CHƯƠNG 2: PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VIỆT NAM QUY ĐỊNH VỀ MANG
2.5 GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LIÊN QUAN ĐẾN MANG THAI HỘ VÌ MỤC ĐÍCH NHÂN ĐẠO
Theo quy định tại Điều 99 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Tòa án được xác định là cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ. Tại Australia, Tòa án vị thành niên sẽ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp trên cơ sở đảm bảo lợi ích tốt nhất cho đứa trẻ. Phán quyết cuối cùng dù giao cho bên mang thai hộ hay bên nhờ mang thai hộ thì cũng phải dành sự chăm sóc, nuôi dưỡng như cha, mẹ hợp pháp của đứa trẻ.
Trong trường hợp chưa giao đứa trẻ mà cả hai vợ chồng bên nhờ mang thai hộ chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì bên mang thai hộ có quyền nhận nuôi đứa trẻ. Nếu bên mang thai hộ không nhận nuôi đứa trẻ thì việc giám hộ và cấp dưỡng đối với đứa trẻ được thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình và Bộ luật Dân sự.
Pháp luật quy định bên mang thai hộ được quyền nhận nuôi đứa trẻ khi cặp vợ chồng bên nhờ mang thai hộ chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự là hợp lý, thiết nghĩ vấn đề các nhà làm luật quan tâm hàng đầu đó là đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho đứa trẻ khi cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ là bố mẹ tương lai của đứa trẻ bị chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự. Việc bên mang thai hộ nhận nuôi, chăm sóc, yêu thương đứa trẻ như là con ruột của mình như một sự thay thế cho một gia đình đáng lẽ đứa trẻ sẽ được hưởng, nơi đó đứa trẻ sẽ được sống trong tình yêu thương của cha, mẹ và các thành viên trong gia đình.
Các bên trong quan hệ sinh con bằng kỹ thuật mang thai hộ nếu vi phạm điều kiện, quyền, nghĩa vụ được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự. 41
2.6 KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN CHẾ ĐỊNH MANG THAI HỘ VÌ MỤC ĐÍCH NHÂN ĐẠO
41 Điều 100 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
54
Qua quá trình nghiên cứu các quy định pháp luật hôn nhân và gia đình và trên cơ sở tham khảo quy định các quốc gia trên thế giới về mang thai hộ, tác giả có những kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Thứ nhất, về độ tuổi của người được nhờ mang thai hộ, theo điểm c khoản 3 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Người được nhờ mang thai hộ phải ở độ tuổi phù hợp” nhưng không có văn bản hướng dẫn nào quy định người phụ nữ nằm trong độ tuổi bao nhiêu là phù hợp? Và ai là người có thẩm quyền xác định điều kiện này? Nếu quy định chung như vậy sẽ dẫn đến sự tùy tiện, làm dụng khi xem xét điều kiện của người mang thai hộ. Pháp luật các quốc gia trên thế giới đều quy định cụ thể độ tuổi người mang thai hộ, như ở Ấn Độ người phụ nữ mang thai hộ phải nằm trong độ tuổi từ hai mươi mốt đến ba mươi lăm tuổi, tại Australia pháp luật quy định người phụ nữ mang thai hộ phải ít nhất từ 25 tuổi trở lên.
Do vậy tác giả cho rằng Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 hoặc các văn bản hướng dẫn thi hành cần quy định độ tuổi cụ thể được quyền mang thai hộ cho cặp vợ chồng vô sinh. Chúng ta có thể tham ý kiến của các chuyên gia y tế để đưa ra độ tuổi phù hợp trên cơ sở phù hợp với sự phát triển thể chất và tinh thần phụ nữ Việt Nam. Theo quy định của pháp luật hiện hành, độ tuổi kết hôn đối với nữ là từ đủ 18 tuổi.42 Đây là độ tuổi người phụ nữ hoàn thiện tâm sinh lý và thể trạng sức khỏe tốt, chức năng sinh sản của người phụ nữ phát triển hoàn thiện và họ cũng đủ năng lực chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Xét thấy, một trong những điều kiện của bên mang thai hộ phải đã từng sinh con, luật không giới hạn đã từng sinh con bao nhiêu lần, nhưng đỏi hỏi ít nhất người mang thai hộ đã từng mang thai một lần, như vậy theo quan điểm của tác giả, độ tuổi cho phép người phụ nữ nhận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là từ đủ 20 tuổi trở lên.
