CHƯƠNG I KHÁI QUÁT CHUNG VỀ ĐÌNH CHỈ GIẢI QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ VỀ TRANH CHẤP KINH DOANH, THƯƠNG MẠI
1.3. Sơ lược về quá trình phát triển của pháp luật Việt Nam về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự về tranh chấp kinh doanh, thương mại từ tháng 8 năm
1.3.1. Giai đoạn từ tháng 8 năm 1945 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 1994
1.3.1.1. Giai đoạn từ tháng 8 năm 1945 đến trước tháng 01 năm 1960 Sau khi Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ra đời. Dù vừa mới thành lập nên còn rất nhiều khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm vượt qua khó khăn để ổn định và phát triển đất nước. Trong đó, có những chính sách pháp luật được ban hành nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội nói chung và quan hệ kinh doanh, thương mại nói riêng.
Ở giai đoạn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/01/1946, Sắc lệnh số 51/SL ngày 17/4/1946 và Sắc lệnh số 85/SL ngày 22 tháng 5 năm 1950 nhằm quy định cách thức tổ chức, thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp về dân sự và thương sự và các hành vi vi phạm hình sự (tiểu hình, đại hình) của các cấp Toà án (Ban tư pháp xã, Toà sơ cấp, Toà nhị cấp, Toà thượng thẩm). Với những quy định trên, việc giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại đã được ghi nhận với tên gọi là tranh chấp về thương sự. Các tranh chấp này chủ yếu được giải quyết thông qua hoà giải tại Ban tư pháp xã, nếu không hoà giải thành thì sẽ đưa lên Toà án xét xử và đưa ra phán quyết. Tuy nhiên, các Sắc lệnh này chưa quy định về đình chỉ.
Đối với miền nam Việt Nam, trong giai đoạn này, việc giải quyết các tranh chấp thương sự được điều chỉnh bằng Nghị định ngày 16/3/1910 và BLTTDS 1806 của Pháp. Trong các văn bản này cũng chưa tìm thấy quy định về đình chỉ giải quyết tranh chấp thương sự.
1.3.1.2. Giai đoạn từ tháng 01 năm 1960 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 1994
Từ tháng 01 năm 1960, pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại đã có sự thay đổi so với giai đoạn trước. Toà án không còn thẩm quyền giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại nữa và thẩm quyền này được chuyển cho Trọng tài kinh tế giải quyết. Thể hiện cụ thể bằng việc Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị định 04/TTg ngày 04 tháng 01 năm 1960 quy định về Điều lệ tạm thời về Hợp đồng kinh tế và Nghị định số 20/TTg ngày 14/11/1960 Tổ chức ngành Trọng tài kinh tế Nhà nước. Theo đó, Trọng tài kinh tế được tổ chức ở cấp trung ương, khu, thành phố, tỉnh và bộ thuộc cơ quan Chính phủ với chức năng chủ yếu là xử lý các tranh chấp về hợp đồng kinh tế. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 29/TTg ngày 23 tháng 02 năm 1962 về nguyên tắc giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài kinh tế.
Đến ngày 10 tháng 3 năm 1975, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/CP thay thế cho Nghị định 04/TTg nêu trên. Tiếp đến, ngày 14 tháng 4 năm 1975 Chính phủ ban hành thêm Nghị định số 75/CP quy định về Điều lệ
tổ chức của Trung tâm Trọng tài kinh tế. Theo quy định tại điều lệ này, Trọng tài kinh tế được thành lập như một Cơ quan nhà nước có chức năng chủ yếu là quản lý việc ký hợp đồng kinh tế thay vì xử lý vi phạm hợp đồng như các quy định trước đây.
Từ năm 1986, Đảng và Nhà nước với chủ trương đổi mới toàn diện, phát huy nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường. Để đảm bảo sự vận hành của nền kinh tế theo chủ trương mới, một trong những nhiệm vụ đặt ra là phải đổi mới những quy định của pháp luật về chế độ hợp đồng kinh tế và đi liền với nó là cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh. Đáp ứng yêu cầu đó, ngày 25 tháng 9 năm 1989 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Pháp lệnh về hợp đồng kinh tế và tiếp sau đó là ban hành Pháp lệnh về Trọng tài kinh tế. Các văn bản này đã đổi mới căn bản về tổ chức, phân cấp thẩm quyền và thủ tục giải quyết tranh chấp. Pháp lệnh đã bỏ Trọng tài kinh tế cấp bộ và ghi nhận sự tự do lựa chọn tổ chức trọng tài đứng ra giải quyết tranh chấp.
Tuy nhiên, chức năng chủ yếu của Trọng tài kinh tế vẫn là quản lý Nhà nước về hợp đồng kinh tế, còn việc xét xử vừa ít lại vừa thiếu tính hiệu lực thi hành. Hình thức giải quyết tranh chấp kinh tế bằng con đường trọng tài vẫn tồn tại cho đến khi Toà kinh tế được hình thành trên cơ sở ban hành Pháp lệnh TTGQCVAKT ngày 16 tháng 3 năm 1994.
Tóm lại, trong giai đoạn này pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại nói riêng chưa có một chế định nào quy định việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự về tranh chấp kinh doanh, thương mại. Chủ yếu là quản lý hợp đồng kinh tế và xử lý vi phạm hợp đồng là chính.
