2.2. Xây dựng thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại từ thực tiễn xét xử của Tòa án
2.2.3. Đối với tranh chấp giá ngạch lớn nhưng đơn giản, chứng cứ rõ ràng
Sau đây tác giả sẽ đánh giá, phân tích các vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng nhưng giá ngạch lớn về (i) cách xác định tính chất đơn giản và chứng cứ
rõ ràng như là một tiêu chí để có thể áp dụng TTRG; (ii) thành phần tham gia giải quyết các vụ án đó có cần thiết phải như hiện nay và có thể gọn nhẹ được hơn hay không; và (iii) trình tự, thủ tục giải quyết các vụ án đó có rườm rà, phức tạp không cần thiết hay không.
Những đánh giá và phân tích về những vấn đề nêu trên được trình bày dưới đây sẽ làm cơ sở khoa học xét từ mặt thực tiễn để giúp tác giả đưa ra các kiến nghị xây dựng TTRG trong Chương 3 Luận án.
2.2.3.1. Đánh giá về tính chất đơn giản và chứng cứ rõ ràng
Trong vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 179/2012/TLST-KDTM ngày 27-11-2012,165 Nguyên đơn là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn đã khởi kiện Bị đơn là Công ty TNHH Lắp ráp điện tử Thương mại Kỹ thuật Sáng Tạo ra TAND quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Bị đơn thanh toán 2.628.614.536 đồng (gồm lãi trong hạn và lãi quá hạn) phát sinh liên quan đến Hợp đồng tín dụng số 140.0607.11-B với số tiền vay vốn là 4.800.000.000 đồng giữa Nguyên đơn và Bị đơn vào ngày 02-3-2011. Liên quan đến yêu cầu này, Bị đơn phản đối yêu cầu thanh toán lãi của Nguyên đơn vì cho rằng Nguyên đơn không được tính lãi quá hạn đối với Bị đơn và đồng thời, Bị Đơn cũng đề nghị Nguyên đơn điều chỉnh lại lãi suất cho phù hợp với lãi suất trung bình trên thị trường. Ngày 22-4-2014, Tòa án nhân dân quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh đã ra bản án sơ thẩm, trong đó, Tòa chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Nguyên đơn và bác phản đối của Bị đơn.
Trong vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 180/2013/TLST-KDTM ngày 27-11-2012,166 Nguyên đơn là Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình đã khởi kiện Bị đơn là Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng - Thiết bị dầu khí Chí Thép ra TAND quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh để yêu cầu Bị đơn
165 Theo Bản án số: 10/2014/KDTM-ST ngày 22-4-2014 của Tòa án nhân dân quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
166 Theo Bản án số: 140/2014/KDTM-ST ngày 30-7-2014 của Tòa án nhân dân quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
thanh toán tổng số tiền là 16.867.003.737 đồng, trong đó nợ gốc là 12.295.250.395 đồng, lãi trong hạn là 411.794.924 đồng và lãi quá hạn là 4.159.958.418 đồng phát sinh liên quan đến Hợp đồng cấp hạn mức số 1487/11/TD/I.18 với hạn mức tín dụng là 12.300.000.000 đồng giữa Nguyên đơn và Bị đơn vào ngày 02 -12-2011. Bị đơn đồng ý trả khoản gốc nhưng phản đối yêu cầu thanh toán lãi quá hạn vì Bị đơn cho rằng Nguyên đơn đã tính lãi suất quá cao so với quy định. Ngày 30-7-2014, TAND quận Tân Bình Thành phố Hồ Chí Minh đã ra bản án sơ thẩm, trong đó, Tòa án chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Nguyên đơn và bác phản đối về lãi quá hạn của Bị đơn.
Trong mỗi vụ án nêu trên, giữa nguyên đơn và bị đơn có hợp đồng tín dụng cụ thể, rõ ràng và các khoản vay đã được giải ngân. Do đó, bị đơn khó có thể chối cãi trách nhiệm đối với các khoản nợ của mình đối với nguyên đơn. Vấn đề còn lại của tranh chấp chỉ còn ở chỗ xác định lãi suất cho phù hợp theo quy định của pháp luật. Vấn đề pháp lý trong trường hợp này, theo tác giả, không phức tạp. Do đó, tính chất của vụ án là đơn giản về mặt pháp lý và chứng cứ rõ ràng. Tuy nhiên, việc xác định tính chất đơn giản và chứng cứ rõ ràng của vụ án là hoàn toàn phụ thuộc vào vấn đề tranh chấp còn tồn tại giữa các bên, quan hệ pháp lý của tranh chấp và nhận thức chủ quan của Tòa án.
