CHƯƠNG I. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ KHÁM NGHIỆM HIỆN TRƯỜNG TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM
1.3. Khám nghiệm hiện trường trong pháp luật Tố tụng hình sự một số nước trên thế giới
1.3.1. Quy định về khám nghiệm hiện trường trong Bộ luật Tố tụng hình sự Liên Bang Nga
Bộ luật Tố tụng hình sự Liên Bang Nga được Đuma Quốc gia Nga thông qua ngày 22 tháng 11 năm 2001 và được Quốc hội phê chuẩn ngày 5 tháng 12 năm 2001. Theo Bộ luật Tố tụng hình sự Liên Bang Nga thì căn cứ, thủ tục, biên bản, người chứng kiến khám nghiệm hiện trường được quy định ở Điều 176, Điều 177, Điều 180 và khoản 3 Điều 170. Cụ thể như sau:
Điều 176. Căn cứ tiến hành khám nghiệm
1. Khám nghiệm hiện trường, chỗ ở, địa điểm, đồ vật và tài liệu được tiến hành nhằm mục đích tìm dấu vết của tội phạm, làm sáng tỏ những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.
2. Trong những trường hợp không thể trì hoãn, việc khám nghiệm hiện trường có thể được tiến hành trước khi khởi tố vụ án.
Điều 177. Thủ tục tiến hành khám nghiệm
1. Việc khám nghiệm được tiến hành với sự tham gia của những người chứng kiến, trừ những trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 170 Bộ luật này.
2. Việc khám nghiệm dấu vết của tội phạm và những đồ vật khác được tiến hành tại nơi tiến hành hoạt động điều tra, trừ những trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Nếu việc tiến hành khám nghiệm đòi hỏi phải có thời gian hoặc nếu việc khám nghiệm tại chỗ gặp khó khăn thì những đồ vật cần phải được thu giữ, niêm phong và phải được Dự thẩm viên và những người chứng kiến tại nơi khám nghiệm ký xác nhận. Chỉ được thu giữ những đồ vật có thể có liên quan đến vụ án. Trong trường hợp này, trong biên bản khám nghiệm cần cố gắng mô tả rõ những dấu hiệu riêng và những đặc điểm của đồ vật bị thu giữ.
4. Mọi vật được phát hiện và thu giữ khi tiến hành khám nghiệm cần phải được đưa cho những người chứng kiến và những người khác tham gia khám nghiệm xem.
5. Việc khám xét chỗ ở chỉ được tiến hành nếu những người sinh sống ở đó đồng ý hoặc căn cứ vào quyết định của Toà án. Nếu những người sinh sống ở đó phản đối việc khám xét thì Dự thẩm viên gửi yêu cầu đến Toà án yêu cầu được tiến hành khám xét theo quy định tại Điều 165 Bộ luật này.
6. Việc khám xét nơi làm việc của cơ quan, tổ chức tiến hành với sự có mặt của đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức đó. Trong trường hợp không thể bảo đảm sự tham gia của đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức vào việc khám xét thì việc này phải được ghi vào biên bản.
Điều 180. Biên bản khám nghiệm và xem xét dấu vết trên thân thể 1. Biên bản khám nghiệm và xem xét dấu vết trên thân thể được lập theo quy định tại Điều này, Điều 166 và Điều 167 Bộ luật này.
2. Trong biên bản mô tả tất cả những hoạt động của Dự thẩm viên, tất cả những gì được phát hiện khi tiến hành khám nghiệm và (hoặc) xem xét trên thân thể theo đúng trình tự tiến hành khám nghiệm và xem xét dấu vết, tình trạng ban đầu của vật đó ở thời điểm khám nghiệm và xem xét dấu vết. Trong biên bản cần liệt kê và mô tả tất cả những vật bị thu giữ khi tiến hành khám nghiệm và (hoặc) xem xét dấu vết.
3. Trong biên bản cũng cần chỉ rõ việc tiến hành khám nghiệm hoặc xem xét dấu vết vào thời gian nào, trong điều kiện thời tiết như thế nào và với điều kiện ánh sáng ra sao, sử dụng những phương tiện kỹ thuật gì và kết quả thu được ra sao, những vật gì bị thu giữ, niêm phong và niêm phong như thế nào, sau khi khám nghiệm thì tử thi hoặc những vật có ý nghĩa đối với vụ án được chuyển đi đâu”.
