CHƯƠNG 3 MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
3.3. Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với giáo viên các trường công lập hiện nay
Giải pháp 1. Sớm ban hành Luật Nhà giáo nhằm thống nhất quản lý giáo viên các trường công lập thuộc ngành giáo dục và đào tạo cả nước
Những vấn đề cơ bản về nhà giáo nói chung, giáo viên nói riêng được quy định trong nhiều văn bản khác nhau, rời rạc, tản mạn, không thống nhất nhiều quy định thiếu cụ thể. Nhiệm vụ và quyền của giáo viên được quy định trong Luật Giáo dục còn chung chung, sơ sài, chồng chéo so với các luật khác như Luật Dạy nghề, Luật Thể dục thể thao; nhiệm vụ và quyền của giáo viên giáo dục quốc phòng thì còn bỏ ngỏ trong
57 Chỉ thị 40-CT/TW [1]
khi Nhà nước đang tăng cường công tác giáo dục quốc phòng an ninh. Mặt khác, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chưa quan tâm đầy đủ đến điều chỉnh các quan hệ liên quan đến giáo viên. Trước thực tế này, giải pháp đặt ra là phải ban hành Luật Nhà giáo để pháp điển hóa các quy định pháp luật về nhà giáo trong một văn bản có tính pháp lý cao hơn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh việc xây dựng Luật Nhà giáo dừng lại như hiện nay và Chính phủ đang tập trung xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, một số ý kiến không tán thành việc xây dựng Luật nhà giáo nhưng tác giả nhận thấy rằng, Luật Giáo dục mang tính chất của một luật khung; vì vậy, Luật Giáo dục chỉ quy định những điều khoản hết sức cần thiết, những vấn đề điều chỉnh các quan hệ liên quan đến giáo viên cần được quy định riêng trong Luật Nhà giáo để đảm bảo tính chuyên ngành của vấn đề này. Khi đó, các quy định về nhiệm vụ và quyền của giáo viên, các quy định khác liên quan đến giáo viên được điều chỉnh thống nhất trong một văn bản có tính pháp lý cao. Mặt khác, việc ban hành Luật Nhà giáo giúp nhà nước thống nhất quản lý nhà giáo từ mầm non đến đại học ở tất cả các môn học trong tất cả các loại hình trường, tạo hành lang pháp lý vững chắc nhằm nâng cao chất lượng giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục.
Khi xây dựng Luật Nhà giáo cần quan tâm những nội dung sau đây :
- Cần có các điều khoản điều chỉnh đầy đủ các quan hệ liên quan đến nhà giáo nói chung, giáo viên từng loại hình đào tạo nói riêng;
- Bảo đảm giữ vững truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc và định hướng xã hội tôn vinh nhà giáo.
- Luật Nhà giáo phải phản ánh nét đặc thù của nghề dạy học, phù hợp với thực tiễn, động viên, thu hút, khuyến khích phát triển đội ngũ nhà giáo.
- Luật Nhà giáo phải trở thành công cụ đo lường chính xác nhất về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của giáo viên, giúp nâng cao vai trò, vị trí người giáo viên, nâng cao chất lượng giáo viên và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục.
- Luật nhà giáo phải là cơ sở pháp lý đầy đủ nhất để quản lý giáo viên.
Giải pháp 2 : Điều chỉnh chế độ học phí đối với sinh viên ngành sư phạm từ
“miễn học phí” sang hưởng “tín dụng ưu đãi”
Những năm qua chính sách miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm là động lực lớn thu hút tuyển sinh vào các trường sư phạm, khoa sư phạm, góp phần tăng cường cả số lượng sinh viên lẫn chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có cơ chế kiểm soát đảm bảo giáo viên nhận công tác tại các trường công lập và do đó phần kinh phí đào tạo sinh viên sư phạm rõ ràng là không bảo đảm mục đích đề ra. Hệ thống trường đào tạo sư phạm gặp nhiều khó khăn về kinh phí, không đủ để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Để khắc phục những khó khăn trên, cần có giải pháp điều chỉnh chế độ học phí cho sinh viên ngành sư phạm từ “miễn học phí” sang “hưởng tín dụng ưu đãi” nhằm giúp các trường đào tạo duy trì số lượng và chất lượng đầu vào của trường, thêm kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiên tiến, bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên.
Giải pháp này không áp dụng cho sinh viên tốt nghiệp ngành khác đăng ký đào tạo nghiệp vụ sư phạm ngắn hạn. Đây có thể coi là đòn bẩy giải quyết thực trạng thiếu giáo viên như hiện nay, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên tại các trường sư phạm.
