Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG ĐƯỜNG BỘ THEO TUYẾN CỐ ĐỊNH
1.3. Các yếu tố tác động đến thực hiện pháp luật vận tải hành khách bằng đường bộ theo tuyến cố định
1.3.1. Ý thức pháp luật của các chủ thể tham gia thực hiện pháp luật vận tải hành khách bằng đường bộ theo tuyến cố định
Ý thức pháp luật là tổng thể những học thuyết, quan điểm, quan niệm thịnh hành trong xã hội thể hiện mối quan hệ của con người đối với pháp luât và sự đánh giá về tính hợp pháp hay không hợp pháp với các hành vi pháp lý thực tiễn. Ý thức pháp luật có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thực thi pháp luật. Chủ thể tham gia pháp luật có ý thức tuân thủ pháp luật cao thì hoạt động thi hành pháp luật sẽ mang lại hiệu quả cao và ngược lại. Vì vậy, có thể nói ý thức pháp luật của các chủ thể tham gia thực hiện pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định cao thì các quy định của pháp luật về vấn đề này diễn ra có trật tự, quy cũ hơn, văn minh và phát triển, đáp ứng được mục tiêu chính trị và xã hội, phục vụ yêu cầu đi lại của nhân dân được thuận tiện, an toàn và ngược lại sẽ làm hạn chế sự phát triển và gây mất trật tự xã hội.
Tuy nhiên, trên thực tế do nhiều nguyên nhân khác nhau, ý thức pháp luật của các chủ thể tham gia thực hiện pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định thời gian qua đã bộc lộ nhiều thiếu sót, công tác thực hiện pháp luật trong lĩnh vực này chưa cao. Dẫn đến, hiệu quả hoạt động KDVT thấp, nhiều phương tiện xe khách vi phạm chở quá số người quy định, tùy tiện dừng đón trả khách, phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách... gây mất TTATGT, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT. Vì vậy, trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa ý thức của chủ thể tham gia VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định cần phải nâng cao trình độ và tăng cường công tác tuyên truyền,
phổ biến pháp luật về VTHKĐB đến các chủ thể tham gia VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định.
1.3.2. Sự cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải đường bộ
VTĐB là phương thức vận chuyển phổ biến nhất, chiếm tỉ trọng cao nhất trong vận tải hàng hóa nội địa. Đến năm 2020, thị phần vận tải hàng hóa:
đường bộ chiếm khoảng 54,4%, đường sắt chiếm khoảng 4,3%, đường thủy nội địa chiếm khoảng 32,4%, đường biển chiếm khoảng 8,85%, đường hàng không chiếm khoảng 0,04%; thị phần vận tải hành khách: đường bộ chiếm khoảng 93,22%, đường sắt chiếm khoảng 3,38%, đường thủy nội địa chiếm khoảng 0,17%, đường hàng không chiếm khoảng 3,23% [9]. Mặc dù chiếm thị phần và có thị trường rộng lớn, song tính cạnh tranh trên thị trường là rất cao. Các DN, HTX hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực vận tải không chỉ cạnh tranh lẫn nhau mà hiện tại các DN, HTX còn phải gồng mình để cạnh tranh với các công ty vận tải đa quốc gia, lớn mạnh về tài chính và kinh nghiệm [9].
Trước sự phát triển như vũ bão của lĩnh vực VTĐB, số lượng đơn vị, phương tiện và lao động trong lĩnh vực này ngày càng tăng cao, trong khi quan điểm, mục tiêu, các phương pháp, cách thức quản lý chưa có sự thay đổi một cách căn bản tương ứng với tốc độ phát triển của lực lượng vận tải nên đã làm phát sinh những tồn tại trong hoạt động vận tải, làm giảm hiệu quả đóng góp, tăng chi phí xã hội. Sự phát triển quá “nóng” của VTĐB trong thời gian qua đã phát sinh nhiều hệ quả như: Mất cân đối giữa các phương thức vận tải;
xuất hiện vấn nạn xe dù, bến cóc, xe chở quá tải trọng cho phép, gây hư hỏng hệ thống kết cấu hạ tầng và mất ATGT; giá cước VTĐB không đúng với giá thành do chở quá tải; cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa xe chạy tuyến cố định và xe chạy hợp đồng…Từ đó, dẫn đến việc cạnh tranh của các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ gặp nhiều khó khăn trong định hướng phát triển, xây
dựng phương án kinh doanh, tạo nên sự manh mún, nhỏ lẻ, tùy tiện trong hoạt động, làm giảm hiệu quả, sức cạnh tranh của từng đơn vị, cũng như cạnh tranh quốc gia [9].
