả với các hành vi vi phạm pháp luật khác, khó khăn trong việc phân biệt các loại hàng giả với nhau. Những khó khăn này thực tế tạo ra những lực cản, hạn chế hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống hàng giả.
- Hiện đang có sự phân biệt giữa khái niệm hàng giả với khái niệm hàng hóa có khuyết tật; Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng không đề cập đến vấn đề hàng giả mà khái niệm được sử dụng là hàng hóa có khuyết