Cơ sở pháp lý của khám nghiệm hiện trường theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam và mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong khám nghiệm hiện trường

Một phần của tài liệu Khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự việt nam (Trang 43 - 49)

CHƯƠNG II. KHÁM NGHIỆM HIỆN TRƯỜNG TRONG BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM NĂM 2003 VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG

2.1. Cơ sở pháp lý của khám nghiệm hiện trường theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam và mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong khám nghiệm hiện trường

2.1.1. Cơ sở pháp lý của khám nghiệm hiện trường theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam

Cơ sở pháp lý của công tác khám nghiệm hiện trường được quy định tại các Điều 110, Điều 111, Điều 150 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.

- Tại Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 có quy định: “Thẩm quyền điều tra”, có ba loại thẩm quyền điều tra như sau: thẩm quyền điều tra theo đối tượng; thẩm quyền điều tra theo vụ việc phạm tội; thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ.

- Tại Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 có quy định: “Quyền hạn điều tra của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra”.

- Điều 150 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003:

Điều 150. Khám nghiệm hiện trường

1. Điều tra viên tiến hành khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm, nhằm phát hiện dấu vết của tội phạm, vật chứng và làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án.

2. Khám nghiệm hiện trường có thể tiến hành trước khi khởi tố vụ án hình sự. Trong mọi trường hợp, trước khi tiến hành khám nghiệm, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường. Khi khám nghiệm, phải có người chứng kiến; có thể để cho bị can, người bị hại, người làm chứng và mời nhà chuyên môn tham dự việc khám nghiệm.

3. Khi khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên tiến hành chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô hình, thu lượm và xem xét tại chổ dấu vết của tội phạm, đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án; ghi rõ kết quả xem xét vào biên bản khám nghiệm hiện trường.

Trong trường hợp không thể xem xét ngay được thì đồ vật và tài liệu thu giữ phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong đưa về nơi tiến hành điều tra.

Ngoài ra, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, các văn bản, chỉ thị của Bộ Công an cũng có các quy định cụ thể về công tác khám nghiệm hiện trường. Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự có quy định liên quan đến công tác khám nghiệm hiện trường tại các điều:

- Điều 19 (a, b): Quyền hạn điều tra của Bộ đội biên phòng.

- Điều 21 (a, b): Quyền hạn điều tra của Kiểm lâm.

- Điều 22 (a, b): Quyền hạn điều tra của Cảnh sát biển.

- Điều 23 (1): Quyền hạn điều tra của các cơ quan khác của lực lượng Cảnh sát trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cục Cảnh sát giao thông đường thủy, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp và các phòng thuộc ngành dọc ở công an các tỉnh, thành phố, trại giam, trại tạm giam).

- Điều 24 (1): Quyền hạn điều tra của các cơ quan khác của lực lượng An ninh trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

- Điều 25 (1): Quyền hạn điều tra của các cơ quan khác của Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Như vậy, các Cơ quan điều tra của lực lượng An ninh nhân dân; Cơ quan điều tra của lực lượng Cảnh sát nhân dân; Cơ quan điều tra của lực lượng Quân đội nhân dân; Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức tiến hành các cuộc khám nghiệm hiện trường và trực tiếp tiến

hành hoạt động khám nghiệm hiện trường. Các cơ quan khác tuy không phải là Cơ quan điều tra nhưng được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như: Bộ đội biên phòng; Kiểm lâm; Cảnh sát biển; các cơ quan khác của lực lượng Công an nhân dân; các cơ quan khác của Quân đội nhân dân được tiến hành khám nghiệm hiện trường theo sự phân cấp về thụ lý và giải quyết các loại án hình sự.

Về mặt tố tụng hình sự, khám nghiệm hiện trường là một hoạt động điều tra tố tụng và do vậy nó phải do điều tra viên (có có quyền năng tố tụng) thực hiện. Tuy nhiên, khác với tất cả các hoạt động tố tụng hình sự khác như hỏi cung, bắt, khám xét,…khám nghiệm hiện trường là một hoạt động phải ứng dụng rất nhiều tri thức khoa học, kỹ thuật thì mới đạt được kết quả mong muốn là phát hiện, thu lượm và bảo quản dấu vết hình sự, mà dấu vết hình sự thì vô cùng đa dạng, nên nhiều điều tra viên không thể có đủ tri thức khoa học, kỹ thuật và năng lực sử dụng các phương tiện chuyên dụng trong khám nghiệm hiện trường và do vậy, pháp luật tố tụng hình sự cho phép cơ quan điều tra mời nhà chuyên môn tham gia khám nghiệm hiện trường. Có nhiều loại nhà chuyên môn khác nhau, tùy thuộc vào loại hiện trường cụ thể, nhưng trong tố tụng hình sự, cán bộ kỹ thuật hình sự có thể được xem là nhà chuyên môn giữ vai trò quan trọng nhất và tham gia nhiều nhất trong quá trình khám nghiệm hiện trường.

