Đặc điểm địa bàn nghiên cứu huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi gà ở huyện tân sơn, tỉnh phú thọ (Trang 45 - 49)

Chương 2. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA BÀN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đặc điểm địa bàn nghiên cứu huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ

Tân Sơn là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam của tỉnh Phú Thọ;

có tổng diện tích tự nhiên 68.858,26 ha, với 17 đơn vị hành chính xã. Địa giới hành chính của huyện sau: Phía Đông giáp huyện Thanh Sơn; Phía Tây giáp huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) và huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La); Phía Nam giáp huyện Đà Bắc (tỉnh Hoà Bình); Phía Bắc giáp huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ).

Trung tâm huyện Tân Sơn là xã Tân Phú, cách thành phố Việt Trì khoảng 75 km. Trên địa bàn huyện có các tuyến Quốc lộ 32A, 32B chạy qua, đây là tuyến giao thông nối liền với trung tâm huyện Thanh Sơn và các tỉnh bạn như Sơn La, Yên Bái sẽ mang lại nhiều điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế - xã hội với bên ngoài.

Huyện Tân Sơn có đặc điểm địa hình phức tạp, đồi núi độ dốc lớn, xen kẽ là các dộc ruộng và thung lũng nhỏ, địa hình bị chia cắt, dốc kéo dài. Đất đai phần lớn là rừng núi đã tạo nên sự đa dạng và phức tạp cho địa hình.

Địa hình được chia thành 4 dạng chính:

- Địa hình núi: Loại địa hình này có độ dốc trên 30o, độ cao trung bình so với mực nước biển 700-800 m.

- Địa hình đồi cao: Loại địa hình này có độ dốc 25o-30o, độ cao trung bình so với mực nước biển 300-700 m.

- Địa hình Trung du, đồi thấp, có độ dốc trung bình 15o-25o, độ cao trung bình so với mực nước biển 150-300 m.

- Địa hình thung lũng đồng bằng: Dạng địa hình này là các thung lũng nhỏ hẹp xen kẽ với các vùng núi thấp, đồi cao, đồi thấp.

Huyện Tân Sơn chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ không khí trung bình hàng năm là 23,3oC, mùa đông rét đậm, nhiệt độ có lúc xuống dưới 5oC, kéo dài 3-4 ngày và xuất hiện sương muối, sương mù từng đợt. Mùa hạ nóng bức có khi nhiệt độ lên đến 39-40oC. Độ ẩm tương đối trung bình hàng năm là 86,8%, tháng có độ ẩm không khí lớn nhất là tháng 8, và thấp nhất là tháng 5. Số giờ nắng trung bình hàng năm là 1.403,4 giờ, tổng tích ôn trung bình đạt khoảng 8.500 oC. Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.754,2 mm, tập trung vào các tháng 6,7,8,9 (chiếm >70% lượng mưa cả năm).

Trên địa bàn huyện có các con sông lớn như: sông Bứa, sông Giày, sông Chôm và sông Côm. Ngoài ra còn có các hệ thống suối lớn như: suối Chiềng, suối Quả, suối Ráy, suối Thắt, suối Thân, suối Vường, suối Thang, suối Xuân,... Sông có chiều dài chảy qua địa bàn huyện lớn nhất là sông Bứa dài 53,46 km. Đặc điểm chung của các sông, suối là đều bắt nguồn từ những dãy núi cao, có độ dốc lớn, về mùa mưa nước dâng cao đột ngột ảnh hưởng xấu tới giao thông và mùa màng.

Theo kết quả điều tra đánh giá phân hạng đất, theo nguồn gốc phát sinh gồm 6 nhóm đất chính sau:

- Nhóm đất phù sa chiếm 0,38% tổng diện tích tự nhiên. Độ phì của đất ở mức trung bình khá, đất có thành phần cơ giới nặng nên khả năng hút các chất dinh dưỡng của cây trồng phần nào bị hạn chế. Vì vậy khi canh tác trên đất này cần chú ý khâu làm đất tơi xốp, tăng cường bón phân hữu cơ, thâm canh các hoa màu, cây họ đậu (ngô, lạc, đỗ,...) có khả năng chịu hạn cao vừa có tác dụng cải thiện kết cấu đất lại cho hiệu quả kinh tế cao.

- Nhóm đất glây chiếm 1,04% tổng diện tích tự nhiên. Phân bố tại các xã trên địa bàn huyện, trên các dạng địa hình thấp, trũng đọng nước thường xuyên. Trong đất quá trình glây (khử Fe3+ thành Fe2+) chiếm ưu thế nên đất thường có màu xám xanh, đen đến xám sẫm, vàng lục. Đất lầy thụt, bão hòa nước, tính trương co của đất lớn; khi khô trở nên cứng rắn.

- Nhóm đất xám chiếm 91,09% tổng diện tích tự nhiên. Là kết quả của một số quá trình hình thành và biến đổi trong đất như: quá trình tích lũy chất hữu cơ và mùn; quá trình rửa trôi; quá trình tích lũy tương đối Fe; Al. Đất có màu vàng nhạt đến vàng đỏ; thành phần cơ giới từ cát pha cát đến sét. Nhìn chung, độ phì của đất thấp; hàm lượng chất hữu cơ, đạm, lân, kali tổng số, lân dễ tiêu rất nghèo; dung tích hấp thu của đất rất thấp. Thuận lợi cho việc trồng cây dài ngày. Đặc biệt ưu tiên cho phát triển cây ăn quả, cây chè, cây có đốt và các loại cây có khả năng bảo vệ, cải tạo đất.