Thứ hai, quy định người phụ nữ mang thai hộ nếu có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng, theo cách nhìn nhận đánh giá của tác giả quy định này làm thu hẹp cơ hội tìm kiếm người mang thai hộ hợp pháp cho cặp vợ
42 Điểm a, khoản 1, Điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
55
chồng vô sinh. Bởi xuất phát từ những trường hợp trong thực tiễn, có thể nhận thấy rằng ly thân đang diễn ra và ngày càng phổ biến trong xã hội. Trong lần sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 mới đây, cùng với mang thai hộ, ly thân cũng được đưa vào nội dung dự thảo và gây ra nhiều tranh cãi, nhưng cuối cùng chế định này không được pháp luật ghi nhận điều chỉnh. Đặt trường hợp vợ chồng vô sinh tìm được người đồng ý mang thai hộ cho mình, nhưng người phụ nữ này có chồng và hai vợ chồng không còn sống chung với nhau nữa, mà đang trải qua thời kỳ ly thân, về mặt pháp lý họ vẫn tồn tại quan hệ vợ chồng hợp pháp.
Nếu quy định này được thực thi một cách cứng nhắc thì trong thực tiễn nhiều người phụ nữ không thể hiện thực hóa quyền mang thai hộ vì lý do không đáp ứng đủ điều kiện mang thai hộ, cụ thể không có văn bản đồng ý cho phép mang thai hộ của người chồng. Bởi, mặc dù về mặt pháp lý họ tồn tại hôn nhân hợp pháp nhưng mỗi người sống một nơi, và không xác định được nơi cư trú của người chồng hoặc người chồng ra nước ngoài hoặc xác định được nơi cư trú nhưng việc lấy ý kiến bằng văn bản từ người chồng trở thành câu chuyện khó khăn, khi tình cảm đã bị sứt mẻ, tồn tại mâu thuẫn, bất đồng, không còn quan tâm, yêu thương lẫn nhau, người chồng có thể không đồng ý, gây khó khăn cho người vợ.
Quy định lấy ý kiến bằng văn bản của người chồng thể hiện nguyên tắc vợ chồng bình đẳng với nhau và có quyền và nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình. 43 Tuy nhiên để tránh trường hợp áp dụng cứng nhắc và dập khuôn pháp luật cần bổ sung các trường hợp ngoại lệ, mở rộng phạm vi, cơ hội quyền mang thai hộ của người phụ nữ.
Thứ ba, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì mang thai hộ chỉ được áp dụng cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, luật giới hạn chủ thể được quyền thực hiện kỹ thuật này, còn các trường hợp khác thì không được nhờ mang thai hộ. Cụ thể hóa quy định này, khoản 1 Điều 3 Nghị định 10/2015/NĐ-CP cũng quy định nguyên tắc áp dụng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là “Căp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa”. Xét thấy, pháp luật cho phép chủ
43 Điểm b, khoản 3, Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
56
thể là người phụ nữ độc thân được quyền thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm để có con, nhưng không được pháp luật cho phép thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mang thai hộ. Tác giả cho rằng nếu pháp luật đã mở rộng cơ hội cho người phụ nữ độc thân được có con bằng con đường áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì tại sao không cho người đó quyền nhờ mang thai hộ, khi người đó thật sự mong muốn có con nhưng không thể mang thai và sinh con?
Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới cũng quy định chủ thể nhờ mang thai hộ không chỉ là các cặp vợ chồng vô sinh mà người nhờ mang thai hộ còn bao gồm cả người phụ nữ độc thân, họ cũng được pháp luật ghi nhận quyền này. Nhưng để tránh tình trạng lợi dụng việc mang thai hộ vì lý do không chính đáng thì cần quy định “Phụ nữ độc thân phải có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có quyền mang thai hộ vì mục đích nhân đạo”.
