Về nghĩa vụ thu thập chứng cứ trong các vụ án tranh chấp tài sản chung, riêng của vợ chồng và kiến nghị hoàn thiện

Một phần của tài liệu Hoạt Động thu thập chứng cứ trong việc giải quyết vụ Án hôn nhân và gia Đình theo pháp luật tố tụng dân sự việt nam (Trang 54 - 58)

CHƯƠNG 2. BẤT CẬP VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN VỀ HOẠT ĐỘNG

2.3. Về nghĩa vụ thu thập chứng cứ trong các vụ án tranh chấp tài sản chung, riêng của vợ chồng và kiến nghị hoàn thiện

Hoạt động thu thập chứng cứ giữ vai trò quan trọng trong việc giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình, góp phần giải quyết việc chấp nhận hay bác bỏ yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện. Chứng cứ là công cụ để các đương sự cũng như Tòa án sử dụng khi muốn chứng minh vấn đề nào đó trong vụ án hôn nhân và gia đình.

Từ những chứng cứ đã xác định được, Tòa án sẽ căn cứ yêu cầu khởi kiện cụ thể của đương sự và quy định của pháp luật để đưa ra phán quyết phù hợp. Chính bởi tầm quan trọng như vậy, để có được lợi thế nhất định trong vụ án hôn nhân và gia đình, đương sự cần chú trọng tới hoạt động tạo lập, thu thập chứng cứ trước khi tiến hành thủ tục khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình và việc đưa ra yêu cầu. Việc thu thập chứng cứ càng được tiến hành cẩn trọng bao nhiêu thì yêu cầu khởi kiện càng có cơ sở vững chắc và được Tòa án chấp nhận càng cao.

Ví dụ: Quyết định giám đốc thẩm số 19/2021/GĐT-HN&GĐ48. Trong hồ sơ vụ án, với những tài liệu, chứng cứ hiện có (giấy bán đất ghi ngày 10/05/1979; văn bản số 175/UBND ngày 07/06/2019 của UBND phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa; sự thừa nhận của các bên đương sự về nguồn gốc phần đất tại địa chỉ 316 khu phố 3, phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa...) thì có căn cứ xác định rằng phần đất của căn nhà số 316 khu phố 3, phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa do bà Thới Thị V. (là mẹ của ông A.) và ông Mỹ (anh của ông A.) mua vào năm 1979 (với giá 35.000 đồng). Như vậy, bà T., là người đưa ra yêu cầu, cho rằng đương sự cũng có quyền đối với phần đất nói trên, thì bà T. phải có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình.

48 Phụ lục số 05

Ví dụ: Bản án số 38/2017/HNGĐ-PT ngày 07/8/2017 v/v “Ly hôn, tranh chấp tài sản chung” do TAND quận S, Thành phố Đà Nẵng49 ban hành có nội dung như sau: Ông Huỳnh C và bà Đặng Thị M chung sống với nhau từ năm 1983, không có đăng ký kết hôn, có 6 người con chung. Trong quá trình chung sống, khoảng 10 năm gần đây, bắt đầu từ năm 2007 thì phát sinh mâu thuẫn nên ông C xin được ly hôn bà M. Về quan hệ hôn nhân, cả hai đồng ý ly hôn. Về con chung không đề cập đến. Về tài sản chung, ông C yêu cầu được chia 4/6 phần nhà và đất có diện tích 125m2 số thử AII-08 tờ bản đồ số TMB01 tại địa chỉ số 475, phường A, quận S, Đà Nẵng theo giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất số R391201 do UBND TP Đà Nẵng cấp ngày 13/06/2001 đứng tên bà Đặng Thị M. Bà M cho rằng vợ chồng không có tài sản chung, nhà và đất tại địa chỉ số 475 Trần Hưng Đ không phải tài sản chung của vợ chồng mà là tài sản riêng của bà. Vì số tiền để mua đất làm nhà là tiền mà bà vay của em gái Đặng Thị Hồng L đang định C tại Mỹ. Toà án đã yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xác định nhà đất trên là tài sản chung hay tài sản riêng giữa ông C và bà M. Đồng thời yêu cầu bà M đưa ra chứng cứ, chứng minh là tài sản này thuộc tài sản riêng của được tài sản này do được thừa kế riêng, được tặng riêng trong thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản này có được từ nguồn tài sản riêng quy định tại khoản 1 điều 32 Luật HNGĐ 2000. Ở đây, quá trình điều tra, thu thập chứng cứ không có văn bản nào thể hiện nhà và đất trên bà M được tặng cho riêng. Do vậy, trong trường hợp này không chứng minh được nhà và đất đang có tranh chấp trên là tài sản riêng của bà M đồng thời bà M cũng không chứng minh được bà là người có công sức đóng góp nhiều hơn ông Huỳnh C nên theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Luật HNGĐ năm 2000, nhà và đất trên được xác định là tài sản chung của vợ chồng ông Huỳnh C và bà Đặng Thị M. Lẽ ra, tài sản chung của vợ chồng khi không chứng minh được ai có công sức đóng góp nhiều hơn thì được chia đôi. Tuy nhiên, tại phiên tòa ông C yêu cầu chia theo tỷ lệ 4/6, xét đây là sự tự nguyện, có lợi cho bà M nên chấp nhận.

