CHƯƠNG 2. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI VIỆC THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2018 - 2022
2.5 Những nhận định, đánh giá chung về thực trạng chính sách quản lý nhà nước đối với việc thu hút FDI ở tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018 - 2022
2.5.1 Những thành công của chính sách QLNN đối với việc thu hút FDI
Chính sách thu hút vốn FDI luôn là một trong những lĩnh vực quan tâm của Nhà nước, được thể hiện thông qua việc liên tục bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý. Các chính sách này bao gồm: chính sách phát triển nguồn nhân lực, chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách liên quan đến xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài (XTĐT) và nhiều chính sách khác.
Cụ thể, Nhà nước đã ban hành Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư năm 2020 và Luật Đất đai năm 2013, cùng với nhiều văn bản pháp luật khác liên quan đến thu hút vốn FDI. Việt Nam liên tục hoàn thiện và cập nhật chế độ pháp lý, sửa đổi các văn bản pháp luật để đáp ứng nhu cầu thực tế và khắc phục những hạn chế có trong các văn bản pháp luật trước đó.
Việt Nam liên tục cải tiến và hoàn thiện thể chế bằng việc ban hành và cập nhật các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Các bộ luật đã được điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu thực tế và dần khắc phục những hạn chế có trong các văn bản pháp luật trước đó. Đồng thời, các văn bản pháp luật dưới sự quản lý của các luật đã được kiểm tra để loại bỏ những yêu cầu không cần thiết và trở ngại đối với hoạt động của các nhà đầu tư.
Nhờ những nỗ lực này, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến ĐTNN đã tạo ra một hành lang pháp lý tương đối linh hoạt, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài sau khi thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, các thủ tục hành chính được cải thiện theo hướng đơn giản, đem lại thuận lợi và tiết kiệm thời gian hơn cho nhà đầu tư nước ngoài
Các biện pháp thực thi chính sách đã trải qua sự thay đổi đáng kể, nhằm đơn giản hóa quy trình và giảm yêu cầu tài liệu liên quan đến các Thủ tục hành chính (TTHC), từ đó rút ngắn thời gian thực hiện TTHC. Quy trình đầu tư ngày càng được cụ thể hóa thông qua các văn bản pháp luật và việc phân cấp quản lý đã giúp gia tăng tốc độ xử lý TTHC cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhờ các cải cách trong tổ chức chính sách, như mô hình một cửa, phân cấp quản lý đầu tư, số hóa hồ sơ và sự điều chỉnh của các quy định pháp luật liên quan đến gia nhập thị trường, chẳng hạn như Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư..., đã mang lại cải thiện đáng kể trong việc đăng ký doanh nghiệp và cấp phép đầu tư. Những điều này đã tạo ra thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.
Thứ ba, chính sách ưu đãi đầu tư ngày càng được cải thiện theo các cam kết khu vực và quốc tế
Chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam trong thời gian gần đây đã đóng góp quan trọng vào việc khích lệ và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu và đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn liên quan đã định rõ về mức ưu đãi miễn thuế
và giảm thuế đồng nhất cho tất cả các loại hình doanh nghiệp; loại bỏ các quy định về thuế TNDN bổ sung; và loại bỏ quy định về thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
Những điều này đã tạo ra một môi trường pháp lý công bằng trong sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cùng cạnh tranh và phát triển, đồng thời kích thích sự thu hút vốn ĐTNN, khuyến khích các doanh nghiệp mới thành lập hoặc đầu tư mở rộng quy mô và nâng cao năng lực sản xuất.
Về ưu đãi liên quan đến đất đai, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn liên quan đã thống nhất quan điểm xoá bỏ sự phân biệt giữa các loại hình doanh nghiệp trong việc tiếp cận và sử dụng đất đai, cũng như thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với hoạt động sử dụng đất. Do đó, chính sách ưu đãi đất đai hiện hành đáp ứng đồng bộ với các quy định của pháp luật về quản lý thuế, đất đai và đầu tư. Các quy định về ưu đãi đất đai đã góp phần thực hiện chính sách của Nhà nước đối với những đối tượng cần được ưu đãi và hỗ trợ, cũng như những lĩnh vực cần được khuyến khích đầu tư.
Thứ tư, hoạt động xúc tiến đầu tư linh hoạt hơn và có nhiều cải thiện tích cực
Hiện nay, các chính sách xúc tiến đầu tư của Việt Nam đã chuyển từ một tư thế
bị động sang một tư thế chủ động, sử dụng các hình thức đa dạng và linh hoạt phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội trong và ngoài nước. Đồng thời, Nhà nước đã tập trung vào việc thành lập các cơ quan và đơn vị chuyên trách về xúc tiến đầu tư nhằm tận dụng vai trò của các hoạt động này trong việc thu hút vốn FDI.
Mỗi năm, chương trình xúc tiến đầu tư được xây dựng và triển khai theo quy chế quản lý nhà nước, đáp ứng các yêu cầu cơ bản. Hầu hết các hoạt động xúc tiến đầu tư đều phù hợp với quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, ngành và địa phương. Đồng thời, các hoạt động này cũng tuân thủ định hướng của Chính phủ về thu hút FDI, có tác động thiết thực đến việc thu hút các nguồn đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn và mục tiêu kinh tế-xã hội của địa phương.
Ngoài ra, những thay đổi tích cực trong chính sách phát triển cơ sở hạ tầng và nhân lực đã tạo ra cải thiện đáng kể trong cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực của Việt Nam trong những năm qua.
Những thành công này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do sự linh hoạt và thay đổi kịp thời trong việc định hướng, chủ trương phát triển kinh tế-xã hội và thu hút đầu tư của Đảng và Nhà nước; tình hình ổn định về chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô, cũng như sự cải thiện vị thế quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế
và mức độ hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là qua việc tham gia thành công nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP...