Tội không chấp hành án với tội Cản trở việc thi hành án

Một phần của tài liệu Tội không chấp hành án trong luật hình sự việt nam (Trang 30 - 33)

1.2. Phân biệt tội Không chấp hành án với một số tội phạm khác trong Bộ luật hình sự năm 1999

1.2.2. Tội không chấp hành án với tội Cản trở việc thi hành án

* Khái niệm tội Cản trở việc thi hành án.

Tội cản trở việc thi hành án10 là hành vi cố ý lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc thi hành án gây hậu quả nghiêm trọng.

* Dấu hiệu pháp lý của tội Cản trở việc thi hành án.

- Khách thể của tội phạm.

Hành vi phạm tội xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thi hành án, gây tác hại trực tiếp đến uy tín cũng như việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức thi hành án.

Đồng thời còn xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân.

- Mặt khách quan của tội phạm.

Hành vi cản trở việc thi hành án là hành vi của những người có chức vụ quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây cản trở, gây khó khăn cho việc thi hành án như: Tạo điều kiện hoặc xúi giục người phải chấp hành án bỏ trốn, phân tán, cất giấu tài sản, cản trở việc ra quyết định thi hành án hoặc việc thực hiện quyết định thi hành án…để trốn tránh nghĩa vụ của mình. Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án của kẻ phạm tội phải gây hậu quả nghiêm trọng thì tội phạm mới được coi là hoàn thành. Hậu quả nghiêm trọng do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án gây ra có thể là việc người có nghĩa vụ chấp hành án trốn tránh việc thi hành, gây thiệt hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án; gây dư luận bất bình trong quần chúng.

Lưu ý: Những người không có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi cản trở việc thi hành án hoặc tuy có chức vụ, quyền hạn nhưng lại không lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình khi thực hiện hành vi cản trở việc thi hành án thì không phải là chủ thể của tội phạm này. Tùy từng trường hợp, họ có thể

10 Điều 306 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm.

a) Có tổ chức;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

bị xử lý hành chính nếu hành vi cản trở của họ ít nguy hiểm, chưa gây hậu quả nghiêm trọng; hoặc là chủ thể của một tội phạm khác: Tội không chấp hành án với vai trò đồng phạm, nếu họ có hành vi tích cực ngăn cản hoặc giúp đỡ cho người phải chấp hành án trốn tránh nghĩa vụ của mình.

- Chủ thể của tội phạm.

Chủ thể của tội phạm này là những người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức xã hội. Đó là những người được giao đảm nhiệm những cương vị công tác nhất định, có một quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, họ cũng có thể là những người có chức vụ quyền hạn nhưng chỉ có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ chứ không có trách nhiệm tổ chức hoặc thực hiện công tác thi hành án; họ cũng có thể là những người tuy có chức vụ quyền hạn nhưng nhiệm vụ, quyền hạn của họ không liên quan gì đến việc thi hành án, ví dụ như cán bộ, chiến sĩ công an, cán bộ lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn có nhiệm vụ bảo vệ, phối hợp với việc thi hành án (cảnh sát dẫn giải, cảnh sát bảo vệ thi hành án, đại diện chính quyền địa phương chứng kiến, hỗ trợ cho việc thi hành án…); cán bộ ở các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội khác.

- Mặt chủ quan của tội phạm.

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Động cơ phạm tội của tội này có thể khác nhau nhưng không phải là dấu hiệu định tội. Người phạm tội có thể vì tư lợi mà cản trở việc thi hành án nhưng cũng có thể do cảm tình cá nhân mà làm việc đó.

* Hình phạt: Điều 306 BLHS quy định hai khung hình phạt.

+ Khung 1: Quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm áp dụng đối với trường hợp phạm tội không có những tình tiết định khung tăng nặng.

+ Khung 2: Quy định hình phạt tù từ hai năm đến năm năm áp dụng đối với người phạm tội có tổ chức hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng (tạo điều kiện cho người phải chấp hành hình phạt tù về tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng trốn hoặc tiếp tục phạm tội; gây ảnh hưởng xấu đến chính trị, làm mất lòng tin của quần chúng)…

+ Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn bị áp dụng hình phạt bổ sung: cấm đảm nhiệm những chức vụ nhất định trong thời hạn từ một năm đến năm năm.

* Những điểm giống nhau và khác nhau giữa tội Không chấp hành án và tội Cản trở việc thi hành án.

- Điểm giống nhau: Đều xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thi hành án. Đều thực hiện với lỗi cố ý, đồng thời động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc, không có ý nghĩa trong việc định tội.

- Điểm khác nhau: Chủ thể của tội Không chấp hành án là người có nghĩa vụ phải chấp hành các bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Trong khi đó chủ thể của tội Cản trở việc thi hành án là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan tư pháp hoặc trong cơ quan hoặc tổ chức khác.

Tội không chấp hành án là tội phạm có CTTP hình thức còn tội Cản trở việc thi hành án là tội phạm có cấu thành vật chất. Mặt khách quan của tội Không chấp hành án chỉ đòi hỏi có dấu hiệu hành vi dưới hình thức không hành động phạm tội. Đó là hành vi không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết. Mặt khách quan của tội Cản trở việc thi hành án là hành vi dùng quyền uy cản trở một cách trái pháp luật việc thi hành án của cơ quan thi hành án. Hành vi cản trở ở đây có thể là hành vi cản trở việc ra quyết định thi hành án hoặc hành vi cản trở việc thực hiện quyết định thi hành án. Hành vi cản trở việc thi hành án nói trên cấu thành tội khi: Gây hậu quả nghiêm trọng, do bị cản trở mà bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án đã không được thi hành kịp thời, gây ảnh hưởng xấu trong xã hội, gây thiệt hại cho Nhà nước hoặc thiệt hại cho tổ chức, công dân...

Về hình phạt thì tội Không chấp hành án chỉ quy định một khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm áp dụng đối với những trường hợp phạm tội thông thường, không có những tình tiết đặc biệt nghiêm trọng như do chống đối mà gây thương tích

hoặc làm chết người đang làm công tác thi hành án, cũng không có hình phạt bổ sung. Trong khi đó tội Cản trở việc thi hành án quy định hai khung hình phạt như: Khung 01 quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm áp dụng đối với trường hợp phạm tội bình thường không có những tình tiết định khung tăng nặng. Khung 02 quy định hình phạt tù từ hai năm đến năm năm áp dụng đối với người phạm tội có tổ chức hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng (tạo điều kiện cho người phải chấp hành hình phạt tù về tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng trốn hoặc tiếp tục phạm tội; gây ảnh hưởng xấu đến chính trị, làm mất lòng tin của quần chúng). Ngoài ra tội Cản trở việc thi hành án còn quy định thêm hình phạt bổ sung bắt buộc đối với người phạm tội đó là: cấm đảm nhiệm những chức vụ nhất định trong thời hạn từ một năm đến năm năm. Tội không chấp hành án thì không có hình phạt bổ sung.

Một phần của tài liệu Tội không chấp hành án trong luật hình sự việt nam (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)