Trong nhiều trường hợp, quyền và nghĩa vụ chứng minh trong các vụ án hôn nhân và gia đình có thể chuyển từ một bên đương sự này sang bên đương sự khác trong quá trình tố tụng.

Ví dụ: Bản án số 08/2021/HN&GĐ-PT ngày 12/5/2021 Về việc “Tranh chấp chia tài sản sau khi ly hôn” do TAND cấp cao tại TP.HCM50 ban hành (Bản án số

49 Phụ lục số 06

50 Phụ lục số 07

08/2021) thể hiện Nguyên đơn là ông Lý Minh V. khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung sau ly hôn với bị đơn bà Đào Xuân Y. Đối với các tài sản, trong số đó có 04 thửa đất tại các lô E16-3, E16-4, E16-5 và E16-6 đường Cù Chính Lan, phường Vĩnh Lạc, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang bà Đào Xuân Y. được UBND thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 20/5/2015. Phía ông Lý Minh V. và Luật sư bảo về quyền lợi ích hợp pháp cho ông V. cho rằng “Tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng. Do bị đơn không chứng minh được tài sản riêng thì được xác định là tài sản chung”. Còn phía bà Đào Xuân Y. và Luật sư bảo về quyền lợi ích hợp pháp cho bà Y cho rằng “Nguyên đơn yêu cầu chia tài sản chung thì nguyên đơn phải có nghĩa vụ chứng minh là tài sản chung”.

Trong vụ án này, các bên đương sự đều muốn chuyển nghĩa vụ chứng minh và thu thập, cung cấp chứng cứ cho bên còn lại. Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định theo hướng suy đoán các tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung và áp đặt nghĩa vụ chứng minh tài sản riêng thuộc về bên cho rằng một tài sản là tài sản riêng của mình, theo đó “trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”. Tuy nhiên, Điều 6 Bộ luật TTDS năm 2015 lại quy định đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp, tức điều luật này quy định nghĩa vụ chứng minh một tài sản là tài sản chung thuộc về người cho rằng tài sản đó là tài sản chung.

Mặc khác, khoản 1 Điều 34 Luật HN&GĐ năm 2014 lại quy định “Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác”. Trong trường hợp một người cho rằng tài sản thể hiện tại giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ ghi tên một bên vợ, chung là tài sản chung của vợ chồng thì người đó phải chứng minh “vợ chồng có thỏa thuận” về việc để cho một bên vợ, chồng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng. Bản án số 08/2021 thể hiện đường lối xét xử của Tòa án là viện dẫn khoản 1 Điều 34 Luật HN&GĐ năm 2014 và Điều 6 Bộ luật TTDS năm 2015 để yêu cầu phía Nguyên đơn là ông ông Lý Minh V. phải

cung cấp chứng cứ chứng minh các tài sản trên là tài sản chung của vợ chồng hoặc các chứng cứ để chứng minh việc thỏa thuận tài sản chung của vợ chồng do bà Yến đứng tên cá nhân.

Trong một số vụ án HN&GĐ, Tòa án không công nhận nam nữ là vợ chồng, tài sản chung được tạo lập trong thời kỳ chung sống như vợ chồng được xác định là tài sản chung theo phần và phân chia theo pháp luật dân sự. Nếu có tranh chấp tài sản và không bên nào chứng minh được công sức đóng góp thì tài sản chia đôi.

