CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
2.1 Tổng quan về tín dụng ngân hàng
Sự phát triển hệ thống NHTM đã có tác động rất lớn và quan trọng đến quá trình phát triển của nền kinh tế hàng hoá, và đồng thời khi kinh tế hàng hoá phát triển mạnh mẽ đến giai đoạn cao nhất là nền kinh tế thị trường thì NHTM cũng ngày càng được hoàn thiện và trở thành những định chế tài chính không thể thiếu được. Ngân hàng là một tổ chức tài chính quan trọng nhất của nền kinh tế. Theo Luật các TCTD năm 2010, NHTM là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) - Luật số: 47/2010/QH12, nhằm mục tiêu lợi nhuận (Quốc hội, 2010). Các ngân hàng thương mại được phân biệt với các tổ chức tài chính khác chủ yếu bằng cách chấp nhận tiền gửi không kỳ hạn.
Đồng thời, Luật các TCTD, 2010, “cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác” (Quốc hội, 2010). Theo tác giả Lê Văn Tề (2010), trong một số ngữ cảnh cụ thể, thuật ngữ tín dụng đồng nghĩa với thuật ngữ cho vay. Chẳng hạn như tín dụng ngắn hạn đồng nghĩa với cho vay ngắn hạn, hoặc tín dụng tuần hoàn là một loại hình cho vay cụ thể (Lê Văn Tề, 2010).
2.1.2 Bản chất của tín dụng ngân hàng
Bản chất tín dụng biểu hiện ở quá trình vận động của tín dụng trong nền kinh tế thị trường thể hiện thông qua các giai đoạn sau:
Ở giai đoạn cho vay: vốn tiền tệ được chuyển từ người cho vay sang người đi vay. Khi đó giá trị vốn tín dụng được chuyển sang người đi vay.
Ở giai đoạn sử dụng vốn tín dụng trong quá trình sản xuất, người đi vay được quyền sử dụng giá trị của vốn tín dụng vốn vay được sử dụng trực tiếp để mua hàng hoá (nếu vay bằng tiền) hoặc được sử dụng trực tiếp (nếu vay bằng hàng hoá) để thoả mãn nhu cầu sản xuất kinh doanh hoặc tiêu dùng của người đi vay. Song người đi vay không có quyền sở hữu giá trị của vốn vay mà chỉ được sử dụng tạm thời trong một thời gian nhất định theo thoả thuận giữa người cho vay và người đi vay.
Ở giai đoạn: hoàn trả tín dụng - kết thúc một vòng tuần hoàn của tín dụng. Vốn tín dụng sau khi đưa vào sản xuất trở về hình thái tiền tệ - vốn, được người đi vay trả lại cho người vay gồm phân gốc và lãi (lợi tức). Như vậy vốn đưa vào hoạt động tín dụng đã sinh lợi cho người sở hữu nó. Quá trình này về thực chất theo C. Mác khi phân tích nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã chỉ rõ: "Tiền chẳng qua chỉ rời khỏi tay người sở hữu trong một thời gian và chẳng qua chỉ tạm thời chuyển từ tay người sở hữu sang tay nhà tư bản hoạt động, cho nên tiền không phải bỏ ra để thanh toán hay không phải tự ta bán đi để cho vay. Tiền chỉ đem nhượng lại với một điều kiện là nó sẽ quay về điểm xuất phát sau một kỳ hạn nhất định" (C.Mác tư bản quyển III, tập II, NXB Sự thật, Hà Nội, 1978). Rõ ràng rằng ở đây sự hoàn trả tín dụng là sự quay trở về của giá trị. Đó là sự vận động của một lượng giá trị. Sự hoàn trả theo đúng nghĩa của nó luôn được bảo toàn về mặt giá trị và cộng với phần tăng thêm (lợi tức).
Như vậy "Đem tiền cho vay với tư cách là một vật có đặc điểm là sẽ quay trở về điểm xuất phát của nó mà vẫn giữ nguyên vẹn giá trị của nó, đồng thời lớn thêm trong quá trình vận động" (Theo C.Mác sách đã dẫn).
