Phương hướng bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính về buôn bán hàng giả trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật Hiến Pháp và Luật Hành Chính Xử phạt vi phạm hành chính về buôn bán hàng giả trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi (Trang 84 - 87)

Chương 3: PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM XỬ PHẠT

3.1. Phương hướng bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính về buôn bán hàng giả trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi

3.1.1. Xử phạt vi phạm hành chính phải đúng theo quy định pháp luật Để việc XPVPHC về buôn bán hàng giả trong thời gian tới trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi cũng như trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đúng theo quy định pháp luật cần phải:

Thứ nhất, phải đảm bảo việc XPVPHC tuân thủ đúng quy định pháp luật nhằm nâng cao vai trò của pháp luật trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực hàng giả, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế, thực hiện và bảo vệ các quyền tự do, dân chủ và lợi ích hợp pháp của công dân, ngăn chặn sự tùy tiện, lạm dụng quyền của cơ quan nhà nước và của cán bộ, công chức. Mặc khác cần xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, đầy đủ đảm bảo việc XPVPHC có hiệu quả và chất lượng.

Thứ hai, phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về XPVPHC trong lĩnh vực buôn bán hàng giả; nâng cao vai trò của pháp luật trong quản lý nhà nước lĩnh vực buôn bán hàng giả trên cơ sở cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước thành luật và văn bản dưới luật.

Thứ ba, XPVPHC phải có tác dụng răn đe, giáo dục đối với người vi phạm thông qua việc gây thiệt hại về kinh tế. Nếu XPVPHC mà không gây một thiệt hại nào đối với người vi phạm thì việc xử phạt không có tác dụng gì nhất là đối với các trường hợp sản xuất, buôn bán hàng giả. Do phạt

nặng, bị tịch thu thậm chí cả phương tiện nên người kinh doanh sẽ gặp khó khăn trong kinh doanh, không có lãi, mất cả vốn nên họ tự bỏ nghề, chuyển sang làm nghề khác không vi phạm pháp luật.

3.1.2. Đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính

Công khai, minh bạch là đòi hỏi thiết yếu của nền hành chính công chuyên nghiệp, hiện đại, rút ngắn khoảng cách giữa công dân và công quyền, là nền tảng bảo vệ quyền con người. Trong giai đoạn hội nhập, phát triển kinh tế và xây dựng nhà nước pháp quyền “của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân” hiện nay yêu cầu công khai, minh bạch càng được đề cao nhất là trong quá trình XPVPHC - là biện pháp hữu hiệu nhằm phòng ngừa các hành vi sai trái, các biểu hiện làm suy giảm hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Chỉ khi nào việc công khai, minh bạch được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả thì khi đó Nhân dân mới tự nguyện chấp hành quyết định XPVPHC đối với hành vi vi phạm do mình gây ra, mới có thể tránh được khiếu nại, khiếu kiện.

3.1.3. Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp các bên liên quan trong xử phạt vi phạm hành chính

Mọi chính sách, giải pháp cũng như quá trình XPVPHC phải xuất phát từ lợi ích của người dân trên cơ sở xây dựng mối quan hệ giữa người dân với cơ quan nhà nước. Bảo đảm quyền và lợi ích các bên nhằm phòng ngừa những trường hợp lạm dụng để hạn chế quyền được thông tin và quyền giám sát của dân, nhất là các quy định của pháp luật buộc các cơ quan nhà nước phải thực hiện. Phải tạo điều kiện cho người dân được quyền tiếp cận thông tin, được trình bày các quan điểm, lập luận của họ trước khi cơ quan nhà nước ban hành các quyết định liên quan hoặc xâm hại đến quyền và lợi ích của người dân. Nếu vi phạm pháp luật, người vi phạm phải có quyền và nghĩa vụ cung cấp các thông tin, cung cấp các chứng từ, tài liệu có liên quan để chứng minh mình vô tội còn người có thẩm quyền phải tuân thủ nghiêm

ngặt quy định của Luật XLVPHC, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân mà nếu vi phạm thì bị xử lý theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính.

3.1.4. Phát huy sự tham gia của xã hội vào phát hiện, tố giác vi phạm về buôn bán hàng giả

Kiểm tra, giám sát nhằm mục đích kịp thời phát hiện và giải quyết những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật vào thực tiễn, đồng thời kiến nghị các biện pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật cũng như đảm bảo các quy định của pháp luật được thi hành một cách nghiêm minh và hiệu quả. Bên cạnh đó, kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật còn để kịp thời phát hiện những vi phạm pháp luật để xử phạt nghiêm minh, bảo đảm nguyên tắc: mọi vi phạm pháp luật phải được phát hiện và xử lý kịp thời; mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu công tác này không được chú trọng thường xuyên, không được tổ chức và tiến hành có hiệu quả thì pháp luật ngày càng giảm đi tính nghiêm minh.

Phối hợp, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong cuộc chiến chống hàng giả; vai trò tham gia của doanh nghiệp - chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ là rất quan trọng. Đây không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp trong quá trình phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Do đó, cần tư vấn cho các doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nhau trong đấu tranh chống hàng giả, siết chặt công tác quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá của mình, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình khi bị xâm hại bởi các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.

3.1.5. Gắn với việc nâng cao ý thức pháp luật công vụ của công chức và ý thức pháp luật về chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Ý thức pháp luật là trình độ hiểu biết của các tầng lớp nhân dân về pháp luật, trong đó có cả cán bộ, công chức các cơ quan có chức năng trực tiếp thi hành, áp dụng và bảo vệ pháp luật. Ý thức pháp luật còn là thái độ đối với pháp luật, ý thức tôn trọng hay coi thường pháp luật, đó là thái độ với những hành vi vi phạm pháp luật. Thực tế trong thời gian qua, có nhiều tổ chức, cá nhân, mặc dù hiểu biết về pháp luật nhưng vì lợi nhuận trước mắt nên bất chấp mọi thủ đoạn để vi phạm pháp luật. Đặc biệt nếu tình trạng vi phạm pháp luật này xảy ra trong đội ngũ cán bộ, công chức thì càng nguy hiểm hơn nữa. Lúc này, pháp luật sẽ bị lợi dụng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, xã hội và công dân sẽ bị ảnh hưởng, gây mất trật tự và giảm tính nghiêm minh trong quản lý nhà nước.

Để việc xử phạt vi phạm hành chính về buôn bán hàng giả đảm bảo nguyên tắc pháp chế, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về đấu tranh chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng cần được quan tâm. Đặc biệt, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc thực thi, áp dụng pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác thi hành pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật Hiến Pháp và Luật Hành Chính Xử phạt vi phạm hành chính về buôn bán hàng giả trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi (Trang 84 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)