Chương 2. THỰC TIỄN XÉT XỬ TỘI KHÔNG CHẤP HÀNH ÁN VÀ VẤN ĐỀ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ XÉT XỬ ĐỐI VỚI TỘI KHÔNG CHẤP HÀNH ÁN
2.1. Thực tiễn xét xử tội Không chấp hành án
2.1.1. Thực tiễn xét xử trong xác định hành vi khách quan của tội Không chấp hành án
Hành vi khách quan của tội Không chấp hành án là hành vi không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án. Là việc người phải chấp hành án cố tình không thực hiện các phán quyết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Thường các phán quyết của Tòa án buộc họ phải thi hành một nghĩa vụ về vật chất hay buộc làm hoặc không được làm một công việc nhất định. Xét về hình thức thể hiện, hành vi không chấp hành án thể hiện dưới dạng không hành động phạm tội, nghĩa là: Người phạm tội có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật như buộc phải bồi thường cho bên bị thiệt hại, dọn khỏi nhà đã chiếm giữ trái phép, phải đóng góp phí tổn nuôi con chung sau khi ly hôn, hay phải phân chia tài sản chung hoặc phải làm hay không làm công việc nhất định theo phán quyết của Tòa án .v.v. Người phạm tội có điều kiện để chấp hành phán quyết của Tòa án, cụ thể là có tài sản, nguồn thu nhập để thực
hiện nghĩa vụ về tài sản; có đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi để thực hiện nghĩa vụ về làm hay không làm công việc nhất định theo bản án, quyết định của Tòa án nhưng họ đã không thực hiện. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử việc xác định hành vi khách quan của tội Không chấp hành án không phải lúc nào cũng dễ dàng.
- Thứ nhất; trong việc xác định có điều kiện nhưng không chấp hành án. Hiện nay hành vi không chấp hành án xảy ra rất nhiều nhưng chỉ có những người có điều kiện mà không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án mới bị xét xử theo Điều 304 BLHS, còn những người không có điều kiện sẽ không bị truy cứu TNHS. Vấn đề ở chỗ là các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử sẽ rất khó xác định được chính xác trường hợp nào người phải chấp hành án có điều kiện và trường hợp nào không có điều kiện bởi chưa có văn bản nào hướng dẫn về vấn đề này. Qua nghiên cứu cho thấy, trong thi hành án hình sự vấn đề có điều kiện hay không có điều kiện chấp hành án không được đặt ra bởi tính đặc thù của công tác này, nhưng trong lĩnh vực phi hình sự vấn đề này được quy định như sau:
Theo Điều 8 Nghị định 173/2004/NĐ-CP ngày 30.9.2004 của Chính phủ quy định về thủ tục cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự thì người phải chấp hành án được coi là chưa có điều kiện thi hành nghĩa vụ về tài sản và nghĩa vụ mà theo bản án, quyết định họ phải tự mình thực hiện trong những trường hợp sau đây:
Không có thu nhập hoặc mức thu nhập thấp chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và gia đình; không có tài sản tại thời điểm xác minh hoặc tuy có tài sản nhưng tài sản có giá trị nhỏ, không đủ hoặc chỉ đủ để chi phí về thi hành án, tài sản mà theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc tài sản không bán được, tài sản chung chưa được phân chia hoặc vì lý do khách quan khác nên không xử lý được để thi hành án.
Người phải thi hành án bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra.
Người phải thi hành án được coi là chưa có điều kiện thi hành nghĩa vụ mà theo bản án, quyết định họ phải tự mình thực hiện nếu đang ốm nặng hay vì lý do khách quan khác mà không thể thực hiện được nghĩa vụ đó.
Điều 51 Luật THADS năm 2008 cũng quy định người phải chấp hành án được coi là chưa có điều kiện thi hành nghĩa vụ về tài sản như sau:
Người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án;
Người phải thi hành án không có thu nhập hoặc mức thu nhập thấp, chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và gia đình;
Tài sản kê biên không bán được mà người được thi hành án không nhận để thi hành án;
Người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được mà đương sự không có thỏa thuận khác.
