Cơ sở khoa học về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình

Một phần của tài liệu Đề xuất giải pháp nâng cao năng lực quản lý dự án đầu tư xây dựng cho ban quản lý các công trình giao thông tỉnh bắc giang (Trang 40 - 46)

CHƯƠNG 2 CƠ SỞ KHOA HỌC VỀ QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

2.1 Cơ sở khoa học về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình

QLDA là công tác triển khai tổng hợp nhiều công việc liên quan đến khoa học, kỹ thuật, kinh tế, xã hội…từ tất cả các bước, từ lúc bắt đầu triển khai dự án cho đến khi kết thúc dự án để CTXD đảm bảo được các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, hoàn thành đúng tiến độ với chi phí đã đề ra. Khoa học quản lý có bản chất là một sự phối hợp kỳ diệu giữa kỹ thuật và nghệ thuật được mô tả như Hình 2.1.

Hình 2.1 Sơ đồ cấu trúc khoa học quản lý

Hai nội dung của một dự án ĐTXD có thể hiểu là đầu tư và hợp đồng xây dựng. Một dự án ĐTXD bao giờ cũng đòi hỏi yêu cầu gắn liền với một vị trí, một điểm nhất định trong một diện tích nhất định. Dự án ĐTXD được biểu diễn như Hình 2.2.

Hình 2.2 Sơ đồ biểu diễn dự án ĐTXD Sơ đồ trên cho ta thấy một dự án ĐTXD có những đặc điểm sau:

 Kế hoạch: Tính kế hoạch được thể hiện qua việc xác định rõ được các mục đích của dự án, các mục đích này phải được cụ thể hóa thành các mục tiêu và dự án chỉ hoàn thành khi các mục tiêu này đạt được.

 Tiền: Đây là sự bỏ vốn để XDCT, nếu phần kế hoạch của dự án được coi là phần tinh thần thì “Tiền” được coi là phần vật chất có tính quyết định đến sự thành công của dự án.

 Thời gian: Thời gian là một yếu tố rất quan trọng khi thực hiện dự án, thời gian cũng chính là cơ hội của dự án. Các công việc của dự án cần phải hoàn thành trong một thời gian cụ thể để CTXD đáp ứng yêu cầu tiến độ đã đề ra.

 Đất: Đất là một loại tài nguyên đặc biệt quý hiếm đồng thời cũng là một yếu tố vật chất quan trọng để thực hiện dự án. Đất ngoài các giá trị về địa chất, còn có giá trị về vị trí, địa lý, kinh tế, môi trường xã hội… Các CTXD đều được gắn liền với đất do đó việc quy hoạch, khai thác và sử dụng đất cho các dự án ĐTXD đòi hỏi cần đáp ứng những yêu cầu riêng cần hết sức lưu ý.

 Sản phẩm của một dự án xây dựng có thể lả: XDCT mới; cải tạo, sửa chữa công trình cũ; mở rộng, nâng cấp công trình cũ.

Sản phẩm của dự án xây dựng có đặc điểm là sản phẩm đứng cố định và chiếm hữu một diện tích đất nhất định. Sản phẩm không chỉ đơn giản là sự sở hữu của CĐT mà nó còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Các CTXD có tác động rất lớn vào môi trường sinh thái và cuộc sống của của cộng đồng dân cư. Các tác động này bao gồm các tác động về mặt vật chất, các tác động về mặt tinh thần trong một khoảng thời gian dài. Do vậy, cần đặc biệt lưu ý trong công tác thiết kế và thi công các CTXD. [9]

Cơ sở pháp lý

Văn bản quy phạm pháp luật là hình thức thể hiện của các quyết định pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo trình tự và dưới hình thức nhất định, có chứa đựng các quy tắc xử sự chung nhằm điều chỉnh một loại quan hệ xã hội nhất định, được áp dụng nhiều lần trong thực tiễn đời sống và việc thực hiện văn bản đó không làm chấm dứt hiệu lực của nó. Mọi lĩnh vực, mọi hoạt động của đất nước đều được quản lý thông qua hệ thống pháp luật. Quản lý dự án ĐTXD công trình là một công tác cực kỳ quan trọng và tất nhiên nó cũng có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của riêng mình.

Văn bản quy phạm pháp luật là loại nguồn trực tiếp của pháp luật, do đó nó có ý nghĩa rất lớn và là căn cứ quan trọng nhất để cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện việc quản lý và các bên tham gia dự án XDCT tuân thủ theo. Đây cũng là cơ sở để đối chiếu và xử lý các vấn đề tranh chấp xảy ra.

Trải qua nhiều năm, nhiều lần điều chỉnh và sửa đổi, tuy vẫn còn có những nội dung cần phải bổ sung và hoàn thiện, nhưng về cơ bản hiện nay Nhà nước ta đã ban hành tương đối chi tiết và đầy đủ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện và hỗ trợ tối đa công tác QLDA ĐTXD công trình. Ngoài các Bộ Luật điều chỉnh chung thì các hoạt động thuộc lĩnh vực ĐTXD công trình đã được điều chỉnh trực tiếp bởi Luật Xây dựng cùng với các Quyết định áp dụng có liên quan, Nghị định quy định chi tiết, Thông tư hướng dẫn. Dưới đây là một số văn bản pháp luật hiện hành liên quan tới QLDA ĐTXD công trình.