Vì vậy, cũng tương tự như các tranh chấp đơn giản, giá ngạch thấp và chứng cứ rõ ràng, các đương sự cần có được cơ hội để cho ý kiến về việc áp dụng thủ tục tố tụng phù hợp (thủ tục tố tụng thông thường hay TTRG). Tuy nhiên, vì đây là các tranh chấp có giá trị lớn và việc quyết định áp dụng thủ tục tố tụng nào sẽ có thể ảnh hưởng đến kết quả giải quyết của vụ án và vì án phí của các vụ án cũng không nhỏ. Tác giả thiết nghĩ, chỉ nên áp dụng TTRG để giảm thiểu chi phí tố tụng khi có yêu cầu hoặc sự đồng ý của các đương sự của vụ án.
2.2.3.2. Đánh giá về thành phần tham gia giải quyết tranh chấp
Trong trường hợp có sự đồng thuận của các đương sự về tính chất đơn giản, chứng cứ rõ ràng của vụ án và Tòa án cũng xét thấy như vậy, theo tác giả, cũng
không cần thiết một tập thể Hội đồng xét xử để đánh giá sự thật khách quan của vụ án và việc áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp.
Ngoài ra, cũng không cần thiết phải có sự tham gia của Viện kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án này cũng như phiên toà phúc thẩm nếu không có kháng nghị phúc thẩm. Bởi lẽ, khó có khả năng có sự vi phạm pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp đơn giản và chứng cứ đã rõ ràng.
2.2.3.3. Đánh giá về trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết tranh chấp
Về trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết các tranh chấp loại này, về bản chất không có gì khác biệt so với các tranh chấp đơn giản, chứng cứ rõ ràng và giá ngạch thấp như đã phân tích ở Mục 2.2.2.3. Giá ngạch thấp hay lớn trong các vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng không ảnh hưởng đến việc quyết định về trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết tranh chấp.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Thông qua việc đánh giá thực trạng pháp luật TTDS và thực tiễn giải quyết TCKDTM của Tòa án làm cơ sở xây dựng TTRG, tác giả đưa ra một số kết luận như sau.
(i) Các quy định của pháp luật tố tụng hiện hành và việc áp dụng các quy định đó cho thấy:
Thứ nhất, các quy định về đơn khởi kiện, các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện, việc xem xét và quyết định thụ lý vụ án còn chưa rõ ràng làm cho việc xem xét đơn khởi kiện của nhiều trường hợp không thực hiện được trong thời hạn năm ngày làm việc như pháp luật quy định. Chính vì vậy, trên thực tế, ít trường hợp Tòa án tuân thủ được thời hạn xem xét đơn khởi kiện này. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành cũng không có cơ chế kiểm soát việc trì hoãn thời hạn xem xét đơn khởi kiện. Đây là vấn đề cần phải giải quyết để bảo đảm tính khả thi của các quy định về thời hạn theo thủ tục tố tụng thông thường giải quyết tranh chấp, và đặc biệt trong trường hợp áp dụng TTRG.
Thứ hai, các quy định về cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng hiện hành còn nhiều bất cập làm cho thời hạn thực hiện các hoạt động tố tụng này bị chậm trễ. Các quy định hiện nay chưa cho phép thực hiện việc tống đạt, thông báo văn bản tố tụng thông qua các hình thức tin cậy và đơn giản hơn nhiều, ví dụ thông qua thư điện tử.
Thứ ba, các quy định về lấy lời khai của đương sự được hiểu trên thực tế theo hướng nếu đương sự “chưa có bản khai” thì Tòa án triệu tập đương sự để lấy lời khai mới có thể đưa vụ án ra xét xử. Quy định đó cũng có nghĩa để có bản khai Tòa án phải triệu tập đương sự đến Tòa án để đề nghị họ làm bản khai. Như vậy, trên thực tế vụ án nào Tòa án cũng đều có thể triệu tập đương sự, trong khi đó có những vụ án mà tranh chấp đơn giản, giá trị thấp, chứng cứ rõ ràng, việc triệu tập đương sự để lấy lời khai tại giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm là hoàn toàn không cần thiết.
