CHƯƠNG I KHÁI QUÁT CHUNG VỀ ĐÌNH CHỈ GIẢI QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ VỀ TRANH CHẤP KINH DOANH, THƯƠNG MẠI
1.4. Quy định của pháp luật nước ngoài về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự về tranh chấp kinh doanh, thương mại
1.4.1. Quy định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo Bộ luật Tố tụng dân sự của Liên Bang Nga
BLTTDS mới của Liên Bang Nga được Quốc hội (Duma) thông qua ngày 23 tháng 10 năm 2002, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 02 năm 2003, thay thế BLTTDS Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết Liên Bang Nga năm 1964.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 22 của BLTTDS Liên Bang Nga thì Toà án có quyền xét xử vụ án dân sự về tranh chấp kinh tế theo trình tự, thủ tục được quy định tại BLTTDS này, ngoại trừ những tranh chấp kinh tế và những tranh chấp khác mà Luật Hiến Pháp và Luật Liên Bang quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài. Và khi giải quyết tranh chấp ở giai đoạn sơ thẩm thì Thẩm phán hoặc Hội đồng có quyền đưa ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án khi có một trong những căn cứ nhất định.
- Căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án
Căn cứ để Toà án đình chỉ giải quyết vụ án được quy định tại Điều 220 BLTTDS Liên Bang Nga, được chia ra hai trường hợp sau:
+Dựa vào ý chí của các đương sự
Pháp luật tố tụng dân sự Liên Bang Nga nói riêng và các nước nói chung đều thừa nhận nguyên tắc tự định đoạt của các đương sự trong quá trình giải quyết tranh chấp dân sự. Cho nên, ở bất kỳ giai đoạn nào mà các đương sự không muốn tiếp tục theo đuổi vụ kiện nữa thì họ có quyền rút đơn khởi kiện, hoặc họ đã tự thương lượng, hoà giải được với nhau thì Toà án chấp nhận và ra phán quyết đình chỉ vụ án. Điều 220 BLTTDS Liên Bang Nga quy định vụ án được đình chỉ trong các trường hợp sau: đã có quyết định của Toà án về đình chỉ giải quyết vụ án do nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc do hoà giải giữa các bên đã được Toà án công nhận; nguyên đơn rút đơn khởi kiện và được Toà án chấp nhận; các bên hoà giải với nhau và được Toà án chấp nhận. Tuy nhiên, việc quy định giao cho Toà án có quyền xem xét có chấp nhận hay không là cần thiết và hợp lý. Bởi vì, nếu các bên hoặc nguyên đơn lợi dụng việc tự định đoạt để thoả thuận hoặc rút đơn khởi kiện trái pháp luật, xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp của người khác, vi phạm đạo đức, truyền thống... thì Toà án phải từ chối là lẽ đương nhiên.
Tóm lại, việc đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp này khi ý chí của đương sự không trái luật, vi phạm đạo đức và không xâm phạm đến quyền lợi ích hợp pháp của người khác thì Toà án chấp nhận và ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
+ Dựa vào các căn cứ do pháp luật quy định
Ngoài các căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do ý chí của các đương sự nêu trên, tại Điều 220 BLTTDS Liên Bang Nga còn quy định các căn cứ khác mà Toà án có quyền ra quyết định đình chỉ khi thụ lý vụ án, bao gồm:
Đơn khởi kiện không được xem xét và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự vì vụ kiện đó được xem xét và giải quyết theo thủ tục khác.
Nội dung đơn kiện để bảo vệ quyền, tự do và lợi ích hợp pháp của người khác mà BLTTDS Liên Bang Nga và Luật Liên Bang không quy định.
Người khởi kiện nhân danh cá nhân để khởi kiện không liên quan đến quyền, tự do và lợi ích hợp pháp của mình.
Đã có phán quyết có hiệu lực pháp luật của Toà án hoặc của Trọng tài đối với chính vụ kiện này. Trừ trường hợp Toà án từ chối đưa phán quyết của Trọng tài ra cưỡng chế thi hành.
Ngoài ra, việc đình chỉ giải quyết vụ án không phụ thuộc vào ý chí của đương sự còn dựa vào căn cứ nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân chết mà quan hệ tranh chấp không được thừa kế quyền và nghĩa vụ hoặc là tổ chức đã được giải thể hoàn thành26.
