Thời điểm thu thập chứng cứ

Một phần của tài liệu Hoạt Động thu thập chứng cứ trong việc giải quyết vụ Án hôn nhân và gia Đình theo pháp luật tố tụng dân sự việt nam (Trang 38 - 45)

CHƯƠNG 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ HOẠT ĐỘNG THU THẬP CHỨNG CỨ TRONG QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÔN NHÂN VÀ

1.3. Nội dung hoạt động thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình

1.3.2. Thời điểm thu thập chứng cứ

Thời điểm thu thập, phương thức thu thập chứng cứ trong việc giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình bao gồm trước khi thụ lý vụ án, trong thời gian chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa.

1.3.2.1. Thu thập chứng cứ trước khi thụ lý vụ án

Cá nhân, cơ quan, tổ chức khi tham gia vào các quan hệ xã hội đều có các quyền và nghĩa vụ pháp lý được Nhà nước và pháp luật bảo vệ. Các chủ thể này có quyền yêu cầu người có hành vi cản trở việc thực hiện quyền của mình chấm dứt hành vi đó. Hoặc trong trường hợp quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Một trong những biện pháp bảo vệ quyền pháp lý của các chủ thể hữu hiệu nhát là quyền khởi kiện.

Trong lĩnh vực dân sự, đương sự khi đưa ra yêu cầu, khởi kiện, bác bỏ yêu cầu của người khác, có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp hay bác bỏ yêu cầu của người khác. Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện, yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Như vậy, trongtố tụng dân sự, chủ thể khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự thì người đó phải có nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ để Tòa án giải quyết tranh chấp. Khi khởi kiện, người khởi kiện phải đáp ứng các điều kiện khởi kiện do pháp luật quy định, người khởi kiện có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh việc khởi kiện có cơ sở.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 189 BLTTDS năm 2015, khi khởi kiện, kèm theo đơn khởi kiện, người khởi kiện phải đính kèm tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án. Theo Giải đáp số 01/ 2016/GĐ -TANDTC ngày 25/7/2016/2016 của TAND tối cao giải đáp một số vấn đề về hình sự, tố tụng hình sự, dân sự và tố tụng dân sự, nếu đương sự không nộp kèm theo được bất cứ tài liệu, chứng cứ nào thì phải có văn bản tường trình, giải thích về lý do không nộp tài liệu chứng cứ của mình. Tòa án sẽ tiến hành

thụ lý vụ án nếu xét lý do về việc không nộp kèm theo được bất cứ tài liệu, chứng cứ nào của đương sự là chính đáng.

1.3.2.2. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử

Chuẩn bị xét xử sơ thẩm là hoạt động tố tụng được Tòa án tiến hành sau khi thụ lý vụ án và kết thúc khi Tòa án mở phiên tòa xét xử vụ án hôn nhân và gia đình.

Chuẩn bị xét xử vụ án hôn nhân và gia đình là hoạt động thu thập chứng cứ để chứng minh, phục vụ cho công tác xét xử. Trên cơ sở yêu cầu, đương sự cung cấp chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là có căn cứ.

Hoạt động chuẩn bị xét xử vụ án hôn nhân và gia đình thực chất là hoạt động hoàn thiện hồ sơ vụ án. Là thời gian để Thẩm phán chuẩn bị tất cả các điều kiện về chứng cứ để ban hành bản án, quyết định chính xác, đúng pháp luật và chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc mở phiên tòa xét xử vụ án hôn nhân và gia đình. Việc chuẩn bị xét xử tốt, chu đáo, theo đúng trình tự pháp luật tố tụng dân sự quy định giúp cho Thẩm phán định hướng việc hòa giải cũng như có đầy đủ chứng cứ vững chắc để ra bản án, nếu các đương sự không hòa giải được.

Khoản 2 Điều 24 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định: Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của luật. Theo điểm đ khoản 2 Điều 203 Bộ luật TTDS năm 2015, Thẩm phán có quyền thực hiện việc xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định. Khoản 3 Điều 208 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định về việc Thẩm phán, Thẩm tra viên được Chánh án Tòa án phân công thu thập tài liệu, chứng cứ về hôn nhân và gia đình. Theo điểm 24, 25, 26 Mục IV Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của TANDTC về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ, quy định tại khoản 3 Điều 208 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là quy định đặc thù của vụ án hôn nhân và gia đình, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ, chồng, con. Do vậy, đối với vụ án hôn nhân và gia đình có liên quan đến người chưa thành niên, việc thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp là bắt buộc. Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em mà Thẩm phán phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác

định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp là các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng Lao động - Thương binh và xã hội, Phòng Văn hóa và Thông tin. Ngoài ra, để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp, Tòa án có thể tham khảo ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi vợ, chồng chung sống, nơi con chưa thành niên cư trú. Đối với quy định tại đoạn thứ 2 khoản 3 Điều 208 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, để bảo đảm quyền lợi của người con, Tòa án phải lấy ý kiến của người con, xem xét nguyện vọng của người con từ đủ 07 tuổi trở lên; phương pháp lấy ý kiến phải bảo đảm thân thiện với trẻ em. Nội dung này quy định tại Điều 55, khoản 2 Điều 81 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

Một trong các hình thức thu thập chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử là việc đương sự có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Theo Điều 111 BLTTDS năm 2015, mục đích của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

Theo Điều 2 NQ 02/2020/NQ-HĐTP, yêu cầu cấp bách của đương sự có thể là những yêu cầu liên đến đến đời sống, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của đương sự; chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được; bảo toàn mối quan hệ, đối tượng có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Tòa án giải quyết. Để bảo đảm việc giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong một số trường hợp là cần thiết và phù hợp.

Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như giao người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng; Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ hoặc cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định. Với các biện pháp này, không chỉ giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự mà còn bảo toàn về chứng cứ. Trong quá trình giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình, việc cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp còn là căn cứ để bảo đảm thi hành án, bảo toàn tài sản để phán quyết của Tòa án có thể được thực thi sau khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

1.3.2.3. Tại phiên tòa

Về nguyên tắc, việc thu thập, cung cấp chứng cứ tuân theo quy định tại Điều 96 BLTTDS năm 2015. Theo khoản 4 của Điều này, thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm. Trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, đương sự mới cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó. Đối với tài liệu, chứng cứ mà trước đó Tòa án không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm, phiên họp giải quyết việc dân sự hoặc các giai đoạn tố tụng tiếp theo của việc giải quyết vụ việc dân sự.

Việc thu thập chứng cứ trong việc giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình có thể thực hiện khi có sự thay đổi địa vị tố tụng quy định tại Điều 245 BLTTDS năm 2015. Theo khoản 2 Điều 257 BLTTDS năm 2015, Kiểm sát viên, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người tham gia tố tụng khác có mặt tại phiên tòa có quyền nhận xét về kết luận giám định; hỏi những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định hoặc có mâu thuẫn với những tình tiết khác của vụ án sau khi được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Đây cũng là hình thức thu thập chứng cứ trong việc giải quyết các vụ án dân sự nói chung, vụ án hôn nhân và gia đình nói riêng. Theo điểm c, điểm d khoản 1 Điều 259 BLTTDS năm 2015, Hội đồng xét xử có quyền quyết định tạm ngừng phiên tòa khi cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa hoặc chờ kết quả giám định bổ sung, giám định lại. Việc thu thập chứng cứ trong việc giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình tại phiên tòa không được trì hoãn việc tham gia phiên tòa.

1.3.2.4. Thu thập chứng cứ trong thủ tục giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình tại Tòa án cấp phúc thẩm

Theo khoản 8 Điều 272 Bộ luật TTDS năm 2015, khi kháng cáo, kèm theo đơn kháng cáo, người kháng cáo phải gửi tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có) để chứng minh cho kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp. Theo Điều 304 BLTTDS năm 2015, việc tạm ngừng phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo quy

định tại Điều 259 BLTTDS năm 2015. Theo Điều 309 BLTTDS năm 2015, Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa một phần hoặc toàn bộ bản án sơ thẩm nếu Tòa án cấp sơ thẩm quyết định không đúng pháp luật khi việc thu thập chứng cứ và chứng minh đã được thực hiện đầy đủ và theo đúng quy định của luật hoặc việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa được thực hiện đầy đủ ở cấp sơ thẩm nhưng tại phiên tòa phúc thẩm đã được bổ sung đầy đủ. Theo Điều 310 BLTTDS năm 2015, Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm khi việc thu thập chứng cứ và chứng minh không theo đúng quy định hoặc chưa được thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được. Với quy định trên, việc thu thập chứng cứ trong việc giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình có thể thực hiện tại thủ tục sơ thẩm hoặc phúc thẩm.

1.3.2.5. Thu thập chứng cứ trong thủ tục giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm

Thủ tục giám đốc thẩm là thủ tục đặc biệt của tố tụng dân sự được thực hiện khi có kháng nghị của chủ thể có thẩm quyền. Đây là thủ tục nhằm kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.

Việc xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật được tiến hành theo một thủ tục đặc biệt và không được xem là cấp xét xử thứ ba. Cơ sở để Tòa án mở phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm là khi có kháng nghị của người có thẩm quyền.

Trên cơ sở kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa án có thẩm quyền mở phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm, để xem xét lại các quyết định hôn nhân và gia đình đã có hiệu lực pháp luật. Do là thủ tục đặc biệt nên đương sự không có quyền làm phát sinh thủ tục này.

Theo Điều 327, Điều 357 BLTTDS năm 2015, trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Theo khoản 2 Điều 328, Điều 357 BLTTDS năm 2015, kèm theo đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ

tục giám đốc thẩm, tái thẩm, người đề nghị phải gửi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Theo Điều 330, Điều 357 BLTTDS năm 2015, đương sự có quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ cho người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu tài liệu, chứng cứ đó chưa được Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án. Trong quá trình giải quyết đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có quyền yêu cầu người có đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc tự mình kiểm tra, xác minh tài liệu, chứng cứ cần thiết. Tóm lại, việc thu thập chứng cứ trong thủ tục giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm không phải là nghĩa vụ của đương sự.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Hoạt động thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình có vai trò quan trọng để giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình, giúp cho đương sự chứng minh được yêu cầu của mình là có căn cứ, hợp pháp và chính đáng. Việc thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình là hoạt động cơ bản trong quá trình tố tụng, góp phần vào việc giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình một cách nhanh chóng và đúng đắn.

Qua quá trình nghiên cứu các quy định về hoạt động thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình, tác giả làm sáng tỏ những vấn đề sau:

Thứ nhất, trình bày những vấn đề lý luận chung về hoạt động thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình, bao gồm: Khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa của quy định về hoạt động thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình;

Thứ hai, trình bày các quy định của pháp luật về hoạt động thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về nuôi con sau khi vợ chồng ly hôn;

Thứ ba, trên tảng lý luận và quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình, là tiền đề để tác giả tiếp tục phân tích, đánh giá về thực trạng pháp luật về hoạt động thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình và đề xuất các kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về hoạt động thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình tại Chương 2.

Một phần của tài liệu Hoạt Động thu thập chứng cứ trong việc giải quyết vụ Án hôn nhân và gia Đình theo pháp luật tố tụng dân sự việt nam (Trang 38 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)