Nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình

Một phần của tài liệu Đề xuất giải pháp nâng cao năng lực quản lý dự án đầu tư xây dựng cho ban quản lý các công trình giao thông tỉnh bắc giang (Trang 46 - 52)

CHƯƠNG 2 CƠ SỞ KHOA HỌC VỀ QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

2.2 Nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình

Quản lý phạm vi là việc quản lý nội dung công việc nhằm thực hiện được mục tiêu của dự án. Xác định phạm vi công việc nào của dự án và cần phải thực hiện, công việc nào nằm ngoài phạm vi dự án, phân chia công việc thành các thành phần có thể quản lý được, xác định khối lượng công việc cần thực hiện theo kế hoạch và kiểm soát việc thay đổi phạm vi.

Quản lý phạm vi bao gồm 4 bước:

 Thu thập yêu cầu: nhằm xác định các tính năng và chức năng của dự án;

 Xác định phạm vi: xem xét các yêu cầu, quy trình phát triển dự án để viết báo cáo phạm vi;

 Thiết lập kế hoạch phạm vi: xây dựng kế hoạch phạm vi để theo dõi quản lý;

 Quản lý thay đổi phạm vi.

Quản lý khối lượng công việc

Việc thi công xây dựng công trình phải được thực hiện theo khối lượng của thiết kế được duyệt.

Khối lượng thi công xây dựng được tính toán, xác nhận giữa chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, TVGS theo thời gian hoặc giai đoạn thi công và được đối chiếu với khối lượng thiết kế được duyệt để làm cơ sở nghiệm thu, thanh toán theo hợp đồng.

Khi có khối lượng phát sinh ngoài thiết kế, dự toán XDCT được duyệt thì CĐT và nhà thầu thi công xây dựng phải xem xét để xử lý.

Khối lượng phát sinh được CĐT hoặc người quyết định đầu tư chấp thuận, phê duyệt là cơ sở để thanh toán, quyết toán công trình.

Nghiêm cấm việc khai khống, khai tăng khối lượng hoặc thông đồng giữa các bên tham gia dẫn đến làm sai khối lượng thanh toán. [7]

Quản lý nguồn nhân lực tham gia dự án

Quản lý nguồn nhân lực tham gia dự án ĐTXD công trình là một quá trình quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả hoạt động QLDA ĐTXD công trình.

Quản lý nguồn nhân lực tham gia QLDA ĐTXD công trình là việc tạo các điều kiện thuận lợi để mọi người tham gia dự án có thể hoàn thành tốt các mục tiêu, chiến lược và các kế hoạch của dự án đã đề ra, tăng cường khả năng cống hiến của mọi người theo hướng phù hợp với chiến lược của dự án, đạo đức, xã hội…

Các quá trình cơ bản của quản lý nguồn nhân lực gồm:

 Quá trình hoạch định (lập kế hoạch) nhằm bảo đảm về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực;

 Quá trình sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực là quá trình kết hợp sức lao động với tư liệu lao động và đối tượng lao động. Sử dụng nguồn nhân lực có hiệu quả vừa giúp tăng năng suất lao động, vừa tạo lợi thế ổn định trong tổ chức;

 Quá trình kiểm tra, đánh giá nguồn nhân lực tham gia dự án ĐTXD công trình là tổ chức đánh giá kiểm tra công việc, kết quả thực hiện công việc của các cá nhân, tổ chức và xem xét đánh giá lợi ích của họ đối với việc tham gia dự án ĐTXD công trình.

Vai trò quản lý nguồn nhân lực tham gia dự án:

 Tạo nên sự thống nhất ý chí giữa các thành viên, bộ phận tham gia dự án ĐTXD công trình;

 Xây dựng định hướng phát triển nguồn nhân lực trong tổ chức;

 Tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của cá nhân, bộ phận theo mục tiêu, định hướng;

 Tạo môi trường thích hợp cho sự phát triển của tổ chức, cá nhân tham gia dự án ĐTXD công trình.

Quản lý chất lượng xây dựng

Quản lý chất lượng dự án là một quá trình nhằm đảm bảo cho dự án thỏa mãn tốt nhất các yêu cầu và mục tiêu đề ra. Quá trình này bao gồm việc xác định các chính sách chất lượng, mục tiêu, trách nhiệm và việc thực hiện chúng thông qua: lập kế hoạch chất lượng, kiểm soát và bảo đảm chất lượng trong hệ thống.

