CHƯƠNG 2 CƠ SỞ KHOA HỌC VỀ QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
2.3 Các mô hình quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình
Hiện nay có rất nhiều mô hình QLDA ĐTXD công trình, mỗi mô hình thường chỉ có thể áp dụng hiệu quả trong một số trường hợp nhất định. Vì vậy đối với một dự án cụ thể cần dựa vào các nhân tố cơ bản như quy mô dự án, địa điểm thực hiện dự án, thời gian thực hiện, nguồn lực và chi phí cho dự án, công nghệ sử dụng, độ bất định và rủi ro của dự án, số lượng dự án thực thi trong cùng thời kỳ và tầm quan trọng của nó kết hợp với phân tích bốn tham số rất quan trọng khác là phương thức thống nhất các nỗ lực, cơ cấu quyền lực, mức độ ảnh hưởng và hệ thống thông tin để lựa chọn được mô hình quản lý dự án phù hợp.
Mô hình chủ đầu tư trực tiếp quản lý thực hiện dự án
Đây là mô hình QLDA mà CĐT hoặc tự thực hiện dự án (tự sản xuất, tự xây dựng, tự tổ chức giám sát và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật) hoặc CĐT lập ra ban QLDA để quản lý việc thực hiện các công việc dự án theo sự uỷ quyền.
Mô hình này thường được áp dụng cho các dự án quy mô nhỏ , đơn giản về kỹ thuật và gần với chuyên môn của chủ dự án , đồng thời CĐT có đủ năng lực chuyên môn kỹ năng và kinh nghiệm QLDA. Để quản lý CĐT được lập và sử dụng bộ máy có năng lực chuyên môn của mình mà không cần lập ban QLDA. Mô hình này được thể hiện ở Hình 2.3.
Hình 2.3 Mô hình chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án Mô hình chủ nhiệm điều hành dự án
Đây là mô hình tổ chức quản lý trong đó CĐT giao cho ban quản lý điều hành dự án chuyên ngành làm chủ nhiệm điều hành hoặc thuê một tổ chức tư vấn quản lý có đủ điều kiện, năng lực chuyên môn phù hợp với quy mô, tính chất của dự án làm chủ nhiệm điều hành, quản lý việc thực hiện dự án. Chủ nhiệm điều hành dự án là một pháp nhân độc lập, có năng lực, sẽ là người quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ quá trình thực hiện dự án. Mọi quyết định của CĐT liên quan đến quá trình thực hiện dự án sẽ được triển khai thông qua tổ chức tư vấn quản lý (chủ nhiệm điều hành dự án). Mô hình tổ chức quản lý này áp dụng cho những dự án quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp. Mô hình này được thể hiện như Hình 2.4. [9]
Hình 2.4 Mô hình chủ nhiệm điều hành dự án Mô hình chìa khoá trao tay
Đây là mô hình tổ chức trong đó nhà quản lý không chỉ là đại diện toàn quyền của CĐT - chủ dự án mà còn là "chủ" của dự án. Mô hình tổ chức quản lý dự án này cho phép tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà tổng thầu để thực hiện toàn bộ dự án, từ khảo sát thiết kế, mua sắm vật tư, thiết bị, xây lắp cho đến khi bàn giao công trình đưa vào khai thác, sử dụng. Khác với hình thức chủ nhiệm điều hành dự án, giờ đây mọi trách nhiệm thực hiện dự án được giao cho ban QLDA và họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với việc thực hiện dự án. Bên cạnh đó, ban QLDA là tổng thầu có thể giao thầu lại việc khảo sát, thiết kế hoặc một phần khối lượng công tác xây lắp cho các nhà thầu phụ. Trong trường hợp này bên nhận thầu không phải là một cá nhân mà phải là một tổ chức QLDA chuyên nghiệp.
Đối với các dự án sử dụng các nguồn vốn NSNN, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, khi áp dụng hình thức chìa khoá trao tay chỉ thực hiện đối với các dự án nhóm C, các trường hợp khác phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép. CĐT có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu và nhận bàn giao khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng. Mô hình này được thể hiện như Hình 2.5.
Hình 2.5 Mô hình chìa khoá trao tay Mô hình tự thực hiện dự án
Điều kiện áp dụng mô hình tự thực hiện dự án là CĐT có đủ khả năng hoạt động sản xuất xây dựng phù hợp với yêu cầu của dự án. Hình thức này chỉ áp dụng đối với các dự án sử dụng vốn hợp pháp của chính CĐT (vốn tự có, vốn vay, vốn huy động từ các nguồn khác). CĐT phải tổ chức giám sát chặt chẽ việc sản xuất, xây dựng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm, chất lượng CTXD khi thực hiện hình thức tự thực hiện dự án (tự sản xuất, tự xây dựng).