2.1.3 Vai trò của tín dụng ngân hàng
- Góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển: Để thực hiện mục tiêu mở rộng sản xuất ở từng doanh nghiệp hoặc đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của khách hàng cá nhân, yêu cầu về nguồn vốn là một trong những mối quan tâm hàng đầu được đặt ra.
Bởi lẽ, đẩy mạnh tiến độ phát triển sản xuất không thể chỉ trông chờ vào vốn tự có mà doanh nghiệp còn phải biết tận dụng các “dòng chảy” khác của vốn trong xã hội.
Từ đó, tín dụng ngân hàng với tư cách là nơi tập trung đại bộ phận vốn nhàn rỗi sẽ là trung tâm đáp ứng nhu cầu vốn bổ sung cho đầu tư phát triển. Như vậy, tín dụng
ngân hàng vừa giúp cho doanh nghiệp nhanh chóng đầu tư mở rộng sản xuất, vừa góp phần đẩy nhanh tốc độ tập trung và tích lũy vốn cho nền kinh tế.
- Góp phần ổn định tiền tệ và ổn định giá cả: Với chức năng tập trung và tận dụng những nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội, tín dụng ngân hàng đã trực tiếp giảm khối lượng tiền mặt tồn đọng trong lưu thông. Lượng tiền dôi thừa này nếu không được huy động và sử dụng kịp thời có thể gây ảnh hưởng xấu đến tình trạng lưu thông tiền tệ dẫn đến mất cân đối trong quan hệ hàng - tiền và hệ thống giá cả bị biến động là điều không thể tránh khỏi. Do đó, trong điều kiện nền kinh tế bị lạm phát, tín dụng được xem như là một trong những biện pháp hữu hiệu góp phần làm giảm lạm phát.
- Góp phần ổn định đời sống, tạo công ăn việc làm và ổn định an ninh trật tự xã hội: Hoạt động tín dụng ngân hàng không chỉ đáp ứng cho nhu cầu của các doanh nghiệp mà còn phục vụ cho các tầng lớp dân cư. Trong nền kinh tế, ngoài các ngân hàng còn có hệ thống những tổ chức tín dụng sẵn sàng cung cấp vốn vay cho các cá nhân để phát triển kinh tế gia đình, mua sắm nhà cửa, tư liệu sinh hoạt, … nhằm mục đích cải thiện từng bước đời sống của nhân dân, tạo công ăn việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, qua đó góp phần ổn định trật tự, xã hội.
2.1.4 Phân loại tín dụng ngân hàng
2.1.4.1 Phân loại theo đối tượng khách hàng
- Khách hàng cá nhân: đối với tín dụng đối với KHCN, chủ thể vay vốn chính là các cá nhân, hộ gia đình, có nhu cầu vay vốn để kinh doanh và tiêu dùng.
- Khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV): chủ thể vay vốn chính là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong những lĩnh vực khác nhau có quy mô nhỏ lẻ, nhu cầu vốn không lớn. Tiêu thức phân loại loại hình DNNVV được quy định trong Nghị định Số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 về Quy định chi tiết một số điều của Luật hỗ trợ DNNVV và các văn bản vi phạm pháp luật khác.
- Khách hàng doanh nghiệp lớn: chủ thể vay vốn chính là các doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô hoạt động
kinh doanh lớn, ngoài ra, KHDN có thể là các tập đoàn kinh tế lớn, có khả năng cung cấp hàng hóa dịch vụ với số lượng lớn và ảnh hưởng chi phối nền kinh tế
2.1.4.2 Phân loại theo thời hạn
- Tín dụng ngắn hạn: tín dụng ngắn hạn đồng nghĩa với cho vay ngắn hạn hoặc như tín dụng tuần hoàn là một loại hình cho vay cụ thể (Lê Văn Tề, 2010). Nói cách khác, tín dụng ngắn hạn là hoạt động tín dụng có thời hạn đến 1 năm. Đối với khoản tín dụng này, người được cấp tín dụng thường dùng để bù đắp sự thiếu hụt về nhu cầu vốn lưu động và nhu cầu chi tiêu cá nhân, hộ gia đình.
