1.2. Phân biệt tội Không chấp hành án với một số tội phạm khác trong Bộ luật hình sự năm 1999
1.2.4. Tội không chấp hành án với tội Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng
* Khái niệm tội Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng:
Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng12 là hành vi của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.
* Dấu hiệu pháp lý của tội Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.
- Khách thể của tội phạm.
Tội phạm xâm hại quyền được người khác nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật. Đó là quyền bảo đảm cho sự phát triển bình thường về thể chất
12 Điều 152 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)
Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
và tinh thần của người được cấp dưỡng trong đời sống hàng ngày. Tội phạm này trực tiếp xâm phạm đến nghĩa vụ cấp dưỡng theo pháp luật mà người có nghĩa vụ cấp dưỡng cố tình không thực hiện mặc dù người đó có khả năng thực hiện nghĩa vụ đó.
- Mặt khách quan của tội phạm.
Mặt khách quan của tội Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đòi hỏi có những dấu hiệu sau:
+ Người phạm tội có nghĩa vụ pháp lý phải cấp dưỡng cho người khác.
Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ của người phải đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.
Theo quy định tại các điều từ Điều 50 đến Điều 60 chương 6 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa:
vợ và chồng; cha, mẹ và con; ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; anh chị em với nhau.
+ Người phạm tội phải có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng. Theo hướng dẫn hiện hành thì có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng là trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng có tiền, tài sản hoặc thu nhập có khả năng bảo đảm cuộc sống của gia đình với mức sống trung bình ở địa phương13.
+ Người phạm tội đã có hành vi cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho người mà mình có trách nhiệm cấp dưỡng.
Hành vi từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng được hiểu là kiên quyết không chịu làm các nghĩa vụ phát sinh từ quy định của pháp luật, biểu hiện như cố tình không chịu góp tiền, tài sản để cấp dưỡng trong khi có khả năng thực tế thực hiện nghĩa vụ đó.
Trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng được hiểu là hành vi tìm mọi cách lảng tránh nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật biểu hiện bằng việc bỏ đi nơi khác và cố ý giấu địa chỉ hoặc cố tình dây dưa không chịu cấp dưỡng.
13 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25 tháng 9 năm 2001 về việc áp dụng các quy định tại Chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của BLHS năm 1999.
Hành vi cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng phải thỏa mãn một trong hai dấu hiệu sau đây mới cấu thành tội phạm:
Một là; đã gây hậu quả nghiêm trọng: Đó là hậu quả xấu bất lợi cho người được cấp dưỡng phát sinh do không nhận được sự cấp dưỡng của người phạm tội như lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe do ốm đau, bệnh tật hoặc trẻ em bị thất học hoặc trở thành người sống lang thang, phạm pháp .v.v.
Hai là; hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện khi đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này trước đó.
Lưu ý: Người có hành vi trốn tránh hoặc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng mà đã có bản án của Tòa án buộc người đó phải cấp dưỡng, thì bị truy cứu TNHS theo Điều 304 BLHS về tội Không chấp hành án. Trong trường hợp người trực tiếp nuôi dưỡng nạn nhân mà không cho ăn, để phải chịu đói rét, đối xử tàn tệ…thì bị truy cứu TNHS theo Điều 151 BLHS về tội Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu, người có công nuôi dưỡng mình. Việc từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng không thuộc hai trường hợp nêu trên, thì bị truy cứu TNHS theo Điều 152 BLHS về tội Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.
- Chủ thể của tội phạm.
Chủ thể của tội phạm này là người có năng lực TNHS và thỏa mãn đồng thời hai điều kiện, đó là:
+ Người phạm tội phải có nghĩa vụ cấp dưỡng theo pháp luật, như: Bố mẹ đối với con nhỏ, con cái đối với cha mẹ già yếu, không nơi nương tựa…
+ Người đó phải có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
- Mặt chủ quan của tội phạm.
Tội phạm này được thực hiện do lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, trái với đạo đức xã hội nhưng vẫn từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng của mình.
* Hình phạt: Điều 152 BLHS chỉ quy định một khung hình phạt với hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
* Những điểm giống nhau và khác nhau giữa tội Không chấp hành án và tội Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.
- Điểm giống nhau: Cả hai tội này đều được thực hiện do lỗi cố ý.
Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn cố ý thực hiện. Người phạm tội theo Điều 152 BLHS là do không thực hiện việc cấp dưỡng; người phạm tội theo Điều 304 có khi cũng vì không chịu thực hiện việc cấp dưỡng.
- Những điểm khác nhau: Khách thể của tội Không chấp hành án xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thi hành án. Còn khách thể của tội Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng là chế độ hôn nhân gia đình, là quyền bảo đảm cho sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của người được cấp dưỡng trong đời sống hàng ngày.
Chủ thể của tội Không chấp hành án là người có nghĩa vụ phải chấp hành các bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Trong khi đó chủ thể của tội Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng là người có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người mà theo pháp luật hôn nhân và gia đình có nghĩa vụ phải cấp dưỡng mà không cần dựa vào phán quyết của Tòa án.
Tội không chấp hành án là tội phạm có CTTP hình thức, còn tội Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng là tội phạm vừa có cấu thành vật chất vừa có cấu thành hình thức. Mặt khách quan của tội Không chấp hành án chỉ đòi hỏi có dấu hiệu hành vi dưới hình thức không hành động. Đó là hành vi không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết. Mặt khách quan của tội Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đòi hỏi có những dấu hiệu sau:
Người phạm tội có nghĩa vụ pháp lý phải cấp dưỡng cho người khác. Người phạm tội phải có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng. Người phạm tội đã có hành vi cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng và đã gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này trước đó
Về hình phạt tội Không chấp hành án quy định một khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm áp dụng đối với những trường hợp phạm tội thông thường, không có những tình tiết đặc biệt nghiêm trọng như do chống đối mà gây thương tích hoặc làm chết người đang làm công tác thi hành án. Trong khi đó tội Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng mặc dù cũng chỉ quy định một khung hình phạt duy nhất nhưng bao gồm cả hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.