Quản lý chất lượng công trình xây dựng là hoạt động quản lý của các chủ thể tham gia các hoạt động xây dựng trong quá trình chuẩn bị, thực hiện ĐTXD công trình và khai thác, sử dụng công trình nhằm đảm bảo các yêu cầu về chất lượng và an toàn của công trình.

Chất lượng thi công xây dựng công trình phải được kiểm soát từ công đoạn mua sắm, sản xuất, chế tạo các sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng, cấu kiện và thiết bị được sử dụng vào công trình cho tới công đoạn thi công xây dựng, chạy thử và nghiệm thu đưa hạng mục công trình, công trình hoàn thành vào sử dụng. [8]

Quản lý tiến độ thực hiện

Quản lý tiến độ dự án là quá trình quản lý bao gồm việc thiết lập mạng công việc, xác định thời gian thực hiện từng công việc cũng như toàn bộ dự án và quản lý tiến trình thực hiện các công việc dự án trên cơ sở các nguồn lực cho phép và những yêu cầu về chất lượng đã định.

Việc quản lý tiến độ thi công thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình được quy định như sau:

 Công trình xây dựng trước khi triển khai phải có tiến độ thi công xây dựng. Tiến độ thi công xây dựng công trình do nhà thầu lập phải phù hợp với tiến độ tổng thể của dự án được CĐT chấp thuận.

 Đối với công trình xây dựng có quy mô lớn và thời gian thi công kéo dài thì tiến độ xây dựng công trình được lập cho từng giai đoạn theo tháng, quý, năm.

 CĐT, nhà thầu thi công xây dựng, TVGS thi công xây dựng và các bên có liên quan có trách nhiệm theo dõi, giám sát tiến độ thi công xây dựng công trình và điều

chỉnh tiến độ trong trường hợp tiến độ thi công xây dựng ở một số giai đoạn bị kéo dài nhưng không được làm ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể của dự án.

 Trường hợp xét thấy tiến độ tổng thể của dự án bị kéo dài thì CĐT phải báo cáo người quyết định đầu tư quyết định điều chỉnh tiến độ tổng thể của dự án. [7]

 Khuyến khích CĐT, nhà thầu xây dựng đề xuất và áp dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ và tổ chức quản lý hợp lý để rút ngắn thời gian xây dựng công trình. [6]

 Trường hợp đẩy nhanh tiến độ đem lại hiệu quả cao hơn cho dự án thì bên nhận thầu được xét thưởng theo thỏa thuận trong hợp đồng. [23]

Quản lý chi phí đầu tư xây dựng

Chi phí đầu tư xây dụng công trình của dự án là toàn bộ chi phí cần thiết để xây dụng mới hoặc sửa chữa, cải tạo, mở rộng công trình xây dựng. Chi phí ĐTXD công trình được biểu thị qua chỉ tiêu tổng mức đầu tư của dự án ở giai đoạn lập dự án ĐTXD công trình; dự toán xây dựng công trình ở giai đoạn thực hiện dự án ĐTXD công trình;

giá trị thanh toán, quyết toán vốn đầu tư khi kết thúc xây dựng đưa công trình vào khai thác sử dụng.

Quản lý chi phí đầu tư xây dựng là tập hợp các biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng dự án được hoàn thành trong ngân sách đã được phê duyệt. [22]

Quản lý an toàn trong thi công xây dựng

Với đặc thù ngành nghề thi công xây dựng có rất nhiều rủi ro và mức độ nguy hiểm cao, công tác quản lý an toàn phải thực hiện nghiêm túc, có biện pháp, quy trình cụ thể. Do đó, để giảm thiểu những tai nạn lao động đáng tiếc, công tác quản lý an toàn phải tuân thủ các yêu cầu sau:

 Nhà thầu thi công xây dựng phải lập các biện pháp an toàn cho người lao động, thiết bị, phương tiện thi công và công trình trước khi thi công xây dựng. Trường hợp các biện pháp an toàn liên quan đến nhiều bên thì phải được các bên thỏa thuận.

 Các biện pháp an toàn và nội quy về an toàn phải được thể hiện công khai trên công trường xây dựng để mọi người biết và chấp hành; những vị trí nguy hiểm trên công trường phải được bố trí người hướng dẫn, cảnh báo đề phòng tai nạn.

