Khái niệm, đặc điểm và nội dung thực hiện pháp luật vận tải hành khách bằng đường bộ theo tuyến cố định

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật Hiến Pháp và Luật Hành Chính Thực hiện pháp luật về vận tải hành khách bằng đường bộ theo tuyến cố định Từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi (Trang 20 - 30)

Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG ĐƯỜNG BỘ THEO TUYẾN CỐ ĐỊNH

1.2. Khái niệm, đặc điểm và nội dung thực hiện pháp luật vận tải hành khách bằng đường bộ theo tuyến cố định

1.2.1. Khái niệm, đặc điểm thực hiện pháp luật vận tải hành khách bằng đường bộ theo tuyến cố định

1.2.1.1. Khái niệm thực hiện pháp luật vận tải hành khách bằng đường bộ theo tuyến cố định

Thực hiện pháp luật là hoạt động không thể thiếu và là hoạt động cực kì quan trọng, vì nó có vai trò hiện thực hóa các quy định của pháp luật, biến các quy định ấy từ văn bản thành các xử sự thực tế hợp pháp của các chủ thể khi tham gia vào những quan hệ pháp luật cụ thể. Thông qua hoạt động thực hiện pháp luật, mục đích của nhà nước khi ban hành pháp luật được hiện thực hóa, nhờ đó nhà nước có thể điều hành và quản lý xã hội, có thể thiết lập và giữ gìn trật tự xã hội trong những lĩnh vực nhất định. Do tầm quan trọng như vậy mà thực hiện pháp luật trở thành một trong những khái niệm cơ bản của khoa học pháp lý, được đề cập đến trong các giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật của các cơ sở đào tạo luật học.

Thực hiện pháp luật là hoạt động của con người đưa pháp luật vào cuộc sống ("vật chất hóa" pháp luật), nhằm đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, an toàn cho nhân dân [32, tr.278]. Tất cả những hành vi, hoạt động xử sự của các chủ thể pháp luật được tiến hành phù hợp với các yêu cầu của các quy định pháp luật đều được coi là sự thực hiện pháp luật. Có thể hiểu thực hiện pháp luật là một quá trình hoạt động có mục đích làm cho những quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, trở thành những hành vi hợp pháp

của các chủ thể pháp luật.

Trong hoạt động VTHK bằng đường bộ theo tuyến định, thực hiện pháp luật đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về GTVT đường bộ cũng như quá trình thực hiện chính sách, pháp luật phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Xã hội luôn có những vấn đề chung liên quan đến cuộc sống của mọi người, vượt quá phạm vi của mỗi cá nhân, mỗi nhóm người, một tổ chức có quy mô nhỏ, vì vậy cần có quy định pháp luật cụ thể để tạo hành lang pháp lý, nhằm đảm bảo điều chỉnh mọi hành vi theo một trật tự xã hội nhất định.

Từ phân tích nêu trên, có thể hiểu khái niệm thực hiện pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định là quá trình hoạt động của các chủ thể thực hiện pháp luật (cá nhân, cơ quan, tổ chức có khả năng được hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật) làm cho những quy định của pháp luật về GTVT đường bộ nói chung và VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định nói riêng đi vào thực tiễn cuộc sống, trở thành hành vi hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình quản lý, tổ chức hoạt động VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định.

1.2.1.2. Đặc điểm thực hiện pháp luật vận tải hành khách bằng đường bộ theo tuyến cố định

Về chủ thể thực hiện

Thực hiện pháp luật là hành vi xử sự của con người được tiến hành phù hợp với yêu cầu của các quy phạm pháp luật. Trong khi đó, pháp luật được Nhà nước ban hành mang tính bắt buộc chung, sự thực hiện pháp luật của các chủ thể không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Vì thế, thực hiện pháp luật do nhiều chủ thể khác nhau tiến hành theo nhiều cách thức khác nhau.

Chủ thể thực hiện pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định đa dạng, phong phú. Bởi lẽ, quan hệ GTVT là quan hệ chủ yếu của con người, nó là một trong những nhu cầu sinh hoạt cũng như hoạt động chính của con người. Vì vậy, không một ngành nào, cấp nào đảm đương riêng rẽ được nhiệm vụ thực hiện, các chủ thể đó được quy định trong Luật GTĐB và các văn bản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Trong Luật GTĐB đã chỉ rõ: Quản lý hoạt động giao thông vận tải đường bộ được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp [34]. Như vậy, có thể hiểu chủ thể thực hiện pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định gồm:

Thứ nhất, Nhà nước là chủ thể đặc biệt, chỉ có nhà nước mới có chức năng ban hành chính sách, pháp luật và thiết lập bộ máy tổ chức tương ứng để thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động GTVT và thực hiện hợp tác quốc tế về lĩnh vực này. Như vậy có thể hiểu chủ thể thực hiện nội dung này bao gồm Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải.

