Phần 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn
3.1. Đặc điểm của tỉnh Hòa Bình
3.1.3. Điều kiện kinh tế - xã hội
* Về dân số
Hòa Bình được tổ chức thành 11 huyện và thành phố, bao gồm 191 xã và 19 phường, thị trấn. Dân số toàn tỉnh năm 2016 là 832.543 người.
Có 84,2% dân số sống ở khu vực nông thôn, cao hơn nhiều so với trung bình của cả nước. Điều này cho thấy việc phát triển kinh tế xã hội nói chung và xóa đói giảm nghèo nói riêng phải được tập trung ở khu vực nông thôn. Số người trong độ tuổi lao động chiếm 67% là yêu cầu cấp bách để giải quyết các vấn đề việc làm.
Hòa Bình là một tỉnh đa dạng về sắc tộc và văn hóa với 6 dân tộc cùng chung sống, trong đó:
Dân tộc Mường chiếm 63% cư trú tập trung chủ yếu tại các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi, Lương Sơn, Yên Thủy, Cao Phong và Kỳ Sơn.
Dân tộc Kinh trên 28% cư trú chủ yếu tại thành phố Hòa Bình, huyện Lạc Sơn, Yên Thủy, Lương Sơn; Dân tộc Thái chiếm 4% cư trú chủ yếu tại huyện Mai Châu; Dân tộc Tày chiếm 2,7% cư trú tập trung tại huyện Đà Bắc; Dân tộc Dao chiếm 1,7% cư trú tại Kim Bôi, Đà Bắc, Cao Phong; Dân tộc Mông chiếm 0,6 % cư trú tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò huyện Mai Châu (Niên giám Thống kê tỉnh Hòa Bình, 2016).
* Về Lao động
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2016 có 554.975 người, chiếm 67,32% dân số; trong đó lực lượng lao động có việc làm là 552.607 người, chiếm 67,04% dân số.
Lao động đang làm việc trong khu vực Nhà nước có 49.173 người, chiếm 8,9% tổng số lao động; khu vực ngoài Nhà nước 495.930 người, chiếm 89,74%
tổng số lao động; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 7.504 người, chiếm 1,36%
tổng số lao động. Như vậy lao động chủ yếu làm trong lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản; lao động trong khu vực dịch vụ, công nghiệp - xây dựng có mức tăng trưởng nhanh cả về số lượng và tỷ trọng trong cơ cấu lao động, nhất là khu vực công nghiệp - xây dựng. Tuy nhiên, tỷ trọng lao
động khu vực phi nông nghiệp vẫn còn rất thấp (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Tỉnh Hòa Bình, 2016).
3.1.3.2. Cơ sở hạ tầng
Hệ thống giao thông thuận lợi tạo điều kiện cho Hòa Bình đẩy mạnh giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội với các địa phương khác trong vùng và cả nước.
Tuy là một tỉnh miền núi, nhưng Hòa Bình có đường Quốc lộ 6, cung đường Hồ Chí Minh chạy qua và mạng lưới đường quốc lộ, tỉnh lộ, liên huyện khá tốt đến tất cả các huyện và hầu hết các xã trong tỉnh. Nhờ có công trình thủy điện Hòa Bình trên sông Đà nên Hòa Bình có nguồn điện lực, nguồn dự trữ nước rất lớn và mạng lưới giao thông đường thủy từ Hòa Bình đi Sơn La rất thuận lợi.
Với vị trí là cửa ngõ Tây Bắc Hòa Bình không chỉ có vị trí quân sự quan trọng trong chiến lược phòng thủ miền Tây Bắc của đất nước mà còn có khá nhiều điều kiện cần và đủ để tham gia vào vùng phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội. Đó là những tiền đề, những tiềm năng quan trọng giúp Hòa Bình phát triển kinh tế trong hiện tại và tương lai.
3.1.3.3. Tài nguyên a. Tài nguyên đất
Tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh năm 2015 là 459.062,47 ha, bao gồm: đất nông nghiệp 387.314,50 ha (chiếm 84,37% diện tích tự nhiên), đất phi nông nghiệp 52.595,58 ha (chiếm 11,46% diện tích tự nhiên) và đất chưa sử dụng 19.152,40 ha (chiếm 4,17% diện tích tự nhiên).