Nhìn nhận quy định về căn cứ đình chỉ theo pháp luật Liên Bang Nga với quy định tại Điều 192 BLTTDS Việt Nam, có thể nhận thấy sự khác biệt trong một số căn cứ đình chỉ vụ án, cụ thể như sau:
+ Trường hợp đương sự hoà giải được với nhau, Toà án có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận việc hoà giải của các bên để xem xét đình chỉ vụ án hay không. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam lại quy định thành hai trường hợp: (i) nếu đương sự tự thoả thuận được với nhau và không yêu cầu toà án giải quyết nữa thì đây là căn cứ để Toà án ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án; (ii) đương sự tự thoả thuận được với nhau và yêu cầu Toà án công nhận thì Toà án ra quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự để giải quyết vụ án.
+ Trường hợp tổ chức giải thể thì BLTTDS Liên Bang Nga quy định đình chỉ giải quyết vụ án khi việc giải thể đó đã được hoàn thành. Còn BLTTDS Việt Nam khi có quyết định của Toà án mở thủ tục phá sản thì Toà án đang thụ lý giải quyết đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ kiện.
+ BLTTDS Liên Bang Nga còn quy định một căn cứ đình chỉ mà pháp luật Việt Nam không quy định, đó là trường hợp đã có phán quyết của Trọng
26 Theo khoản 1 Điều 134 BLTTDS Liên Bang Nga.
tài có hiệu lực bắt buộc đối với các bên trong chính vụ án đó thì đó là căn cứ đình chỉ vụ án.
- Hậu quả của đình chỉ giải quyết vụ án
Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án được quy định tại Điều 221 của BLTTDS Liên Bang Nga.
Về hậu quả chung của tất cả các căn cứ đình chỉ là việc khởi kiện lại đúng vụ án là không được phép. Tức các đương sự không có quyền khởi kiện lại đối với vụ án này. Tiêu chí để xác định là cùng một vụ án phải dựa vào quan hệ tranh chấp, tư cách tham gia tố tụng của đương sự không có sự khác nhau so với vụ án bị đình chỉ. Mặt khác, hậu quả chung khi đình chỉ vụ án là các biện pháp khẩn cấp tạm thời phải được huỷ bỏ.
Về hậu quả riêng của từng trường hợp đình chỉ, đó là chi phí tố tụng.
Chi phí tố tụng bao gồm lệ phí và chi phí liên quan đến hoạt động tố tụng. Lệ phí được thu theo quy định về thuế của Luật Liên Bang và căn cứ vào giá của vụ án; chi phí liên quan đến hoạt động tố tụng có thể là chi phí trả cho: người giám định, phiên dịch, nhân chứng, nhà chuyên môn, người đại diện, những người tham gia khác và các chi phí khác... Khoản chi phí được tính gồm tiền ăn ở, đi lại, thời gian tham gia...
Đối với trường hợp đình chỉ theo ý chí của đương sự thì lệ phí đã nộp không được hoàn trả lại cho nguyên đơn, các bên đương sự mà phải nộp vào Ngân sách. Riêng phần chi phí liên quan đến hoạt động tố tụng nếu có sẽ do nguyên đơn gánh chịu nếu nguyên đơn rút yêu cầu; trường hợp nếu đình chỉ do các bên hoà giải thì chi phí liên quan đến hoạt động tố tụng do các bên tự thoả thuận quyết định, nếu không thoả thuận quyết định được thì chi phí liên quan đến hoạt động tố tụng do bên nào yêu cầu thì bên đó phải chịu phần liên quan đến yêu cầu của mình.
Đối với trường hợp đình giải quyết vụ án dựa vào những căn cứ pháp luật nằm ngoài ý chí của đương sự, ngoại trừ căn cứ “nguyên đơn, bị đơn là cá nhân chết... hoặc là tổ chức đã bị giải thể hoàn thành...” thì lệ phí và chi phí liên quan đến hoạt động tố tụng được giải quyết như trường hợp đình chỉ theo ý chí của đương sự. Các căn cứ đình chỉ còn lại thì lệ phí và chi phí liên quan
sẽ được trả lại cho đương sự đã nộp và ngân sách liên bang nơi Toà án đã thụ lý sẽ phải chịu chi phí liên quan đến hoạt động tố tụng như chi phí trả cho nhân chứng, người giám định... Bởi vì, việc dẫn đến vụ án bị đình chỉ là do lỗi của Toà án đã thụ lý (không thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng Toà án không phát hiện tiếp tục thụ lý dẫn đến đình chỉ).