2.1.2.1 Văn bản do Quốc hội và Chính phủ ban hành

Luật Xây dựng Số 50/2014/QH13 được QH ban hành ngày 18 tháng 06 năm 2014 quy định quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng. [6]

Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 được QH ban hành ngày 18 tháng 06 năm 2014 quy định việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quản lý nhà nước về đầu tư công;

quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. [18]

Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 được QH ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2014 quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài. [4]

Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 được QH ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2013 quy định quản lý nhà nước về đấu thầu; trách nhiệm của các bên có liên quan và các hoạt động đấu thầu. [5]

Luật Đất đai số 45/2013/QH13 được QH ban hành ngày 29 tháng 11 năm 2013 quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. [19]

Nghị định số 18/2015/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 14 tháng 02 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành các quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường của Luật Bảo vệ môi trường. [20]

Nghị định số 31/2015/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 24 tháng 03 năm 2015 quy định chi tiết thi hành Khoản 4 Điều 31 và Khoản 2 Điều 35 của Luật Việc làm về điều kiện, tổ chức và hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và danh mục công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn sức khỏe của cá nhân người lao động hoặc cộng đồng phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. [21]

Nghị định số 32/2015/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 25 tháng 03 năm 2015 quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng gồm tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, dự toán gói thầu xây dựng, định mức xây dựng, giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng, chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng, thanh toán và quyết toán hợp đồng xây dựng; thanh toán và quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình; quyền và nghĩa vụ của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng và nhà thầu tư vấn trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng. [22]

Nghị định số 37/2015/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 22 tháng 04 năm 2015 quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng. [23]

Nghị định số 46/2015/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 12 tháng 05 năm 2015 hướng dẫn Luật Xây dựng về quản lý chất lượng công trình xây dựng trong công tác khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng; về bảo trì công trình xây dựng và giải quyết sự cố công trình xây dựng. [8]

Nghị định số 59/2015/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 18 tháng 06 năm 2015 quy định chi tiết một số nội dung thi hành Luật Xây dựng năm 2014 về quản lý dự án đầu tư xây dựng, gồm: Lập, thẩm định, phê duyệt dự án; thực hiện dự án; kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng; hình thức và nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng. [7]

Thông tư số 01/2015/TT-BKHĐT được Bộ KHĐT ban hành ngày 14 tháng 02 năm 2015 quy định chi tiết việc lập Hồ sơ mời quan tâm, Hồ sơ mời thầu, Hồ sơ yêu cầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu số 43/2013/QH13. [24]

Thông tư số 18/2016/TT-BXD được Bộ Xây dựng ban hành ngày 30 tháng 06 năm 2016 quy định chi tiết về thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và thiết kế, dự toán xây dựng công trình theo quy định tại Nghị định sô 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng. [25]

2.1.2.2 Văn bản do tỉnh Bắc Giang ban hành

Bên cạnh việc tuân thủ theo pháp luật do Nhà nước Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền ban hành thì tại các tỉnh thành cũng có những quy định riêng tùy vào từng điều kiện cụ thể và các quy định này không đi ngược lại với các quy định do các cấp cao hơn ban hành. Một số văn bản quy định về QLDA ĐTXD công trình do tỉnh Bắc Giang ban hành.

Nghị quyết số 12/2010/NQ-UBND được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành ngày 04 tháng 02 năm 2010 quy định phân công, phân cấp và ủy quyền thực hiện quản lý quy hoạch xây dựng và QLDA ĐTXD công trình trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. [26]

Quyết định số 535/2016/QĐ-UBND được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành ngày 14 tháng 09 năm 2016 về việc ban hành một số quy định về quản lý ĐTXD trên địa bàn tỉnh. [27]

Quyết định số 03/2017/QĐ-UBND được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành ngày 14 tháng 02 năm 2017 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định một số nội dung về ĐTXD khu đô thị mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ban hành kèm theo Quyết định số 531/2015/QĐ-UBND ngày 28/10/2015 của UBND tỉnh. [28]

Quyết định số 20/2017/QĐ-UBND được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành ngày 20 tháng 06 năm 2017 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của quy định một số nội dung về quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ban hành kèm theo Quyêt định số 535/2016/QĐ-UBND ngày 14 tháng 09 năm 2016 của UBND tỉnh. [29]

Để có thể quản lý tốt các dự án ĐTXD công trình trên địa bàn tỉnh thì đối với mỗi dự án, tùy từng điều kiện cụ thể UBND tỉnh Bắc Giang sẽ ban hành các văn bản pháp lý liên quan riêng để hướng dẫn, quy định đối với chủ thể liên quan đến dự án.

Một phần của tài liệu Đề xuất giải pháp nâng cao năng lực quản lý dự án đầu tư xây dựng cho ban quản lý các công trình giao thông tỉnh bắc giang (Trang 40 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)