1.2. Phân biệt tội Không chấp hành án với một số tội phạm khác trong Bộ luật hình sự năm 1999
1.2.3. Tội không chấp hành án với tội Vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản
Niêm phong, kê biên tài sản là những biện pháp trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp nhằm đảm bảo các điều kiện cho việc giải quyết vụ án có kết quả.
Để ngăn ngừa, đấu tranh chống những hành vi xâm phạm đến sự an toàn và tuân thủ các biện pháp này, điều 310 BLHS năm 199911 đã quy định việc trừng trị bằng biện pháp hình sự những hành vi vi phạm niêm phong, kê biên tài sản.
* Dấu hiệu pháp lý của tội Vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản.
- Khách thể của tội phạm.
11 Điều 310 BLHS năm 1999 ( sửa đổi, bổ sung năm 2009)
1. Người nào được giao giữ tài sản bị kê biên, bị niêm phong hoặc vật chứng bị niêm phong mà có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Phá hủy niêm phong;
b) Tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại tài sản bị kê biên;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm
Khách thể của tội Vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản là các quan hệ xã hội trong lĩnh vực hoạt động tư pháp, nhằm bảo đảm cho các cơ quan tư pháp thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Hành vi phạm tội còn gây tác hại trực tiếp đến uy tín cũng như việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp. Đồng thời còn có thể xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân.
- Mặt khách quan của tội phạm.
Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi của người phạm tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản. Hành vi này luôn được thể hiện dưới hình thức hành động. Nó có thể được thực hiện bằng một trong những hành vi cụ thể sau đây:
+ Phá hủy niêm phong: Niêm phong tài sản là đóng kín tài sản lại có ghi dấu ở chổ đóng nhằm giữ nguyên hiện trạng của tài sản. Pháp luật quy định việc niêm phong tài sản để ngăn ngừa những hành vi xâm phạm đối với tài sản đó, bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được thuận lợi, đúng pháp luật.
Việc niêm phong tài sản bắt buộc phải tiến hành đối với những trường hợp tài sản bị tạm giữ là kim khí quý, đá quý, nhà ở và phải niêm phong trước mặt người có tài sản hoặc người đại diện gia đình, đại diện chính quyền và người chứng kiến. Việc mở niêm phong phải theo đúng thể thức được pháp luật quy định: có mặt người đại diện cơ quan giao tài sản, người nhận bảo quản, người có tài sản bị niêm phong và người chứng kiến. Phá hủy niêm phong là bóc, xé làm rách nát giấy niêm phong, làm đứt cặp chì hoặc tuy không làm suy suyển, thay đổi, rách nát giấy niêm phong nhưng có hành động cậy phá, tháo dở hộp đựng tài sản được niêm phong làm cho niêm phong bị hư hỏng và do đó không còn cơ sở để tin cậy về tính nguyên vẹn của tài sản được niêm phong.
+ Tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại tài sản bị kê biên: tiêu dùng tài sản bị kê biên là hành vi đem tài sản bị kê biên dùng vào một việc nào đó làm cho tài sản ấy không còn nữa hoặc còn tài sản nhưng gái trị bị giảm sút một cách đáng kể. Tuy nhiên, nếu việc dùng tài sản bị kê biên không làm thay đổi đáng kể giá trị của tài sản đó, thì chỉ áp dụng các biện pháp có tính giáo dục, không cần phải xử lý về mặt hình sự.
Chuyển nhượng tài sản bị kê biên là việc tự ý biến tài sản bị kê biên thành tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác. Các hình thức chuyển nhượng tài sản bị kê biên có thể là mua bán, đổi chác, tặng, cho…
Đánh tráo tài sản bị kê biên là hành vi của người được giao bảo quản tài sản bị kê biên đem tráo tài sản đó bằng tài sản khác có giá trị thấp hơn hoặc hoàn toàn không có giá trị. Trong thực tế, người đánh tráo tài sản bị kê biên có thể chỉ là hành động bằng cách đem đổi vật xấu lấy vật tốt; họ cũng có thể dùng các mánh khóe, thủ đoạn tinh vi để đánh tráo tài sản bị kê biên như: khôi phục, tân trang làm cho tài sản đem đánh tráo giống tài sản bị kê biên về mặt hình thức.
Cất giấu tài sản bị kê biên là việc chuyển tài sản đó đến một địa điểm khác nhằm làm cho các cơ quan có trách nhiệm không thể thu hồi được.
Hủy hoại tài sản bị kê biên là hành vi của người được giao trách nhiệm bảo quản tài sản đó, đã có hành động làm cho tài sản bị kê biên mất hoàn toàn khả năng sử dụng, không thể khôi phục lại giá trị của tài sản.
Gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp hậu quả phát sinh từ một hành vi khác ngoài các hành vi nêu trên của người được giao giữ tài sản bị kê biên.
Hành vi vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản mà gây hậu quả nghiêm trọng như gây khó khăn trở ngại cho việc phát hiện chứng minh tội phạm và cho việc giải quyết vụ án (nếu đó là vật chứng của vụ án) hoặc cho việc bồi thường thiệt hại về mặt vật chất do tội phạm hoặc do hành vi vi phạm pháp luật gây ra cũng như cho việc thi hành án tịch thu tài sản…
Tội phạm được hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện một trong các hành vi: phá hủy niêm phong, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu , hủy hoại tài sản bị kê biên. Trong một số trường hợp nhất định, tội phạm cũng được coi là hoàn thành từ thời điểm người được giao giữ tài sản gây hậu quả nghiêm trọng đối với sự toàn vẹn của tài sản như đánh mất, làm cháy, hỏng…
Lưu ý: Đối tượng tác động của tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản là những tài sản đã được niêm phong hoặc kê biên nhằm đảm bảo cho việc xử lý vụ án. Những hành vi tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất
giấu, hủy hoại tài sản chỉ cấu thành tội phạm khi tài sản đó đã bị kê biên.
