Về thu thập chứng cứ trong các vụ án xác định cha, mẹ cho con và kiến nghị hoàn thiện

Một phần của tài liệu Hoạt Động thu thập chứng cứ trong việc giải quyết vụ Án hôn nhân và gia Đình theo pháp luật tố tụng dân sự việt nam (Trang 50 - 54)

CHƯƠNG 2. BẤT CẬP VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN VỀ HOẠT ĐỘNG

2.2. Về thu thập chứng cứ trong các vụ án xác định cha, mẹ cho con và kiến nghị hoàn thiện

Theo Điều 88 Luật HN&GĐ năm 2014, trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định. Theo Điều 89 của Luật này, người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình. Theo Điều 90 Luật HN&GĐ năm 2014, con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết. Theo Điều 91 Bộ luật TTDS năm 2015, đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp, trừ các trường hợp do luật định.

Theo quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2018, năm 2020 và Bộ luật TTDS năm 2015, giám định được tiến hành bằng hai hình thức, gồm: Trưng cầu giám định và yêu cầu giám định; trong đó: Trưng cầu giám định do cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện; còn yêu cầu giám định là quyền của đương sự sau khi đã đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Như vậy, trưng cầu giám định và yêu cầu giám định về cơ bản là giống nhau, chỉ khác nhau ở chủ thể yêu cầu. Người giám định là người có kiến thức, kinh nghiệm cần thiết theo quy định của pháp luật về lĩnh vực có đối tượng cần giám định mà cơ quan, người có thẩm quyền trưng cầu giám định hoặc được đương sự yêu cầu giám định. Kết luận giám định là nhận xét, đánh giá bằng văn bản của người định về đối tượng giám định theo nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, được coi là căn cứ làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án dân sự, nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng trình tự thủ tục do luật quy định.

Trong quá trình giải quyết vụ án, có những chứng cứ sau khi thu thập vẫn chưa rõ ràng, chưa thể chứng minh được ngay mà cần phải có ý kiến kết luận của các nhà chuyên môn mới có đủ cơ sở tin cậy, có giá trị chứng minh. Do đó, cần phải có giám định đối với những chứng cứ này. Giám định là việc người giám định sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động giải quyết vụ án dân sự theo trung cầu

giám định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật41. Theo thoả thuận của đương sự hoặc theo yêu cầu của một bên đương sự, Thẩm phán ban hành quyết định trưng cầu giám định. Trong pháp luật tố tụng dân sự, do các đương sự có nghĩa vụ chứng minh nên pháp luật dành cho các đương sự quyền chủ động yêu cầu Toà án trưng cầu giám định. Trưng cầu giám định là việc Toà án quyết định đưa vấn đề liên quan đến vụ việc dân sự cần xác định ra lấy ý kiến của người có kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn về lĩnh vực đó42.

Dựa trên nguyên tắc Hiến định về bất khả xâm phạm thân thể (Điều 20 Hiến pháp năm 2013), quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe (Điều 33 BLDS năm 2015), các biện pháp thu thập chứng cứ phải bảo đảm các quyền trên của công dân. Việc cần giám định dựa trên việc lấy một hoặc một số bộ phận cơ thể để làm cơ sở giải quyết vụ án như lấy mẫu lông, tóc, máu của cha, mẹ để xác định cha, mẹ, con phải bảo đảm sự tự nguyện và hợp pháp.

Thực tiễn cho thấy, việc thể thu thập các mẫu giám định khi giám định ADN gặp nhiều trở ngại.

Ví dụ: Quyết định tái thẩm số 16/2018/HN&GĐ-TT ngày 24/8/2018 V/v

“Thuận tình ly hôn” do TAND cấp cao tại TP. HCM ban hành thể hiện ông Nguyễn Thanh D. có thu thập, cung cấp kết quả giám định ADN số 4965-DTHPT-DNAHT ngày 15/7/2016 của Bệnh viện Truyền máu và huyết học kết luận: ông Nguyễn Thanh D. là cha đẻ của trẻ Chương Hồng T., xác suất 99,9999%.