 Nhà thầu thi công xây dựng, CĐT và các bên có liên quan phải thường xuyên kiểm tra giám sát công tác an toàn lao động trên công trường. Khi xảy ra sự cố mất an toàn phải tạm dừng hoặc đình chỉ thi công đến khi khắc phục xong mới được tiếp tục thi công.

 Nhà thầu xây dựng có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, phổ biến, tập huấn các quy định về an toàn lao động. Đối với một số công việc yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thì người lao động phải có giấy chứng nhận huấn luyện an toàn lao động theo quy định của pháp luật về an toàn lao động. Nghiêm cấm sử dụng người lao động chưa được huấn luyện và chưa được hướng dẫn về an toàn lao động.

 Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các trang thiết bị bảo vệ cá nhân, an toàn lao động cho người lao động theo quy định khi sử dụng lao động trên công trường.

 Nhà thầu thi công có trách nhiệm bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm làm công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Quản lý bảo vệ môi trường trong xây dựng

Môi trường trong xây dựng được hiểu là tổng thể của môi trường tự nhiên, môi trường nhân tạo có thể bị tác động bởi các hoạt động của các dự án xây dựng đô thị, điểm dân cư và khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu, thiết bị xây dựng.

Bảo vệ môi trường trong xây dựng là thông qua công tác đồng bộ trên các mặt luật pháp, hành chính, kinh tế xã hội, khoa học kỹ thuật nhằm tạo điều kiện tổ chức tốt môi trường ở và môi trường lao động, giảm thiểu các tác động xấu ảnh hưởng đến các yếu tố tự nhiên và xã hội.

Quản lý lựa chọn nhà thầu và hợp đồng xây dựng Quản lý lựa chọn nhà thầu:

Trong hoạt động xây dựng việc lựa chọn nhà thầu là một khâu trong quá trình triển khai dự án và được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật xây dựng. Tổ chức lựa chọn nhà thầu là một trong những hoạt động quản lý quan trọng của công tác QLDA. Thực hiện tốt việc lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng đảm bảo cho việc QLDA có hiệu quả, đạt được các mục tiêu của dự án đã được phê duyệt.

Việc lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng nhằm chọn được nhà thầu có đủ điều kiện năng lực để cung cấp sản phẩm, dịch vụ xây dựng phù hợp với tính chất công việc, loại và cấp công trình, đáp ứng các yêu cầu của dự án, gói thầu và mang lại hiểu quả cao nhất cho bên mời thầu, dự án.

Quản lý hợp đồng xây dựng:

Quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng là quản lý phạm vi quyền và nghĩa vụ, các bên cần lập kế hoạch và biện pháp tổ chức thực hiện phù hợp với nội dung của hợp đồng xây dựng đã ký kết nhằm đạt được các thỏa thuận trong hợp đồng.

Tùy theo loại hợp đồng xây dựng, nội dung quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng bao gồm:

 Quản lý tiến độ thực hiện hợp đồng.

 Quản lý về chất lượng.

 Quản lý khối lượng và giá hợp đồng.

 Quản lý về an toàn lao động, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ.

 Quản lý điều chỉnh hợp đồng và các nội dung khác của hợp đồng. [23]

Quản lý rủi ro

Quản lý rủi ro là một quá trình gồm các bước được xác định rõ để trợ giúp việc ra quyết định nhằm xử lý các rủi ro với mục đích loại trừ hoặc giảm bớt các hậu quả mà rủi ro có thể gây ra.

Quản lý rủi ro là một hình thức quản lý luôn chủ động với những rủi ro, qua đó hướng tổ chức đi đến mục tiêu đã đặt ra một cách hiệu quả nhất.

Quản lý hệ thống thông tin công trình

Quản lý hệ thống thông tin công trình là công tác quản lý nhằm đảm bảo việc truyền đạt, thu thập, trao đổi hợp lý các thông tin cần thiết cho việc thực hiện dự án cũng như truyền đạt báo cáo tiến độ dự án.

Quản lý thông tin bao gồm: lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát việc thu thập, phố biến những thông tin liên lạc một cách nhanh nhất, chính xác nhất trong nội bộ BQLDA hoặc các bên có liên quan.

Một phần của tài liệu Đề xuất giải pháp nâng cao năng lực quản lý dự án đầu tư xây dựng cho ban quản lý các công trình giao thông tỉnh bắc giang (Trang 46 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)