Phần 3. Phương pháp nghiên cứu
3.1. Đặc điểm địa bàn nghiên cứu
3.1.1. Điều kiện tự nhiên của huyện Mộc Châu
Mộc Châu là huyện nằm ở phía Nam của tỉnh Sơn La, có tọa độ địa lý là:
20o40’ - 21o07’ vĩ Bắc, 104o26’ - 105o5’ kinh độ Đông, địa hình nghiêng theo hướng Tây Nam - Đông Bắc và tạo thành hướng chảy chính cho sông suối, địa hình của huyện bị chia cắt do có nhiều vùng núi cao hiểm trở cùng nhiều thung lũng rộng, độ cao trung bình từ 950 - 1.050m so với mực nước biển, là Cao nguyên tiềm năng của tỉnh Sơn La và là Cao nguyên đá vôi điển hình của Việt Nam. Diện tích tự nhiên của huyện là 108.166 ha. Địa giới hành chính của huyện như sau: Phía Đông và Đông Nam giáp với huyện Vân Hồ; phía Tây và Tây Bắc giáp với huyện Yên Châu; phía Nam giáp với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; phía Bắc giáp với huyện Phù Yên. Huyện nằm trên trục giao thông quốc lộ 6huyết mạch của vùng Tây Bắc là tuyến đường nối liện vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng Bắc Bộ - Hà Nội - Lai Châu, có trên 36 km đường biên giới với nước bạn Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, có cửa khẩu Quốc gia Lóng Sập. Để tiện cho việc quản lý và phát triển kinh tế huyện, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm ký 2015-2020 đã phân ra làm 4 vùng để lãnh đạo, chỉ đạo, đó là: Vùng Cao nguyên Mộc Châu, vùng vành đai Cao nguyên Mộc Châu, vùng dọc sông Đà và vùng cao Biên giới (UBND huyện Mộc Châu, 2014).
3.1.1.2. Đặc điểm khí hậu, thời tiết
Do ảnh hưởng của nhiệt độ cao và địa hình bị chia cắt nên địa bàn huyện hình thành 3 tiểu vùng khí hậu khác nhau:
+ Vùng Cao nguyên Mộc Châu và vùng vành đai Cao nguyên Mộc Châu:
Là vùng có khí hậu độc đáo, đặc trưng, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao mang tính chất khí hậu á nhiệt đới, mùa đông lạnh khô, mùa hè mát ẩm mưa nhiều.
+ Vùng dọc sông Đà: Có khí hậu nóng.
+ Vùng cao biên giới: Có khí hậu mát, ẩm.
Sự đa dạng về mặt khí hậu tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nhiều
loại cây trồng khác nhau, tuy nhiên khó khăn về mặt giao thông là yếu tố chính hạn chế sự phát triển nói trên (UBND huyện Mộc Châu, 2014).
Thời tiết Mộc Châu nhìn chung là khá ổn định. Nhiệt độ không khí trung bình các tháng trong năm của Mộc Châu là 20,1oC, nhiệt độ không khí trung bình cao nhất và thấp nhất lần lượt là 37,06oC và 3,62oC. Nhiệt độ không khí có chiều hướng giảm dần từ tháng 9 năm trước đến tháng 01 năm sau và giảm từ 2 - 3oC/tháng, từ tháng 2 trở đi nhiệt độ tăng dần lên và giữ ổn định ở khoảng trên 20oC từ tháng 4 đến tháng 8. Tổng số giờ nắng trung bình hằng năm của Mộc Châu trong giai đoạn là 1.767,9 giờ/năm. Số giờ nắng thấp nhất rơi vào các tháng 10,12 năm trước và từ tháng 1 đến tháng 3 năm sau. Từ tháng 4 số giờ nắng bắt đầu tăng lên và giữ ổn định đến tháng 8, số giờ trong giai đoạn này đạt khoảng từ 140 - 177 giờ/tháng (UBND huyện Mộc Châu, 2017).
Độ ẩm không khí trung bình các tháng trong năm của Mộc Châu khá cao và ổn định. Độ ẩm trung bình các tháng trong năm là 85%, độ ẩm không khí thấp nhất là 81,4% và cao nhất là 89%. Tổng lượng mưa trung bình hàng năm của Mộc Châu là 1.733,9 mm/năm. Lượng mưa trung bình các tháng trong năm là 144 mm/tháng.
Tuy nhiên lượng mưa phân bố không đều, từ tháng 10 năm trước lượng mưa bắt đầu giảm đi và tăng lên, lượng mưa lớn nhất rơi vào các tháng 7, 8, 9 với lượng mưa trung bình trên 300 mm/tháng (UBND huyện Mộc Châu, 2017).
Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu nên khí hậu Mộc Châu cũng đang chịu ảnh hưởng nhất định, trong 5 năm trở lại đây nhiệt độ không khí của huyện tăng lên khoảng 1oC so với giai đoạn trước, hiện tượng thời tiết bất thường đã bắt đầu xảy ra và gây ra những khó khăn nhất định đối với đời sống con người và đặc biệt là hoạt động sản xuất nông nghiệp chịu tác động trực tiếp của yếu tố môi trường (UBND huyện Mộc Châu, 2014).
