Chương 3: ĐỊNH HƯỚNG, GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG ĐƯỜNG BỘ THEO TUYẾN CỐ ĐỊNH - TỪ THỰC TIỄN TỈNH QUẢNG NGÃI
3.1. Định hướng bảo đảm thực hiện pháp luật về vận tải hành khách bằng đường bộ theo tuyến cố định - từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi
Trong suốt quá trình đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta luôn xác định đổi mới, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, có ý nghĩa hàng đầu, trong đó cốt lõi là tập trung ưu tiên đổi mới tư duy kinh tế, chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liên, bao cấp sang KTTT định hướng XHCN; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật phù hợp với yêu cầu quản lý xã hội trong từng giai đoạn phát triển; coi đây là công việc thường xuyên liên tục... Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã khẳng định “Tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; phát huy dân chủ, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liên, tệ nạn xã hội và tội phạm”. Để làm được điều đó, pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc và triệt để trên nền tảng những quan điểm chỉ đạo sau:
3.1.1. Chủ động, trách nhiệm, minh bạch, phục vụ trong thực hiện pháp luật về vận tải hành khách bằng đường bộ theo tuyến cố định
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII chỉ rõ “Hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, công khai minh bạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, tạo chuyển biến
mạnh mẽ trong nhận thức và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp” [29].
Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã nêu
“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả; hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân; hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”. Trong đó Chính phủ xác định phải tập trung “Xây dựng tổ chức bộ máy của Chính phủ tinh gọn với nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển, trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động, lấy Nhân dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh”, “Nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước”, “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch”, “Rà soát tổng thể và sửa đổi, bổ sung các luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh, đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, không có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp” [26].
Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2020 đã nêu rõ mục tiêu “Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong việc tuân thủ thủ tục hành chính”, “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước” [23].
Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ thể hiện rõ quan điểm: “Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý nhà nước về dịch vụ vận tải nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thúc đẩy sự phát triển các đơn vị kinh doanh vận tải, hình thành thị trường vận tải có tính xã hội hóa, tính cạnh tranh cao, bình đẳng và lành mạnh”, mục tiêu đến năm 2030: “có hệ thống pháp lý hoàn chỉnh về quản lý vận tải, đảm bảo thực thi hiệu quả pháp luật, nghiêm minh” [45].
Từ những quan điểm chỉ đạo nêu trên, việc chủ động, trách nhiệm, minh bạch, phục vụ trong hoạt động quản lý nhà nước nói chung và trong thực hiện pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay nhằm thúc đẩy hoạt động VTHK bằng đường bộ ngày càng phát triển theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
3.1.2. Tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong vận tải hành khách bằng đường bộ theo tuyến cố định
Điều 33 Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết nêu rõ: “Hoàn thiện thể chế phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp”. Với nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là:
“Thực hiện nhất quán một chế độ pháp lý kinh doanh cho các doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu, thành phần kinh tế. Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật. Hoàn thiện thể chế về cạnh tranh;
tăng cường tính minh bạch về độc quyền nhà nước. Xóa bỏ các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, bao cấp của Nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế” [2].
Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 xác định “Việt Nam phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu dựa trên tri thức đổi mới, sáng tạo, khoa học và công nghệ cao, trong đó doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế”. Để xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế, cần bảo đảm các nguyên tắc “Các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành và thực thi chính sách phải bảo đảm xác định rõ mỗi nhiệm vụ có một đầu mối và người chịu trách nhiệm. Các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Doanh nghiệp phải nâng cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; cạnh tranh lành mạnh, chia sẽ và liên kết hợp tác; đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh” [24].
Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020 đã nêu định hướng cơ bản phát triển các lĩnh vực chủ yếu đến năm 2020, trong đó đối với dịch vụ vận tải tập trung “Xây dựng chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải” [42].
Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020 đã nêu rõ một trong những nhiệm vụ chủ yếu là “ Nâng cao chất lượng dịch vụ và thúc đẩy cạnh tranh của khu vực dịch vụ” với những giải pháp cụ thề gồm: (a) Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng trong lĩnh vực dịch vụ; (b) Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ; (c) Tăng cường sự hợp tác, liên kết giữa
các ngành dịch vụ, khu vực dịch vụ tại một số vùng trọng điểm trên lãnh thổ Việt Nam để cùng cạnh tranh và phát triển [43].
Do vậy, thời gian tới quá trình thực hiện pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi phải trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc quán triệt các quan điểm của Đảng, Nhà nước để tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng nhẳm tạo thuận lợi cho DN, HTX tham gia hoạt động KDVTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định.
3.1.3. Phù hợp với quy hoạch và mức độ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương
VTHKĐB là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, là bộ phận của nhóm ngành thứ 3 - khối dịch vụ. Ngoài việc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phân bố lại dân cư, lao động còn góp phần quan trọng vào phát triển và văn minh đô thị, giảm ùn tắc giao thông, rút ngắn khoảng cách (theo nghĩa rộng) giữa các vùng miền, bảo đảm quốc phòng - an ninh và hội nhập sâu rộng quốc tế. Do vậy, thực hiện pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định là chức năng quan trọng của Nhà nước và được thực hiện bởi nhiều cơ quan, đơn vị chức năng khác nhau.
Pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định là hành lang pháp lý cơ bản liên quan đến quyền tự do kinh doanh, quyền định đoạt phương thức tổ chức hoạt động của tổ chức, cá nhân và có tác động sâu rộng đến tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là tài sản, tính mạng của con người. Vì thế, định hướng hoàn thiện pháp luật về VTHK bằng đường bộ theo tuyến cố định cần phải phù hợp với quy hoạch phát triển GTVT và chiến lược phát triển dịch vụ vận tải của từng địa phương gồm: quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải và phương tiện giao thông cơ giới, quy hoạch phát triển KCHT, quy hoạch mạng lưới bến xe khách và quy hoạch phát triển của các ngành có liên quan; chiến lược phát triển thị trường vận tải, phát triển phương
tiện vận tải và phát triển lực lượng KDVT. Đồng thời, phải phù hợp với mức độ phát triển - kinh tế xã hội của địa phương trong từng giai đoạn, từng thời kỳ trên cơ sở phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của địa phương, phát triển nguồn nhân lực với cơ cấu chất lượng hợp lý theo ngành và lãnh thổ, gắn liền với giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc, nâng cao đời sống của Nhân dân.