Giải pháp 3: Tiếp tục đổi mới phương thức đào tạo, tuyển sinh tại các trường đào tạo giáo viên
Thời gian qua, công tác tuyển sinh và phương thức đào tạo ở các trừơng đại học, cao đẳng có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên theo cách tuyển sinh hiện nay, hệ thống các trường đào tạo sư phạm tuyển sinh theo hình thức thi tuyển theo khối, và theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thời gian qua, với cách tuyển chọn như trên các trường đã chọn được đội ngũ sinh viên có trình độ học vấn tốt. Tuy nhiên, trong thực tế cách tuyển sinh này chưa sàng lọc được những em học sinh vừa giỏi về văn hóa, vừa có năng khiếu sư phạm và lòng yêu nghề dạy học. Vì vậy, rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp không đi dạy chuyển sang làm nghề khác. Thiết nghĩ, một cách tuyển sinh mới hạn chế tình trạng này, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng được nâng cao là tổ chức thi năng khiếu kết hợp thi 3 môn văn hóa theo đề chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (như trước đây nước ta đã từng làm). Mặt khác, các sinh viên theo học
chuyên ngành khác (năm thứ 1, năm thứ 2, năm thứ 3...) khi thấy không còn phù hợp có thể dự thi môn năng khiếu ngay sau khi kết thúc năm học và được giải quyết thuyên chuyển về học ngành sư phạm để trở thành giáo viên.Với giải pháp trên chắc chắn rằng sinh viên ngành sư phạm sau khi tốt nghiệp ít khi bỏ nghề, đảm bảo đủ giáo viên và không ngừng nâng cao chất lượng giáo viên.
Đổi mới phương thức đào tạo trong các trường đào tạo giáo viên dù có nhiều ưu điểm, nhưng vẫn còn một số bất cập : Hầu hết sinh viên các trường sư phạm hiện nay không được học tập trước chương trình sách giáo khoa hiện hành mà đợi đến khi ra trường, vào làm việc trong các trường phổ thông, cơ quan quản lý giáo dục tổ chức các lớp tập huấn chương trình mới, sách giáo khoa mới. Hơn nữa, một số môn học đã có trong nhà trường phổ thông nhưng chưa có trong chương trình đào tạo giáo viên như môn tư vấn tâm lý, hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động hướng nghiệp... Phần lớn chương trình đào tạo giáo viên hiện nay nặng về lý luận thiếu thực tiễn. Sinh viên chỉ được đi kiến tập hai tháng và thực tập 01 học kỳ, như thế là quá ít để tập dợt, rèn luyện, trau dồi phương pháp mới. Kết quả là rất nhiều sinh viên khi tốt nghiệp ra trường chưa tự tin đứng trước lớp (nói vấp, thao tác chưa nhuần nhuyễn, chưa chủ động về thời gian dành cho tiết dạy...). Việc đổi mới chương trình đào tạo tại các trường đào tạo giáo viên hiện nay cần nhấn mạnh mặt vận dụng kiến thức thực tiễn, rèn luyện phương pháp giảng dạy, phương pháp nghiên cứu tìm tòi tư liệu dạy học, sinh viên phải được thực tập nhiều hơn nữa, có thể phân phối chương trình mỗi năm giáo sinh được thực tập 01 học kỳ; như thế chắc chắn đáp ứng nhu cầu dạy học sáng tạo theo phương thức mới hiện nay.
Giải pháp 4 : Tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ giáo viên
Công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ giáo viên là một nội dung quan trọng trong các nội dung về kế hoạch nhân sự nhưng hiện nay còn bộc lộ một số hạn chế như: Chưa có sự phối hợp trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch giáo dục và đào tạo giữa các ngành ở Trung ương với địa phương, giữa các địa phương trong vùng. Chất lượng của các quy hoạch, kế hoạch chưa cao, còn mang nặng tính hình thức, thiếu tính khả thi, đặc biệt quy hoạch, kế hoạch về nguồn nhân lực chưa
gắn với thị trường lao động của từng địa phương, vấn đề thừa thiếu giáo viên hầu như chưa được giải quyết. Những cơ sở đảm bảo chất lượng của công tác kế hoạch, đặc biệt là công tác thống kê, điều tra xã hội, điều tra khảo sát, đánh giá toàn diện về giáo dục và đào tạo, thống kê và dự báo dân số, quy mô phát triển giáo dục, dự báo thị trường lao động còn yếu, chưa chính xác. Kế hoạch phát triển giáo dục chưa thật sự là kế hoạch tổng hợp bao gồm các chỉ tiêu về tài chính, nhân sự, chuyên môn.
Để tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ giáo viên cần tập trung vào những nội dung sau đây:
- Một là, tăng cường vai trò quản lý vĩ mô của cơ quan QLGD ở Trung ương;
tập trung vào công tác hướng dẫn khảo sát điều tra, thống kê, dự báo, đặc biệt là dự báo tình hình dân số theo từng tuổi để làm cơ sở dự báo quy mô học sinh ở các cấp học, nhu cầu giáo viên từng cấp học, môn học một cách chính xác; xây dựng các Chiến lược phát triển đội ngũ giáo viên một cách khoa học.
- Hai là, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý công tác quy hoạch, kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ giáo viên ở các cấp, đặc biệt là cấp Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh/thành phố.
- Ba là, củng cố nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác kế hoạch, tránh bố trí những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực làm công tác kế hoạch.
