CHƯƠNG 2 CƠ SỞ LÝ THUYẾT
2.4 Các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tuân thủ
2.4.1 Nhóm yếu tố phản ánh tình hình tài chính của DN
Tình hình tài chính giống như một bức tranh tổng thể phản ánh rõ nét kết quả và hiệu quả của toàn bộ các hoạt động mà DN đang tiến hành trong kỳ, cụ thể gồm hoạt động tài chính, hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư. Kết quả và hiệu quả của hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính và hoạt động đầu tư của DN càng lớn, khả năng thanh toán của DN càng dồi dào, vốn chủ sở
hữu càng tăng cả về quy mô và tỷ trọng trong tổng số vốn, mức độ độc lập tài chính càng cao, tình hình thanh toán càng lành mạnh, các khoản nợ nần dây dưa không còn tồn tại, …Sự yếu kém hoặc giảm sút của bất kỳ hoạt động nào của DN cũng sẽ tác động đến tình hình tài chính, làm sút khả năng thanh toán và mức độ độc lập tài chính, khiến an ninh tài chính của DN kém bền vững (Nguyễn Văn Công, 2011).
Để đánh giá tình hình tài chính DN, hệ thống báo cáo tài chính (gồm bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, thuyết minh báo cáo tài chính) giữ vai trò đặc biệt quan trọng, cung cấp thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ DN, cơ quan Nhà nước và nhu cầu hữu ích của người sử dụng trong việc đưa ra quyết định, cụ thể đó là các thông tin về tài sản; nợ phải trả và vốn chủ sở hữu; doanh thu, thu nhập khác, chi phí và chi phí khác; lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh; thuế và các khoản nộp Nhà nước; tài sản khác có liên quan đến đơn vị kế toán và các luồng tiền. Tùy mục đích của người sử dụng, các chỉ tiêu, số liệu trên hệ thống báo cáo tài chính là cơ sở quan trọng để tính ra các chỉ tiêu kinh tế khác, giúp phân tích hiệu quả của các quá trình sản xuất kinh doanh của DN, hiệu quả sử dụng vốn, là căn cứ quan trọng để đánh giá thực trạng tài chính của DN (Phan Đức Dũng, 2012).
Để phân tích các yếu tố phản ánh tình hình tài chính của DN ảnh hưởng đến rủi ro tuân thủ thuế, trước hết cần làm rõ các khái niệm có liên quan sau:
Tài sản:
Tài sản là nguồn lực do DN kiểm soát và có thể thu được lợi ích kinh tế trong tương lai. Lợi ích kinh tế trong tương lai của một tài sản là tiềm năng làm tăng nguồn tiền và các khoản tương đương tiền của DN hoặc làm giảm bớt các khoản tiền mà DN phải chi ra. Lợi ích này được sử dụng một cách đơn lẻ hoặc kết hợp với các tài sản khác trong sản xuất sản phẩm để bán hay cung cấp dịch vụ cho khách hàng, bán hoặc trao đổi lấy tài sản khác, thanh toán các khoản nợ phải trả, phân phối cho các chủ sở hữu DN. Tài sản được biểu hiện dưới hình thái vật chất như nhà xưởng, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hoá hoặc không
thể hiện dưới hình thái vật chất như bản quyền, bằng sáng chế nhưng phải thu được lợi ích kinh tế trong tương lai và thuộc quyền kiểm soát của DN. Tài sản của DN được hình thành từ các giao dịch hoặc các sự kiện đã qua như góp vốn, mua sắm, tự sản xuất, được cấp, được biếu tặng. Các giao dịch hoặc các sự kiện dự kiến sẽ phát sinh trong tương lai không làm tăng tài sản. Thông thường khi các khoản chi phí phát sinh sẽ tạo ra tài sản. Đối với các khoản chi phí không tạo ra lợi ích kinh tế trong tương lai thì không tạo ra tài sản. Có trường hợp không phát sinh chi phí nhưng vẫn tạo ra tài sản như vốn góp, tài sản được cấp, được biếu tặng (Bộ Tài chính, 2002).
Thông tin về tài sản được trình bày tại bảng cân đối kế toán của DN.