Căn cứ vào quy định của pháp luật tố tụng hình sự, ngày 06 tháng 02 năm 2001 Bộ trưởng Bộ Công an ra Chỉ thị số 02/2001/CT-BCA(C11) về công tác khám nghiệm hiện trường và Quyết định số 57/2001/QĐ-BCA(C11) ban hành Quy chế phân công trách nhiệm giữa các lực lượng Công an nhân dân trong công tác khám nghiệm hiện trường. Quy chế phân công trách nhiệm giữa các lực lượng Công an nhân dân trong công tác khám nghiệm hiện trường quy định rất cụ thể nhiệm vụ của từng lực lượng nghiệp vụ của Công an nhân dân trong quá trình khám nghiệm hiện trường một vụ việc cụ thể. Các quy định này đã tháo gỡ được những khó khăn tồn tại trong nhiều năm, làm cho sự phối hợp lực lượng tốt hơn và đặc biệt đã nâng cao được hiệu quả của

công tác khám nghiệm hiện trường, góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều tra khám phá các vụ án hình sự cũng như các vi phạm pháp luật khác.

Ngày 20 tháng 6 năm 2006, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 768/2006/QĐ-BCA(C11) ban hành quy định phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông của lực lượng cảnh sát nhân dân, trong đó Điều 5 quy định về quan hệ phối hợp giữa các lực lượng cảnh sát như sau:

Khi có vụ tai nạn giao thông xảy ra, các lực lượng cảnh sát khác trong Công an nhân dân như Kỹ thuật hình sự; phòng cháy, chữa cháy;

Cảnh sát trật tự; Cảnh sát 113; Cảnh sát khu vực; Công an phụ trách xã về an ninh trật tự v.v…phải thực hiện các yêu cầu của cơ quan Cảnh sát điều tra hoặc Cảnh sát giao thông trong quá trình điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

2.1.2. Chủ thể tham gia trong khám nghiệm hiện trường 2.1.2.1. Điều tra viên

Khoản 1 Điều 150 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định Điều tra viên tiến hành khám nghiệm hiện trường. Căn cứ vào Điều 150 Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam cho thấy khám nghiệm hiện trường là hoạt động tố tụng ban đầu, mang tính khẩn cấp, hết sức quan trọng trong hàng loạt các hoạt động do Điều tra viên tiến hành trong quá trình điều tra một vụ án đã xảy ra. Kết quả điều tra phụ thuộc rất nhiều vào kết quả của công tác khám nghiệm hiện trường.

Công tác khám nghiệm hiện trường càng được triển khai kịp thời, toàn diện và thu thập được càng nhiều thông tin liên quan đến tội phạm bao nhiêu, thì sự thành công của công tác điều tra càng chính xác và nhanh chóng bấy nhiêu.

Khoản 1 Điều 150 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định Điều tra viên tiến hành khám nghiệm hiện trường. Quy định này dẫn đến một cách hiểu là Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định Điều tra viên là người được phép tiến hành khám nghiệm hiện trường, do đó những chủ thể khác cũng tiến hành hoạt động khám nghiệm hiện trường là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự. Cách hiểu trên là chưa thật đầy đủ và toàn diện, căn cứ vào Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 có quy định: “Quyền hạn điều tra của Bộ đội

biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra” và các Điều 19; 21; 22; 23; 24; 25 của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 20/8/2004 thì các cơ quan này có chức năng khám nghiệm hiện trường. Như vậy, ngoài Điều tra viên tiến hành khám nghiệm, còn có những chủ thể khác, tuy không phải là Điều tra viên nhưng được giao nhiệm vụ tiến hành hoạt động này. Căn cứ vào Chỉ thị số 02/2001/CT-BCA(C11) về công tác khám nghiệm hiện trường và Quyết định số 57/2001/QĐ-BCA(C11) ban hành Quy chế phân công trách nhiệm giữa các lực lượng Công an nhân dân trong công tác khám nghiệm hiện trường, theo đó còn có một số chủ thể khác cũng tham gia hoạt động khám nghiệm này, như: lực lượng Kỹ thuật hình sự; Cảnh sát giao thông; Cảnh sát phòng cháy chữa cháy,…Rõ ràng theo nội dung của Chỉ thị, Quy chế trên thì ngoài Điều tra viên là chủ thể chính của hoạt động khám nghiệm hiện trường, còn rất nhiều chủ thể khác cùng tiến hành.

2.1.2.2. Viện kiểm sát

Khoản 2 Điều 150 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:

Khám nghiệm hiện trường có thể tiến hành trước khi khởi tố vụ án hình sự. Trong mọi trường hợp, trước khi tiến hành khám nghiệm, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường. Khi khám nghiệm, phải có người chứng kiến; có thể để cho bị can, người bị hại, người làm chứng và mời nhà chuyên môn tham dự việc khám nghiệm.

