3.2.1. Ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự 2015 TTRG là một chế định hoàn toàn mới trong pháp luật TTDS ở nước ta, do đó, để áp dụng TTRG đúng đắn, kịp thời và hiệu quả cần ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn áp dụng TTRG về một số vấn đề sau đây.
3.2.1.1. Hướng dẫn điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn
Về điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 317 BLTTDS 2015 trước hết cần hướng dẫn cụ thể thế nào là vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng. Theo tác giả, vụ án có tình tiết đơn giản là vụ án có các tình tiết rõ ràng để Tòa án dễ dàng xác định sự thật khách quan của vụ án; và vụ án có quan hệ pháp luật rõ ràng là vụ án mà việc xác định pháp luật áp dụng để giải quyết là đơn giản và rõ ràng.
Tiếp đến, cũng cần hướng dẫn thế nào là việc đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ. Đương sự bao gồm nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tác giả cho rằng, cần hướng dẫn quy định này theo hướng để có thể áp dụng TTRG thì đòi hỏi phải có sự thừa nhận của tất cả các đương sự liên quan đối với từng yêu cầu của các đương sự khác. Ví dụ: nguyên đơn kiện bị đơn phải thanh toán khoản nợ quá hạn thì phải có sự thừa nhận của bị đơn đối với khoản nợ đó; và trong trường hợp khoản nợ đó có người thứ ba bảo lãnh thì người bảo lãnh với tư cách là người có nghĩa vụ liên quan phải đồng ý thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Để xác định có sự thừa nhận nghĩa vụ của đương sự hay không thì cần hướng dẫn theo hướng Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án cần phải xác định rõ từng yêu cầu của đương sự (bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) nào đang bị đương sự khác yêu cầu thực hiện nghĩa vụ để từ đó trong văn bản thông báo cần nêu rõ từng yêu cầu của các đương sự và yêu cầu đương sự liên quan nêu rõ quan điểm có đồng ý với từng yêu cầu đó hay không trong văn bản trả lời.
Theo khoản 3 Điều 191 BLTTDS 2015, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có thể quyết định tiến hành việc giải quyết theo TTRG ngay từ khi thụ lý vụ án. Vấn đề đặt ra đối với trường hợp này là Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có thông báo cho đương sự về việc giải quyết vụ án theo TTRG hay không. Trong khi đó, khoản 1 Điều 318 BLTTDS 2015 quy định trong thời hạn một tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo TTRG và đương sự có quyền khiếu nại quyết định đó. Như vậy, cần hướng dẫn cụ thể theo hướng nếu ngay khi thụ lý vụ án mà Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án đã xác định được vụ án có thể được giải quyết theo TTRG thì Thẩm phán phải thông báo cho các đương sự trong thông báo về thụ lý vụ án về việc vụ án được giải quyết theo TTRG và đương sự có quyền khiếu nại đối với quyết định này. Tuy nhiên, BLTTDS 2015 chưa quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại của đương sự đối với quyết định thụ lý vụ án theo TTRG. Do đó, cũng cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề nêu trên.
Trong trường hợp Thẩm phán đã quyết định thụ lý vụ án theo TTRG nhưng sau đó lại không nhận được trả lời đơn khởi kiện của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì một vấn đề đặt ra là liệu khi đó vụ án có tiếp tục được giải quyết theo TTRG hay không. Việc bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không trả lời đơn khởi kiện có nghĩa là chưa có sự xác nhận của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với các yêu cầu khởi kiện. Hay nói cách khác, khi đó việc thừa nhận nghĩa vụ của họ dựa trên các văn bản mà nguyên đơn xuất trình trước Tòa án trong hồ sơ khởi kiện chưa được xác định và khẳng định bởi đương sự liên quan. Vì vậy, trong những trường hợp này vụ án phải được chuyển sang giải quyết theo thủ tục thông thường.