Thứ hai, chỉ có cơ quan nhà nước mới có đủ sức mạnh để thực hiện thống nhất quản lý về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định. Cơ quan nhà nước, chủ thể quản lý thực hiện pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định gồm: Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ; HĐND, UBND các cấp, cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về GTVT thuộc UBND các cấp;

cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước thực hiện pháp luật thông qua hoạt động tác nghiệp quản lý VTHKĐB; lực lượng Công an và lực lượng chức năng của ngành GTVT làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát bảo đảm TTATGT như: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Thanh tra GTVT. Ngoài ra, chủ thể thực hiện pháp luật VTHK bằng đường bộ còn có các tổ chức, đơn vị được cơ quan nhà nước giao thực hiện

cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực VTHK bằng đường bộ như: đơn vị quản lý khai thác bến xe, cung cấp TBGSHT….

Thứ ba, Luật GTĐB quy định, hoạt động VTĐB gồm hoạt động vận tải không kinh doanh và hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ. Kinh doanh vận tải đường bộ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật. Chỉ có DN, HTX mới được KDVTHK theo tuyến cố định [34]. Như vậy, có thể hiểu chủ thể thực hiện pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định còn là DN, HTX đăng ký KDVTĐB và thoả mãn các điều kiện về KDVTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định.

Thứ tư, hoạt động VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định là hoạt động cung cấp dịch vụ nhằm thoả mãn nhu cầu đi lại của con người giữa các vùng, miền trong cả nước hoặc từ nơi này đến nơi khác một cách thuận tiện, nhanh chóng, an toàn. Để thực hiện cung cấp dịch vụ vận tải DN, HTX phải sử dụng phương tiện vận tải, tổ chức bộ máy quản lý, điều hành, xây dựng tiêu chí chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách... Do đó, chủ thể thực hiện pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định còn là những người được giao điều hành hoạt động vận tải, đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ và hành khách sử dụng dịch vụ VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định.

Về hình thức thực hiện

Trong xã hội tồn tại rất nhiều quan hệ xã hội khác nhau, vì vậy các quy phạm pháp luật rất phong phú, đồng thời chúng cũng xác định quyền, nghĩa vụ thực hiện đối với các chủ thể khác nhau, vì thế hình thức thực hiện chúng cũng rất đa dạng. Căn cứ vào tính chất của hoạt động thực tiễn, có thể hiểu hoạt động thực hiện pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định được thể hiện qua các hình thức sau:

Thứ nhất, tuân thủ pháp luật là một hình thức thực hiện pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định, trong đó các chủ thể pháp luật tự

kiềm chế mình không thực hiện những hoạt động mà pháp luật về VTHKĐB ngăn cấm. Những quy phạm pháp luật cấm trong VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định trong Luật GTĐB được thực hiện dưới hình thức này. Ví dụ như: Đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia GTĐB; điều khiển phương tiện GTĐB mà trong cơ thể có chất ma túy, trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; điều khiển xe cơ giới không có GPLX theo quy định; lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới;

vận chuyển hàng cấm lưu thông, vận chuyển trái phép hoặc không thực hiện đầy đủ các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm, động vật hoang dã; đe dọa, xúc phạm, tranh giành, lôi kéo hành khách; bắt ép hành khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn; chuyển tải, xuống khách hoặc các hành vi khác nhằm trốn tránh phát hiện xe chở quá tải, quá số người quy định; KDVT bằng xe ô tô khi không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo quy định;…[34].

Thứ hai, thi hành (chấp hành) pháp luật là một hình thức thực hiện pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định, trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình bằng hành động tích cực trong VTHKĐB. Những quy phạm pháp luật bắt buộc (những quy định nghĩa vụ phải thực hiện, những hành vi tích cực nhất định) được thực hiện ở hình thức này. Ví dụ: Người KDVTHK có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ cam kết về chất lượng dịch vụ vận tải; mua bảo hiểm cho hành khách, giao vé, chứng từ thu cước, phí cho hành khách; không chở hành khách, hành lý, hàng hoá vượt quá trọng tải, quá số người quy định; không để hàng hóa trong khoang chở khách, có biện pháp giữ gìn vệ sinh trong xe [34]. Những nghĩa vụ của các chủ thể trong lĩnh vực VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định được quy định trong các văn bản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Thứ ba, sử dụng pháp luật là một hình thức thực hiện pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định, trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện quyền chủ thể của mình (thực hiện những hành vi mà pháp luật cho phép). Hình thức này khác với hình thức tuân thủ pháp luật và thi hành pháp luật ở chỗ chủ thể có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền được pháp luật cho phép theo ý chí của mình, mà không bị bắt buộc phải thực hiện. Nói một cách khác, các chủ thể trong phạm vi thẩm quyền, các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức triển khai các quy định về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định bằng việc tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn cho các DN, HTX, người điều hành vận tải thực hiện pháp luật trong lĩnh vực này bằng nhiều biện pháp, hình thức phù hợp. Ví dụ: Pháp luật quy định Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phối hợp với Bộ GTVT để xây dựng quy định về chương trình và tham gia tập huấn cho người điều hành vận tải, lái xe và nhân viên phục vụ trên xe nhưng trên thực tế, tổ chức này có thể thực hiện phối hợp hoặc không phối hợp [14]; như vậy, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã sử dụng hoặc không sử dụng pháp luật (quyền được phối hợp, tham gia).