Về tính chất thổ nhưỡng, có 7 nhóm đất với 22 loại đất chính sau: Nhóm đất phù sa; Nhóm đất lầy và than bùn; Nhóm đất đen; Nhóm đất đỏ vàng; Nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi; Nhóm đất dốc tụ; Nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá (Niên giám Thống kê tỉnh Hòa Bình, 2016).
b. Tài nguyên nước
Nguồn nước mặt ở tỉnh Hòa Bình ngoài lượng nước mưa hàng năm; còn chủ yếu là từ các sông chính (sông Đà, sông Bôi, sông Bưởi, sông Bùi,...) chảy qua địa bàn tỉnh và trên 500 hồ chứa thủy lợi, khoảng 1.300 ha ao hồ nhỏ cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Bao gồm: Nguồn nước sông, suối;
nguồn nước đầm, ao, hồ. Bên cạnh đó, Hòa Bình còn có nguồn nước ngầm khá dồi dào, nhưng phân bố không đồng đều theo cấu thành tầng địa chất. Nước ngầm nhiều nơi ở độ sâu 5 - 10 m (tập trung nhiều ở các lưu vực sông và vùng
ven hồ); nhưng cũng có một số nơi nằm dưới độ sâu 40 - 50 m, lượng nước ngầm đạt 150 - 200 m3/s (Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh Hòa Bình, 2016).
c. Tài nguyên rừng
Theo số liệu thống kê đất đai năm 2016 diện tích đất rừng tỉnh Hoà Bình có 296.454,94 ha, chiếm 64,58% diện tích tự nhiên; trong đó đất rừng sản xuất có 153.514,18 ha (chiếm 33,44% diện tích tự nhiên), rừng đặc dụng có 28.538,12 ha (chiếm 6,22% diện tích tự nhiên) và rừng phòng hộ có 114.402,64 ha (chiếm 24,92% diện tích tự nhiên).
Về trữ lượng rừng, nhìn chung thấp, chỉ có khoảng 15% diện tích rừng gỗ tự nhiên có cấp trữ lượng IV (rừng trung bình) còn lại là rừng nghèo. Rừng tre, nứa chủ yếu là nứa vừa, mật độ khoảng 5.000 - 7.000 cây/ha. Rừng trồng trữ lượng bình quân khoảng 70 m3/ha.
d. Tài nguyên khoáng sản
Hòa Bình có nhiều loại khoáng sản, trong đó đã có một số loại đã được khai thác như than, Amiăng, đá vôi, sét, nước khoáng,... Các loại khoáng sản chính, như sau:
- Đá gabrodiaba trữ lượng 2,2 triệu m3. - Đá granit trữ lượng 8,1 triệu m3.
- Đá vôi với trữ lượng hàng trăm tỷ tấn; trong đó có thể đưa vào khai thác sử dụng hàng chục tỷ tấn; riêng đá vôi xi măng chất lượng tốt, khoáng vật chủ yếu là can xi có trữ lượng khoảng 700 triệu tấn.
- Than đá có trữ lượng ước khoảng 15 triệu tấn, trữ lượng đã được đánh giá là 5,68 triệu tấn, trong đó có 982 nghìn tấn cấp C1.
- Quặng sắt trữ lượng khoảng 680 nghìn tấn.
- Quặng đồng đã phát hiện 03 mỏ, khoáng vật gồm Chancopyrít, Chancozin, Pirít, Malachit, Azurite, Galennit,... hàm lượng đồng 0,1 - 4,3%.
- Quặng Ăngtimon có ở một số nơi với các mạch quặng thạch anh Ăngtimon dày 0,3 - 2 m, kéo dài trên 100 m; thành phần chủ yếu là Ăngtimon, Pirít.
Hàm lượng Sb từ 10 - 15%, một số mẫu có hàm lượng cao hơn.
- Quặng vàng có một số mỏ và điểm quặng; thành phần gồm Pirít, Chancozin, Asenopirít, hàm lượng vàng trung bình từ 0,1 - 7,39 g/tấn, bạc 0,1 - 10 g/tấn.
- Sét có trữ lượng 8,935 triệu m3 (02 mỏ sét xi măng và 01 mỏ sét gạch ngói); có diện tích 0,6 - 3 km2, chiều dày từ 1 - 1,5 m.
