Phần 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.3. Nội dung quản lý Nhà nước của Sở KH&ĐT đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập
Theo Luật Doanh nghiệp 2014, nội dung quản lý nhà nước của sở Kế hoạch và Đầu tư đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập bao gồm:
2.1.3.1. Xây dựng và ban hành các chính sách đối với doanh nghiệp
Nhà nước xây dựng hai loại pháp luật để điều chỉnh các doanh nghiệp:
Tổ chức các loại hình doanh nghiệp như: Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, …theo đó, các chủ thể sản xuất kinh doanh có thể ra đời (Quốc hội, 2014).
Luật quy định các mặt hoạt động của các doanh nghiệp như:
Luật Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Lao động, Tài chính…để điều chỉnh các hành vi của doanh nhân khi hoạt động của họ có liên quan đến các yếu tố nói trên (Quốc hội, 2014).
Tổ chức bộ máy QLNN đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay gồm: HĐND, UBND tỉnh và các Sở, Ngành liên quan như: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ban QLKCN, Sở Công thương, Cục thuế và các Sở, Ngành khác có liên quan; UBND tỉnh chỉ đạo và quản lý thông qua các Sở, Ngành, UBND huyện. UBND tỉnh thực hiện chức năng QLNN ở địa phương, bảo đảm quản lý thống nhất trong bộ máy hành chính ở địa phương và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về QLNN ở địa phương. Việc QLNN đối với doanh nghiệp chủ yếu là ban hành các văn bản liên quan đến doanh nghiệp, cung cấp thông tin, gặp gỡ, tiếp xúc với doanh nghiệp (Quốc hội, 2014).
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định, UBND tỉnh ra các văn bản và tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thi hành các văn bản liên quan đến QLNN đối với doanh nghiệp.
Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan giúp việc cho UBND tỉnh, có chức năng tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện QLNN về kế hoạch và đầu tư gồm: Tổng hợp về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức thực hiện và đề xuất về cơ chế, chính sách quản lý kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài ở địa phương; quản lý nguồn hỗ trợ chính thức (ODA), nguồn viện trợ phi chính phủ; đấu thầu; đăng ký kinh doanh trên phạm vi địa phương; tổng hợp thống nhất quản lý các vấn đề về doanh nghiệp, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân; tổ chức cung ứng các dịch vụ công thuộc phạm vi QLNN của Sở theo quy định của pháp luật. Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện các chức năng nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp như: Quy hoạch, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng... (Quốc hội, 2014).
2.1.3.2. Cải cách thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp
Thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp bao gồm từ khâu thành lập, hoạt động đến giải thể, phá sản doanh nghiệp. Trong đó, thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục về thuế... có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đi vào sản xuất kinh doanh, gia nhập thị trường.
Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hành chính Nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư tích cực thực hiện đồng bộ công tác cải cách hành chính (CCHC) theo cơ chế "một cửa, một cửa liên thông"
nhằm đơn giản hóa TTHC, tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp
Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác CCHC, trong đó chú trọng rà soát TTHC, xây dựng phương án rút ngắn thời gian thực hiện TTHC trong thẩm quyền giải quyết của sở. Để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, sở chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động, quán triệt đảng viên, công chức, viên chức trong cơ quan, cùng “chung tay cải cách TTHC” với tinh thần, trách nhiệm cao. Công tác CCHC được triển khai trên nhiều nội dung như: Cải cách thể chế, cải cách TTHC, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, hiện đại hóa nền hành chính... Qua đó bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả trong giải quyết công việc hành chính, loại bỏ những thủ tục rườm rà gây khó khăn cho người dân và các nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nâng cao tính minh bạch, dân chủ trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn (Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh, 2014).
Các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư được công khai trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và của sở. Các văn bản pháp quy và biểu mẫu quy định về thành phần hồ sơ, mẫu đơn, mẫu tờ khai, trình tự, cách thức, thời gian, lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động nhà đầu tư và đăng ký kinh doanh, thẩm định dự án được niêm yết minh bạch, khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và cá nhân chủ động tiếp cận, tra cứu khi đến liên hệ công tác tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông, nơi tiếp nhận hồ sơ. Ngoài thủ tục hành chính trên thì Sở Kế hoạch và Đầu tư QLNN đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thực hiện nhiều thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp như: thủ tục cấp phép xây dựng; thủ tục giải thể; thủ tục phá sản doanh nghiệp... (Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh, 2014).
2.1.3.3. Thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh
Để thực hiện nội dung quản lý này, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải tiến hành hàng loạt công việc như:
- Thực hiện các hỗ trợ pháp lý, đặc biệt là hỗ trợ tư pháp quốc tế đối với các doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường quốc tế.
- Thực hiện chương trình bồi dưỡng kiến thức quản trị kinh doanh, giúp các doanh nghiệp hiện đại hoá đội ngũ viên chức nghiệp vụ quản trị kinh doanh.
