Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.2. Khó khăn, bất cập tác động đến phát triển kinh tế trang tế chăn nuôi gà huyện Tân Sơn
3.3.2. Một số giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi gà huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ
3.3.2.1. Giải pháp chung
a) Quy hoạch và phương hướng sản xuất kinh doanh của các trang trại gà Để trang trại gà phát triển tạo ra khối lượng hàng hoá lớn, hình thành các vùng sản xuất tập trung ở các xã Văn Luông, Thu Cúc, Đồng Sơn, Tân Sơn,…
tạo ra khả năng cạnh tranh mới, khắc phục tình trạng trang trại phát triển tự phát. Vì vậy, cần rà soát xây dựng quy hoạch phát triển trang trại nhằm khai thác lợi thế cạnh tranh các nguồn lực và phù hợp với đặc điểm cụ thể.
Cùng với đó là xây dựng phương hướng kinh doanh, tránh phát triển tự phát nhằm đảm bảo trang trại phát triển bền vững. Xác định phương hướng phát triển đàn gà phù hợp với lợi thế đất đai, khí hậu của mỗi vùng và có tính
đến khả năng tiêu thụ sản phẩm.
Quy hoạch kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống thuỷ lợi, giao thông đường xá đến trang trại, hệ thống cung cấp điện, nước, cơ sở công nghiệp chế biến, cơ sở sản xuất, cung ứng giống cây, con,… đảm bảo đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển sản xuất của trang trại.
b) Đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng đất và tập trung hóa
Đất đai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với phát triển kinh tế trang trại, do đó nhà nước cần có những tạo điều kiện thực hiện chính sách về đất đai đối với kinh tế trang trại như giao đất lâu dài, chính sách hạn điền, chính sách cho thuê đất,… để khuyến khích các chủ trang trại nhận đất, tạo sự an tâm cho các trang trại sản xuất kinh doanh.
Trước hết, các địa phương rà soát lại các trang trại hiện có, xúc tiến nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại chưa được cấp giấy chứng nhận theo chính sách đất đai nêu trong Nghị quyết của Chính phủ và hướng dẫn của Tổng cục Địa chính.
Thực tiễn chỉ ra rằng, tích tụ, tập trung đất đai là một trong những điều kiện cần thiết cho việc phát triển kinh tế trang trại quy mô lớn ở huyện Tân Sơn và ứng dụng máy móc, công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế, quy mô trang trại ở địa phương này vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán. Vì vậy quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất là cần thiết để phát triển trang trại quy mô lớn hơn, tạo điều kiện cho trang trại tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp bao trùm. Muốn vậy, chính sách về đất đai trong thời gian tới cần bảo vệ chắc chắn về quyền sử dụng, thúc đẩy quá trình tích tụ và tập trung đất đai, và phát triển thị trường bất động sản.
Khuyến khích tích tụ ruộng đất, nâng cao quy mô sản xuất, hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ có cơ hội xây dựng trang trại sản xuất lớn.
c) Chính sách tài chính chuỗi giá trị
Hầu hết các trang trại chăn nuôi ở huyện Tân Sơn đều thiếu vốn đầu tư sản xuất kinh doanh; càng mở rộng quy mô, các trang trại càng thiếu vốn.
Thiếu vốn là một nút thắt lớn, là điểm nghẽn trong phát triển trang trại. Cần đơn giản hóa thủ tục vay vốn và phù hợp với đặc thù địa phương. Để phát triển kinh tế trang trại ở huyện Tân Sơn quy mô lớn, nâng cấp chuỗi giá trị nông sản và hướng tới phát triển nền nông nghiệp hiện đại, dòng vốn cần phải được lưu thông, xuyên suốt trong chuỗi giá trị, tạm gọi là tài chính chuỗi giá trị, gồm các dòng tài chính bên trong (diễn ra trong chuỗi giá trị) và dòng tài chính bên ngoài (có thể có được bởi các mỗi quan hệ và cơ chế của chuỗi giá trị).