Thứ tư, các quy định về hòa giải bắt buộc cũng cho thấy có những bất cập làm kéo dài thời gian giải quyết một số vụ án, đặc biệt là những vụ án có đủ điều kiện áp dụng TTRG. Hơn nữa, trong các vụ án này, hòa giải trong quá trình chuẩn bị xét xử sơ thẩm chỉ mang tính hình thức, trong khi hoàn toàn có thể thực hiện được việc hòa giải ngay tại phiên tòa sơ thẩm.
Thứ năm, các quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm áp dụng chung cho các tranh chấp mà không phân biệt tính phức tạp của tranh chấp, chứng cứ đã rõ ràng… dẫn đến bất cập trên thực tế là thời hạn quá ít cho những vụ án phức tạp, chứng cứ không rõ ràng..., cần phải có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị xét xử nhưng lại không cần thiết cho những vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng... hoàn toàn có thể giải quyết được trong thời hạn ngắn hơn.
Thứ sáu, quy định hiện hành cho phép đương sự kháng cáo tất cả các vấn đề của bản án sơ thẩm (tình tiết khách quan của vụ án và việc áp dụng pháp luật) là chưa hợp lý. Bởi lẽ, trong những trường hợp đương sự thừa nhận toàn bộ nghĩa vụ hoặc chứng cứ rõ ràng, thiết nghĩ việc cho phép kháng cáo về tình tiết khách quan của vụ án là không cần thiết.
Thứ bảy, quy định hiện hành về việc hoãn phiên tòa trong trường hợp vắng mặt đại diện Viện kiểm sát hoặc đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất kể cả khi không có lý do chính đáng là chưa hợp lý.
Thứ tám, quy định hiện hành về thành phần tham gia giải quyết tranh chấp còn có những bất cập theo hướng không cần thiết phải giải quyết các tranh chấp đơn giản, chứng cứ rõ ràng, giá ngạch thấp bởi một hội đồng xét xử tập thể và với sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát.
(ii) Đánh giá về việc Tòa án giải quyết một số tranh chấp đơn giản, đương sự thừa nhận nghĩa vụ, chứng cứ rõ ràng, giá ngạch thấp cho thấy:
Thứ nhất, đối với các tranh chấp mà tất cả các đương sự thừa nhận nghĩa vụ theo yêu cầu khởi kiện, tính chất của các vụ án này là đơn giản về mặt áp
dụng pháp luật vì Tòa án chỉ cần kiểm tra tính hợp pháp của sự thừa nhận nghĩa vụ của các đương sự, xem việc thừa nhận đó có vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc có trái đạo đức xã hội hay không. Tòa án không cần xác định sự thật khách quan của các vụ án này vì các đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ.
Vì vậy, nhiều hoạt động tố tụng (ví dụ: triệu tập đương sự để lấy lời khai, tiến hành hòa giải, xác minh, thu thập chứng cứ, tiến hành đối chất…) là không cần thiết và có thể bỏ qua trong quá trình chuẩn bị xét xử. Ngoài ra, vì tính chất của các tranh chấp này là đơn giản nên không cần thiết phải có hội đồng xét xử, cùng với sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát để có thể giải quyết các loại tranh chấp đó.
Thứ hai, đối với các tranh chấp mà Tòa án cho rằng đơn giản về mặt áp dụng pháp luật, chứng cứ rõ ràng và giá ngạch thấp, Tòa án có thể giải quyết đúng đắn các tranh chấp này mà không cần thiết phải tiến hành tất cả các trình tự, thủ tục tố tụng và cũng không nhất thiết cần có sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát. Tuy nhiên, vì các vụ án đó còn có sự tranh chấp về sự thật khách quan hoặc việc áp dụng pháp luật có thể dẫn đến hệ quả phức tạp... nên cần cho phép đương sự có ý kiến về việc áp dụng thủ tục tố tụng thông thường hay TTRG để giải quyết tranh chấp.
Thứ ba, đối với các tranh chấp mà Tòa án cho rằng đơn giản về mặt áp dụng pháp luật, chứng cứ rõ ràng nhưng giá trị tranh chấp lớn, tương tự như các tranh chấp đơn giản, chứng cứ rõ ràng và giá ngạch thấp, việc giải quyết các tranh chấp này hoàn toàn có thể thực hiện một cách đúng đắn theo quy định của pháp luật với một thủ tục đơn giản và gọn nhẹ hơn thủ tục thông thường hiện nay. Tuy nhiên, vì các tranh chấp loại này có giá trị lớn và kết quả giải quyết tranh chấp có tác động không nhỏ đến lợi ích của đương sự, cho nên cần có sự đồng thuận của các đương sự trong việc áp dụng một thủ tục tố tụng đơn giản, gọn nhẹ hơn so với thủ tục thông thường.