- Mở ra các trung tâm thông tin, các triển lãm thành tựu kinh tế kỹ thuật để tạo môi trường cho các doanh nghiệp giao tiếp và liên kết sản xuất kinh doanh với nhau.
- Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật để tạo điều kiện cho sự hình thành đồng bộ các loại thị trường. Đồng thời quản lý các loại thị trường đó để các doanh nghiệp có được môi trường thuận lợi trong giao lưu kinh tế như: thị trường hoá thông thường, thị trường vốn, thị trường sức lao động, thị trường khoa học công nghệ, thị trường thông tin, thị trường chất xám,…Nhà nước bảo đảm một môi trường thị trường chân thực để giúp các doanh nghiệp không bị lừa gạt trên thị trường đó (Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh, 2014).
- Chính sách đầu tư: là việc Nhà nước cho phép doanh nghiệp được hưởng những ưu đãi gồm: miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền thuê đất; hỗ trợ kinh phí đầu tư kết cấu hạ tầng dự án, kinh phí đào tạo lao động; hỗ trợ kinh phí tư vấn đầu tư, thủ tục hành chính về đầu tư... Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi đầu tư, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện. Đồng thời, qua thanh tra, kiểm tra Nhà nước có quyền thu hồi những ưu đãi đã cho doanh nghiệp hưởng trong trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định về ưu đãi đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh, 2014).
- Công tác quy hoạch: Triển khai quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội nói chung, các khu, cụm công nghiệp nói riêng được triển khai thực hiện kịp thời, đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Thành lập các trung tâm trợ giúp doanh nghiệp: Trung tâm Thông tin Tư vấn và Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh, 2014).
- Tạo nguồn vốn đầu tư ưu đãi cho các chương trình kinh tế trọng điểm của Nhà nước, cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước khuyến khích.
- Xây dựng và tiến hành bảo hiểm sản xuất kinh doanh cho những doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo định hướng của Nhà nước và thực hiện các quy định của bảo hiểm.
- Thực hiện miễn giảm thuế cho những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo định hướng ưu tiên của Nhà nước.
- Chuyển giao đến các nhà kinh doanh những thông tin chính trị, thời sự quan trọng có giá trị trong sản xuất kinh doanh để họ tham khảo.
Ngoài ra còn một số hoạt động khác: Hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nguồn vốn là một trong chính sách quan trọng tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
2.1.3.4. Kiểm tra, kiểm soát đối với doanh nghiệp
Kiểm tra, kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh là nội dung cơ bản của công tác QLNN đối với doanh nghiệp.
Hoạt động này diễn ra trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Việc kiểm tra, kiểm soát đối với doanh nghiệp được thông qua bằng các hình thức chủ yếu như: giám sát, kiểm tra, thanh tra và kiểm toán nhà nước.
Mọi hoạt động của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường đều mang tính hai mặt tích cực và tiêu cực. Do đó, Nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, kiểm soát mọi hoạt động của doanh nghiệp, của cá nhân và tổ chức có liên quan để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp.
Thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát đối với doanh nghiệp chính là bảo đảm cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đứng vững được trong nền kinh tế thị trường đầy biến động và bảo vệ lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp. Mục đích của công tác kiểm tra, kiểm soát là hướng dẫn các doanh nghiệp chấp hành đúng pháp luật, phát hiện những sai sót trong quá trình thực thi pháp luật để kịp thời uốn nắn và ngăn chặn những sai sót đáng tiếc xảy ra. Thông qua việc kiểm tra, kiểm soát mà các cơ quan QLNN có được những thông tin phản hồi cần thiết để đánh giá hiệu quả và mức độ hợp lý của hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách đã ban hành, đồng thời thông qua đó để điều chỉnh và bổ sung kịp thời những chính sách không còn phù hợp (Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh, 2014).
Nội dung kiểm tra, kiểm soát đối với doanh nghiệp bao gồm các vấn đề sau:
- Kiểm tra, kiểm soát tính hợp pháp về sự tồn tại của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp sau đăng ký thành lập đều phải được đăng ký kinh doanh. Giấy chứng nhận ĐKKD chỉ được cấp cho những doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp hoạt động khi không đủ các điều kiện kinh doanh.
- Thông qua việc kiểm tra theo định kỳ để nhắc nhở các doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về các quy định như: an toàn lao động, phòng
chống cháy, nổ, an toàn vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, chế độ kế toán, thống kê...
- Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật như: buôn lậu, trốn thuế, làm hàng giả, hàng kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường, vệ sinh thực phẩm... phải có biện pháp xử lý kịp thời.
Hình thức kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan QLNN đối với doanh nghiệp có thể tiến hành theo hai phương thức: Một cơ quan tiến hành kiểm tra độc lập hoặc phối hợp với nhiều cơ quan cùng tham gia. Đây là hoạt động thường xuyên liên tục của các cơ quan quản lý nhà nước, nhưng không can thiệp quá sâu vào hoạt động tác nghiệp, làm mất quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Việc kiểm tra, kiểm soát đối với doanh nghiệp không những bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, mà còn tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc (Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh, 2014).