CHƯƠNG III. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN, NÂNG CAO HIỆU QUẢ KHÁM NGHIỆM HIỆN TRƯỜNG TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM
3.2. Giải pháp hoàn thiện, nâng cao hiệu quả khám nghiệm hiện trường
3.2.1. Giải pháp hoàn thiện các quy định trong pháp luật Tố tụng hình sự
Theo khoản 1 Điều 150 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Điều tra viên tiến hành khám nghiệm hiện trường nơi xảy ra, phát hiện tội phạm nhằm phát hiện dấu vết của tội phạm, vật chứng và làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án”.
Nếu quy định như vậy là chưa đầy đủ và chưa chặt chẽ vì trong thực tiễn không phải tất cả các vụ việc được khám nghiệm hiện trường đều là tội phạm mà phải qua khám nghiệm hiện trường mới xác định là có tội phạm hay không có tội phạm, ví dụ như các vụ chết chưa rõ nguyên nhân,... Mặc khác, trong thực tiễn từ trước đến nay, điều tra viên chỉ giữ vai trò tổ chức tiến hành khám nghiệm hiện trường, còn các hoạt động liên quan đến phát hiện, thu thập dấu vết, vật chứng, lập hồ sơ khám nghiệm do cán bộ kỹ thuật hình sự trực tiếp thực hiện theo quy định tại Chỉ thị số 02/2001/CT-BCA(C11) ngày 06 tháng 02 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Công an về công tác khám nghiệm hiện trường và Quyết định số 57/2001/QĐ-BCA(C11) ngày 06 tháng 02 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quy chế phân công trách nhiệm giữa các lực lượng Công an nhân dân trong công tác khám nghiệm hiện trường. Ngoài ra, theo quy định tại Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự thì các cơ quan khác tuy không phải là Cơ quan điều tra nhưng được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như: Bộ đội biên phòng; Kiểm lâm; Cảnh sát biển; các cơ quan khác của lực lượng Công an nhân dân; các cơ quan khác của Quân đội nhân dân được tiến hành khám nghiệm hiện trường theo sự phân cấp về thụ lý và giải quyết các loại án hình sự.
Do đó khoản 1 Điều 150 Bộ luật Tố tụng hình sự nên sửa là: “Điều tra viên tổ chức tiến hành khám nghiệm hiện trường nơi xảy ra, nơi phát hiện vụ
việc phạm tội hoặc vụ việc có tính hình sự nhằm phát hiện dấu vết của tội phạm, vật chứng và làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án.
Trong những trường hợp những vụ việc phạm tội hoặc vụ việc có tính hình sự xảy ra trong lĩnh vực quản lý của các cơ quan Bộ đội biên phòng;
Kiểm lâm; Cảnh sát biển; các cơ quan khác của lực lượng Công an nhân dân; các cơ quan khác của Quân đội nhân dân thì các cơ quan này được tiến hành khám nghiệm hiện trường theo quy định của pháp luật”.
Khoản 2 Điều 150 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:
Khám nghiệm hiện trường có thể tiến hành trước khi khởi tố vụ án hình sự. Trong mọi trường hợp, trước khi tiến hành khám nghiệm, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường. Khi khám nghiệm, phải có người chứng kiến; có thể để cho bị can, người bị hại, người làm chứng và mời nhà chuyên môn tham dự việc khám nghiệm.
Để ràng buộc trách nhiệm của Viện kiểm sát đối với công tác kiểm sát điều tra tại hiện trường được chặt chẽ hơn cần sửa quy định tại khoản 2 Điều 150 Bộ luật Tố tụng hình sự lại như sau: “Khám nghiệm hiện trường có thể tiến hành trước khi khởi tố vụ án hình sự. Trong mọi trường hợp, trước khi tiến hành khám nghiệm, Điều tra viên cũng như những cán bộ khám nghiệm thuộc các cơ quan khác không phải là Cơ quan điều tra tiến hành khám nghiệm phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường. Khi khám nghiệm, phải có người chứng kiến; có thể để cho bị can, người bị hại, người làm chứng và mời nhà chuyên môn tham dự việc khám nghiệm”.
Khoản 3 Điều 150 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:
Khi khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên tiến hành chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô hình, thu lượm và xem xét tại chổ dấu vết của tội phạm, đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án; ghi rõ kết quả xem xét vào biên bản khám nghiệm hiện trường.
Trong trường hợp không thể xem xét ngay được thì đồ vật và tài liệu thu giữ phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong đưa về nơi tiến hành điều tra.