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất, thương mại trong nước hiện nay cũng đòi hỏi các nhà cung cấp vận tải của mình ngày càng phải chuyên nghiệp hơn, đáp ứng đa dạng hơn các nhu cầu của họ về sản lượng vận tải, chủng loại phương tiện, tần suất, cung đường, phương thức vận chuyển, tiến độ, giá cả. Do vậy, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hiện nay có xe thôi là chưa đủ, có nhiều xe và chủng loại xe vẫn chưa đủ, đòi hỏi sự kết hợp nhịp nhàng các thế mạnh của các doanh nghiệp với nhau, tạo thành một khối thống nhất, nhằm lưu thông hàng hóa, hành khách trên toàn quốc một cách nhịp nhàng, đảm bảo tiến độ, an toàn hàng hóa, hành khách mà tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Ví dụ, thông thường chi phí vận chuyển hàng hóa chiếm từ 10% đến 15% chi phí đầu vào của mỗi doanh nghiệp sản xuất, thương mại, do đó nếu giảm thiểu được chi phí vận chuyển sẽ đảm bảo thêm tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp sản xuất, thương mại [9].
Ngoài ra, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (cách mạng công nghiệp lần thứ tư) thực sự đang tác động hết sức mạnh mẽ, làm thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất, quản trị xã hội, dịch vụ, thương mại… Từ đó, làm cho cuộc cạnh tranh giữa các DN, HTX với nhau mang đậm màu sắc công nghệ hiện đại hơn so với trước rất nhiều. Đã có nhiều luồng ý kiến trái chiều để bênh vực cho những truyền thống tốt đẹp đã có, nhưng cũng nhiều ý kiến khác cho rằng việc áp dụng công nghệ vào các dịch vụ không chỉ mang lại sự cạnh tranh công bằng mà còn đem lại tiện ích, tiện lợi cho người tiêu dùng. Và cái gì đem lại lợi ích nhất, tốt nhất tất nhiên sẽ được người tiêu dùng lựa chọn.
Thực tế cho thấy, sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường vận tải trong nước trong thời gian qua thể hiện rất rõ giữa các doanh nghiệp truyền thống và các
doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, ví dụ như trong lĩnh vực vận tải khách bằng xe taxi thì có Uber, Grab và taxi truyền thống….[27]
1.3.3. Mức độ hoàn thiện của cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ Phát triển KCHT luôn giữ vai trò quan trọng và có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới nền kinh tế, Đảng ta đã xác định “GTVT là khâu quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng” và “GTVT phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân”. Sau hơn 30 năm đổi mới, KCHTGT nước ta vẫn còn yếu kém, đang là một trong những điểm nghẽn của quá trình phát triển. Các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI [28], XII [29] của Đảng đều xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển đất nước là: “Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, nhất là hệ thống giao thông đồng bộ”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 cũng xác định: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn” là một trong ba đột phá chiến lược.
Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ “Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm, vừa có bước đi phù hợp vừa có bước đột phá theo hướng hiện đại, tạo nên mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, kết nối giữa các phương thức vận tải, cả vùng lãnh thổ, giữa đô thị và vùng nông thôn trên phạm vi toàn quốc” [44].
Trong những năm qua hệ thống cơ sở HTGTĐB đã cơ bản được hoàn thiện. Nhiều công trình dự án đã được ưu tiên tập trung đầu tư để đồng bộ và từng bước hoàn thiện như: hoàn thành nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 với quy mô 4 làn xe; xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam;
đầu tư nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh và nâng cấp đoạn qua Tây Nguyên; đầu tư một số đoạn tuyến đường bộ ven biển. Ở khu vực phía Bắc đã
xây dựng một số tuyến đường bộ cao tốc thuộc hành lang và một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, các tuyến cao tốc hướng tâm và vành đai vùng Thủ đô Hà Nội như Cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng... Ở Khu vực miền Trung - Tây Nguyên hoàn thiện nâng cấp, xây dựng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, các tuyến đường bộ thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây và các tuyến đường ngang nối vùng duyên hải với các tỉnh Tây Nguyên, nối các cảng biển Việt Nam với các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Canpuchia... Ở Khu vực phía Nam đã xây dựng hoàn thành các tuyến đường cao tốc nối thành phố Hồ Chí Minh với các cửa ngõ và đầu mối giao thông quan trọng và đường vành đai thuộc khu vực thành phố Hồ Chí Minh như:
tuyến Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Dây, thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương...[44].
Hệ thống bến xe khách đã được các tỉnh, thành phố quy hoạch nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển GTVT của từng địa phương; hệ thống trạm dừng nghỉ đường bộ phê duyệt quy hoạch đến năm 2020 là 84 trạm dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ, trong đó Quốc lộ 1 có 48 trạm và 59 quốc lộ còn lại 36 trạm [7]. Đến nay, trên toàn quốc đã đầu tư đưa vào khai thác 457 bến xe khách, 42 trạm, điểm dừng nghỉ đường bộ với cơ sở vật chất khang trang, tiện nghi, chất lượng dịch vụ tương đối tốt [9]. Một số địa phương đã có phương án đầu tư đưa bến xe khách ra ngoài trung tâm đô thị để phân luồng, điều tiết giao thông nhằm giảm áp lực giao thông trong đô thị, chống ùn tắc giao thông và giảm thiểu TNGT, như:
Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ...[9].