Nợ phải trả
Nợ phải trả là nghĩa vụ hiện tại của DN phát sinh từ các giao dịch và sự kiện đã qua mà DN phải thanh toán từ các nguồn lực của mình. Nợ phải trả xác định nghĩa vụ hiện tại của DN khi DN nhận về một tài sản, tham gia một cam kết hoặc phát sinh các nghĩa vụ pháp lý. Việc thanh toán các nghĩa vụ hiện tại có thể được thực hiện bằng nhiều cách như trả bằng tiền, trả bằng tài sản khác, cung cấp dịch vụ, thay thế nghĩa vụ này bằng nghĩa vụ khác, chuyển đổi nghĩa vụ nợ phải trả thành vốn chủ sở hữu. Nợ phải trả phát sinh từ các giao dịch và sự kiện đã qua như mua hàng hoá chưa trả tiền, sử dụng dịch vụ chưa thanh toán, vay nợ, cam kết bảo hành hàng hoá, cam kết nghĩa vụ hợp đồng, phải trả nhân viên, thuế phải nộp, phải trả khác (Bộ Tài chính, 2002).
Thông tin về nợ phải trả được trình bày tại bảng cân đối kế toán của DN.
Vốn chủ sở hữu
Vốn chủ sở hữu là giá trị vốn của DN, được tính bằng chênh lệch giữa giá trị tài sản của DN và nợ phải trả. Trong Bảng cân đối kế toán, vốn chủ sở hữu gồm: vốn của các nhà đầu tư, thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận giữ lại, các quỹ (quỹ dự trữ, quỹ dự phòng, quỹ đầu tư phát triển), lợi nhuận chưa phân phối, chênh lệch tỷ giá, chênh lệch đánh giá lại tài sản. Khi xác định các khoản mục trong các yếu tố của báo cáo tài chính phải chú ý đến hình thức sở hữu và nội dung kinh tế của chúng. Trong một số trường hợp, tài sản không thuộc
quyền sở hữu của DN nhưng căn cứ vào nội dung kinh tế của tài sản thì được phản ảnh trong các yếu tố của báo cáo tài chính. Ví dụ, trường hợp thuê tài chính, hình thức và nội dung kinh tế là việc DN đi thuê thu được lợi ích kinh tế từ việc sử dụng tài sản thuê đối với phần lớn thời gian sử dụng hữu ích của tài sản, đổi lại DN đi thuê có nghĩa vụ phải trả một khoản tiền xấp xỉ với giá trị hợp lý của tài sản và các chi phí tài chính có liên quan. Nghiệp vụ thuê tài chính làm phát sinh khoản mục "Tài sản" và khoản mục "Nợ phải trả" trong Bảng cân đối kế toán của DN đi thuê (Bộ Tài chính, 2002).
Thông tin về vốn chủ sở hữu được trình bày tại bảng cân đối kế toán của DN.
Doanh thu và thu nhập khác
Doanh thu và thu nhập khác là tổng giá trị các lợi ích kinh tế DN thu được trong kỳ kế toán, phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường và các hoạt động khác của DN, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu, không bao gồm khoản góp vốn của cổ đông hoặc chủ sở hữu. Doanh thu phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh thông thường của DN bao gồm:
doanh thu bán hàng, doanh thu cung cấp dịch vụ, tiền lãi, tiền bản quyền, cổ tức và lợi nhuận được chia…Thu nhập khác bao gồm các khoản thu nhập phát sinh từ các hoạt động ngoài các hoạt động tạo ra doanh thu như: thu từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, thu tiền phạt khách hàng do vi phạm hợp đồng,...
(Bộ Tài chính, 2002).
Thông tin về doanh thu được trình bày tại bảng kết quả hoạt động kinh doanh của DN.
Chi phí
Chi phí là tổng giá trị các khoản làm giảm lợi ích kinh tế trong kỳ kế toán dưới hình thức các khoản tiền chi ra, các khoản khấu trừ tài sản hoặc phát sinh các khoản nợ dẫn đến làm giảm vốn chủ sở hữu, không bao gồm khoản phân phối cho cổ đông hoặc chủ sở hữu. Chi phí bao gồm các chi phí sản xuất, kinh doanh phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh thông thường của DN và các chi phí khác. Chi phí sản xuất, kinh doanh phát sinh trong quá trình
hoạt động kinh doanh thông thường của DN như: giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, chi phí quản lý DN, chi phí lãi tiền vay và những chi phí liên quan đến hoạt động cho các bên khác sử dụng tài sản sinh ra lợi tức, tiền bản quyền,...