CHƯƠNG 3: KIẾN NGHỊ VỀ XÂY DỰNG THỦ TỤC RÚT GỌN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH DOANH, THƯƠNG MẠI
3.1. Giải pháp xây dựng pháp luật về thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại
Tìm hiểu các quy định của BLTTDS 2015 vừa mới được Quốc hội thông qua ngày 25-11-2015 và có hiệu lực ngày 1-7-2016 sắp tới cho thấy, không có quy định về TTRG giải quyết TCKDTM nói riêng. Các quy định về giải quyết vụ án dân sự nói chung theo TTRG bao gồm những nội dung cơ bản như sau:
Thứ nhất, về tiêu chí (điều kiện) áp dụng TTRG: Theo quy định tại Điều 317 BLTTDS 2015, vụ án được giải quyết theo TTRG khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện chính sau: (i) Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ; (ii) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; (iii) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo TTRG hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.
Thứ hai, về thời điểm xác định áp dụng TTRG: Theo quy định tại Điều 191 và 318 BLTTDS 2015, thời điểm xác định áp dụng TTRG có thể trước khi thụ lý vụ án hoặc trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.
Thứ ba, về thủ tục hòa giải khi vụ án được giải quyết theo TTRG: Theo quy định tại khoản 1 Điều 205 và khoản 3 Điều 320 BLTTDS 2015, việc hòa giải vụ án áp dụng TTRG chỉ được thực hiện tại phiên tòa sơ thẩm.
Thứ tư, về chuyển từ TTRG sang thủ tục thông thường: Theo quy định tại khoản 3 Điều 317 BLTTDS 2015 và khoản 4 Điều 323, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm hoặc chuẩn bị xét xử phúc thẩm nếu phát sinh tình tiết quy định tại khoản 3 Điều 317 làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo TTRG thì chuyển sang giải quyết theo thủ tục chung, gồm: (i) Phát sinh
tình tiết mới mà các đương sự không thống nhất do đó cần phải xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hoặc cần phải tiến hành giám định; (ii) Cần phải định giá, thẩm định giá tài sản tranh chấp mà các đương sự không thống nhất về giá; (iii) Cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; (iv) Phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; (v) Phát sinh yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập; (vi) Phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài mà cần phải thực hiện uỷ thác tư pháp.
Thứ năm, về hiệu lực của bản án, quyết định theo TTRG: Theo quy định tại Điều 321 BLTTDS 2015, bản án, quyết định của Tòa án theo TTRG có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm rút gọn và có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Thứ sáu, về thành phần xét xử vụ án theo TTRG: Theo quy định tại Điều 65 BLTTDS 2015 chỉ một Thẩm phán xét xử vụ án theo TTRG dù xét xử ở cấp sơ thẩm hay xét xử ở cấp phúc thẩm.
Thứ bảy, về một số thời hạn tố tụng khi áp dụng TTRG: Theo các Điều 318, 322, 323 và 324 BLTTDS 2015, có một số thời hạn tố tụng sau đây được rút ngắn: thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm theo TTRG được rút ngắn xuống còn không quá một tháng kể từ ngày thụ lý vụ án; thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm theo TTRG cũng rút ngắn xuống một tháng kể từ ngày thụ lý vụ án; thời hạn mở phiên tòa sơ thẩm theo TTRG rút ngắn xuống còn mười ngày kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và thời hạn mở phiên tòa phúc thẩm cũng rút ngắn xuống còn mười lăm ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm; thời hạn kháng cáo bản án, quyết định theo TTRG của đương sự rút xuống còn bảy ngày tính từ ngày tuyên án (nếu đương sự có mặt tại phiên tòa sơ thẩm) hoặc tính từ ngày bản án, quyết định được giao cho đương sự hoặc được niêm yết (trong trường hợp họ vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm); thời hạn kháng nghị bản án, quyết định theo TTRG của Viện kiểm sát cùng cấp rút xuống còn bảy ngày và của Viện kiểm sát cấp trên rút xuống còn mười ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định.