1.3.2. Giai đoạn từ ngày 01 tháng 7 năm 1994 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2012
Trong điều kiện cơ chế kinh tế mới, sự tồn tại của Trọng tài kinh tế với chức năng là một cơ quan quản lý nhà nước không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường. Sự phát triển đa dạng các loại hình kinh tế cùng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế có hình thức sở hữu khác nhau dẫn đến sự thay
đổi cả về hình thức, tính chất tranh chấp và đi liền với nó là nội dung tranh chấp. Do đó, đòi hỏi phải có phương thức giải quyết tranh chấp và một cơ quan có quyền lực Nhà nước mạnh hơn thay thế cho Trọng tài kinh tế nhằm phù hợp với thực tiễn và đảm bảo các phán quyết của cơ quan này trong giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại có hiệu lực thi hành cao. Chính vì vậy, Toà kinh tế nằm trong hệ thống Toà án nhân dân được ra đời nhằm đảm nhận chức năng giải quyết các tranh chấp kinh tế phát sinh trong giai đoạn này.
Ngày 28 tháng 12 năm 1993, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Toà án nhân dân được Quốc hội khoá IX thông qua. Theo đó, Toà kinh tế được thành lập với tư cách là một Toà chuyên trách trong hệ thống Toà án nhân dân có chức năng giải quyết các tranh chấp kinh tế. Song song, với việc ra đời của Toà kinh tế thì hệ thống Trọng tài kinh tế được tuyên bố giải thể.
Do tranh chấp kinh tế có những đặc thù riêng, ngày 16 tháng 3 năm 1994 UBTVQH đã ban hành Pháp lệnh TTGQCVAKT, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 1994. Trong văn bản pháp luật này, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự về tranh chấp kinh doanh, thương mại được quy định.
Điều 39, 50 và khoản 4 Điều 70 của Pháp lệnh TTGQCVAKT quy định về căn cứ, thẩm quyền đình chỉ tại giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm khi Toà kinh tế tiến hành giải quyết các tranh chấp bằng tố tụng Toà án.
Tuy nhiên, trước đòi hỏi khách quan về đa dạng hoá các hình thức và phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, thương mại phù hợp với cơ chế thị trường, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngày 05 tháng 9 năm 1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/CP quy định về tổ chức và hoạt động của các Trung tâm Trọng tài kinh tế. Đồng thời, Pháp lệnh Trọng tài thương mại cũng được ban hành ngày 25 tháng 02 năm 2003, có hiệu lực ngày 01 tháng 7 năm 2003 và được thay thế bởi Luật Trọng tài thương mại ban hành ngày 17 tháng 6 năm 2010, có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2011. Từ đó, cho thấy việc giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại từ năm 1994 đến nay tồn tại song song hai phương thức giải quyết đó là tố tụng toà án và tố tụng trọng tài.
Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 08-NQ/TW và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ chính trị về trọng tâm công tác tư pháp và chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Ngày 15 tháng 6 năm 2004, Quốc hội khoá XI đã thông qua BLTTDS, có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2005.
Pháp lệnh TTGQCVAKT nói riêng và các quy định khác về trình tự, thủ tục giải quyết về các quan hệ dân sự, lao động, hôn nhân - gia đình... hết hiệu lực thi hành.
BLTTDS năm 2004 quy định những nguyên tắc, trình tự, thủ tục giải quyết các vụ án dân sự bao hàm cả quan hệ tranh chấp về kinh doanh, thương mại. Những quy định về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong BLTTDS năm 2004 được quy định cụ thể, rõ ràng hơn về các căn cứ đình chỉ, thẩm quyền đình chỉ và hậu quả pháp lý khi đình chỉ. Những quy định này đã góp phần khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh TTGQCVAKT quy định về đình chỉ nói riêng và các chế định pháp lý khác nói chung sau hơn 10 năm Pháp lệnh được thi hành.
Tóm lại, trong giai đoạn này lần đầu tiên quy định về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự về tranh chấp kinh doanh, thương mại được ghi nhận trong pháp luật Việt Nam cũng như việc quy định hai cơ quan tồn tại song song đều có chức năng giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại. Điều đó đã đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của xã hội đặt ra khi xác lập quan hệ kinh doanh, thương mại.
1.3.3. Giai đoạn từ ngày 01 tháng 01 năm 2012 đến nay
Nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp bách của thực tiễn về giải quyết các vụ, việc dân sự nói chung và các vụ án dân sự về tranh chấp kinh doanh, thương mại nói riêng trong giai đoạn hiện nay. Tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khoá XII, ngày 29 tháng 3 năm 2011 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2004, có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2012.
Những quy định đình chỉ vụ án dân sự của BLTTDS năm 2004 so với BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 vẫn giữ nguyên bố cục về các chương, số điều luật và chỉ sửa đổi, bổ sung về nội dung ở các điều luật cụ thể nhằm khắc phục những thiếu sót, bất cập của chế định này qua gần 7 năm đưa vào
thực tiễn áp dụng của BLTTDS năm 2004. Như quy định về căn cứ đình chỉ có bổ sung thêm vào căn cứ mà do thiếu sót của Toà án đã thụ lý vụ án khi chưa đủ điều kiện hoặc bổ sung thêm quyền yêu cầu xét xử vắng mặt của đương sự để loại trừ trường hợp đình chỉ...
Bên cạnh đó, qua nghiên cứu những quy định hiện hành về chế định đình chỉ vụ án dân sự về tranh chấp, kinh doanh, thương mại tại BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 vẫn còn những hạn chế, bất cập.
Tóm lại, đình chỉ vụ án dân sự về giải quyết tranh chấp nói chung và tranh chấp kinh doanh, thương mại nói riêng qua nhiều lần được sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện và phù hợp với thực tiễn, nhưng đến giai đoạn này thì những quy định hiện hành về đình chỉ vẫn còn đó những thiếu sót, tồn tại cần được nghiên cứu, đề xuất sửa đổi để ngày càng hoàn thiện hơn.