Phần 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.2. Đặc điểm, vai trò, chức năng của thuế tài nguyên
Thuế TNKS có một số đặc điểm sau:
- Là một khoản thu của NSNN đối với người khai thác tài nguyên thiên nhiên do nhà nước quản lý;
- Thu trên sản lượng và giá trị thương phẩm của tài nguyên khai thác mà không phụ thuộc vào mục đích khai thác tài nguyên;
- Được cấu thành trong giá bán tài nguyên mà người tiêu dùng tài nguyên hoặc sản phẩm được tạo ra từ tài nguyên thiên nhiên phải trả tiền thuế TNKS (Tổng Cục thuế, 2013).
2.1.2.2. Vai trò của thuế tài nguyên khoáng sản
Nhà nước thông qua nhiều công cụ khác nhau để bảo vệ và sử dụng hiệu
quả nguồn lực tài nguyên, trong đó có công cụ tài chính đó là chính sách thuế TNKS. Chính vì thế thuế TNKS có vai trò:
- Thuế TNKS đảm bảo nguồn thu cho NSNN để chi phí cho việc cải tạo môi trường, đầu tư cơ sở hạ tầng nơi khai thác tài nguyên và các khoản chi khác. Số thu hàng năm từ thuế TNKS của cả nước chiếm trên dưới 10% trong tổng thu NSNN hàng năm. Đây là nguồn thu quan trọng đối với ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo môi trường nơi khai thác và đảm bảo an ninh xã hội địa phương.
- Thuế TNKS là một công cụ để phân phối lại, đảm bảo công bằng xã hội.
Một trong những khuyết tật của kinh tế thị trường là sự phân phối không công bằng và đi cùng với nó là sự phân hoá giàu nghèo. Rất nhiều các tổ chức, cá nhân giàu lên nhanh chóng từ việc khai thác tài nguyên. Thuế TNKS là chi phí đầu vào ảnh hưởng tới lợi nhuận của nhà đầu tư, chính vì thế có tác dụng tham gia điều tiết thu nhập của các nhà đầu tư. Đồng thời NSNN quản lý sử dụng nguồn thu từ thuế TNKS để đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tạo môi trường phục vụ an sinh xã hội.
- Thuế TN đảm bảo khoản chi phí đầu vào của quá trình sản xuất cho nên nó có vai trò điều tiết sản xuất, tiêu dùng. Nếu việc thu thuế TNKS quá cao sẽ khiến các nhà SXKD tìm các nguyên vật liệu khác rẻ hơn để thay thế hoặc có thể chuyển hướng kinh doanh. Ngược lại thu thuế TNKS quá thấp các tổ chức cá nhân khai thác sẽ kiếm được nhiều lợi nhuận dẫn đến tình trạng các nhà đầu tư tập chung vào ngành khai thác tài nguyên thiên nhiên.
- Thuế TNKS khuyến khích các tổ chức, cá nhân đổi mới công nghệ khai thác, chế biến tại chỗ. Khi tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, việc khai thác tác động xấu đến môi trường, buộc Nhà nước phải có các công cụ quản lý để hạn chế khai thác, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài nguyên. Thuế TNKS là một trong những công cụ Nhà nước sử dụng để bắt buộc các nhà đầu tư khai thác tài nguyên phải đổi mới công nghệ khai thác, chế biến tài nguyên, hạn chế xuất khẩu thô.
- Thuế TNKS tác động tới khuynh hướng tiêu dùng. Nếu một loại tài nguyên nào đó có thuế suất cao tức là mức thu cao, giá thành sản phẩm từ loại tài nguyên đó sẽ cao, người tiêu dùng sẽ tìm đến sản phẩm khác thay thế (Tổng Cục thuế, 2013).
2.1.2.3. Chức năng của thuế tài nguyên khoáng sản
a. Thuế TNKS là một trong những nguồn thu chung của NSNN để dùng cho các hoạt động điều tiết kinh tế, xã hội khác nhau
Chức năng điều tiết kinh tế của thuế TNKS được nhận thức và sử dụng rộng rãi gắn liền với chức năng điều chỉnh của Nhà nước đối với nền kinh tế. Khi Nhà nước sử dụng thuế TNKS với mục đích huy động một bộ phận GDP vào tay Nhà nước thì Nhà nước đã đặt thuế TNKS vào thế tiếp cận với các yếu tố tham gia vào quá trình sản xuất. Thuế TNKS tác động vào sản xuất theo các khía cạnh:
- Thuế TNKS ảnh hưởng đến mức độ và cơ cấu của tổng cầu, đồng thời thông qua cơ chế của mức cầu thị trường có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm sản xuất.
- Mức độ đánh thuế TNKS trên thu nhập cũng ảnh hưởng đến việc xác định tiền lương, bởi vì khi tính toán tiền lương, giới chủ nhân và người làm thuê bao giờ cũng chú ý đến thuế TNKS như là yếu tố của tiền lương cần xem xét đến.
- Thuế TNKS tác động đến việc mua sắm, sử dụng và phục hồi tài sản cố định trong doanh nghiệp thông qua các quy định của Nhà nước về hình thành, sử dụng quỹ khấu hao. Tài sản cố định tham gia vào nhiều chu kỳ sản xuất, thường xuyên bị hao mòn đến khi không còn sử dụng được nữa vì vậy cần phải thay thế, việc thay thế này được tiến hành bằng cách lập quỹ khấu hao, quỹ này được hình thành từ một bộ phận lợi nhuận không chịu thuế TNKS (Tổng Cục thuế, 2013).
b. Thuế TNKS có chức năng phân phối các nguồn lực; tái phân phối thu nhập;
và ổn định nền kinh tế
Ngay từ lúc ra đời, thuế TNKS là phương tiện dùng để động viên nguồn tài chính vào ngân sách Nhà nước. Về mặt lịch sử, chức năng huy động nguồn lực tài chính là chức năng đầu tiên, phản ánh nguyên nhân hình thành thuế TNKS.
Bằng chức năng này, Nhà nước tiến hành tham gia phân phối tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân để huy động nguồn lực tài chính vào tay Nhà nước.
Chức năng phân phối là chức năng cơ bản, đặc thù nhất mà các Nhà nước đều phải dựa vào đó, thông qua chức năng này, quỹ ngân sách Nhà nước được hình thành, đây là cơ sở vật chất đảm bảo cho hoạt động và tồn tại của Nhà nước.
Chức năng phân phối của thuế TNKS được Nhà nước vận dụng dẫn đến kết quả là diễn ra quá trình “Nhà nước hóa” một bộ phận GDP dưới hình thức tiền tệ, tạo điều kiện khách quan vô cùng cần thiết cho sự can thiệp của Nhà nước vào các hoạt động kinh tế, tạo điều kiện cho sự ra đời và phát huy tác dụng chức năng điều tiết kinh tế của thuế TNKS (Tổng Cục thuế, 2013).
c. Thuế TNKS là công cụ góp phần ổn định giá, chống lạm phát qua đó tạo
công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động, đồng thời nâng cao đời sống nhân dân (Tổng Cục thuế, 2013).