Xây dựng và thực thi tốt các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, nhất là việc tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài trang trại, bảo hiểm sản xuất, hỗ trợ khi gặp thiên tai, dịch bệnh.
Cần tập trung cho việc đa dạng hoá các hình thức cho vay, tăng cường cho vay với các nguồn vốn trung hạn và dài hạn với lãi suất thấp nhằm mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật trong trang trại. Trên thực tế vốn tự có của các trang trại chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng vốn đầu tư của trang trại. Vì vậy, bản thân các chủ trang trại cần có định hướng riêng để giải quyết vấn đề về vốn của mình theo phương thức
"Lấy ngắn nuôi dài" bằng cách trồng thêm những cây ngắn ngày, cây lâm nghiệp, cây ăn quả tạo cảnh quan môi trường xanh và nâng cao thu nhập.
Các chủ trang trại có thể hợp tác trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất như: thủy lợi, giao thông nội vùng, đường đến trang trại, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản,… để giảm bớt sự căng thẳng về vốn.
d) Đầu từ cơ sở hạ tầng nông nghiệp
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế trang trại huyện Tân Sơn. Cơ sở hạ tầng được cải thiện sẽ làm giảm chi phí giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi giao thương hàng hóa, thúc đẩy thương mại hóa và hội nhập.
Quy hoạch và đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn ở các địa bàn tập trung phát triển kinh tế trang trại. Các cơ sở hạ tầng quan trọng nhất cho trang trại gà huyện Tân Sơn đang cần là đường giao thông đến cổng trang trại,
trạm điện và hệ thống điện thắp sáng, sưởi ấm cho đàn gà vào mùa đông, điện làm mát cho gà vào mùa hè, hệ thống thủy lợi và nước sạch cho đàn gà,…
e) Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trang trại
Từ thực trạng phân tích ở trên, để kinh tế trang trại phát triển bền vững và mang lại hiệu quả cao, cần phải quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại trong việc sử dụng lao động, có hướng đào tạo nâng cao tay nghề cho các lao động trong trang trại, thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho các chủ trang trại và người lao động trong các trang trại. Các chủ trang trại cần được bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo về các kỹ năng như: Ra quyết định, quản lý, tiếp cận thông tin, tiếp cận thị trường, đàm phán, sử dụng và quản lý các nguồn lực một cách hiệu quả và các quy trình sản xuất nông nghiệp bền vững như: An toàn vệ sinh thực phẩm, VietGap, nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học,… Còn đối với lao động trong các trang trại cần được đào tạo về các kiến thức chuyên môn và tay nghề như: kiến thức chăn nuôi, thú y, phòng chống dịch bệnh,…
Để phát triển kinh tế trang trại, chính sách nguồn nhân lực cần chú trọng hơn tới những chủ trang trại, nhất là chủ trang trại trẻ tuổi. Họ là những người có nhu cầu học hỏi lớn hơn, dám chấp nhận rủi ro, đổi mới cách thức quản lý và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Chủ trang trại trẻ là nhân tố quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế trang trại quy mô lớn và phát triển mô hình kinh doanh chuỗi giá trị bao trùm ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Trên thực tế, các trang trại có thuê mướn lao động nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản quy định về thuê mướn lao động trong trang trại, nên đang nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp ảnh hưởng đến trang trại. Do vậy, cần sớm có văn bản quy định về quan hệ thuê mướn lao động trong trang trại, bảo vệ lợi ích các bên có liên quan, cũng như cùng địa phương thực hiện chính sách giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo.
