CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT CHUNG VỀ MANG THAI HỘ
1.3 ĐIỀU CHỈNH CỦA PHÁP LUẬT CÁC QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI VỀ VẤN ĐỀ MANG THAI HỘ
1.3.2 Nhóm các quốc gia cấm mang thai hộ dưới mọi hình thức
Tại một số quốc gia có nền y học và pháp luật tiến bộ như Thụy Điển, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Italy và một số bang Arizona, Washington D.C, Kansas,
15 Phúc Duy, “Cấm người nước ngoài thuê phụ nữ Thái Lan đẻ mướn”, http://www.baomoi.com/Cam-nguoi- nuoc-ngoai-thue-phu-nu-Thai-Lan-de-muon/82/15999011.epi, truy cập vào ngày 01/6/2015
22
Kentucky, Lousiana, Michigan... của Mỹ, việc mang thai hộ dù vì mục đích nhân đạo hay vì mục đích thương mại đều bị coi là bất hợp pháp.
Điển hình ở Pháp, mang thai hộ xuất hiện cách đây không lâu. Thời kỳ đầu, một số tổ chức phục vụ cho hoạt động này được thành lập và hoạt động rất mạnh nhưng chủ yếu là vì mục đích thương mại. Thời kỳ này xã hội Pháp thông cảm nhưng về sau nhận thấy quyền lợi của người phụ nữ bị xâm hại và họ không được hưởng bất kỳ quyền lợi gì, khi mọi lợi ích nằm trong tay các tổ chức dịch vụ, đã khiến các tổ chức bị các cơ quan tư pháp giải thể. Mặt khác, các nhà lập pháp cũng lo ngại vấn đề giả mang thai hộ sau đó bỏ rơi hoặc bán đứa trẻ cho người khác theo một hợp đồng đã định, và đây là hành vi trái đạo đức xã hội nước Pháp.
Năm 1991, Tòa án tối cao Pháp tuyên bố: “Cơ thể con người là không phải để cho mượn hay để bán đi”. Quyết định này cấm tuyệt đối mọi hình thức mang thai hộ dẫu là tự nguyện hay được thương mại hóa. Mọi trường hợp bị phát hiện sẽ phải hầu tòa, thậm chí còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Lệnh cấm này được tái khẳng định trong pháp luật về đạo đức sinh học năm 1994, và được hệ thống hóa trong Điều 16.7 Bộ luật Dân sự Pháp, Điều 16.9 Bộ luật Dân sự làm phát sinh một lệnh cấm công cộng.16 Theo đó, một hợp đồng với nội dung mang thai hộ sẽ bị coi là vô hiệu, bất kể mục đích gì, các vi phạm sẽ áp dụng các chế tài dân sự theo quy định tại các Điều 311.25, Điều 325 và Điều 332.1 Bộ luật Dân sự hoặc Điều 227.12, Điều 227.13 Bộ luật Hình sự. Việc quy định cấm mang thai hộ tại Pháp nhằm ngăn chặn việc biến trẻ em trở thành một mặt hàng được giao dịch như hàng hóa giữa các cặp vợ chồng vô sinh và người mẹ thay thế, ngăn chặn việc khai thác những người mẹ thay thế, những người có điều kiện kinh tế thấp trong xã hội và phải từ bỏ quyền làm mẹ của đối với đứa trẻ sau khi sinh.
Quyết định gần đây tại các Tòa án Pháp minh họa cho sự phức tạp của việc thực thi lệnh cấm này trong bối cảnh toàn cầu hóa, nơi các quốc gia khác cho phép hợp thức hóa hợp đồng đẻ thuê, và cha mẹ vô sinh có thể đi ra nước ngoài để tìm ra các bà mẹ thay thế. Trong một phán quyết tháng 12 năm 2008, Tòa Giám đốc thẩm đã bác bỏ Giấy khai sinh của hai đứa con của một cặp vợ chồng sử dụng dịch vụ mang thai hộ ở bang California, và được thừa nhận là công dân của Mỹ. Hậu quả, hai đứa trẻ không được pháp luật Pháp công nhận là con của cặp vợ chồng người Pháp và điều đó đồng nghĩa hai đứa trẻ không được thừa nhận mang quốc tịch Pháp.
16 Lệnh cấm công cộng: theo quy định pháp luật Pháp, lệnh cấm công cộng là quy định bắt buộc tạo ra từ ý chí đơn phương của nhà nước để bảo vệ các giá trị cơ bản của xã hội.