- Tín dụng trung hạn: Là hoạt động tín dụng có thời hạn từ trên 1 năm đến 5 năm. Loại hình tín dụng này được sử dụng chủ yếu để đầu tư tài sản cố định, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng/ triển khai các dự án mới có quy mô nhỏ và thời gian thu hồi vốn nhanh. Trong nông nghiệp, chủ yếu cho vay trung hạn để đầu tư vào các đối tượng sau: máy cày, máy bơm nước, xây dựng các vườn cây công nghiệp như cà phê, điều, máy bơm điện… (Lê Văn Tề, 2010)
- Tín dụng dài hạn: Là hoạt động tín dụng có thời hạn trên 5 năm. Mục đích của tín dụng dài hạn nhằm sử dụng chủ yếu để đầu tư các dự án dài hạn như: xây dựng nhà ở, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng mới…
2.1.4.3 Phân loại theo mức độ tín nhiệm đối với khách hàng
- Tín dụng có tài sản bảo đảm (TSBĐ): là loại hình tín dụng mà các khoản cho vay đối với khách hàng đều có tài sản tương đương thế chấp, dưới các hình thức như:
cầm cố, thế chấp, chiết khấu và bảo lãnh. Loại hình tín dụng này còn được gọi là tín dụng thế chấp. Một định nghĩa khác của tác giả Lê Văn Tề (2010), tín dụng có TSBĐ là loại tín dụng được ngân hàng cung ứng, phải có tài sản thế chấp hoặc cầm cố, hoặc phải có sự bảo lãnh của bên thứ ba.
- Tín dụng không có tài sản bảo đảm (TSBĐ): là loại hình tín dụng không có tài sản thế chấp, cầm cố hoặc sự bảo lãnh của bên thứ ba, mà việc cấp tín dụng của ngân hàng cho khách hàng chỉ dựa vào uy tín của bản thân khách hàng. Đối với những khách hàng tốt, trung thực trong kinh doanh, có khả năng tài chính mạnh,
quản trị có hiệu quả, thì ngân hàng có thể cấp tín dụng dựa vào uy tín của bản thân khách hàng mà không cần một nguồn thu nợ thứ hai bổ sung (Lê Văn Tề, 2010).
2.1.4.4 Phân loại theo mục đích
- Tín dụng sản xuất và lưu thông hàng hóa: đây là loại tín dụng thường được cung cấp cho các nhà doanh nghiệp để họ tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
- Tín dụng tiêu dùng: là loại tín dụng với hình thức cấp phát cho cá nhân để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Loại tín dụng này thường được cung cấp cho việc mua sắm nhà cửa xe cộ, các thiết bị gia đình (tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh, …), tín dụng tiêu dùng được cấp phát dưới hình thức bằng tiền hoặc bán hàng hóa. Việc cấp tín dụng bằng tiền thường do ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác cung cấp. Ngày nay, ngân hàng còn thực hiện các khoản cho vay để trang trải các chi phí thông thường của đời sống thông qua phát hành thẻ tín dụng.
2.1.4.5 Phân loại theo hình thái giá trị của tín dụng
- Cho vay bằng tiền: là loại cho vay mà hình thái giá trị của tín dụng được cung cấp bằng tiền. Đây là loại cho vay chủ yếu của ngân hàng và việc thực hiện bằng các kỹ thuật khác nhau như: tín dụng ứng trước, thấu chi, tín dụng trả góp…
- Cho vay bằng tài sản: là loại cho vay rất phổ biến và đa dạng, riêng đối với NH, cho vay bằng tài sản được áp dụng phổ biến là tài trợ thuê mua.