Như vậy, đối với cặp vợ chồng thì chỉ cần có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc không thể mang thai và sinh con thì có thể nhờ người khác mang thai hộ. Tuy nhiên, đối với trường hợp phụ nữ độc thân thì ngoài việc có xác nhận về tình trạng không thể mang thai và sinh con, họ cần có thêm điều kiện là đã áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thụ tinh trong ống nghiệm nhưng không thể mang thai và sinh con thì mới được phép nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Thứ tư, cơ sở khám bệnh chữa bệnh được cấp phép thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Luật quy định, bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải là tổ chức tư vấn y tế, pháp lý, tâm lý cho cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ. Bệnh viện phải có trách nhiệm xem xét, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ và chuyên môn kỹ thuật do cơ sở mình thực hiện.44 Đây là quy định không khả thi, vì đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các bác sỹ với trình độ chuyên môn của mình chỉ có thể tư vấn các vấn đề liên quan đến y tế, lĩnh vực chuyên ngành, còn vấn đề pháp lý là trách nhiệm của cơ quan công an, cơ quan hộ tịch, tư pháp.
Bệnh viện chỉ có thể xem xét hồ sơ đề nghị được mang thai hộ và thực hiện khi hồ sơ có đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định của pháp luật. Bệnh viện khó có
44 Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP
57
thể thẩm định được các loại giấy tờ đó có hợp pháp hay không. Theo quan điểm của tác giả, để tránh các vấn đề phức tạp và rắc rối của việc mang thai hộ, các bệnh viện không nên tham gia nhiều vào việc xét duyệt tính pháp lý, sắp xếp hay thương lượng giữa hai bên liên quan. Ở nhiều nước trên thế giới, việc xét duyệt hướng dẫn hợp đồng, tư vấn các cặp vợ chồng thường được thực hiện tại các tổ chức độc lập với cơ sở thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Các bệnh viện chỉ đơn thuần thực hiện chức năng vốn có là nơi thực hiện kỹ thuật chuyên môn y tế sau khi các bên liên quan đã hoàn tất các thủ tục.
Thứ năm, liên quan đến thời điểm phát sinh quyền cha, mẹ của người nhờ mang thai hộ. Theo quy định tại Điều 94 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra”. Khoản 2 Điều 98 cũng quy định:
“Quyền và nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đối với con phát sinh kể từ thời điểm con được sinh ra”, nghĩa là thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ của cặp vợ chồng mang thai hộ là thời điểm đứa trẻ sinh ra.
Nhưng khoản 1 Điều 97 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 lại quy định: “Người mang thai hộ, chồng của người mang thai hộ có quyền, nghĩa vụ như cha, mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc, nuôi dưỡng con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ”, nghĩa là thời điểm chấm dứt quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ của người nhận mang thai hộ và chồng nếu có là thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ.
Mặc dù, hai quy định này đều hướng đến đảm bảo lợi ích cao nhất cho đứa trẻ nhưng việc quy định hai điều khoản như vậy sẽ không thống nhất và có thể gây ra bất cập, vì đặt trường hợp đứa trẻ được sinh ra nhưng chưa được giao cho cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ thì cả vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ cùng chồng (nếu có) đều có nghĩa vụ và quyền đối với đứa trẻ, nếu có sự cố không mong muốn xảy ra như trẻ bị dị tật, chết.... thì sẽ không tránh khỏi việc tranh chấp bên nào phải chịu trách nhiệm bồi thường?
Do vậy pháp luật nên quy định thống nhất theo một trong hai hướng sau: Thứ nhất, quy định rõ ngay sau khi đứa trẻ được sinh ra thì buộc bên mang thai hộ phải giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai, để đảm bảo cho thời điểm này là một. Thứ hai, vì lý do nào đó mà nhà làm luật cho rằng không thể giao đứa trẻ ngay sau khi sinh
58
thì có thể quy định: “Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm nhận được con từ người mang thai hộ” và “Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đối với đứa con phát sinh kể từ thời điểm nhận được con từ người mang thai hộ” cách quy định này tương tự như cách quy định của pháp luật Australia. Và trong thời gian chưa giao đứa trẻ thì người mang thai hộ và chồng (nếu có) có quyền, nghĩa vụ như cha mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc nuôi dưỡng con.