23
Như vậy, thẩm phán Pháp đã cho rằng một tài liệu nước ngoài cụ thể trong trường hợp này là Giấy khai sinh bang California sẽ không được thừa nhận nếu nó chống lại trật tự công cộng quốc tế Pháp hoặc bất hợp pháp.
Mặc dù có sự hỗ trợ rộng rãi cho cải cách và hợp pháp hóa mang thai hộ, tuy nhiên việc cấm mang thai hộ đã được tái khẳng định trong quá trình sửa đổi Luật Đạo đức Sinh học năm 2009 – 2010 do được sự đồng thuận rộng rãi trong các Ủy ban phụ trách nghiên cứu sửa đổi pháp luật. Việc hợp pháp hóa mang thai hộ có thể dẫn tới tình trạng tồn tại các hợp đồng đẻ thuê bất hợp pháp, không tuân thủ các quy tắc pháp lý về bồi thường hoặc thiếu sự giám sát của các tổ chức y tế. Mặt khác, việc thừa nhận này cũng không tương thích với các nguyên tắc đạo đức, nhân phẩm con người nước Pháp.17 Như vậy, qua nghiên cứu có thể rút ra kết luận, pháp luật nước Pháp không thừa nhận mang thai hộ dưới mọi hình thức, bao gồm cả mang thai hộ vì mục đích nhân đạo hay mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Tại Đức, pháp luật quy định đẻ thuê là một hành vi vi phạm Điều 1 Hiến pháp Đức, theo đó quy định phẩm giá con người là bất khả xâm phạm, sử dụng cơ thể của một bên thứ ba cho mục đích sinh sản là đối tượng của hợp đồng là vi phạm điều cấm theo luật của Đức. Các quy định trong Bộ luật Dân sự Đức cũng theo hướng cấm việc mang thai hộ. Hơn nữa, với sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ tôn giáo, đặc biệt là Công giáo và nhóm Nữ quyền và Đảng xanh đã nỗ lực bảo vệ quyền lợi của cả người mẹ và thai nhi. Luật Bảo vệ phôi thai năm 1991 (The Embryo Protection Act since 1991) ra đời, quy định không một người hành nghề y khoa nào được thực hiện thụ tinh nhân tạo hoặc cấy phôi cho người phụ nữ sẵn sàng trao con cho người khác thông qua thỏa thuận trước khi sinh.
Đức cũng không thừa nhận tư cách công dân cho những đứa trẻ được sinh ra ở nước ngoài bằng việc sử dụng mang thai hộ. Vụ việc xoay quanh hai người đàn ông đồng tính Đức có con sinh ra thông qua người phụ nữ mang thai hộ ở bang California, Mỹ. Đứa trẻ sinh năm 2010 và được đăng ký khai sinh tại Mỹ, pháp luật bang này công nhận tư cách cha mẹ hợp pháp của hai người đàn ông đồng tính này với đứa trẻ được sinh ra. Khi trở về Đức, họ đã cố gắng thuyết phục các nhà chức trách Đức công nhận các con của họ, nhưng kết quả sự cố gắng của họ không như
17 “The prohibition of surrogate motherhood in France”, http://nyujilp.org/the-prohibition-of-surrogate- motherhood-in-france-2/ , truy cập ngày 02/6/2015
24
mong đợi, ngay cả khi đứa trẻ đã sống với cha ở thủ đô Berlin trong khoảng thời gian hơn ba năm.18
Arizona và District Columbia (Washington, D.C) là hai bang của Mỹ cấm tuyệt đối việc mang thai hộ, không phân biệt với mục đích gì. Pháp luật bang Arizona quy định, trong trường hợp mang thai hộ đã được tiến hành trên thực tế thì người mẹ được pháp luật Arizona công nhận là người mẹ chính thức và hợp pháp của đứa trẻ sẽ là người mẹ thay thế, người chấp nhận mang thai và sinh ra em bé. Mặt khác, trong trường hợp người phụ nữ đang trong thời kỳ hôn nhân thì người chồng đương nhiên là người cha hợp pháp của đứa trẻ. Bang District Columbia tuyên bố mọi thỏa thuận về mang thai hộ đều bị vô hiệu vào năm 1993 và nếu phát hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật hành chính và hình sự.