Theo quy định trên thì Viện kiểm sát được xác định là chủ thể kiểm sát các hoạt động khám nghiệm của Cơ quan điều tra và Điều tra viên, đảm bảo cho hoạt động khám nghiệm hiện trường tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả của hoạt động khám nghiệm hiện trường. Khi thực hiện công tác khám nghiệm hiện trường, Kiểm sát viên phải chủ động có những nhận định ban đầu để định hướng những vấn đề cần quan tâm trong quá trình khám nghiệm trên cơ sở nắm những thông tin ban đầu về vụ việc

cần khám nghiệm. Kiểm sát viên phải chú trọng đến việc kiểm tra tư cách pháp lý của các thành viên trong Hội đồng khám nghiệm, người chứng kiến đảm bảo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong quá trình tiến hành kiểm sát khám nghiệm hiện trường, Kiểm sát viên phải tiến hành quan sát, phân tích các dấu vết, vật chứng có ở hiện trường để yêu cầu Điều tra viên, Giám định viên thu thập đầy đủ, không được bỏ qua chi tiết nào có liên quan đến việc làm rõ các tình tiết của sự việc. Trong trường hợp phát hiện có sự sai sót, vi phạm của Điều tra viên trong quá trình khám nghiệm hiện trường, Kiểm sát viên phải đưa ra các yêu cầu để Điều tra viên khắc phục.

Mục đích cuối cùng của việc kiểm sát này là đảm bảo cho hoạt động điều tra nói chung và hoạt động khám nghiệm hiện trường nói riêng tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo phục vụ tốt cho hoạt động điều tra làm rõ sự thật của vụ án.

Như vậy vai trò của Viện kiểm sát tham gia khám nghiệm hiện trường với tư cách là chủ thể kiểm sát hoạt động khám nghiệm hiện trường được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự.

2.1.3. Mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong khám nghiệm hiện trường

Trong Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định cụ thể mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong khám nghiệm hiện trường, nhưng trong thực tiễn cho thấy mối quan hệ trong khám nghiệm hiện trường vừa mang đặc điểm tố tụng hình sự và mang đặc điểm không tố tụng hình sự. Quan hệ giữa Điều tra viên và Kiểm sát viên cũng như những nhà chuyên môn trong công tác khám nghiệm hiện trường trên cơ sở quy định trong luật, ngoài ra những thành phần khác khi tham gia vào quá trình khám nghiệm hiện trường thì được điều chỉnh ở những văn bản dưới luật.

Quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong khám nghiệm hiện trường được điều chỉnh tại Quy chế phân công trách nhiệm giữa các lực lượng Công an nhân dân trong khám nghiệm hiện trường, ban hành kèm theo Quyết định số 57/2001/QĐ-BCA(C11) ngày 06 tháng 02 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Công an và Quy định phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công

tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông của lực lượng Cảnh sát nhân dân, ban hành kèm theo Quyết định số 768/2006/QĐ-BCA(C11) ngày 20 tháng 06 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công an.

Trong quá trình khám nghiệm hiện trường thường có hai hình thức phối hợp chủ yếu sau đây:

- Trao đổi thông tin giữa các lực lượng trong quá trình khám nghiệm hiện trường. Những thông tin cần được trao đổi thường phản ánh về: Thời gian, địa điểm xảy ra vụ việc; diễn biến của vụ việc; các dấu vết, vật chứng có trên hiện trường, tình hình lực lượng khám nghiệm;…

- Phối hợp tiến hành theo Quy chế phân công trách nhiệm giữa các lực lượng Công an nhân dân trong khám nghiệm hiện trường và theo yêu cầu, đề nghị của điều tra viên, người chủ trì khám nghiệm trong từng trường hợp cụ thể tại hiện trường.

Các biện pháp thường đề nghị phối hợp tiến hành gồm: Tiến hành các biện pháp bảo vệ hiện trường; huy động lực lượng, phương tiện đảm bảo cho lực lượng khám nghiệm đến hiện trường; xác định người làm chứng, người bị hại; truy bắt thủ phạm theo dấu vết nóng; xác định, kiểm tra đối tượng nghi vấn; áp dụng các phương tiện kỹ thuật trong quá trình khám nghiệm; hoàn chỉnh hồ sơ khám nghiệm…

Để công tác khám nghiệm hiện trường mang lại hiệu quả cao nhất đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng tham gia trong quá trình khám nghiệm hiện trường. Tuy nhiên mối quan hệ này mang đặc điểm đa dạng nhiều chiều và phức tạp, vì thế phải vận dụng tất cả những quy định của luật Tố tụng hình sự và văn bản chuyên ngành để điều chỉnh nhằm đảm bảo có sự phối hợp một cách đồng bộ và tập trung trong quá trình khám nghiệm hiện trường.

Một phần của tài liệu Khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự việt nam (Trang 43 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)