Những chi phí này phát sinh dưới dạng tiền và các khoản tương đương tiền, hàng tồn kho, khấu hao máy móc, thiết bị.
Chi phí khác bao gồm các chi phí ngoài các chi phí sản xuất, kinh doanh phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh thông thường của DN như: chi phí về thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, các khoản tiền bị khách hàng phạt do vi phạm hợp đồng (Bộ Tài chính, 2002).
Thông tin về chi phí được trình bày tại bảng kết quả hoạt động kinh doanh của DN.
Lợi nhuận
Lợi nhuận là thước đo kết quả hoạt động kinh doanh của DN. Các yếu tố liên quan trực tiếp đến việc xác định lợi nhuận là Doanh thu, thu nhập khác và chi phí (Bộ Tài chính, 2002).
Theo Nguyễn Tấn Bình (2010), để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh, người ta phân bước thành một số giai đoạn của lợi nhuận: lãi gộp là hiệu số giữa doanh thu và giá vốn hàng bán, lợi nhuận trước thuế và lãi vay (ebit) là hiệu số giữa lãi gộp và chi phí bán hàng, chi phí quản lý, lợi nhuận trước thuế là hiệu số giữa ebit và lãi vay, lợi nhuận sau thuế là hiệu số giữa lợi nhuận trước thuế và thuế thu nhập, lợi nhuận giữ lại là hiệu số giữa lợi nhuận sau thuế và cổ tức.Thông tin về lợi nhuận được trình bày tại bảng kết quả hoạt động kinh doanh của DN.
Trong lĩnh vực quản lý thuế, dưới góc độ phân tích rủi ro kê khai nộp thuế, người viết đề nghị các chỉ tiêu sau: doanh thu, khả năng thanh toán tổng quát, suất sinh lời của tài sản, suất sinh lời của vốn chủ sở hữu, suất sinh lời của doanh thu, tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần, tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu thuần, tỷ lệ chi phí quản lý trên doanh thu thuần.
* Suất sinh lời của tài sản (ROA)
Hệ số Suất sinh lời của tài sản bằng lợi nhuận sau thuế chia cho tài sản bình quân của DN. Tài sản bình quân được tính bằng trung bình cộng của tài sản đầu kỳ và cuối kỳ trên bảng cân đối kế toán. Hệ số này cho biết khả năng tạo ra lợi nhuận sau thuế của tài sản. Chỉ tiêu này càng cao thì khả năng sinh lời của tài sản càng cao, dẫn đến hiệu quả sử dụng tài sản, hiệu quả kinh doanh càng tốt. Đây là một chỉ tiêu quan trọng cho thấy được hiệu quả sử dụng tài sản, hiệu quả kinh doanh của DN (Nguyễn Ngọc Quang, 2011).
* Suất sinh lời của vốn chủ sở hữu (ROE)
Hệ số Suất sinh lời của vốn chủ sở hữu bằng lợi nhuận sau thuế chia cho vốn chủ sở hữu bình quân của DN. Vốn chủ sở hữu bình quân được tính bằng trung bình cộng của vốn chủ sở hữu đầu kỳ và cuối kỳ trên bảng cân đối kế toán. Hệ số này cho biết khả năng tạo ra lợi nhuận sau thuế của vốn chủ sở hữu mà DN sử dụng cho kinh doanh. Chỉ tiêu này càng cao thì khả năng sinh lời của vốn chủ sở hữu càng cao, dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu, hiệu quả kinh doanh càng tốt. Đây là một chỉ tiêu quan trọng cho thấy được hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu, hiệu quả kinh doanh của DN (Nguyễn Ngọc Quang, 2011).
* Suất sinh lời của doanh thu (ROS)
Hệ số Suất sinh lời của doanh thu bằng lợi nhuận sau thuế chia cho tổng doanh thu của DN. Hệ số này cho biết trong một kỳ phân tích, DN thu được một đồng doanh thu thì thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế. Chỉ tiêu này càng cao chứng tỏ hiệu quả sử dụng chi phí càng tốt. Đây là một chỉ tiêu quan trọng cho thấy được hiệu quả hiệu quả kinh doanh của DN (Nguyễn Ngọc Quang, 2011).