Về điều kiện các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng cũng cần phải được hướng dẫn cụ thể. Thực tế xét xử cho thấy nhiều Tòa án trước khi thụ lý vụ án yêu cầu người khởi kiện cung cấp bằng chứng chứng minh
người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có) đang cư trú hoặc đang hoạt động tại địa chỉ mà người khởi kiện nêu trong đơn khởi kiện.
Do đó, cần hướng dẫn quy định trên nên theo hướng chỉ yêu cầu nguyên đơn nêu rõ ràng địa chỉ nơi cư trú, trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong đơn khởi kiện là đủ cho dù trên thực tế sau đó có thể xác định rằng bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đang không cư trú, hoạt động tại địa chỉ đó.
3.2.1.2. Hướng dẫn thời điểm xác định vụ án giải quyết theo thủ tục rút gọn Theo quy định tại khoản 3 Điều 191 BLTTDS 2015, thời điểm đầu tiên Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án xác định vụ án có được giải quyết theo TTRG hay không là khi xem xét thụ lý đơn khởi kiện. Tuy nhiên, có trường hợp mặc dù khi thụ lý, vụ án đó chưa đủ điều kiện để giải quyết theo TTRG, ví dụ: đương sự chưa thừa nhận nghĩa vụ, nhưng sau đó đương sự thừa nhận nghĩa vụ thông qua văn bản trả lời đơn khởi kiện hoặc tại các lời khai, tại phiên hòa giải. Trong những trường hợp này vụ án cũng cần được giải quyết theo TTRG. Vì vậy, cần hướng dẫn cụ thể để tránh hiểu khoản 3 Điều 191 BLTTDS 2015 theo hướng là vụ án đã thụ lý giải quyết theo thủ tục thông thường thì sẽ không được giải quyết theo TTRG trong trường hợp sau đó xuất hiện đầy đủ điều kiện áp dụng TTRG.
3.2.1.3. Hướng dẫn yêu cầu có bản khai và lấy lời khai của đương sự trong vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn
Điều 98 BLTTDS 2015 quy định: “Thẩm phán chỉ tiến hành lấy lời khai của đương sự khi đương sự chưa có bản khai hoặc nội dung bản khai chưa đầy đủ, rõ ràng”. Quy định như vậy có nghĩa là cần phải có bản khai của đương sự trong mọi trường hợp. Vấn đề đặt ra là liệu đơn khởi kiện và bản trả lời đơn khởi kiện có được coi là bản khai của đương sự hay không. Nếu các văn bản đó không được coi là bản khai thì cần phải có bản khai của đương sự hoặc nếu không có thì Tòa án cần phải triệu tập đương sự để lấy lời khai. Như vậy khó có thể ra quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo TTRG trong thời
hạn không quá một tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Do đó, tác giả đề xuất cần hướng dẫn Điều 98 BLTTDS 2015 theo hướng đơn khởi kiện và văn bản trả lời đơn khởi kiện được coi là bản khai của đương sự.
3.2.2.4. Hướng dẫn việc chuyển vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn sang thủ tục thông thường
Khoản 3 Điều 317 BLTTDS 2015 quy định về những tình tiết mới làm cơ sở để chuyển vụ án đang được giải quyết theo TTRG sang thủ tục thông thường. Tuy nhiên, điều luật này quy định về việc nếu xuất hiện tình tiết mới
“làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn” thì vụ án mới được chuyển sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Do đó, để quán triệt tinh thần nêu trên của quy định này thì cần hướng dẫn cụ thể về việc khi xuất hiện tình tiết được quy định tại khoản 3 Điều 317 BLTTDS 2015 không đương nhiên dẫn đến việc chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường mà cần phải xem xét cụ thể liệu việc xuất hiện tình tiết đó có làm cho vụ án không còn đủ điều kiện giải quyết theo TTRG hay không.
3.2.2.5. Hướng dẫn việc cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử Khoản 2 Điều 173 BLTTDS 2015 bổ sung phương thức cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử phù hợp với pháp luật về giao dịch điện tử. Đây là phương thức mới và có ý nghĩa quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án nói chung và nhất là đối với các vụ án được giải quyết theo TTRG.
Việc hướng dẫn quy định này sẽ tạo điều kiện tiết kiệm thời gian tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự và ngược lại. Đối với các vụ án về TCKDTM thì phương thức này càng nên được khuyến khích áp dụng khi các đương sự của các vụ án về TCKDTM cơ bản đều sử dụng các giao dịch điện tử như thư điện tử v.v.
Tác giả cho rằng cơ sở và nội dung đề xuất nêu trên hoàn toàn có tính khả thi. Bởi lẽ, hệ thống TAND được cơ cấu tổ chức lại theo LTCTAND 2014,
theo hướng TANDTC tập trung vào việc hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổng kết công tác xét xử, do đó TANDTC có nhiều điều kiện hơn trong việc đưa ra các hướng dẫn áp dụng TTRG.
Thêm vào đó, với quy định mới về việc tuyển chọn, bổ nhiệm và phê chuẩn Thẩm phán TANDTC theo hướng bảo đảm các Thẩm phán TANDTC là những người có năng lực, trình độ và kinh nghiệm cao, hoàn toàn hy vọng các văn bản hướng dẫn của TANDTC về TTRG sẽ được ban hành kịp thời và bảo đảm về chất lượng.
3.2.2. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thủ tục rút gọn
Theo tác giả, BLTTDS 2015 cần được tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung những quy định sau:
(i) Quy định về điều kiện áp dụng TTRG là các vụ án đáp ứng được một trong những tiêu chí sau: (a) Vụ án mà bị đơn thừa nhận các nghĩa vụ theo yêu cầu khởi kiện; hoặc (b) Vụ án đơn giản, giá ngạch thấp theo quy định của pháp luật và chứng cứ rõ ràng, trừ trường hợp đương sự phản đối hợp lý việc áp dụng TTRG; hoặc (c) Vụ án có giá ngạch lớn nhưng đơn giản, chứng cứ rõ ràng và các đương sự yêu cầu áp dụng TTRG.
(ii) Sửa đổi Điều 98 và Điều 99 BLTTDS 2015 theo hướng Tòa án có thể tiến hành lấy lời khai của đương sự, người làm chứng, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo TTRG.
(iii) Sửa đổi Điều 100 BLTTDS 2015 theo hướng Tòa án tiến hành đối chất trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo TTRG.
(iv) Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến sự tham gia của Viện kiểm sát tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm theo hướng “Viện kiểm sát nhân dân tham gia đối với các phiên tòa sơ thẩm… trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn” và “Viện kiểm sát nhân dân tham gia đối với phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Bộ luật này”.
(v) Bổ sung tại Chương XIX “Giải quyết vụ án dân sự theo TTRG tại Tòa án cấp phúc thẩm” điều luật quy định về phạm vi kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm theo thủ tục rút gọn, với nội dung giới hạn kháng cáo, kháng nghị về việc áp dụng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm.
(vi) Sửa đổi, bổ sung Điều 269 BLTTDS 2015 về thời hạn gửi bản án cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp theo hướng trong thời hạn năm ngày Tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp trong trường hợp vụ án được giải quyết theo TTRG.
(vii) Sửa đổi, bổ sung Điều 271 BLTTDS và Điều 278 BLTTDS 2015 về nội dung kháng cáo, kháng nghị theo hướng chỉ cho phép kháng cáo, kháng nghị về mặt áp dụng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm trong trường hợp vụ án được giải quyết theo TTRG. Cần bổ sung quy định về vấn đề này tại Chương XVIII “Giải quyết vụ án dân sự theo TTRG tại Tòa án cấp sơ thẩm”.
(viii) Sửa đổi, bổ sung Điều 293 BLTTDS 2015 về phạm vi xét xử phúc thẩm theo hướng Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại về nội dung áp dụng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm trong trường hợp vụ án được giải quyết theo TTRG. Cần bổ sung quy định về vấn đề này tại Chương XVIII “Giải quyết vụ án dân sự theo TTRG tại Tòa án cấp sơ thẩm”.