PHẦN 3: KẾT LUẬN
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là chế định mới được ghi nhận chịu sự điều chỉnh của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Xuất phát từ thực tiễn cho thấy, tỉ lệ cặp vợ chồng hiếm muộn trong nước ngày càng tăng, quyền được làm cha, làm mẹ không chỉ là quyền mưu cầu hạnh phúc của cá nhân, một trong những quyền cơ bản của con người. Do đó, những cặp vợ chồng vô sinh luôn khát khao được thực hiện thiên chức làm cha, làm mẹ của mình, họ mong muốn có một đứa con chung mang đặc điểm di truyền của cả cha và mẹ. Thiết nghĩ, nhu cầu này hoàn toàn chính đáng và cần được quan tâm. Hơn nữa, trong quãng thời gian pháp luật cấm mang thai hộ, thì thực trạng “đẻ thuê, đẻ mướn” vẫn âm thầm diễn ra dưới mọi hình thức và hệ lụy của nó để lại không chỉ cho gia đình mà còn tác động đến xã hội. Nhà nước đã rất khó khăn trong việc tìm kiếm và áp dụng các biện pháp để xử lý hậu quả của việc đẻ thuê, đặc biệt là các biện pháp để bảo vệ quyền và các lợi ích hợp pháp của những đứa trẻ được sinh ra từ việc mang thai hộ trái pháp luật. Mang thai hộ là một thành tựu khoa học trong lĩnh vực y học, nhưng để hiện tượng này phát triển đúng hướng, đúng ý nghĩa xã hội, thì pháp luật cần phải điều chỉnh quan hệ này một cách kịp thời, cụ thể, tránh hiện tượng đi ngược lại bản chất xã hội của mang thai hộ. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và dành riêng một chế định để điều chỉnh vấn đề này.
Nhìn bao quát lại toàn bộ nội dung công trình nghiên cứu, công trình đã cung cấp được cái nhìn sơ lược về lịch sử hình thành và phát triển của mang thai hộ, phân tích, tìm hiểu khái niệm cơ bản về mang thai hộ, đưa ra ý nghĩa của việc hợp thức
59
hóa mang thai hộ là phù hợp với xu thế chung của xã hội, đồng thời không đi ngược với văn hóa truyền thống, quan điểm đạo đức của người Việt Nam. Phần tác giả tâm huyết nhất của công trình nghiên cứu là chương II của luận văn, tác giả tìm hiểu và phân tích các quy định pháp luật hôn nhân và gia đình điều chỉnh về chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đó là các quy định liên quan đến điều kiện của các bên trong quan hệ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; các điều khoản trong thỏa thuận mang thai hộ; các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên, cách thức giải quyết khi có tranh chấp xảy ra. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn, công trình đã đưa ra ycác kiến nghị nhằm hoàn thiện chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và những kiến nghị đó bao gồm: (i) Quy định độ tuổi tối thiểu của bên mang thai hộ được quyền nhận mang thai hộ là từ đủ 20 tuổi trở lên; (ii) Pháp luật cần bổ sung những trường hợp ngoại lệ áp dụng trong trường hợp bên mang thai hộ có chồng nhưng không nhận được sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; (iii) Ngoài chủ thể là các cặp vợ chồng vô sinh, tác giả kiến nghị cho phép người phụ nữ độc thân cũng được quyền thực hiện kỹ thuật mang thai hộ nhưng có điều kiện đi kèm; (iv) Việc xem xét, kiểm tra, giám sát tính pháp lý của hồ sơ xin thực hiện mang thai hộ cần tách biệt với chức năng thuần túy của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện mang thai hộ; (v) Thời điểm phát sinh quyền làm cha, mẹ của người nhờ mang thai hộ.
Tác giả hy vọng, với công trình nghiên cứu của mình đặt trong bối cảnh hiện nay sẽ là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị cho những ai quan tâm, tìm hiểu đến vấn đề này và những kiến nghị của tác giả sẽ được xem xét trong quá trình hoàn thiện pháp luật về chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
.