Dưới góc độ quản lý rủi ro tuân thủ, hành vi khai thiếu doanh thu, khai khống chi phí làm giảm lợi nhuận dẫn đến sai lệch các chỉ tiêu ROA, ROE, ROS, ảnh hưởng đến số thuế Thu nhập doanh nghiệp phải nộp của DN
* Khả năng thanh toán tổng quát (H)
Khả năng thanh toán tổng quát bằng tổng tài sản chia cho tổng nợ phải trả của DN. Hệ số này là một chỉ tiêu tài chính căn bản, phản ánh mối quan hệ
giữa khả năng thanh toán và nhu cầu thanh toán. Khả năng thanh toán bao gồm tất cả các tài sản mà DN có khả năng thanh toán theo giá thực tại thời điểm nghiên cứu, được sắp xếp theo thứ tự vòng quay của vốn hoặc thời hạn thanh toán. Nhu cầu thanh toán bao gồm các khoản công nợ ngắn hạn, dài hạn được sắp xếp theo thứ tự thời hạn thanh toán hoặc đối tượng phải trả. Khi H>1, DN có đủ và thừa khả năng thanh toán, khi đó tình hình của DN khả quan, tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh. Khi H<1, DN mất khả năng thanh toán, chỉ tiêu này càng nhỏ có thể dẫn đến DN sắp bị giải thể hoặc phá sản trong tương lai (Nguyễn Văn Công 2011).
Dưới góc độ quản lý rủi ro tuân thủ, hành vi khai thiếu doanh thu thông qua khai giảm tài sản, khai khống chi phí thông qua khai khống nợ phải trả để che dấu lợi nhuận dẫn đến sai lệch về chỉ tiêu khả năng thanh toán tổng quát của DN.
* Doanh thu
Theo Tổng cục Thuế (2011), Doanh thu thể hiện quy mô của DN. Dưới góc độ quản lý rủi ro trong kê khai nộp thuế, doanh thu của DN để trang trải tiền lương cho công nhân, các khoản chi phí cố định, các khoản phải nộp vào Ngân sách Nhà nước, thể hiện quy mô của DN. Do vậy doanh thu là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tuân thủthông qua khả năng nộp thuế, nếu các yếu tố chi phí khác không thay đổi thì doanh thu tăng đồng nghĩa với lợi nhuận của DN tăng. Một số sai lệch liên quan đến chỉ tiêu doanh thu và thu nhập khác ảnh hưởng đến rủi ro tuân thủ như: khai thiếu doanh thu và các khoản thu nhập khác nhằm làm giảm lợi nhuận, từ đó giảm số thuế Thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
* Tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần
Tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần phản ánh trình độ quản lý giá vốn hàng bán của DN. Tỷ lệ này càng thấp thì trình độ quản lý càng cao, rủi ro càng thấp. Tỷ lệ này càng cao thì trình độ kiểm soát chi phí của DN càng kém và tiềm ẩn những rủi ro về thuế, đặc biệt là thuế Thu nhập doanh nghiệp (Tổng cục Thuế, 2011).
* Tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu thuần
Tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu thuần phản ánh trình độ kiểm soát chi phí bán hàng của DN. Tỷ lệ càng thấp phản ánh trình độ quản lý chi phí càng cao, góp phần tiết kiệm chi phí và tăng lợi nhuận cho DN. Tỷ lệ càng cao thì trình độ quản lý chi phí càng kém và tiềm ẩn những rủi ro về Thuế Thu nhập doanh nghiệp (Tổng cục Thuế, 2011).
* Tỷ lệ chi phí quản lý trên doanh thu thuần
Tỷ lệ chi phí quản lý trên doanh thu thuần phản ánh trình độ kiểm soát chi phí quản lý của DN. Tỷ lệ càng thấp phản ánh trình độ quản lý chi phí càng cao, góp phần tiết kiệm chi phí và tăng lợi nhuận cho DN. Tỷ lệ càng cao thì trình độ quản lý chi phí càng kém và tiềm ẩn những rủi ro về thuế Thu nhập doanh nghiệp (Tổng cục Thuế, 2011).
Một số sai lệch liên quan đến các chỉ tiêu phản ánh mức độ sử dụng chi phí có thể ảnh hưởng đến rủi ro tuân thủ của DN như: khai khống chi phí bán hàng, chi phí quản lý, giá vốn hàng bán, khai thấp doanh thu để làm giảm lợi nhuận từ đó giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Các chỉ tiêu phản ánh mức độ sử dụng chi phí cho thấy những tiềm ẩn rủi ro về thuế Thu nhập doanh nghiệp.