VD: Quyết định giám đốc thẩm số 01/2021/HN&GĐ-GĐT ngày 17/11/2021 V/v tranh chấp ly hôn và chia tài sản chung do TAND cấp cao tại TP. HCM ban hành51. Theo Bản án, bị đơn ông Mai Văn T. thống nhất với nguyên đơn bà Nguyễn Xuân H. về xác định tài sản chung gồm: Căn nhà gắn liền với quyền sử dụng đất tại địa chỉ số 102 Nguyễn Trung Trực, thành phố Rạch Giá và 02 (hai) nền đất ở khu tại định cư An Hòa, thành phố Rạch Giá, còn lại cho rằng các bất động sản ở huyện Phú Quốc là tài sản của riêng ông, do cá nhân ông tạo lập được sau khi ông và bà H.

ly thân từ năm 2002. Tuy nhiên, năm 2012, khi ông T. có đơn xin ly hôn bà H. tại Tòa án nhân dân thành phố Rạch Giá thì ông T. đã khai nhận tất cả các bất động sản ở thành phố Rạch Giá và ở Phú Quốc đều là tài sản chung của ông và bà H. (sau đó do ông T. rút đơn khởi kiện nên vụ án được đình chỉ giải quyết). Đến năm 2014, khi bà H. xin ly hôn ông T. thì ông T. mới thay đổi lời khai, cho rằng tài sản ở Phú Quốc là của riêng ông. Tuy nhiên, ông T. không xuất trình được chứng cứ chứng minh quá trình ông tạo lập các tài sản này, trong khi bà H. khẳng định việc tạo lập các bất động sản ở huyện Phú Quốc là từ nguồn tiền kinh doanh vật liệu xây dựng của Doanh nghiệp Nhựt Tân do ông T. đứng chủ và bà là người trực tiếp quản lý, điều hành. Mặt khác, khi bà H. khởi kiện, đã liệt kê được đầy đủ các bất động sản ở huyện Phú Quốc, chứng tỏ bà H. nắm rõ việc mua bán các bất động sản ở huyện Phú Quốc do ông T. là người trực tiếp giao dịch. Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm xác định tài sản các bên có tranh chấp là tài sản chung của ông T., bà H. là có căn cứ. 2.2. Ông T., bà H. không được pháp luật công nhận là vợ chồng, nên tài sản chung của bà H., ông T. là tài sản chung theo phần, khi phân chia sẽ căn cứ vào công sức đóng góp của mỗi bên, nếu không bên nào chứng minh được công sức đóng góp thì phải chia đôi.

51 Phụ lục số 08.

Có thể thấy việc thu thập chứng cứ là giai đoạn khó khăn nhất trong quá trình giải quyết vụ án bởi chỉ khi thu thập chứng cứ đầy đủ, khách quan thì Tòa án mới có thể ra được phán quyết chính xác và đúng pháp luật.

Từ những thực tiễn trên, theo tác giả kiến nghị về nghĩa vụ thu thập chứng cứ trong vụ án tranh chấp tài sản chung, riêng của vợ chồng:

Toà án cần xác định rõ tài sản nào là tài sản chung của vợ chồng, tài sản nào là tài sản riêng của mỗi bên vì trong thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, ranh giới giữa tài sản chung và tài sản riêng dường như không có sự phân biệt. Khi xét đến các việc liên quan đến vay nợ của vợ chồng, công sức đóng góp tạo dựng tài sản nếu chung sống với gia đình, Toà án cần yêu cầu họ cung cấp các tài liệu chứng cứ liên quan về tài sản ngay từ khi mới bắt đầu thụ lý và Tòa án cần xác minh thu thập chứng cứ như: Nguồn gốc tài sản do đâu mà có; có từ trước hay sau khi kết hôn; do vợ chồng làm ra hay được tặng, cho thừa kế, được tặng cho chung hay được tặng cho riêng… Nếu là tài sản riêng thì đã nhập vào tài sản chung chưa, các văn bản thể hiện là gì, nếu không có văn bản thì quá trình sử dụng chung tài sản từ bao giờ, vào những việc gì, ai sử dụng, những ai biết, chứng kiến việc đó, ý kiến của người liên quan như thế nào, để từ đó, đánh giá xác định đúng các tài sản nào là tài sản chung, công sức đóng góp và phân chia đúng pháp luật.

Mặt khác, cần yêu cầu cung cấp ngay để tránh việc ngụy tạo thêm chứng cứ, mua chuộc người làm chứng hay việc các đương sự lợi dụng tẩu tán tài sản khi đang giải quyết vụ án. Đồng thời đương sự cũng cần chú trọng tới hoạt động tạo lập, thu thập chứng cứ trước khi tiến hành thủ tục khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình và việc đưa ra yêu cầu.

Một phần của tài liệu Hoạt Động thu thập chứng cứ trong việc giải quyết vụ Án hôn nhân và gia Đình theo pháp luật tố tụng dân sự việt nam (Trang 54 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)