Điều 170. Sự tham gia của người chứng kiến
3. Ở những nơi đi lại khó khăn và không có các phương tiện liên lạc cần thiết, cũng như trong những trường hợp nếu việc tiến hành hoạt
động điều tra có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khoẻ của con người thì các hoạt động điều tra nói tại khoản 1 Điều này có thể được tiến hành mà không có sự tham gia của những người chứng kiến, vấn đề này phải được ghi vào biên bản hoạt động điều tra.
Trong trường hợp hoạt động điều tra tiến hành mà không có người chứng kiến thì phải sử dụng những phương tiện kỹ thuật để ghi lại diễn biến và kết quả hoạt động điều tra. Nếu trong quá trình hoạt động điều tra mà không thể sử dụng các phương tiện kỹ thuật thì Dự thẩm viên phải ghi việc này vào biên bản.
Như vậy so sánh các quy định về khám nghiệm hiện trường theo Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam và Bộ luật Tố tụng hình sự Liên Bang Nga ta thấy có những điểm giống và khác nhau như sau:
- Chủ thể khám nghiệm hiện trường theo quy định tại khoản 1 Điều 150 Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam là điều tra viên. Bộ luật Tố tụng hình sự Liên Bang Nga thì không quy định rõ một cách cụ thể về chủ thể khám nghiệm hiện trường nhưng căn cứ vào các quy định tại Điều 176 và Điều 177 thì chủ thể khám nghiệm hiện trường là Dự thẩm viên. Theo khoản 1 Điều 38 Bộ luật Tố tụng hình sự Liên Bang Nga quy định: “Dự thẩm viên là người có chức vụ, quyền hạn, có quyền tiến hành điều tra dự thẩm đối với vụ án trong phạm vi thẩm quyền do Bộ luật này quy định”.
- Địa điểm tiến hành khám nghiệm hiện trường theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam là tại nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm. Bộ luật Tố tụng hình sự Liên Bang Nga quy định địa điểm tiến hành khám nghiệm hiện trường là nơi tiến hành hoạt động điều tra.
- Mục đích khám nghiệm hiện trường theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam là phục vụ cho công tác điều tra, khám phá, xử lý tội phạm. Mục đích khám nghiệm hiện trường theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Liên Bang Nga cũng nhằm phục vụ cho công tác điều tra, khám phá, xử lý tội phạm.
- Nhiệm vụ của khám nghiệm hiện trường theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam là phát hiện dấu vết của tội phạm, vật chứng và làm
sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Liên Bang Nga thì nhiệm vụ của khám nghiệm hiện trường là tìm dấu vết của tội phạm và làm sáng tỏ những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.
- Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam thì khám nghiệm hiện trường có thể tiến hành trước khi khởi tố vụ án hình sự. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Liên Bang Nga thì khám nghiệm hiện trường cũng có thể tiến hành trước khi khởi tố vụ án hình sự.
- Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam thì trong mọi trường hợp trước khi tiến hành khám nghiệm hiện trường điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết và Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường (khoản 2 Điều 150). Bộ luật Tố tụng hình sự Liên Bang Nga không quy định khi khám nghiệm hiện trường phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.
- Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam thì khi khám nghiệm hiện trường phải có người chứng kiến và người chứng kiến phải ký vào biên bản khám nghiệm hiện trường. Bộ luật Tố tụng hình sự Liên Bang Nga quy định khi khám nghiệm hiện trường phải có người chứng kiến, tại Khoản 3 Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự Liên Bang Nga cũng quy định cụ thể một số trường hợp khi tiến hành khám nghiệm hiện trường không có sự tham gia người chứng kiến, nhưng vấn đề này phải được ghi vào biên bản hoạt động điều tra.
- Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam thì khi đang tiến hành khám nghiệm mà không thể xem xét ngay được thì đồ vật và tài liệu thu giữ được trong quá trình khám nghiệm phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong đưa về nơi tiến hành điều tra. Bộ luật Tố tụng hình sự Liên Bang Nga quy định trong trường hợp việc tiến hành khám nghiệm đòi hỏi phải có thời gian hoặc nếu việc khám nghiệm tại chỗ gặp khó khăn thì những đồ vật cần phải được thu giữ, niêm phong và phải được Dự thẩm viên và những người chứng kiến tại nơi khám nghiệm ký xác nhận. Chỉ được thu giữ những đồ vật có thể có liên quan đến vụ án.