Chương 2: THỰC TRẠNG XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ BUÔN BÁN HÀNG GIẢ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI, TỈNH QUẢNG NGÃI
2.4. Kinh nghiệm xử phạt vi phạm hành chính về buôn bán hàng giả của một số địa phương
của một số địa phương
2.4.1. Kinh nghiệm của tỉnh Bình Định
Bình Định là một tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ, có diện tích tự nhiên 605.057,8 ha với 09 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố, có 157 xã, phường, thị trấn. Là tỉnh có quốc lộ 1A và tuyến đường sắt chạy ngang qua;
có tuyến đường thông tuyến với các tỉnh Tây Nguyên, Lào và Campuchia, có cảng Quy Nhơn rất thuận lợi nên việc buôn bán hàng giả trên tất cả các tuyến đường có xu hướng ngày càng gia tăng [57].
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh diễn biến với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý của các lực lượng chức năng. Tuy nhiên, bám sát sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 389), các lực lượng chức năng đã tích cực triển khai các giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, đồng thời kịp thời xử lý các vấn đề nổi cộm trên thị trường mà người dân quan tâm.
Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng diễn ra sâu rộng, kinh tế trong nước đang trên đà phục hồi và phát triển, bên cạnh nhân tố tích cực, thì tình hình kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ còn phức tạp với những thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Trước dự báo đó, lực lượng quản lý thị trường Bình Định đã chủ động nắm chắc tình hình, nhất là các địa bàn, tuyến trọng điểm như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 19, các đầu mối giao thông như bến xe, nhà ga, cảng biển, cảng hàng không để phát hiện các vụ việc buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả... để xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Công tác phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan cũng được chú trọng, đặc biệt là các lực lượng nòng cốt trong công tác chống buôn lậu, hàng giả như Công an, Hải quan, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường, chất
lượng hàng hoá, Sở Khoa học và Công nghệ để kiểm tra, phát hiện các vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng giả mạo xuất xứ hàng hoá… trên địa bàn tỉnh.
Song song với tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, thì công tác tuyên truyền tiếp tục được lãnh đạo Chi cục xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và xuyên suốt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Với nhiều hình thức khác nhau đã vận động 945 tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn tham gia ký cam kết không mua bán, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hoá không đảm bảo an toàn thực phẩm…;
Chi cục QLTT đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng chuyên mục “Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”, Chuyên mục được thực hiện từ tháng 4/2016 đã góp phần đưa tin kịp thời, chính xác các vụ việc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh; biểu dương các nhân tố mới, đồng thời lên án, đấu tranh với các hành vi buôn bán hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả...
Đồng thời với nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân để chấp hành nghiêm túc các quy định của nhà nước về kinh doanh, trong đó chú trọng các hộ kinh doanh nhỏ lẻ; duy trì chương trình chuyên mục “chống buôn lậu, hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” trên sóng truyền hình và từng bước nâng cao chất lượng và thời gian phát sóng. Việc mua sắm phương tiện, trang thiết bị phục vụ hoạt động kiểm tra cũng được quan tâm đầu tư, trang bị cho các Đội QLTT những phương tiện, trang thiết bị cần thiết. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong toàn lực lượng cũng hết sức chú trọng để xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, từng bước chuyên
nghiệp. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 05/9/2016 và Chỉ thị số 23/CT-UBND ngày 11/10/2016 của UBND tỉnh về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính các cấp. Trong đó, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của cán bộ, công chức trong toàn đơn vị.
Phát động phong trào thi đua “rèn luyện tác phong chính quy, luyện ứng xử văn hoá” để tổ chức quán triệt gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong toàn lực lượng. Kiên quyết xử lý và đưa ra khỏi lực lượng các cá nhân có biểu hiện nhũng nhiễu hoặc tiếp tay, bảo kê cho buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm…đồng thời đề xuất các cấp khen thưởng kịp thời các cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong thực thi công vụ.
2.4..2. Kinh nghiệm của tỉnh Gia Lai
Kinh nghiệm từ thực tiễn công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ở tỉnh Gia Lai [58] là:
- Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, kiểm tra việc chấp hành nội quy, quy chế cơ quan và trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.Hàng năm, xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát theo đúng kế hoạch.
- Củng cố, xây dựng mới cơ sở, nhân mối, cung cấp thông tin, tăng cường công tác rà soát, trinh sát, quản lý địa bàn để kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm và xử lý kịp thời các cơ sở kinh doanh, tàng trữ và vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng giả trên địa bàn.
- Tham mưu Trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh ban hành Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động trong lĩnh vực chống buôn lậu và hàng giả trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sự phối hợp đồng bộ, thống nhất, kịp thời giữa các đơn vị thành viên BCĐ389 tỉnh, tránh trường hợp mỗi cơ quan tổ chức một đợt kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình
gây phiền hà cho cơ sở kinh doanh hoặc bỏ sót cơ sở kinh doanh vi phạm hay bỏ sót hành vi vi phạm.
- Căn cứ vào tình hình, diễn biến thị trường trong năm và theo chỉ đạo của cấp trên để triển khai các đợt kiểm tra chuyên đề đối với các mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm.
- Cùng với hoạt động kiểm tra, kiểm soát, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật dưới nhiều hình thức như dán cam kết, tuyên truyền bằng vật phẩm, thông tin trên các phương tiện báo, đài địa phương,….
- Thường xuyên thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật mới trên website Chi cục và trong các buổi họp, giao ban của Chi cục để cán bộ, công chức kịp thời nghiên cứu, học tập và xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật.
- Hàng tháng tổ chức họp, đánh giá kết quả đạt được trong tháng, kịp thời biểu dương những cá nhân, tổ chức đạt được nhiều thành tích trong công tác chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại và hàng giả, đồng thời chấn chỉnh kịp thời các biểu hiện tư tưởng phát sinh hoặc những cán bộ công chức không chấp hành nghiêm các quy định về hoạt động công vụ của công chức quản lý thị trường.
2.4. Bài học kinh nghiệm
Qua kinh nghiệm của một số tỉnh trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và xuyên suốt, vận động giúp người dân nhận thức được hệ quả khôn lường của nạn hàng giả để từ đó xây dựng ý thức tích cực tham gia chống hàng giả, tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng sản xuất, đời sống nhân dân.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng với nhau và với địa phương. Phối hợp, đồng hành cùng các doanh nghiệp, người dân trong cuộc chiến chống hàng giả.
Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc thực thi, áp dụng pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác thi hành pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tiểu kết chương 2
Thành phố Quảng Ngãi là địa bàn trung tâm, phát triển các hoạt động buôn bán hàng hóa và dịch vụ của tỉnh Quảng Ngãi. Qua nghiên cứu, phân tích số liệu từ năm 2014 đến năm 2018 về XPVPHC về buôn bán hàng giả trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, tình hình buôn bán hàng giả trên thị trường ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường nhưng số vụ việc về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được phát hiện và xử lý còn thấp so với diễn biến thực tế của thị trường, chưa ngăn chặn triệt để các vi phạm xảy ra trên thị trường, hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống vấn nạn này còn chưa tương xứng, chưa thực sự quyết liệt, mạnh mẽ dẫn đến tình trạng buôn lậu, gian lân thương mại và hàng giả ngày càng phức tạp, kéo dài. Điều này đặt ra cho các cơ quan chức năng cần có những giải pháp thích hợp để kiểm soát tình trạng buôn bán hàng giả.