Mặc dù Bộ luật TTDS năm 2015 quy định khá nhiều biện pháp thu thập chứng cứ, nhưng phần lớn các biện pháp này áp dụng đối với tài sản của các bên đương sự mà không áp dụng được đối với việc thu thập bộ phận cơ thể người chứa đựng các thông tin về nhân thân của đương sự. Nếu các đương sự trong vụ án không hợp tác hoặc không cho phép lấy mẫu để giám định ADN thì Tòa án không có cách thức thu thập chứng cứ khác và không thể giải quyết vụ án, đặc biệt là các vụ án xác định cha cho con.

Ví dụ: Bản án số 03/2022/HN&GĐ-PT ngày 21/02/2022 V/v tranh chấp xác định cha cho con do TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh43 ban hành thể hiện

41 Khoản 1 Điều 21 Luật Giám định tư pháp 2012, sửa đổi năm 2018.

42 Trường Đại học Luật Hà Nội (2012), Giáo trình Luật Tố tụng dân sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, tr.16

43 Phụ lục số 03

Nguyên đơn Tô Thị Thùy L. không biết cụ thể nơi làm việc của ông Welunscheck K. cũng như không thể thực hiện việc giám định ADN giữa ông Welunscheck K. và trẻ Tô Bảo K. để xác định ông Welunscheck K. là cha ruột của trẻ Tô Bảo K.

Đối với các vụ án mà về hôn nhân và gia đình mà nguyên đơn không thể thu thập được chứng cứ do các chứng cứ này phụ thuộc vào việc đương sự khác tự nguyện cung cấp mẫu xét nghiệm trên cơ thể, thì Tòa án khó áp dụng các biện pháp thu thập, kể cả áp dụng Điều 114 Bộ luật TTDS năm 2015. Trong các vụ án xác định cha cho con, việc người mẹ yêu cầu Tòa án xác định một người là cha của con, có thể có yêu cầu cấp dưỡng44, vì không có kết luận về ADN nên nguyên đơn không thể tiếp cận công lý mà còn bị ảnh hưởng về quyền nhân thân, danh dự và nhân phẩm45. Trong các vụ án xác định cha, mẹ, con, xét nghiệm ADN được coi là phương pháp đáng tin cậy nhất để xác định một mối quan hệ về mặt sinh học và là căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hay xác định con cho cha, mẹ. Ngoài ra, khi người được xác định là cha, mẹ đã chết, việc xét nghiệm ADN từ mối quan hệ thân thích cũng là một trở ngại.

Do đó, đối với các vụ án hôn nhân và gia đình, trong đó có việc xác định cha, mẹ cho con mà tất cả các bên liên quan đều từ chối cung cấp mẫu để giám định AND, cần có giải pháp phù hợp46.

Từ phân tích trên, theo tác giả, khoản 1 Điều 91 BLTTDS năm 2015 cần được hướng dẫn trong văn bản liên ngành giữa Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, theo hướng như sau:

Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Đối với vụ án xác định cha cho con, trong trường hợp người mẹ yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định để xác định cha cho con mà người cha từ chối, trốn tránh việc cung cấp mẫu giám định mà không có lý do chính đáng thì Tòa án lập biên bản ghi nhận sự việc và xác định người đó là cha của đứa trẻ.

Trường hợp người mẹ vừa yêu cầu xác định cha cho con, vừa yêu cầu thực hiện việc cấp dưỡng thì Tòa án giải quyết cả hai yêu cầu trong một vụ án theo thủ tục chung.

44 Án lệ số 62/2023/AL1 về thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên trong vụ án tranh chấp về xác định cha cho con.

45 Nguyễn Biên Thùy, Đặng Thanh Hoa, “Thẩm quyền xác định cha, mẹ, con“, https://tapchitoaan.vn/tham- quyen-xac-dinh-cha-me-con, Hoàng Đình Dũng, “Xác định cha, mẹ, con theo thủ tục tư pháp”, https://

tapchitoaan.vn/xac-dinh-cha-me-con-theo-thu-tuc-tu-phap, truy cập lúc 22h ngày 19.5.2023.

46 Đỗ Mai Bích Phượng, “Xác nhận cha cho con qua một tình huống cụ thể”, https://tapchitoaan.vn/xac-nhan- cha-cho-con-khi-khong-co-tranh-chap, truy cập lúc 5h ngày 22.6.2023.