- Cát xây dựng tập trung chủ yếu ở các bãi bồi dọc các sông trong tỉnh; một số khu vực khai thác có kích thước dài từ 50 - 1.000 m và rộng từ 10 - 350 m, dày
2 - 5 m; thành phần chủ yếu là cát thạch anh.
- Nước khoáng, nước nóng: Nguồn nước khoáng phong phú cũng là thế mạnh đối với việc phát triển du lịch của Hoà Bình, trong đó đáng kể nhất là suối nước khoáng Kim Bôi thuộc địa phận xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi. Cho đến nay, đã phát hiện được điểm nước khoáng phân bố quanh rìa khối granit Kim Bôi là Mớ Đá, Sào Báy thuộc hai nhóm nước khoáng Bicacbonat, Sunfat canxi nguồn gốc hoà tan được đánh giá là đủ tiêu chuẩn làm nước uống và chữa bệnh.
Ngoài các khoáng sản trên, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình còn tìm thấy một số loại khoáng sản khác như Pirit (đã phát hiện 03 mỏ và 22 điểm), Photphorit (có trên 20 hang động có chứa photphorít); chì, kẽm - đa kim (06 điểm quặng); Barit, Phuorit;...
Thế mạnh về khoáng sản của tỉnh là đá để sản xuất vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất xi măng, nước khoáng khai thác với quy mô công nghiệp (Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh Hòa Bình, 2016).
e. Tài nguyên du lịch
Hòa Bình có tài nguyên du lịch tự nhiên rất phong phú, đa dạng, bao gồm các sông, hồ, suối nước khoáng, các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia. Hòa Bình có hệ thống sông suối phong phú với các sông lớn như: sông Đà, sông Bôi, sông Bưởi. Ngoài ra tỉnh còn có số lượng các hồ, đầm khá lớn góp phần quan trọng cho việc điều hòa vi khí hậu trên địa bàn, đồng thời là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế nói chung, du lịch nói riêng.
3.1.3.4. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội
Theo Báo cáo số 121-BC/TU, ngày 23/12/2016 của Tỉnh ủy Hòa Bình về kết quả công tác năm 2016, nhiệm vụ năm 2017.
a. Về kinh tế
Tình hình chung về kinh tế: Tốc độc tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh những năm gần đây đạt gần 8%/năm, tương đương với tốc độ tăng trưởng bình quân chung của cả vùng và cả nước. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt
khoảng 7,62% (nông, lâm nghiệp thuỷ sản tăng 4,42%, công nghiệp – xây dựng tăng 10,58%, dịch vụ tăng 6,72%); thu nhập bình quân đầu người đạt 36,5 triệu đồng; lạm phát được kiểm soát với chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 3,42%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 23.480 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 18.512 tỷ đồng. Thu hút 2 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt 1.000 tỷ đồng. Thu NSNN trong cân đối đạt 2.909 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn tín dụng ước đạt 16.983 tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2015. Sản xuất nông, lâm nghiệp tiếp tục phát triển ổn định; đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4% (còn khoảng 20,38%); văn hoá, xã hội có bước phát triển; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 37,9%; tổng số người tham gia BHYT đạt 92,2%; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được đảm bảo.
Về thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp: Năm 2016, tỉnh có 65 dự án đầu tư được quyết định chủ trương đầu tư (trong đó có 01 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký là 03 triệu USD và 64 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký là 24.000 tỷ đồng), so với năm 2015 về số dự án tăng 68%, về vốn đầu tư đăng ký tăng 313%. Cùng với đó, hoạt động của doanh nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực. Trong năm có 297 doanh nghiệp và 55 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 3.200 tỷ đồng. Đến hết năm 2016 toàn tỉnh có 2.115 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó khu vực nhà nước là 10 doanh nghiệp, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là 23 doanh nghiệp, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh là 2.082 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở những địa bàn có điều kiện thuận lợi về kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng, cụ thể: Địa bàn thành phố Hoà Bình có 1.050 doanh nghiệp, chiếm 50%; huyện Lương Sơn có 345 doanh nghiệp, chiếm 16%;
9 huyện còn lại số doanh nghiệp chỉ chiếm 34%.