Thứ tư, áp dụng pháp luật là một hình thức thực hiện pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định, trong đó nhà nước thông qua các cơ quan quản lý nhà nước hoặc cá nhân có thẩm quyền tổ chức cho các chủ thể pháp luật thực hiện những quy định của pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định hoặc tự mình căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành để ra các quyết định làm phát sinh, chấm dứt hay thay đổi những quan hệ pháp luật liên quan đến xử lý hành vi trái pháp luật và kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định.

Với nội dung trên, hoạt động áp dụng pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định là sự tác động quản lý bằng quyền lực nhà nước của các cơ quan có thẩm và một số cơ quan khác để tiến hành cho các chủ thể khác

thực hiện pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định. Đây là yếu tố quyết định sự tuân thủ nghiêm chỉnh các quy phạm pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định, tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực tế của quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Có thể thấy rõ các hoạt động áp dụng pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định như: Cấp GPKDVT, đăng ký khai thác tuyến, lựa chọn đơn vị khai thác tuyến, quy trình cấp phép cho xe ra vào bến, đăng ký, đăng kiểm phương tiện VTHK; xây dựng bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ đường bộ; thanh tra, kiểm tra, giám sát, cưỡng chế, xử lý trách nhiệm …

Nói tóm lại, thực hiện pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định có thể tiến hành thông qua 4 hình thức: tuân thủ pháp luật, thi hành (chấp hành) pháp luật, sử dụng pháp luật và áp dụng pháp luật. Mỗi loại chủ thể khác nhau có cách thực hiện pháp luật khác nhau. Đối với những cá nhân, tổ chức không có thẩm quyền thì thực hiện pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định dưới hình thức tuân thủ pháp luật, thi hành (chấp hành) pháp luật và sử dụng pháp luật; đối với các cơ quan nhà nước và những người có chức vụ, quyền hạn thì còn được tiến hành dưới hình thức áp dụng pháp luật. Trong thực tế, các hình thức thực hiện pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định không tách rời, biệt lập mà luôn có sự đan xen, bao chứa và gắn bó chặt chẽ với nhau nên các chủ thể thông thường phải thực hiện các quy định của pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định đồng thời dưới nhiều hình thức khác nhau.

1.2.2. Nội dung thực hiện pháp luật vận tải hành khách bằng đường bộ theo tuyến cố định

1.2.2.1. Về điều kiện kinh doanh

Hoạt động KDVTĐB là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định là một loại hình VTĐB. Chỉ có DN, HTX

bảo đảm điều kiện theo quy định, được cấp GPKDVT mới được đăng ký hoạt động KDVTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định. Luật GTĐB, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định DN, HTX, hộ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải có đủ các điều kiện sau:

Một là, đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật.

Hai là, bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với phương án kinh doanh, phương tiện phải gắn TBGSHT và một số điều kiện đặc thù như: Phải có chỗ ngồi ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ đang mang thai; quy mô phương tiện tối thiểu đối với VTHK theo tuyến cố định từ 300 ki lô mét trở lên; khi hoạt động KDVT phải có đủ số lượng phương tiện theo phương án kinh doanh đã được duyệt;

phương tiện phải thuộc quyền sở hữu của đơn vị KDVT hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng của đơn vị KDVT với tổ chức cho thuê tài chính hoặc tổ chức, cá nhân hoặc của xã viên HTX theo quy định của pháp luật.

Ba là, bảo đảm số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án kinh doanh và phải có hợp đồng lao động bằng văn bản; nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn nghiệp vụ KDVT, ATGT; không được sử dụng người lái xe đang trong thời kỳ bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật.

Bốn là, người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của DN, HTX phải có trình độ chuyên môn về vận tải từ trung cấp trở lên hoặc có trình độ từ cao đẳng trở lên đối với các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật khác và có thời gian công tác liên tục tại đơn vị vận tải từ 03 trở lên.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật Hiến Pháp và Luật Hành Chính Thực hiện pháp luật về vận tải hành khách bằng đường bộ theo tuyến cố định Từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi (Trang 20 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)