Thực tiễn có một số trường hợp bên được đề nghị cung cấp xét nghiệm ADN nhưng họ không đồng ý cung cấp, Toà án đã nhìn nhận toàn diện mọi khía cạnh, thu thập các chứng cứ để đưa ra bản án công tâm và khách quan nhất có thể, mặc dù có thể chưa thực hiện theo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Như ví dụ về bản án xác định mẹ cho con sau đây.

Ví dụ: Bản án số 36/2018/HNGĐ-PT ngày 08/11/2018 v/v “Tranh chấp xác định con cho mẹ” do TAND tỉnh Tây Ninh47 ban hành, có nội dung như sau: Chị Võ Thị Mộng T cho rằng cháu Phạm Trần Minh A là con ruột của chị, chị sinh cháu vào ngày 15-6-2013 tại nhà của bà Nguyễn Thị N2 tại tỉnh An Giang. Sau khi chị sinh cháu Minh A được 02 ngày thì chị giao cháu Minh A cho bà Trần Thị V trực tiếp nuôi dưỡng. chị không có giấy chứng sinh và chị cũng không làm giấy khai sinh cho cháu Minh A. Sau khi nhận nuôi cháu Minh A, bà V đưa cháu Minh A lên nhà của chị Phạm Thị N3 để làm giúp việc cho chị N3 và chăm sóc cháu Minh A.

Chị N3 chết, hiện nay cháu Minh A do chị Trần Thị N và anh Trần Văn Q trực tiếp nuôi dưỡng. Nay chị khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định cháu Phạm Trần Minh A là con đẻ của chị và yêu cầu chị N, anh Q giao cháu Minh A cho chị trực tiếp nuôi dưỡng. Trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm và phúc thẩm, chị T đều có yêu cầu giám định AND đối với cháu Minh A. Tại Toà án cấp sơ thẩm đã yêu cầu chị N đưa cháu Minh A đến Tòa án để lấy mẫu xét nghiệm AND theo yêu cầu của chị T, tuy nhiên chị N từ chối việc đưa cháu Minh A giám định AND vì chị cho rằng việc giám định AND sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển tâm sinh lý của cháu Minh A. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không thể tiến hành các thủ tục để giám định AND theo yêu cầu của chị T nên đã không chấp nhận yêu cầu con cho chị T. Tại Toà án cấp phúc thẩm, qua xác minh những người làm chứng sinh sống ổn định xung quanh nhà chị N3 và chị N đều xác định việc chị N3 khi sinh thời có xin một đứa bé gái về nuôi từ khi mới sinh ra và nuôi cháu bé đến khi chị N3 chết vào năm 2016, đó là cháu Minh A. Trong quá trình giải quyết vụ án, bà V cũng xác định cháu Minh A là con đẻ của chị T. Đồng thời chị T đã cung cấp được bản kết luận giám định ADN ngày 08/5/2018 của Trung tâm xét nghiệm Logi ADN kết luận:

“Bằng kết luận ADN trên, chứng minh AND từ mẫu Võ Thị Mộng T và ADN từ mẫu Phạm Trần Minh A có cùng huyết thống “mẹ - con”. Mặc dù việc giám định ADN chưa được thực hiện theo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật (do xét nghiệm theo yêu cầu cá nhân, tự thu thập mẫu) nhưng đây là một trong những tài

47 Phụ lục số 04

liệu cần tham khảo vì nó phù hợp với những lời khai của những người làm chứng như bà V, bà N2 và những người dân xung quanh nhà chị N3. Chị N cho rằng cháu Minh A là con ruột của chị Phạm Thị N3 nhưng lại từ chối việc giám định ADN để chứng minh huyết thống cháu Minh A không phải là con của chị T. Từ những đánh giá, phân tích nêu trên, có cơ sở xác định: Cháu Phạm Trần Minh A, sinh ngày 15- 6-2013 là con của chị Võ Thị Mộng T. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu xác định con cho chị T là chưa xem xét đánh giá toàn diện nội dung vụ án. Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị Võ Thị Mộng T. Xác định cháu Phạm Trần Minh A là con ruột của chị Võ Thị Mộng T.

Một phần của tài liệu Hoạt Động thu thập chứng cứ trong việc giải quyết vụ Án hôn nhân và gia Đình theo pháp luật tố tụng dân sự việt nam (Trang 50 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)