Mô hình quản lý dự án theo chức năng
Đây là mô hình trong đó CĐT không thành lập ra ban QLDA chuyên trách mà thành viên của ban QLDA là các cán bộ từ các phòng ban chức năng làm việc kiêm nhiệm hoặc chức năng QLDA được giao cho một phòng chức năng nào đó đảm nhiệm.
Đặc điểm của mô hình quản lý:
Dự án đầu tư được đặt vào một phòng chức năng nào đó trong cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp (tuỳ thuộc vào tính chất của dự án).
Các thành viên QLDA được điều động tạm thời từ các phòng chức năng khác nhau đến và họ vẫn thuộc quyền quản lý của phòng chức năng nhưng lại đảm nhận phần việc chuyên môn của mình trong quá trình quản lý điều hành dự án.
Ưu điểm của mô hình quản lý:
Linh hoạt trong việc sử dụng nhân viên. Phòng chức năng có dự án đặt vào chỉ quản lý hành chính và tạm thời một số mặt đối với các chuyên viên tham gia QLDA đầu tư. Họ sẽ trở về vị trí cũ của mình tại các phòng chuyên môn khi kết thúc dự án.
Một người có thể tham gia vào nhiều dự án để sử dụng tối đa, hiệu quả vốn, kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của các chuyên viên.
Nhược điểm của mô hình quản lý:
Các thành viên trong nhóm dự án được lấy từ các phòng chức năng khác nhau nên giám đốc dự án phải nhất trí trong việc điểu hành với lãnh đạo các bộ phận chức năng, khi hai bên xung đột về nhu cầu thì rất khó điều hành nhân viên.
Môi trường làm việc có tính bất ổn, do được tập hợp từ các phòng chức năng khác nhau nên sự hợp tác không mang tính hiệu quả cao.
Do dự án được đặt dưới sự quản lý của một phòng chức năng nên phòng này thường có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến việc hoàn thành nhiệm vụ chính của nó mà không tập trung nhiều nỗ lực vào việc giải quyết thoả đáng các vấn đề của dự án. Vì vậy dự án không nhận được sự ưu tiên cần thiết, không đủ nguồn lực để hoạt động hoặc bị coi nhẹ.
Mô hình tổ chức chuyên trách quản lý dự án
Đây là mô hình quản lý CĐT thành lập ra ban QLDA chuyên trách, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện toàn bộ các công việc của dự án. Các thành viên ban QLDA tách hoàn toàn khỏi phòng chức năng chuyên môn, chuyên thực hiện quản lý điều hành dự án theo yêu cầu được giao.
Ưu điểm của mô hình quản lý:
Nhà QLDA có đầy đủ quyền lực hơn đối với dự án.
Có đội ngũ dự án ổn định, có sự phân công công việc và trách nhiệm của mỗi thành viên rõ ràng nên tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hành và quản trị.
Do sự tách khỏi các phòng chức năng nên đường thông tin được rút ngắn, hiệu quả thông tin sẽ cao hơn.
Có thể phản ứng nhanh trước nhu cầu của khách hàng.
Nhược điểm của mô hình quản lý:
Khi thực hiện đồng thời nhiều dự án ở những địa bàn khác nhau và phải đảm bảo đủ số lượng cán bộ cần thiết cho từng dự án thì có thể dẫn đến tình trạng lãng phí nhân lực.
Thiếu tính linh hoạt trong việc điều động nhân viên cũng như các trang thiết bị, máy móc.
Mô hình quản lý dự án theo ma trận
Đây là mô hình quản lý trong đó thành viên của nhóm dự án được tập hợp từ các cán bộ của các bộ phận chức năng khác nhau dưới sự điều hành của nhóm trưởng còn gọi là giám đốc (chủ nhiệm) dự án. Mỗi cán bộ có thể tham gia cùng lúc vào hai hoặc nhiều dự án khác nhau và chịu sự chỉ huy đồng thời của cả trưởng nhóm dự án và trưởng bộ phận chức năng.
Mô hình này kết hợp giữa mô hình QLDA theo chức năng và mô hình quản lý chuyên trách dự án.
Ưu điểm của mô hình quản lý:
Mô hình này giao quyền cho Chủ nhiệm dự án quản lý, thực hiện dự án đúng tiến độ, trong phạm vi kinh phí được duyệt.
Các tài năng chuyên môn được phân phối hợp lý cho các dự án khác nhau.
Có sự phân công lao động cũng như trách nhiệm của các thành viên trong dự án rõ ràng cụ thể, nên khả năng các mục tiêu của dự án thực hiện rất cao.
Tạo điều kiện phản ứng nhanh hơn, linh hoạt hơn trước yêu cầu của khách hàng và những thay đổi của thị trường.
Nhược điểm của mô hình quản lý:
Quyền lực và lực lượng giữa trưởng dự án và lãnh đạo bộ phận chức năng không cân đối sẽ gây ra vấn đề phức tạp ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện dự án.
Khi gặp vấn đề nào đó phải triệu tập nhiều lãnh đạo, nhân viên từ các bộ phận, gây lãng phí thời gian và sức lực.