Công nghiệp - xây dựng: Khu vực công nghiệp - xây dựng phát triển mạnh, giá trị sản xuất đạt mức tăng cao đặc biệt là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, chiếm 43,3% cơ cấu kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2016 tăng 9,51% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 23.480 tỷ đồng. Một số sản phẩm có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, như: điện sản xuất, điện thương phẩm, sản phẩm may, gạch xây dựng, xi măng, thiết bị điện và điện tử tin học…
Thương mại - dịch vụ - du lịch: Tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ bình quân hàng năm gần đây đạt 6,6%/năm, chiếm 32,9% cơ cấu kinh tế. Tổng mức bán
lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân tăng 25%/năm. Toàn tỉnh có 453 doanh nghiệp và hơn 21.000 hộ kinh doanh cá thể hoạt động thương mại, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, thu hút gần 80 ngàn lao động.
Hoạt động du lịch diễn ra sôi động gắn với các chương trình lễ hội trong năm.
Trong những năm qua, lượng khách thăm quan, du lịch đến Hòa Bình duy trì mức tăng trưởng bình quân khá cao (20%). Năm 2014, Hòa Bình đón 305.576 lượt khách;
năm 2015 đón 1.105.000 lượt khách và năm 2016, tổng khách du lịch đến tỉnh Hòa Bình trong năm 2016 ước đạt 2.000.000 lượt khách (trong đó, khách quốc tế 220.000 lượt; khách nội địa 1.780.000 lượt); tổng doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng.
Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản: Phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2016 phát triển khá, chiếm 23,8% cơ cấu kinh tế. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 125,41 nghìn ha, an ninh lương thực được bảo đảm, cơ cấu cây trồng được chuyển đổi theo hướng tích cực. Công tác chăm sóc, khoanh nuôi và bảo vệ rừng được tăng cường; thường xuyên tổ chức tuyên truyền tới người dân về các quy định quản lý và bảo vệ rừng. Trong năm 2016 trồng mới được 8,06 nghìn ha rừng tập trung, tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,2%.
Kết cấu hạ tầng: Các đường giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh như quốc lộ 6 đi qua Hòa Bình dài 125km, nối liền Hà Nội, đồng bằng Bắc Bộ với Tây Bắc và Thượng lào. Các tuyến đường 12, 15, 21 nối liền Hòa Bình với các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Nam. 100% số xã có đường ô tô đến tận UBND xã,
b.Về xã hội
Dân số, lao động: Năm 2015, tỉnh Hòa Bình có số dân 824.325 người, mật độ dân số trung bình 179 người/km2 (Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 4.662.5 km², chiếm 1,41% tổng diện tích tự nhiên của Việt Nam). Số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động chiếm khoản 65% tổng số dân, trong đó lao động trong nông nghiệp chiếm khoảng 73%.
Trên địa bàn có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm tỷ trọng lớn nhất 63,33%; Các dân tộc Mường, Thái, Dao, Tầy, H’mông là những cư dân sinh sống lâu đời tại địa phương chính vì vậy những phong tục, tập quán của các dân tộc này có sự ảnh hưởng khá đậm nét đến đời sống văn hóa, tinh thần cộng đồng các dân tộc trong tỉnh.
Giáo dục đào tạo, y tế: Sự nghiệp giáo dục được phát triển toàn diện, chất lượng dạy học được nâng cao ở các cấp học, bậc học. Năm học 2015 – 2016 tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 97,13%. Toàn tỉnh có 8.649 phòng học các cấp, trong đó phòng học kiên cố chiếm 83,7%. Tỷ lệ số trường đạt chuẩn quốc gia là 37,9%; tỷ lệ các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, tiểu học xóa mù chữ, tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục Trung học cơ sở đạt 100%.
Công tác xã hội hoá y tế phát triển mạnh, chú trọng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, mạng lưới y tế cơ sở được củng cố. Hết năm 2016, chỉ tiêu số giường bệnh/1 vạn dân đạt 23 giường; số bác sĩ/1 vạn dân đạt 7,57 bác sĩ; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế là 25%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế là 92,2%. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cân nặng xuống 18%;
giảm tỷ suất tử vong trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi xuống 15%; giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi xuống 16,5%.