CHƯƠNG I. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LÝ VỀ THẨM QUYỀN CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ PHÚC THẨM VỤ ÁN HÀNH CHÍNH
1.3. Ý nghĩa của việc quy định về thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hành chính
1.3.1. Đối với Tòa án và cá nhân Thẩm phán tham gia hội đồng xét xử phúc thẩm
Khi xét xử phúc thẩm vụ án hành chính, thẩm quyền của Tòa án được thể hiện chủ yếu thông qua thẩm quyền của HĐXX phúc thẩm. Trên thực tế, việc xét xử khó tránh khỏi những sai lầm, thiếu sót do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, dẫn đến việc Tòa án có thể ban hành những bản án hoặc quyết định thiếu khách quan, chưa đầy đủ căn cứ, không phù hợp với quy định của pháp luật. Thông qua việc xét xử lại những vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị tức là kiểm tra xem bản án, quyết định sơ thẩm đó được ban hành đúng trình tự, thủ tục do luật định, có phù hợp với các chứng cứ, tình tiết vụ án và việc áp dụng pháp luật đó có đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự hay không? Trong phạm vi quyền hạn của mình, Tòa án cấp phúc thẩm khắc phục những sai sót của Tòa án cấp sơ thẩm nhằm mục đích sửa chữa những sai lầm, thiếu sót để bản án, quyết định của tòa án được đúng pháp luật, phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước, đảm bảo nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.
- Ngoài ra thông qua việc xét xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm còn chỉ ra những điểm sai, điểm thiếu sót trong quá trình xét xử sơ thẩm, hướng dẫn cho các Tòa
án cấp dưới cũng như các Thẩm phán áp dụng thống nhất pháp luật; tổng kết thực tiễn xét xử nhằm nâng cao chất lượng xét xử của tòa án nói chung và từng cá nhân Thẩm phán nói riêng.
- Việc quy định rõ thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hành chính giúp các Thẩm phán trong Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hành chính nắm rõ thẩm quyền cũng như nghĩa vụ trong công tác xét xử phúc thẩm vụ án hành chính, giúp việc xét xử vụ án hành chính được thống nhấ và minh bạch.
- Việc quy định thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm, đặc biệt là việc quy định quyền hủy, sửa bản án, quyết định sơ thẩm kết hợp cùng cơ chế bổ nhiệm, tái bổ nhiệm, kỷ luật,.. giúp thúc đẩy quá trình nghiên cứu, trau dồi kinh nghiệm của mỗi Thẩm phán, khiến Thẩm phán cẩn thận hơn trong việc nghiên cứu hồ sơ cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi Thẩm phán khi xét xử sơ thẩm. Đồng thời cũng chống lạm quyền trong việc xét xử sơ thẩm.
1.3.2. Đối với Viện kiểm sát nhân dân
Trước hết, việc quy định thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm có quan hệ mật thiết đối với quyền kháng nghị phúc thẩm bản án, quyết định sơ thẩm của Viện kiểm sát nhân dân. Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm có thể hiểu là hành vi tố tụng của người có thẩm quyền, thể hiên việc phản đối toàn bộ hoặc một phần bản, quyết định của Tòa án với mục đích bảo đảm cho việc xét xử được chính xác, công bằng. Đối với Viện kiểm sát, kháng nghị là quyền đồng thời là nghĩa vụ. Với tư cách là cơ quan nhà nước thực hiện quyền công tố và kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực tư pháp, khi phát hiện những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tư pháp, khi phát hiện những vi phạm pháp luật của người tiến hành tố tụng thì Viện kiểm sát có trách nhiệm phải thực hiện quyền và nghĩa vụ kháng nghị. Việc quy định thẩm quyền hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hành chính tức là quyền xem xét lại bản án, quyết định hành chính sơ thẩm chưa có hiệu lực là căn cứ, nguyên nhân cũng như mục đích để Viện kiểm sát nhân dân thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm bản án, quyết định sơ thẩm. Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp hặc cấp trên trực tiếp kháng nghị phúc thẩm theo thời hạn luật định tạo điều kiện cho Tòa án phúc thẩm sửa chữa những sai lầm, thiếu xót của Tòa án sơ thẩm hay nói cách khác đây là một trong những nguyên nhân phát sinh thẩm quyền của Hội đồng xét xử
phúc thẩm. Đồng thời, Hội đồng xét xử phúc thẩm thông qua việc xét xử bằng bản án, quyết định cụ thể xác định tính chính xác, có căn cứ của Quyết định kháng nghị phúc thẩm, làm rõ quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân, từ đó góp phần nâng cao trình độ, chuyên môn, thống nhất việc áp dụng pháp luật cũng như xác định chất lượng, hiệu quả làm việc của Viện kiểm sát nhân dân.
- Việc quy định rõ thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hành chính tại điều luật cụ thể giúp Viện kiểm sát nhân dân dễ dàng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hành chính, đảm bảo việc xét xử phúc thẩm vụ án hành chính được công bằng, khách quan, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhân, tổ chức, nhà nước.
1.3.3. Đối với đương sự trong vụ án hành chính
- Việc quy định thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hành chính bảo đảm chế độ 2 cấp xét xử, có mối quan hệ mật thiết, tạo điều kiện cho các đương sự trong vụ án hành chính thực hiện quyền kháng cáo của mình. Khi bản án, quyết định sơ thẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các đương sự, nếu họ không đồng ý, họ có quyền kháng cáo trong thời hạn luật định, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ hoặc một phần bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Là căn cứ đề Hội đồng xét xử phúc thẩm kiểm tra tính hợp pháp, tính có căn cứ của bản án, quyết định sơ thẩm, sửa chữa những sai lầm thiếu khách quan của Tòa cấp dưới.
- Việc quy định thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hành chính giúp bảo vệ quyền con người, quyền của cá nhân, tổ chức. Việc xét xử lại bản án, quyết định hành chính sơ thẩm chưa có hiệu lực tạo điều kiện giúp các đương sư trong vụ án có thời gian chuẩn bị thêm chứng cứ, tài liệu cũng như quan điểm tranh luận với quyết định trong bản án, quyết định sơ thẩm, từ đó đảm bảo vụ án được diễn ra công bằng, khách quan
- Thông qua hoạt động giải quyết các vụ án hành chính của Tòa án góp phần ổn định trật tự, an ninh xã hội. Phán quyết về tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính không chỉ dừng lại ở mức vảo vệ quyền lợi của đương sự mà tạo niềm tin
cho nhân dân với đảng, nhà nước, ổn định tình hình chính trị địa phương, giảm bớt khiếu kiện kéo dài, vượt cấp,…