Do trong thực tiễn hiện nay hầu hết các vụ khám nghiệm hiện trường đều do cán bộ kỹ thuật hình sự tiến hành chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô hình, thu lượm đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án và lập biên bản khám nghiệm hiện trường, chỉ một số ít vụ do Bộ đội biên phòng, Kiểm lâm, Cảnh sát biển, các cơ quan khác của lực lượng Công an nhân dân, các cơ quan khác của Quân đội nhân dân lực lượng trực tiếp thực hiện trong lĩnh vực được phân công, còn điều tra viên chỉ đóng vai trò chủ trì tổ chức cuộc khám nghiệm cho nên khoản 3 Điều 150 Bộ luật Tố tụng hình sự cần được quy định như sau: “Khi khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên và những cán bộ khác chủ trì khám nghiệm phải tiến hành chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô hình, thu lượm và xem xét tại chổ dấu vết của tội phạm, đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án; ghi rõ kết quả xem xét vào biên bản khám nghiệm hiện trường.
Trong trường hợp không thể xem xét ngay được thì đồ vật và tài liệu thu giữ phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong đưa về nơi tiến hành điều tra”.
- Theo quy định tại Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự thì các cơ quan khác tuy không phải là Cơ quan điều tra nhưng được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như: Bộ đội biên phòng; Kiểm lâm; Cảnh sát biển;
các cơ quan khác của lực lượng Công an nhân dân; các cơ quan khác của Quân đội nhân dân được tiến hành khám nghiệm hiện trường theo sự phân cấp về thụ lý và giải quyết các loại án hình sự. Khám nghiệm hiện trường là hoạt động tố tụng được thực hiện bởi những người tiến hành tố tụng. Nhưng các chủ thể có thẩm quyền điều tra của các cơ quan này lại không phải là điều tra viên và cũng chưa được pháp luật quy định là người tiến hành tố tụng như theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Bộ luật Tố tụng hình sự. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cũng như tính pháp lý của các tài liệu do những người này tiến hành. Vì vậy cần nghiên cứu bổ sung cụm từ “Các cơ
quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra” vào khoản 1 Điều 33 Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm đảm bảo tư cách pháp lý cho các cơ quan này khi tiến hành các hoạt động điều tra các vụ án hình sự. Cần nghiên cứu bổ sung cụm từ “Cán bộ các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra” vào điểm a, khoản 2 Điều 33 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Quy định này là cơ sở pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành bổ nhiệm chức danh Điều tra viên cho những người đủ tiêu chuẩn, trong đó có những người có thẩm quyền điều tra của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
- Cần xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng khám nghiệm hiện trường. Cần nhận thức đúng tầm quan trọng của sự phối hợp trong khám nghiệm hiện trường. Do chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng nghiệp vụ khác nhau khi tham gia khám nghiệm hiện trường, cho nên để có sức mạnh chung cần thiết phải có sự phối hợp các lực lượng. Trong thực tiễn, khám nghiệm hiện trường tuy là một hoạt động tố tụng hình sự, nhưng rất cần có sự hỗ trợ của các tri thức, phương pháp, phương tiện khoa học kỹ thuật, nên sự phối hợp giữa Điều tra viên và cán bộ kỹ thuật hình sự phải được coi là một nguyên tắc hoạt động bắt buộc khi tiến hành khám nghiệm hiện trường bất cứ một vụ việc mang tính hình sự nào. Cần có quy định về mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát và các cơ quan khác tuy không phải là Cơ quan điều tra nhưng được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, trong đó có hoạt động khám nghiệm hiện trường như: Bộ đội biên phòng; Kiểm lâm; Cảnh sát biển; các cơ quan khác của lực lượng Công an nhân dân; các cơ quan khác của Quân đội nhân dân, để mọi vụ, việc khám nghiệm hiện trường đều được kiểm sát. Như tác giả đã trình bày ở phần trên nên sửa Điều 150 Bộ luật Tố tụng hình sự cho phù hợp với những quy định chung của pháp luật, tuy nhiên trước mắt cần có Quy chế phối hợp bằng hình thức thông tư liên ngành giữa Cơ quan điều tra, cơ quan khác tuy không phải là Cơ quan điều tra nhưng được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và Viện kiểm sát, để những hoạt động này diễn ra nhịp nhàng, đồng bộ. Bộ Công an có Quy chế phối hợp giữa các lực lượng công an nhân dân trong công tác khám
nghiệm hiện trường ban hành kèm theo Quyết định số 57/2001/QĐ- BCA(C11) ngày 06 tháng 02 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Công an, tuy nhiên Quy chế nói trên lại ban hành trước khi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 có hiệu lực cho nên hiện nay có nhiều điểm không còn phù hợp cần được sửa đổi cho phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về khám nghiệm hiện trường như trong Quyết định 57 quy định Cảnh sát giao thông chủ trì khám nghiệm hiện trường những vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng trở xuống, mà trong thực tiễn thì đôi khi rất khó xác định đâu là ranh giới giữa vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.
- Cần xác định rõ tư cách pháp lý và chức năng của cán bộ Kỹ thuật hình sự trong khám nghiệm hiện trường. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì Điều tra viên là người tiến hành khám nghiệm hiện trường, do đó nên quy định cán bộ Kỹ thuật hình sự tham gia khám nghiệm hiện trường với tư cách là nhà chuyên môn trong phát hiện, thu lượm, bảo quản, nghiên cứu và đánh giá dấu vết.