- Bốn là, thực hiện chế độ chính sách hợp lý cho người làm công tác quy hoạch, kế hoạch; đánh giá kiểm tra chất lượng các kế hoạch theo từng giai đoạn, tránh làm kế hoạch kém chất lượng, làm để hưởng chế độ.
Giải pháp 5 : Khôi phục phụ cấp thâm niên đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục
Trước đây, ngành giáo dục và đào tạo đã từng thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, tháng 11/1995 chế độ này được thay bằng chế độ phụ cấp ưu đãi. Chế độ phục cấp ưu đãi theo cuy định chỉ áp dụng đối với giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy nên dẫn tới thực trạng một số giáo viên giỏi không muốn về làm công tác quản lý tại các cơ quan quản lý giáo dục sẽ bị thiệt thòi, nhất là sau khi nghỉ hưu. Đây là một rào cản lớn đối với ngành giáo dục khi tuyển
chọn, điều động giáo viên giỏi, ban giám hiệu tốt, nhiều kinh nghiệm về công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo hay Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên thể hiện sự ưu đãi đối với lao động đặc thù là nghề dạy học. Khi ngành giáo dục khôi phục lại phụ cấp thâm niên đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thì sẽ tạo động lực thúc đẩy giáo viên hăng say thi đua dạy tốt, thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, phấn đấu vượt lên khó khăn hoàn thành nhiệm vụ, ... Từ đó sẽ hạn chế tình trạng né tránh, e ngại khi được điều động, bổ nhiệm về cơ quan quản lý giáo dục, tạo niềm tin và lòng hăng hái đối với giáo viên nói chung và cán bộ quản lý nói riêng. Chế độ phụ cấp thâm niên là cần thiết đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, nếu thực hiện được chế độ này ngành giáo dục sẽ có một đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, tâm huyết với nghề và hoạt động quản lý đối với giáo viên ngày càng đạt hiệu quả cao.
Giải pháp 6 : Xây dựng chế độ phụ cấp dạy vượt sĩ số quy định đối với những vùng thiếu giáo viên, thiếu phòng học
So sánh giáo viên và học sinh năm học 2007-2008 của thành phố Hồ Chí Minh và cả nước:
Bậc học
Tổng số học sinh cả nước
Tổng học sinh TPHCM Tỷ lệ
THPT 2,238,141 181871 8.12
THCS 5,790,187 327927 5.66
Tiểu học 6,832,218 434569 6.36
Mầm non 1,270,618 232531 8.12
Bậc học
Tổng số giáo viên cả nước
Tổng học sinh TPHCM Tỷ lệ
THPT 130352 8666 6.64
THCS 348727 14629 4.19
Tiểu học 314905 13684 4.34
Mầm non 125239 7668 6.12
So sánh tỷ lệ học sinh và tỷ lệ giáo viên cho thấy rằng tại thành phố Hồ Chí Minh sỉ số học sinh/giáo viên cao hơn cả nước rất nhiều.
Bậc học Tỷ lệ học sinh TP HCM/cả nước
Tỷ lệ giáo viên TP HCM/cả nước
THPT 8.12 6.64
THCS 5.66 4.19
Tiểu học 6.36 4.34
Mầm non 8.12 6.12
Tại các tỉnh/ thành phố có quy mô giáo dục lớn, do dân nhập cư tăng nhanh, nên có thực trạng thiếu trường lớp, giáo viên một cách phổ biến, không đáp ứng nhu cầu học tập của tất cả học sinh trên địa bàn, các cơ sở giáo dục phải tăng sĩ số học sinh/lớp cao hơn quy định; yêu cầu của ngành giáo dục là chất lượng vẫn phải đảm bảo ngày càng cao; trong khi đó giáo viên đứng lớp chưa được hưởng khoản phụ cấp nào về việc dạy lớp có sĩ số vượt quy định.
Vì vậy, cần có giải pháp xây dựng chế độ phụ cấp dạy vượt sĩ số quy định đối với những vùng thiếu giáo viên, thiếu phòng học, nhằm tạo sự công bằng đối với giáo viên, giúp những giáo viên này yên tâm công tác, tâm huyết để nâng cao chất lượng giáo dục, tương xứng với công sức của họ khi đảm nhiệm lớp đông. Thực hiện giải pháp này là hoàn toàn đúng chủ trương mà Nghị quyết đại hội VIII đã nêu: “ sử dụng giáo viên đúng năng lực, đãi ngộ đúng công sức và tài năng với tinh thần ưu đãi và tôn vinh nghề dạy học”.
Mặt khác, giải pháp này là cơ sở thúc đẩy chính quyền địa phương quan tâm công tác xây dựng trường lớp trên địa bàn đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh; là cơ sở giải quyết tình hình thiếu giáo viên; giải quyết thực trạng học sinh và giáo viên phải chạy trường, chạy lớp, phát sinh tiêu cực trong giáo dục hiện nay. Ngoài ra, đây là cơ sở để các trường thực hiện tăng lớp học 2 buổi/ngày theo định hướng phát triển chung của ngành giáo dục.