Theo điều tra, số chủ trang trại có trình độ chuyên môn mới chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn, do đó việc đào tạo, nâng cao năng lực quản lý cho các
chủ trang trại đặt ra rất cấp bách. Trước mắt, thông qua tổng kết, tổ chức tham quan các trang trại quản lý kinh doanh giỏi để học tập lẫn nhau và tổ chức bồi dưỡng những kiến thức về khoa học và quản lý. Về lâu dài, tổ chức các khoá đào tạo chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý cho các chủ trang trại.
g) Tăng cường năng lực khoa học công nghệ cho trang trại
Khoa học công nghệ ngày nay đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp nâng cao hiệu quả và năng suất lao động. Đây là một yêu cầu không thể thiếu được đối với kinh tế trang trại chăn nuôi có tỷ suất hàng hoá cao, sản phẩm tiêu thụ theo cơ chế thị trường với sự cạnh tranh gay gắt. Do đó giải pháp về khoa học công nghệ vừa có tính chất cấp bách trước mắt, vừa có tính lâu dài để đảm bảo cho kinh tế trang trại chăn nuôi ổn định phát triển, đạt hiệu quả cao.
Để phát triển kinh tế trang trại, chính sách khoa học công nghệ cần có tầm nhìn dài hạn hơn hướng tới phát triển nền nông nghiệp hiện đại. Chính sách này cần được thực hiện một cách nhất quán thông qua việc thiết kế nâng cấp chuỗi giá trị, thúc đẩy các mối liên kết dọc, liên kết ngang trong chuỗi giá trị. Khuyến khích các trang trại ký hợp đồng với các nhà khoa học để nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào sản xuất trang trại.
Trang trại là nơi sản xuất nông sản hàng hoá nên phải có khả năng cạnh tranh cao. Muốn thực hiện được mục tiêu đó, phải nâng cao trình độ ứng dụng khoa học công nghệ. Đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi đầu mối kênh trục chính kết hợp với hệ thống trang trại; đào ao, đắp đập, xây dựng các công trình thuỷ lợi nhỏ, ứng dụng các phương pháp tưới tiêu khoa học, tiết kiệm nước, đảm bảo đủ nước uống và làm mát cho đàn gà.
Đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất và nhân giống gà mới, gà có chất lượng cao như gà Lạc Thủy, gà Mía Sơn Tây, gà Ri lai Mía, gà “chín cựa”,...
Hỗ trợ các trang trại áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về bảo quản sản phẩm: áp dụng công nghệ chế biến tiên tiến có quy mô vừa và nhỏ; sử dụng máy móc phù hợp để vận chuyển, bơm nước, thức ăn và cách cho ăn, chuồng trại chăn nuôi, ánh sáng, làm mát vào mùa hè, sưởi ấm vào mùa đông,…
Tổ chức tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để hỗ trợ các trang trại áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Đồng thời khuyến khích các chủ trang trại tham gia chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tới trang trại và gia trại của hộ nông dân trong huyện Tân Sơn.
Các viện, trường đại học và trung tâm nghiên cứu khoa học theo dõi sát nhu cầu của trang trại, liên kết với các trang trại để xác định các mô hình chuyển giao kỹ thuật mới cho chủ trang trại chăn nuôi gà.
Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng giống vật nuôi, vật tư nông nghiệp, xử lý kịp thời những trường hợp buôn bán hàng giả, hàng chất lượng xấu, để giúp các chủ trang trại phát triển sản xuất có hiệu quả, hạn chế rủi ro.
Đẩy nhanh tiến trình công nghệ trang trại từ chính quyền các địa phương để các trang trại có đủ điều kiện để vay vốn sản xuất với lãi suất thấp, hưởng các chính sách về đất đai, thuế,…
Thông tin tuyên truyền để phổ biến, giới thiệu, tuyên truyền những gương trang trại điển hình. Tạo điều kiện cho chủ trang trại được tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất mới vào sản xuất trang trại.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Thọ, trực tiếp và Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Sơn để tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị nâng cao năng lực hoạt động và phục vụ cho các cơ sở giống gà đảm bảo có đủ lượng giống ông bà, giống bố mẹ có chất lượng tốt cung cấp cho người chăn nuôi gà. Đầu tư tăng cường cho các cơ sở, trạm trại nghiên cứu khoa học và thực nghiệm trên địa bàn, để thực hiện tốt việc nghiên cứu thử nghiệm, trước khi khuyến cáo nhân rộng.
h) Phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu, tạo động lực cho phát triển kinh tế trang trại
Bên cạnh việc phát triển các doanh nghiệp chế biến trang bị công nghệ hiện đại, cần tập trung phát triển công nghệ chế biến quy mô nhỏ để vừa sơ chế sản phẩm tại chỗ, sau đó chuyển sang trình độ chế biến cao hơn và thực hiện chế biến sâu. Phát triển công nghiệp chế biến gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp của huyện Tân Sơn trên cơ sở phân công hợp tác, liên kết giữa các ngành, giữa các trang trại. Xây dựng cơ sở chế biến gắn với vùng nguyên liệu.
Hướng dẫn các cơ sở công nghiệp chế biến hợp đồng cung ứng vật tư và tiêu thụ nông, lâm sản hàng hoá với các chủ trang trại. Tuyên truyền, hướng dẫn và giúp đỡ các trang trại, thực hiện liên kết giữa các trang trại với các doanh nghiệp Nhà nước để phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ trang trại có khả năng tham gia xuất khẩu sản phẩm trực tiếp.
i) Tạo cơ hội thuận lợi để trang trại tiếp cận thị trường
Tổ chức tốt việc cung cấp thông tin thị trường, hướng dẫn các trang trại sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Để tạo cơ hội cho các trang trại gà trên địa bàn huyện Tân Sơn có thể tiếp cận thị trường cần thực hiện ít nhất một số giải pháp cụ thể sau đây:
- Phát triển các kênh phân phối sản phẩm và thị trường tiêu thụ sản phẩm - Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp
- Liên kết và phát triển dịch vụ nông nghiệp
- Phát triển các công cụ phòng ngừa rủi ro đối với nông sản do trang trại sản xuất kinh doanh.
k) Thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với phát triển kinh tế trang trại
UBND huyện Tân Sơn cần có kế hoạch bố trí vốn để hỗ trợ các trang trại gà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (làm đường đến trang trại, cung cấp trạm điện,…), cơ sở chế biến, cung cấp thông tin. Trang trại được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước. Thực hiện miễn thuế thu nhập với thời gian tối đa nếu chủ trang trại đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh ở những địa bàn đất trống, đồi núi trọc. Thực hiện miễn giảm thuế đất cho chủ trang trại khi thuê đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hoá để trồng rừng sản xuất, trồng cây lâu năm, thuê diện tích đất ở các vùng nước tự nhiên chưa có đầu tư, cải tạo để sản xuất kinh doanh.
Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra đối với kinh tế trang trại, đảm bảo các chủ trang trại thực hiện đầy đủ quy trình kỹ thuật canh tác bảo vệ và làm giàu đất, bảo vệ môi trường; thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước theo pháp luật. Đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của chủ trang trại về tài sản và các lợi ích khác.
l) Phát triển và nhân rộng mô hình tổ chức quản lý sản xuất trang trại gà Hiện nay hình thức tổ chức quản lý sản xuất trang trại HTX ở huyện Tân Sơn được đánh giá thành công. Vì vậy cần tổng kết đánh giá và nhân rộng trên địa bàn toàn huyện để phát triển thêm nhiều HTX chăn nuôi gà khép kín theo chuỗi giá trị, thực hiện và nhân rộng mô hình chăn nuôi gà 3 F (Farm- Feed- Food), thực hiện tốt các liên kết dọc, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, và các liên kết ngang, liên kết giữa các trang trại để phát triển kinh tế trang trại gà ở huyện Tân Sơn.
3.3.2.2. Giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi gà huyện Tân Sơn
a) Quan điểm chung
- Xác định kinh tế trang trại là loại hình kinh tế quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, là xu hướng tất yếu để sản xuất ra nông sản hàng hóa với số lượng lớn, giá thành hạ, chất lượng đủ tốt.