Như vậy, có thể thấy thời gian qua Đảng, Nhà nước đã quan tâm tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thiện cơ sở HTGTĐB, đây là điều kiện thuận lợi để hoạt động VTHKĐB phát triển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy vậy, mức độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng vẫn còn chậm, chưa theo kịp với yêu cầu phát triển vận tải, một số đoạn tuyến vẫn chưa hoàn thiện để kịp đưa vào khai thác theo tiến độ được duyệt như tuyến đường cao tốc Đà
Nẵng - Quảng Ngãi, một số tuyến quốc lộ, đường tỉnh vẫn chưa được đầu tư nâng cấp mở rộng đưa vào đúng cấp kỹ thuật. Đây là những nguyên nhân cơ bản hạn chế đến sự phát triển bền vững của VTĐB và cũng là tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATGT trên các tuyến vận tải.
1.3.4. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định
Theo quy định của hệ thống pháp luật về VTHKĐB hiện hành, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định gồm:
Thứ nhất, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giao thông đường bộ có trách nhiệm quy định cụ thể về kinh doanh và điều kiện kinh doanh, cấp GPKDVT bằng xe ô tô [34].
Thứ hai, Bộ GTVT là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về GTVT trong phạm vi cả nước, thống nhất quản lý hoạt động KDVT bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật. Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động VTĐB và dịch vụ hỗ trợ VTĐB. Ban hành quy định về trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động KDVT bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ VTĐB. Quy định cụ thể về việc quản lý và cấp phù hiệu cho xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách. Tổ chức lập, phê duyệt và công bố quy hoạch mạng lưới tuyến VTHK cố định liên tỉnh; hệ thống các trạm dừng nghỉ trên quốc lộ. Tổ chức thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động KDVT bằng xe ô tô. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật về vận tải đường bộ và các quy định khác của pháp luật liên quan.
Thứ ba, Tổng cục ĐBVN là cơ quan trực thuộc Bộ GTVT, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ GTVT quản lý nhà nước chuyên
ngành về GTVT đường bộ, có trách nhiệm quản lý theo thẩm quyền hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ VTĐB trong phạm vi cả nước.
Lập và trình Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch mạng lưới tuyến VTHK cố định liên tỉnh. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tập huấn; thống nhất in, phát hành GPKDVT, phù hiệu gắn trên xe chạy tuyến cố định. Xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý và Trang thông tin điện tử về hoạt động vận tải bằng xe ô tô; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ VTĐB, tổ chức triển khai áp dụng thống nhất trong toàn quốc. Xây dựng lộ trình và tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến để giải quyết các thủ tục hành chính về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ VTĐB. Rà soát và thực hiện cắm biển hạn chế tốc độ đối với xe khách có giường nằm hai tầng tại các vị trí cần thiết, đặc biệt là khu vực có địa hình đèo, dốc, tại các vị trí có bán kính đường cong nhỏ trên các tuyến quốc lộ. Thanh tra, kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm quy định về KDVTĐB và dịch vụ hỗ trợ VTĐB theo quy định của pháp luật. Chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam biên soạn, phát hành tài liệu, chương trình khung tập huấn nghiệp vụ cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và người điều hành vận tải tại các đơn vị KDVT.
Thứ tư, Sở GTVT là cơ quan trực thuộc UBND cấp tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về GTVT;
Sở GTVT chịu sự chỉ đạo, kiểm tra của Bộ GTVT và hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Tổng cục ĐBVN. Sở GTVT có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý nhà nước về kinh doanh và điều kiện kinh doanh, tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định trên địa bàn địa phương.
Nhìn chung, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan từ trung ương đến địa phương trong thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về VTHK bằng
đường bộ theo tuyến cố định đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật một cách cụ thể, rõ ràng. Đây là cơ sở, là điều kiện giúp cho việc ban hành, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định có hiệu quả.
Tiểu kết chương 1
Trong chương này, nội dung chủ yếu là làm sáng tỏ hơn những vấn đề lý luận về thực hiện pháp luật VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định. Qua đó cho thấy VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng.
Trước những thách thức, vị trí vai trò của VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định thì công tác thực hiện pháp luật ở lĩnh vực này rất cần thiết, thông qua công cụ thực thi pháp luật để điều chỉnh hoạt động VTHK bằng đường bộ tuyến cố định theo đúng định hướng, đi vào nề nếp, quy cũ và phát triển. Cơ quan nhà nước thực hiện pháp luật VTHKĐB được cụ thể hóa qua các văn bản quy phạm pháp luật về vận tải; đồng thời luôn đảm bảo hoạt động VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định không ngừng phát triển, đảm bảo thỏa mãn nhu cầu đi lại của người dân trong toàn xã hội một cách thuận tiện, nhanh chóng, an toàn và bảo đảm lợi ích, công bằng đối với mọi tổ chức, cá nhân hoạt động VTHK cũng như người sử dụng dịch vụ VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định.
Kết quả nghiên cứu ở Chương 1 là cơ sở khoa học để từ đó luận văn đánh giá thực trạng của thực hiện pháp luật về vận tải hành khách bằng đường bộ theo tuyến cố định ở tỉnh Quảng Ngãi.