3.1.1.3. Tài nguyên thiên nhiên
Mộc Châu có tài nguyên thiên nhiên rất đa dạng và phong phú, là vùng đất còn có nhiều tiểm năng, thế mạnh chưa được khai thác hết để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội.
* Tài nguyên đất
Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện là 108.166 ha, gồm nhiều loại đất Feralit phát triển trên các loại đá mẹ được chia thành 5 nhóm chính như sau: Nhóm đất đỏ vàng chiếm 26,44% diện tích đất tự nhiên; Nhóm đất đỏ vàng trên núi
chiếm 49,86% diện tích đất tự nhiên; Nhóm đất đen chiếm 0,42% diện tích đất tự nhiên và nhóm đất khác chiếm chiếm 22,7% diện tích đất tự nhiên (UBND huyện Mộc Châu, 2017).
Trên địa bàn của huyện có 18 loại đất, hầu hết các loại đất đều có độ dày tầng đất khá, thành phần cơ giới từ trung bình đến nặng, tỷ lệ mùn và các chất dinh dưỡng từ trung bình đến khá, ít chua….có tiềm năng để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung với cơ cấu đa dạng, gồm các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, hoa màu và phát triển chăn nuôi gia súc (UBND huyện Mộc Châu, 2017).
Nói chung, Mộc Châu có quỹ đất rộng, diện tích đất chưa sử dụng còn lớn.
Đây là điều kiện thuận lợi để khai thác phát triển nông lâm nghiệp và du lịch. Tuy nhiên, đối với Mộc Châu phát triển du lịch sẽ thuận lợi hơn so với phát triển nông nghiệp do các quỹ đất chưa sử dụng hầu hết là đất có địa hình dốc, thuộc vùng xa, hạ tầng giao thông kém phát triển… điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh tế của hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp song đối với du lịch vấn đề này không ảnh hưởng quá nhiều (UBND huyện Mộc Châu, 2014).
* Tài nguyên nước
- Nước mặt: Huyện Mộc Châu nằm trên cao nguyên đá vôi, nguồn nước mặt rất hạn chế, trên địa bàn huyện ngoài dòng sông Đà chảy qua với chiều dài 65 km còn có 7 dòng suối chính, bao gồm: Suối Quanh, suối Tân, suối Sập…
sông suối ở Mộc Châu có độ dốc lớn, trắc diện hẹp nên có nhiều thuận lợi cho phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Hiện nay trên địa huyện có 04 nhà máy thủy điện là Nhà máy thủy điện Mường Sang 1, Nhà máy thủy điện Mường Sang 2, Nhà máy thủy điện Tắt Ngoãng, Nhà máy thủy điện Ta Niết. Nguồn nước dồi dào vừa cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp đồng thời đó cũng là nguồn cung cấp nước cho sinh hoạt của dân cư, nhất là trong mùa khô. Nước mặt chủ yếu là nguồn nước mưa được lưu giữ trong các ao hồ, kênh mương, mặt ruộng và hệ thống sông suối (UBND huyện Mộc Châu, 2017).
Tuy nhiên nguồn nước mặt phân bố không đều cả về mặt thời gian lẫn không gian, nguồn nước suối dồi dào về mùa mưa, cạn kiệt về mùa khô, phần lớn nước mặt các sông suối đều thấp so với mặt bằng canh tác và khu dân cư nên hạn chế khả năng khai thác và sử dụng vào sản xuất và đời sống. Chất lượng nguồn nước tương đối trong sạch. Tuy nhiên do ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường từ
các khu dân cư, điểm chế biến nông sản...Nên đa số các sông suối trở thành nơi dẫn tụ các chất thải, chất lượng nước ở các khu vực cuối nguồn bị giảm đáng kể, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân (UBND huyện Mộc Châu, 2014).
- Nước ngầm: Do chưa có điều kiện thăm dò và khảo sát đầy đủ nên chưa có các số liệu thống kê cụ thể. Song trong thực tế sự tích tụ của hồ thủy điện Hòa Bình đã làm cho các khe núi, hệ thống hang động dưới 115mét ở vùng Mộc Châu bị ngập, thông qua đó đẩy mực nước ngầm lên cao hơn (UBND huyện Mộc Châu, 2014).
Ở các khu vực còn lại nước ngầm đã được người dân khai thác tương đối hiệu quả để phục vụ sinh hoạt. Trong khoảng hơn một thập kỷ trở lại đây, độ che phủ của thảm thực vật và chất lượng rừng có chiều hướng giảm nên nguồn nước ngầm cũng bị giảm sút đáng kể, ở một số khu vực các giếng đào bị cạn kiệt về mùa khô. Vì vậy để đảm bảo có đủ lượng nước để phục vụ đời sống của người dân trong vùng cần quan tâm đến các biện pháp trữ nước mặt, nước trời trong mùa khô như: đắp đập, xây bể chứa nước… kết hợp với các biện pháp khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng ở các khu vực đầu nguồn (UBND huyện Mộc Châu, 2014).