Pháp luật thi hành án chỉ quy định những trường hợp không có điều kiện chấp hành án như nêu trên, không quy định cụ thể những trường hợp nào có điều kiện chấp hành án. Do đó, trên cơ sở loại trừ trường hợp không có điều kiện ra, các trường hợp có điều kiện chấp hành án thường được các cơ quan tố tụng hiểu là: có tài sản, nguồn thu nhập đảm bảo để thực hiện nghĩa vụ về tài sản; có đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi để thực hiện nghĩa vụ về làm hay không được làm công việc nhất định theo phán quyết của Tòa án. Tuy nhiên với cách hiểu chung chung như thế này dẫn đến trường hợp xác định một người có điều kiện nhưng không chấp hành án rất khó khăn, vì ranh giới giữa có điều kiện chấp hành án và không có điều kiện chấp hành án đôi khi rất mong manh. Hệ quả là việc xác định hành vi có điều kiện nhưng không chấp hành án của người phải chấp hành án là không thống nhất, cũng là trường hợp đó nhưng có nơi xác định là có điều kiện nhưng có nơi xác định
là không có điều kiện, dẫn đến tình trạng có nơi xử lý họ về hành vi không chấp hành án có nơi không, tạo nên sự tùy tiện không nhất quán trong quá trình thực thi pháp luật.
- Thứ hai; Chưa phân biệt được hành vi khách quan của tội Không chấp hành án với trường hợp không chấp hành án do không có điều kiện thi hành.
Trong thực tế không phải mọi hành vi không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án đều bị coi là hành vi phạm tội, chỉ có hành vi của người có điều kiện chấp hành bản án, quyết định của Tòa án mà không chấp hành mới bị khởi tố, truy tố và xét xử về tội Không chấp hành án. Còn hành vi không chấp hành án của người không có điều kiện chấp hành án không coi là hành vi phạm tội, trường hợp này pháp luật về thi hành án quy định họ có thể được tạm hoãn, hoãn, đình chỉ, miễm, giảm hay trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho người được thi hành án.v.v. Cũng đồng thời là hành vi không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án nhưng bản chất của nó lại rất khác nhau. Hiện nay do không có văn bản pháp luật nào hướng dẫn đâu là hành vi khách quan của tội Không chấp hành án, đâu là trường hợp không chấp hành án do không có điều kiện thi hành, nên thời gian qua các cơ quan tiến hành tố tụng thường gặp khó khăn trong quá trình xác định hai loại hành vi này.
Theo tác giả hành vi không chấp hành án trong trường hợp người phải chấp hành án không có điều kiện chấp hành là hành vi không có lỗi, bởi không có điều kiện nên họ mới không thực hiện được nghĩa vụ của mình, đôi khi họ vẫn muốn thực hiện nghĩa vụ nhưng không thực hiện được. Còn hành vi khách quan của tội Không chấp hành án luôn được thực hiện với lỗi cố ý, người thực hiện cố tình không thực hiện nghĩa vụ của mình mặc dù họ có điều kiện về kinh tế về năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Hành vi không chấp hành án do không có điều kiện thi hành ở khía cạnh nào đó tuy có ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án (như không nhận lại được tài sản…) quyền lợi của Nhà nước (như không thu được các khoản tiền phải nộp vào ngân sách) .v.v. nhưng không nguy hiểm cho xã hội như hành vi khách quan của tội Không chấp hành án. Hành vi khách quan của tội Không chấp hành án xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức thi
hành án đồng thời xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, được thực hiện nhằm mục đích không chấp hành án vì vậy đôi khi có sự chuẩn bị tổ chức chặt chẽ. Hai hành vi này về hình thức thể hiện là giống nhau nhưng về bản chất là hoàn toàn khác nhau, hành vi không chấp hành án do không có điều kiện thi hành không phải là tội phạm, còn hành vi không chấp hành án mà có điều kiện thi hành là tội phạm, là hành vi khách quan của tội Không chấp hành án. Vì vậy xác định rõ được hai loại hành vi này sẽ giúp cho chúng ta phân biệt được đâu là hành vi phạm tội đâu là hành vi không phạm tội, qua đó không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.