- Nhóm đất tầng mỏng chiếm 0,63% tổng diện tích tự nhiên. Đặc điểm chung của nhóm đất này là thành phần cơ giới cát pha, tầng đất mỏng, kết von, đá xuất hiện ngay trên tầng mặt, đất chua. Hàm lượng chất hữu cơ rất nghèo; lân tổng số giàu ở tầng mặt và giảm dần đến nghèo theo chiều sâu của phẫu diện; dung tích hấp thu thấp. Nhìn chung, đất rất xấu do bị xói mòn mạnh. Tuy nhiên, đa số diện tích của nhóm đất này có khả năng cải tạo để đưa vào sản xuất nông lâm nghiệp như: trồng sắn, bạch đàn,…

- Nhóm đất đỏ chiếm 3,34% tổng diện tích tự nhiên. Chủ yếu là đất nâu đỏ điển hình. Đất có phản ứng chua, thành phần cơ giới trung bình và nặng, hàm lượng các chất dinh dưỡng trung bình đến khá, các kim loại kiềm và kiềm thổ ở mức trung bình. Loại đất này có chất dinh dưỡng trung bình, thích hợp với những cây trồng như: tre, nứa, keo, chè,…

- Nhóm khác chiếm 3,52% tổng diện tích tự nhiên.

Đất đai của huyện Tân Sơn mang những nét cơ bản chung của vùng núi, được hình thành do nham thạch phong hoá tại chỗ và từ các sản phẩm bồi tụ. Qua điều tra đánh giá cho thấy, chất lượng đất trong toàn huyện có hàm lượng các chất dinh dưỡng ở mức khá, kết cấu đất tơi xốp, thuận lợi cho phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, các loại cây đặc sản và cây dược liệu.

Đất lâm nghiệp của huyện có diện tích 54.492,29 ha, chiếm 79,14%

diện tích đất tự nhiên, độ che phủ hiện tại 81,5% Tân Sơn là huyện có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất trong tỉnh với nhiều tài nguyên rừng phong phú.

Trong đó nổi bật nhất là Vườn Quốc Gia Xuân Sơn. Đây là vùng có hệ sinh thái rừng với các hệ động, thực vật đa dạng, phong phú. Ngoài ra Vườn Quốc Gia Xuân Sơn còn có hệ thống hang động độc đáo, khí hậu mát mẻ, trong lành, cảnh quan đẹp.

Trên địa bàn huyên Tân Sơn có các mỏ sắt, Talc, đá làm vật liệu xây dựng, cát. Tuy nhiên, đa số các mỏ có trữ lượng thấp, phân bố nhỏ lẻ. Cụ thể như: Mỏ Talc ở xã Mỹ Thuận; mỏ Sắt ở xã Văn Luông; mỏ Tal, Dolomit xóm Côm, xã Thu Ngạc; đá vôi xây dựng ở xóm Quẽ, xóm Giác, khu Dốc Đải - xã Thu Cúc;

mỏ đá ở đồi Vay (xóm Cũ), đồi xóm Đường - xã Mỹ Thuận và khai thác cát sỏi ở các xã dọc sông Bứa (Tân Phú, Mỹ Thuận, Minh Đài, Văn Luông),…

Đây sẽ là nguồn tài nguyên quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của huyện. Cần được quản lý, khai thác và sử dụng theo quy hoạch để đảm bảo cho việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Tân Sơn có cảnh quan thiên nhiên đẹp và môi trường trong lành, môi trường nước và không khí chưa bị ô nhiễm. Tân Sơn cũng không có ô nhiễm tiếng ồn và hệ thống thảm thực vật với độ che phủ cao.

Rừng quốc gia Xuân Sơn là địa điểm danh thắng nổi bật nhất của Tân Sơn. Toàn bộ khu Vườn quốc gia có diện tích lớn thứ ba (sau Cúc Phương và Tam Đảo) so với các khu vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên khác ở miền Bắc nước ta.

Vườn quốc gia Xuân Sơn có hệ động vật và hệ thực vật phong phú với 69 loài thú và 240 loài chim cùng với 134 họ, 475 chi, có cả gà nhiều cựa gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh, Thuỷ Tinh và 726 loài thực vật khác nhau.

Đây là khu vực bảo tồn sinh học cấp quốc gia, có thể khai thác vào các hoạt động du lịch sinh thái.

2.1.2. Điều kiện kinh tế xã hội

Tân Sơn là huyện khá phong phú về bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử, di sản văn hóa. Người dân có truyền thống hiền hoà, cần cù trong lao động. Huyện có số đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vẫn giữ nguyên được những nét văn hoá đặc trưng mang đậm bản sắc văn hoá vùng miền dân tộc. Đây là tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng trong những năm tới.

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi gà ở huyện tân sơn, tỉnh phú thọ (Trang 45 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)