* Tài nguyên rừng
Mộc Châu có tổng diện tích rừng là 46.580 ha với thảm động thực vật đa dạng, công tác bảo vệ và phát triển vốn rừng trong giai đoạn hiện nay đang được đẩy mạnh, đất đai và khí hậu của huyện phù hợp với nhiều loại cây, có điều kiện xây dựng hệ thống rừng phòng hộ và phát triển rừng theo hướng sản xuất gỗ và lâm sản ngoài gỗ (UBND huyện Mộc Châu, 2014).
Tài nguyên rừng Mộc Châu khá phong phú, có nhiều nguồn gen động - thực vật quý hiếm có giá trị cao về nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen và phục vụ du lịch sinh thái trong tương lai với khoảng 456 loài thực vật thuộc 4 ngành với các loại gỗ quý phân bố trên toàn địa bàn như: Bách xanh, Thông, Chò, ...và có 48 loài động vật hoang dã thuộc 19 họ của 8 bộ với các loài động vật như: Gấu, Hoẵng, Lợn rừng, ...
Do tình trạng phá rừng làm nương rẫy trước đây nên chất lượng rừng của huyện đã bị suy giảm, hiện tại chủ yếu là rừng phục hồi, rừng nghèo, rừng tre nứa và rừng hỗn giao trữ lượng thấp.
Mộc Châu có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, trong đó đối với công tác phát triển rừng được xác định bảo vệ và phát triển hệ thống rừng phòng hộ, nâng cao năng lực phòng hộ cho các công trình thủy điện Quốc gia đồng thời kết hợp với trồng rừng kinh tế gắn với công nghiệp chế biến và hình thành các đai rừng phòng hộ môi trường sinh thái gắn với du lịch sinh thái (UBND huyện Mộc Châu, 2014).
* Tài nguyên khoáng sản
Mộc Châu có một số loại khoáng sản chính:
- Than bùn ở xã Tân Lập có thể khai thác để sản xuất phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp.
- Mỏ đồng Sao Tua ở xã Tân Hợp đang được khai thác phục vụ sản xuất công nghiệp.
- Mỏ đồng với trữ lượng nhỏ nằm rải rác tại các xã: Hua Păng, Nà Mường, Quy Hướng,…
- Cát, sạn, đá xây dựng thông thường: Tập trung ở thị trấn Nông trường Mộc Châu, thị trấn Mộc Châu và xã Đông Sang, xã Mường Sang.
- Đất sét: Có trữ lượng tương đối lớn, đang được khai thác phục vụ phát triển sản xuất gạch trong huyện và ngoài huyện (UBND huyện Mộc Châu, 2014).
* Tài nguyên du lịch
Ngoài thời tiết, khí hậu lý tưởng, vị trí địa lý đắc địa, Mộc Châu còn rất nhiều các di tích, danh lam thắng cảnh, là nguồn tài nguyên lớn cho du lịch:
- Cao nguyên Mộc Châu, diện tích rộng lớn với điều kiện địa hình, khí hậu tốt để phát triển du lịch và chỉ cách Hà Nội 180 km theo quốc lộ 6, đặc biệt là một trong 3 điểm du lịch tiềm năng nhất trên vùng núi ở miền Bắc (Mộc Châu, Sa Pa và Tam Đảo) để phát triển nhiều loại sản phẩm du lịch (UBND huyện Mộc Châu, 2014).
- Vị trí đắc địa nằm trên hành lang kinh tế Tây Bắc, kết nối với Nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào thuận tiện, có vị trí thuận lợi và góp phần quan trọng phát triển tuyến du lịch Hà Nội-Sơn La-Điện Biên-Lai Châu-Lào Cai-Hà Nội để phát triển nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn (UBND huyện Mộc Châu, 2014).
- Hệ sinh thái rừng đa dạng, trong đó đặt biệt là vùng thảo nguyên cảnh đẹp (đồng cỏ, vườn hoa), khí hậu ôn hòa, thác Dải Yếm và đỉnh Pha Luông, khu
hồ sinh thái rừng thông bản Áng, đồi chè, vườn đào…, là nơi thu hút du khách tới thăm (UBND huyện Mộc Châu, 2014).
- Phong tục tập quán với lễ hội của người Mông, văn hóa người Mường và nếp sống của đồng bào Thái rất hấp dẫn du khách, nhất là ngày hội truyền thống văn hóa các dân tộc vào ngày mùng 1, mùng 2 tháng 2 hàng năm, lễ hội cầu mưa, lễ hội lập tịch; ngày hội văn hóa các dân tộc vào ngày 2/9…(UBND huyện Mộc Châu, 2014).
- Các thắng cảnh đẹp, các di tích, văn hoá tâm linh như: Động Sơn Mộc Hương, chùa Vặt Hồng, khu Ngũ động bản Ôn, di tích Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với nhân dân các dân tộc Mộc Châu, khu đồn Mộc Lỵ và khu văn bia lưu niệm Tây Tiến (UBND huyện Mộc Châu, 2014).