Trường hợp một người có hành vi trái pháp luật và cho rằng tài sản của mình có thể bị kê biên nên đã chuyển nhượng, phân tán, hủy hoại hoặc tiêu dùng tài sản để tránh việc kê biên thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
- Chủ thể của tội phạm.
Người phạm tội là người được giao giữ tài sản bị niêm phong, kê biên.
Họ
có thể là chủ tài sản; người thân của chủ tài sản; cán bộ công tác tại các cơ quan tư pháp.
-Mặt chủ quan của tội phạm.
Lỗi của người phạm tội Vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản là lỗi cố ý trực tiếp. Khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội biết rằng hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội, cản trở quá trình giải quyết vụ án nhưng vẫn mong muốn các hành vi đó thực hiện. Động cơ và mục đích của người phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
* Hình phạt: Điều 310 BLHS năm 1999 quy định hai khung hình phạt.
+ Khung 01: Quy định hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm áp dụng đối với trường hợp phạm tội không có tình tiết tăng nặng.
+ Khung 02: Quy định hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm áp dụng đối với người phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Đó có thể là hành vi vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản làm cho việc giải quyết vụ án bị sai lệch (vật chứng bị mất niêm phong nên không có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội); vụ án bị đình chỉ, bỏ lọt tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng hoặc dẫn đến việc không thi hành án về bồi thường thiệt hại hoặc tịch thu tài sản được vì tài sản không còn, gây thiệt hại cho Nhà nước hoặc công dân.
+ Hình phạt bổ sung: người phạm tội còn bị áp dụng hình phạt bổ sung:
cấm đảm nhiệm những chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm.
* Những điểm giống nhau và khác nhau giữa tội Không chấp hành án và tội Vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản.
- Điểm giống nhau: Đều xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan tư pháp. Đều thực hiện với lỗi cố ý, đồng thời động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc, không có ý nghĩa trong việc định tội. Về hành vi khách quan, đôi khi cả hai tội đều có hành vi phá hủy niêm phong, cũng như tẩu tán tài sản đã kê biên. Chủ thể có khi đều là người phải thi hành án (người phải thi hành án sau khi bị kê biên tài sản, được giao bảo quản tài sản kê biên và có hành vi phá hủy niêm phong hoặc tẩu tán tài sản kê biên).
- Điểm khác nhau:
Tội không chấp hành án là tội phạm có CTTP hình thức còn tội Vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản có trường hợp CTTP hình thức, có trường hợp cấu thành vật chất. Mặt khách quan của tội Không chấp hành án chỉ đòi hỏi có dấu hiệu hành vi dưới hình thức không hành động phạm tội. Đó là hành vi không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết. Mặt khách quan của tội Vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản là hành vi phá hủy niêm phong hoặc tiêu dùng, chuyển nhượng, cất giấu, hủy hoại tài sản kê biên (hành vi luôn thực hiện với dạng hành động). Tùy từng biện pháp đối với tài sản mà hành vi phạm tội được quy định khác nhau. Đối với những tài sản (hoặc vật chứng) bị niêm phong, điều luật quy định chỉ cần có hành vi phá hủy niêm phong, không đòi hỏi có hành vi gì khác đối với tài sản (hoặc vật chứng) thì đã bị coi là có hành vi phạm tội của tội này. Đối với những tài sản bị kê biên, hành vi phạm tội của người được giao bảo quản tài sản đó có thể là: Tiêu dùng tài sản bị kê biên, chuyển nhượng tài sản bị kê biên, đánh tráo tài sản bị kê biên, cất giấu tài sản bị kê biên, hủy hoại tài sản bị kê biên. Ngoài ra, điều luật còn quy định “ gây hậu quả nghiêm trọng” là trường hợp có hành vi phạm tội của tội Vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản. Điểm khác nhau cơ bản nhất là hành vi vi phạm trong tội Không chấp hành án chỉ giới hạn trong lĩnh vực thi hành án, còn hành vi vi phạm trong tội Vi phạm việc niêm phong kê biên tài sản là vi phạm trong quá trình tố tụng giải quyết vụ án.
Chủ thể của tội Không chấp hành án là người có nghĩa vụ phải chấp hành các bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Trong khi đó chủ
thể của tội Vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản là người được cơ quan tư pháp giao bảo quản tài sản bị kê biên, bị niêm phong hoặc vật chứng bị niêm phong; người này có thể là: chủ tài sản hoặc không phải là chủ tài sản đó; cán bộ công tác tại các cơ quan tư pháp (như thủ kho tang vật).
Về hình phạt, tội Không chấp hành án chỉ quy định một khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm áp dụng đối với những trường hợp phạm tội thông thường, không có những tình tiết đặc biệt nghiêm trọng như do chống đối mà gây thương tích hoặc làm chết người đang làm công tác thi hành án, cũng không có hình phạt bổ sung. Trong khi đó tội Vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản quy định hai khung hình phạt như: Khung cơ bản có mức phạt tù từ sáu tháng đến ba năm được áp dụng cho trường hợp phạm tội thông thường. Khung tăng nặng có mức phạt tù từ hai năm đến bảy năm được áp dụng cho trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra hình phạt bổ sung được áp dụng cho tội này là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.