Quy định về khám nghiệm hiện trường trong Luật Tố tụng hình sự Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa

Một phần của tài liệu Khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự việt nam (Trang 40 - 43)

CHƯƠNG I. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ KHÁM NGHIỆM HIỆN TRƯỜNG TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM

1.3. Khám nghiệm hiện trường trong pháp luật Tố tụng hình sự một số nước trên thế giới

1.3.2. Quy định về khám nghiệm hiện trường trong Luật Tố tụng hình sự Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa

Luật Tố tụng hình sự Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thông qua tại Kỳ họp thứ hai Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc lần thứ 5 ngày 01 tháng 7 năm 1979, và được sửa đổi theo Quyết định sửa đổi Luật tố tụng hình sự của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa thông qua tại Kỳ họp thứ tư Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 8 ngày 17 tháng 3 năm 1996. Theo Luật Tố tụng hình sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thì khám nghiệm hiện trường được quy định tại các Điều 101, 102, 103, 106, 107 và 131. Các quy định cụ thể như sau:

Điều 101. Điều tra viên phải tiến hành điều tra hoặc thẩm cứu hiện trường, đồ vật, người, thi thể có liên quan đến tội phạm. Khi cần thiết có thể chỉ định hoặc mời người chuyên gia đến khám nghiệm, kiểm tra dưới sự chỉ đạo của điều tra viên.

Điều 102. Mọi tổ chức và cá nhân phải có trách nhiệm bảo vệ hiện trường và thông báo ngay cho cơ quan công an cử người đến điều tra.

Điều 103. Để tiến hành điều tra, thẩm cứu, điều tra viên phải có giấy tờ của Viện kiểm sát nhân dân hoặc cơ quan công an cấp.

Điều 106. Kết quả khám nghiệm, kiểm tra phải được ghi thành biên bản có chữ ký hoặc đóng dấu của người tham gia khám nghiệm, kiểm tra và người làm chứng.

Điều 107. Khi thẩm tra vụ án, nếu thấy việc khám nghiệm, kiểm tra của cơ quan công an cần phải làm lại, Viện kiểm sát nhân dân có thể yêu cầu cơ quan công an khám nghiệm, kiểm tra lại và cử Kiểm sát viên đến cùng tham gia.

Điều 131. Việc điều tra các vụ án do Viện kiểm sát nhân dân trực tiếp thụ lý được điều chỉnh bởi các quy định của Chương này.

Như vậy so sánh các quy định về khám nghiệm hiện trường trong Bộ luật Tố tụng hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Luật Tố

tụng hình sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ta thấy có những điểm giống và khác nhau như sau:

- Chủ thể khám nghiệm hiện trường theo quy định tại khoản 1 Điều 150 Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam là điều tra viên. Theo quy định tại Điều 101 Luật Tố tụng hình sự Trung Hoa thì chủ thể khám nghiệm hiện trường là điều tra viên, Điều tra viên chủ trì khám nghiệm hiện trường, khi cần thiết có thể chỉ định hoặc mời nhà chuyên gia khám nghiệm hiện trường dưới sự chỉ đạo của điều tra viên. Trừ một số trường hợp việc điều tra các vụ án do Viện kiểm sát nhân dân trực tiếp thụ lý theo quy định tại Điều 131. Kiểm sát viên chỉ trực tiếp tiến hành điều tra trong một số ít vụ việc.

- Địa điểm tiến hành khám nghiệm hiện trường theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam là tại nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm. Luật Tố tụng hình sự Trung Hoa quy định địa điểm tiến hành khám nghiệm hiện trường là những nơi có liên quan đến tội phạm.

- Mục đích khám nghiệm hiện trường theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam là phục vụ cho công tác điều tra, khám phá, xử lý tội phạm. Luật Tố tụng hình sự Trung Hoa không quy định rõ nhưng ta có thể hiểu mục đích của khám nghiệm hiện trường là phục vụ cho công tác điều tra, khám phá, xử lý tội phạm.

- Nhiệm vụ của khám nghiệm hiện trường theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam là phát hiện dấu vết của tội phạm, vật chứng và làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án. Luật Tố tụng hình sự Trung Hoa không quy định rõ nhưng ta có thể hiểu nhiệm vụ của khám nghiệm hiện trường tìm dấu vết của tội phạm, làm sáng tỏ những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.

- Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam thì khám nghiệm hiện trường có thể tiến hành trước khi khởi tố vụ án hình sự (khoản 2 Điều 150). Luật Tố tụng hình sự Trung Hoa không quy định khám nghiệm hiện trường có thể được tiến hành trước khi khởi tố vụ án hình sự.

- Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam thì trong mọi trường hợp trước khi tiến hành khám nghiệm hiện trường điều tra viên phải

thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết và Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường. Luật Tố tụng hình sự Trung Hoa quy định trong mọi trường hợp khi tiến hành điều tra, thẩm cứu, điều tra viên phải có giấy tờ của Viện kiểm sát nhân dân hoặc cơ quan công an cấp. Trong khi thẩm tra vụ án, nếu thấy việc khám nghiệm, kiểm tra của cơ quan công an cần phải làm lại, Viện kiểm sát nhân dân có thể yêu cầu cơ quan công an khám nghiệm, kiểm tra lại và cử Kiểm sát viên đến cùng tham gia.

- Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam thì khi khám nghiệm hiện trường phải có người chứng kiến. Luật Tố tụng hình sự Trung Hoa cũng quy định khi khám nghiệm hiện trường phải có người làm chứng.

- Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam thì khi đang tiến hành khám nghiệm mà không thể xem xét ngay được thì đồ vật và tài liệu thu giữ phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong đưa về nơi tiến hành điều tra. Trong trường hợp này, Luật Tố tụng hình sự Trung Hoa không có quy định cụ thể.

Tóm lại, trong chương 1 của luận văn, chúng tôi đã đi sâu phân tích, đánh giá và làm rõ được những vấn đề sau:

- Trên cơ sở tiếp cận, nghiên cứu những quy định của pháp luật và những quan điểm khác nhau của các nhà khoa học về hiện trường vụ việc có tính hình sự, về khám nghiệm hiện trường, từ đó tác giả đã đưa ra khái niệm hiện trường vụ việc có tính hình sự, khái niệm khám nghiệm hiện trường.

- Làm rõ được những vấn đề lý luận có tính chung nhất về hiện trường và khám nghiệm hiện trường, cũng như ý nghĩa của nó trong công tác điều tra, xử lý và phòng chống tội phạm.

- Tác giả cũng nghiên cứu về lịch sử khám nghiệm hiện trường trong Tố tụng hình sự Việt Nam, làm rõ được quá trình hình thành và phát triển của khám nghiệm hiện trường qua các giai đoạn lịch sử cho đến ngày nay.

- Tác giả cũng nghiên cứu các quy định về khám nghiệm hiện trường trong pháp luật Tố tụng hình sự một số nước trên thế giới. Qua đó có sự so sánh các quy định khám nghiệm hiện trường ở các nước đó với các quy định khám nghiệm hiện trường trong Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam.

Chương 2

Một phần của tài liệu Khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự việt nam (Trang 40 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)